Thứ Năm, 28/11/2024 12:47 CH
Qua miền Tây Bắc (Tiếp theo kỳ trước)
Thứ Tư, 07/05/2014 07:43 SA

Tác giả chụp hình lưu niệm với các cụ ở Mường Phăng từng phục vụ Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Ảnh: T.SƠN

CÂY ĐÀO TÔ HIỆU TỎA MÁT NGÀN NĂM!

 

Đã 8 giờ sáng 17/3/2014, Sơn La vẫn còn khuất trong sương mù.

 

Anh em chúng tôi trang phục chỉnh tề, lòng tâm niệm, kính cẩn đi viếng nghĩa trang liệt sĩ nhà tù Sơn La, nơi lắng đọng hồn thiêng những người con ưu tú của dân tộc, cũng là nơi phơi bày tội ác dã man của chế độ nhà tù của thực dân xâm lược Pháp.

 

Nhà tù Sơn La do bọn Pháp xây dựng từ năm 1908 chủ yếu là để giam cầm thường phạm. Từ năm 1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, phong trào cách mạng giải phóng dân tộc ngày càng dâng cao. Bọn thực dân Pháp hoảng sợ, chúng mở rộng nhà tù Sơn La thành ngục Sơn La hòng dập tắt phong trào yêu nước cách mạng của nhân dân ta. Từ năm 1930 đến 1945 đã có 1.013 lượt chiến sĩ cách mạng của Đảng bị thực dân Pháp chuyển từ nhà lao Hỏa Lò lên giam cầm đày ải ở chốn ngục tù này.

 

Ngục Sơn La nằm trên đồi Khau Cả được vây kín bởi 4 bức tường đá ong rồi vây thêm cả mấy lớp rào dây thép gai, bùng nhùng cô lập với thung lũng sâu như một ốc đảo để ngăn chặn tù nhân vượt ngục. Di tích nhà ngục nay còn lại là những ô phòng chật hẹp độ 4m2 để nhốt 5 đến 7 tù nhân. Nhà biệt giam trên nền xi măng là những dãy cùm sắt nặng nề, ken chặt, tù nhân chỉ nằm nghiêng một chân tra vào cùm, một chân co. Các đồng chí Lê Duẩn, Trường Chinh, Nguyễn Lương Bằng, Nguyễn Văn Trân, Tô Hiệu đã từng bị cấm cố ở nơi đây. Như bất cứ nhà tù nào của thực dân Pháp, đế quốc Mỹ, Côn Đảo, Phú Quốc đều là những địa ngục trần gian. Môi trường xú uế, lao động đày ải, tra tấn cực hình, lam sơn chướng khí, rừng thiêng nước độc là mọi thứ để giết dần giết mòn những người con ưu tú của dân tộc. Song ở đó những người cộng sản đã biến thành trường học cách mạng vĩ đại, rèn luyện khí tiết, thắp sáng ngọn lửa đấu tranh trên khắp núi rừng Tây Bắc, đào tạo được bao nhiêu chiến sĩ xuất sắc cho cách mạng Việt Nam.

 

Năm 1935, tại nhà tù Sơn La đã lập ra “Hội đồng thống nhất” bí mật do đồng chí Trường Chinh (bí danh là Cây Xoan) làm Chủ tịch. Hội đồng lập ra các “Ban trật tự, Ban cứu tế, Tổ tương trợ, Ban Hợp tác xã” sản xuất các đồ thủ công như rổ rá, guốc mộc, hoa giấy để khi đi làm khổ sai thì mang ra chợ phố Chiềng Lề bán lấy tiền cải thiện cuộc sống. “Hội đồng thống nhất” có tác dụng tập hợp các tù nhân, tương trợ giúp đỡ nhau, học tập văn hóa, đối phó với bệnh tật, đàn áp... Đây chính là tiền thân của Chi bộ Đảng nhà tù Sơn La.

 

Tháng 5/1940, Chi bộ Đảng mở đại hội bầu đồng chí Tô Hiệu làm Bí thư và đề ra 5 công tác lớn:

 

- Chi bộ chỉ đạo toàn diện các hoạt động đấu tranh trong nhà tù.

 

- Tăng cường công tác tuyên truyền giáo dục và rèn luyện đạo đức cách mạng cho đảng viên và quần chúng.

 

- Đào tạo và bồi dưỡng cán bộ, huấn luyện đảng viên về chủ nghĩa Mác - Lênin và phương pháp đấu tranh cách mạng trong nhà tù... Đề ra khẩu hiệu “quyết không ra Gốc Ổi” nghĩa là phải đoàn kết, tương trợ, thương yêu nhau để vui sống trong hàng ngũ của Đảng, để về với phong trào, với dân, không được chết để phải gửi xương ở nghĩa địa Gốc Ổi (như là nghĩa địa Hàng Dương ở Côn Lôn).

 

- Tháng 5/1941, một sự kiện lớn đã ảnh hưởng sâu sắc đối với đời sống tinh thần của tù nhân ngục Sơn La - tờ báo “Suối Reo” ra đời - lúc đầu đồng chí Trần Huy Liệu sau là đồng chí Xuân Thủy phụ trách, với câu thơ làm đề tựa:

 

Đế quốc tù ta, ta chẳng tù

Ta còn bộ óc ta không lo

Đấu tranh cho thoát đời nô lệ

Cùm gông đâu cấm ta tự do!

 

Tờ báo “Suối Reo” như con chim én báo mùa xuân đến, kích thích các đảng viên, các cảm tình yêu nước phấn chấn vươn lên trong cuộc đấu tranh mới.

 

Năm 1944, do sức khỏe quá suy kiệt, lúc 10 giờ sáng 7/3 đồng chí Tô Hiệu trút hơi thở cuối cùng trong vòng tay tiếc thương vô hạn của đồng chí, của bạn tù. Đồng chí Tô Hiệu mất đi nhưng tấm gương về tinh thần ý chí cách mạng vẫn luôn sáng ngời. Cây đào của đồng chí trồng trước hầm cấm cố đã lớn lên, xanh tươi và đã 70 năm ra hoa kết trái cho đời!

 

Chúng tôi con em của 26 tỉnh thành trong cả nước cầm tay nhau đứng quanh gốc đào. Bóng đào như chiếc ô xanh che mát đàn con, nghe gió đào rì rào như tiếng nhắc gọi của hồn thiêng sông núi, của đồng chí Tô Hiệu và của bao anh hùng liệt sĩ trong các lao tù gửi niềm kỳ vọng cho thế hệ của chúng ta.

 

NHỮNG CHỨNG TÍCH VÀ NHÂN CHỨNG LỊCH SỬ

 

Ngày thứ hai, cuộc hành trình 200km, càng lên cao đường càng dốc ngược. Đèo Pha Đin là đỉnh cao nhất là ranh giới giữa Sơn La và Điện Biên. Xe nóng máy, hết hơi, phanh khét lẹt. Xe và người phải dừng lại giữa đèo nghỉ mệt. Làn gió đèo mát rượi, chúng tôi ai cũng như nghe vang vọng câu thơ:

 

Dốc Pha Đin chị gánh, anh thồ,

Đèo Vũng Lô anh hò, chị hát...

mà tim chúng tôi nặng trĩu về những ngày xưa ấy. Các anh các chị từng đoàn từng đoàn dân công hỏa tuyến dưới vực sâu thăm thẳm gồng gánh, hát hò vượt qua bão lửa... Núi Tuần Giáo thấp dần, chúng tôi nóng lòng xuôi về lòng chảo Mường Thanh.

 

Chiến trường xưa,

“Lừng lẫy Điện Biên - chấn động địa cầu”:

là đây sao?!

 

Gần ngàn con người chúng tôi túa xuống cánh đồng, lúa đang lên, xanh mượt, bàng hoàng, ngẩn ngơ. Nắng Điện Biên vàng nhạt.

 

Đồi núi chập chùng giang tay ôm lấy cả cánh đồng xanh, ôm lấy chúng tôi, ôm lấy các anh hùng, dũng sĩ Điện Biên trở về thăm chiến trường xưa, thăm đồng đội, đồng bào và ôm cả những người đang nằm dưới lòng đất mẹ trong cuộc đại trùng phùng 60 năm chiều nay!

 

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh Điện Biên cùng chúng tôi tỏa ra đi thắp hương viếng mộ các anh hùng liệt sĩ ở Nghĩa trang quốc gia Đồi Độc Lập, và Nghĩa trang liệt sĩ Tông Khao - nghĩa trang quy tập các anh hùng liệt sĩ tình nguyện quân Tây tiến Việt Lào và các chiến sĩ hy sinh trong cuộc chiến tranh biên giới năm 1979. Hương khói quyện mây trời bồng bềnh. Những hàng bia mộ có tên thì ít, phần nhiều không tên, mênh mông, trầm mặc.

 

Trước khi lên đường, người bạn học cũng là người chị gái của nhà tôi dặn: Chú lên trên ấy giúp chị thắp nén hương cho người anh duy nhất của chị - Nguyễn Thái Quang - quê Hưng Yên, 22 tuổi, trung đội trưởng, hy sinh ở đồi Độc Lập ngày 1/5, trước ngày toàn thắng 6 ngày!

 

Tôi cũng có ý định tìm mộ anh Nguyễn Chụp, học sinh Trường Lương Văn Chánh. Hồi ấy tôi học đệ nhất niên, anh học đệ tứ niên. Năm 1949 trong cao trào xếp bút nghiên lên đường chuẩn bị tổng phản công, anh trúng tuyển được ra Bắc đi học pháo binh ở Trung Quốc rồi về tham gia chiến dịch Điên Biên.

 

Pháo anh gầm thét ở trận mở màn đồi Him Lam hay trận kết thúc đồi A1! Anh nằm ở đâu? Quê hương Phú Yên, bạn bè Trường Lương Văn Chánh luôn hướng về anh cả 60 năm qua!

 

Chúng tôi muốn được đi đến hết 49 cứ điểm, nơi mà các anh đã chiến thắng và yên nghỉ. Nhưng làm sao! Tên anh lắng nghe trong làn gió thoảng, lấp lánh trong ánh chiều vàng và long lanh trên ngọn lúa non.

 

Các anh có tên là “Đoàn quân Tây Tiến”, có tên là “Chiến sĩ Điện Biên”, tên các anh hóa thành tên đất nước, hóa thành lịch sử, thi ca:

 

“Tây tiến người đi không hẹn ước,

Đường lên thăm thẳm một chia phôi

Ai lên Tây Bắc mùa xuân ấy...

... Sông Mã gầm lên khúc độc hành”

(Tây Tiến - Quang Dũng)

 

Chúng tôi trèo lên đồi A1 - trận đánh ác liệt nhất của chiến trường. Đường hầm đưa khối bộc phá gần 1.000kg chỉ còn lại một đoạn ngắn và khẩu đại bác 150 ly gục đầu.

 

Mọi người chen nhau, có cả 2 vợ chồng nhà nghiên cứu lịch sử người Anh cũng vui vẻ cùng chúng tôi chụp ảnh làm kỷ niệm.

 

Tất cả niềm vinh dự và tự hào của đoàn chúng tôi dành cho 2 cặp vợ chồng đại tá, Anh hùng quân đội Phùng Văn Khầu và bà Hà Thị Cay và đại tá, anh hùng Đặng Đức Song và cô nữ văn công Điện Biên năm xưa - cụ bà Hoàng Thị Phương Vinh.

 

(Còn nữa)

Tiến sĩ NGUYỄN XUÂN ĐÀM

 

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek