Thứ Năm, 28/11/2024 10:32 SA
Qua miền Tây Bắc (Tiếp theo và hết)
Thứ Sáu, 09/05/2014 08:54 SA

Tác giả tham quan TP Điện Biên Phủ - Ảnh: T.SƠN

GẮN KẾT VÀ SINH SÔI

 

Cuộc hành quân nào rồi cũng đến giờ kết thúc.

 

45 anh chị em chúng tôi gồm những đại biểu của các tỉnh Phú Thọ, Hải Dương, Liên hiệp Phụ nữ Hà Nội và Phú Yên gắn kết với nhau trong Đại đội 12. 21 đại đội, gần 1.000 đại biểu của 26 tỉnh thành gắn kết với nhau như một sư đoàn mà Đoàn trưởng là anh Lê Xuân Niên, nguyên là đại úy quân đội, nay là Giám đốc Trung tâm Giáo dục truyền thông - Lịch sử Việt Nam, thuộc Hội khoa học Tâm lý - Giáo dục Việt Nam dẫn dắt đã hoàn thành tốt đẹp chuyến về nguồn "Qua miền Tây Bắc" - Chuyến đi đã gắn kết anh chị em chúng tôi trong tình chung, tình riêng, trong tình yêu đất nước, quê hương và từng gia đình chúng tôi.

Trở lại câu chuyện ông bà đại tá, Anh hùng Phùng Văn Khầu.

 

Mọi người đều gọi anh bằng ông, bằng bác. Còn ông nói đùa "tớ mới là U 58 tuổi) (85), bà 82 mà vẫn dẻo dai, vui vẻ theo kịp đoàn.

 

Có anh bạn trẻ dí dỏm hỏi: ông là người Cao Bằng, bà là người Thái Bình có phải vì ông là lính pháo, nên xa mấy ông ngắm cũng trúng đích?

 

Ông cười - hồi đánh đồi E. Tớ có dùng máy ngắm đâu, vì tớ có biết cái chữ nào đâu mà dùng máy ngắm - Tớ cứ ngắm thẳng qua nòng pháo bắn đại. Thế mà phát nào trúng phát nấy. Tớ mồ côi cha mẹ từ 4 tuổi, lớn lên nhờ bản Mường rồi theo cách mạng. Tớ vác đạn súng cối, rồi chuyển sang Sơn pháo.

 

- Thế thì làm sao ông gặp được bà?

 

- Số là năm 1957, tớ được đi dự Đại hội liên hoan Thanh niên Thế giới ở Vác-xô-vi rồi gặp bà ấy ở đoàn chiến sĩ thi đua. Thế là thương trộm nhớ thầm.

 

Hồi ấy kỷ luật nghiêm lắm, đâu có dám lơ mơ. Nghe cái tên là lạ là cô Cay, nên tìm hiểu. Cay là cay đắng ấy mà. Cha mẹ bà chết đói năm 45. May mắn bà sống sót. Cách mạng bùng lên. Bà đi du kích. Bà là cá nhân tích cực trong cải cách ruộng đất cũng là cá nhân xuất sắc trong chống di cư - Bà là chiến sĩ thi đua của tỉnh Thái Bình. Đi đại hội về, tớ được về Hà Nội học văn hóa, xóa nạn mù chữ. Bà thì về quê bà ấy. Nhớ lắm, cứ giở ảnh ra xem mà chưa viết được thư, mới nhờ anh bạn viết hộ. Thư viết thế này: "Tôi thương cô. Tôi muốn lấy cô làm vợ". Từ Thái Bình thư gửi lên, cô Cay cũng nhờ người khác viết: - Tôi cũng thương anh. (chấm) thôi. Đọc thư, tôi buồn nẫu ruột. Thương mà thôi thì còn gì nữa!

 

Tớ lại nhờ viết tiếp: - chớ cô có thương tôi thật không?

 

- Thương thật! Đọc thư bà, tớ mừng hết lớn.

 

Trường bổ túc văn hóa quân đội tổ chức lễ cưới cho chúng tôi, đơn giản mà vui lắm.

 

- Thế là duyên số tiền tuyến - hậu phương gắn kết ông với bà nhỉ!

 

- Ông bà có mấy anh chị?

 

4 đứa, 3 trai, 1 gái - Gái làm thư viện cục Pháo binh. Thằng cả là quân y. Thằng út làm thầy giáo. Tôi bảo con phải làm người thầy giáo tốt để dạy bọn trẻ biết thương nước, thương dân. Còn thằng thứ ba theo nghiệp cha - làm đại tá pháo binh.

 

Câu chuyện có hậu của ông bà là câu chuyện phát triển sinh sôi có hậu của non sông đất nước!

 

Trong Đại đội 12, tôi là người ở xa nhất, sau đoàn Gia Lai, Kon Tum. Với tất cả niềm xúc động, tôi nói lời tạm biệt đồng đội. Nói chưa hết lời, bỗng có 4 người, 1 nữ, 3 nam chạy lên ôm chầm lấy tôi:

 

- Bác từ Phú Yên ra, sao?

 

 - 4 cô cháu chúng tôi lên Điện Biên để tìm bố cháu.

 

Bố cháu không hy sinh ở Điện Biên mà hy sinh ở Phú Yên quê bác. Chúng cháu đã 3 lần vào Phú Yên tìm mộ bố cháu mà chưa tìm được. Bố cháu hy sinh ở Sơn Định, Hòa Bình, Suối Hai. Hy sinh ngày 2/10/1970. Bố cháu tên là Nguyễn Văn Hồ, nhập ngũ năm 1967, quê ở xóm 2, Cổ Nhuế, Từ Liêm, Hà Nội, chiến đấu ở đoàn văn công Phú Yên. Cháu tên là Dũng, các anh cháu là Kiểm, Điểm và Phụng. Khi bố cháu đi bộ đội, mẹ cháu nói có mang cháu 4 tháng!

 

Bác làm sao giúp cháu tìm được mộ bố cháu!

 

Những thông tin đứt nối. Lòng tôi nặng trĩu. Chúng ta đi thắp hương cho Anh hùng liệt sĩ Điện Biên cũng là thắp hương cho bố cháu ở Phú Yên. Sơn Định là khu căn cứ của Tỉnh ủy Phú Yên. Ở đó có Nhà thờ Bác Hồ. Hương hồn bố cháu cũng được ấm cúng khói hương ở Nhà thờ Bác Hồ… Bác sẽ hết lòng cố gắng.

 

Đất nước thống nhất, nhưng vành môi chưa trọn nụ cười. Tiếng gọi đồng đội, người thân vẫn còn xa vời nước non!

 

Những nỗi buồn vui, sự sẻ chia gắn kết mọi miền, mọi tâm hồn với nhau.

 

Chúng tôi về xuôi, thăm Thủy điện Sơn La, tạm biệt Điện Biên với bao nặng lòng lưu luyến.

 

Nếu nói Điện Biên làm sụp đổ dinh lũy cuối cùng của chủ nghĩa thực dân cũ của Pháp, thì Thủy điện Sơn La làm bừng sáng lên thời đại Việt Nam đổi mới. Sông Đà hung dữ, bất kham, buộc phải ngoan ngoãn, hiền hòa phục tùng trí tuệ và ý chí Việt Nam.

 

Thủy điện Sơn La, nhà máy thủy điện lớn nhất Đông Nam Á, cung cấp trên 30% nhu cầu năng lượng của cả nước. Nhà máy bắt đầu khởi công từ năm 2008 đến tháng 12/2012, ánh sáng điện đã bừng lên trước hạn định 3 năm. 3 năm làm lợi cho đất nước bao nhiêu tỉ đồng! Năm nay, nhà máy sản xuất 14 tỉ kw/h đóng góp cho Nhà nước 14 ngàn tỉ đồng. Đồng chí kỹ sư, phó giám đốc nhà máy trẻ măng hướng dẫn chúng tôi xem 6 tổ máy đang vận hành. Đồng chí kể về những sáng kiến, kinh nghiệm, tinh thần thi đua sáng tạo của hàng ngàn công nhân nhà máy đang ngày đêm đảm bảo an toàn cho lưới điện quốc gia. Và với tất cả sự kính trọng, ngưỡng mộ, niềm tự hào mến yêu đồng chí dành cho người thầy, người anh cả của ngành Thủy điện Việt Nam, người lãnh đạo, thiết kế và cả thi công công trình vĩ đại này, cho người anh hùng thời kỳ đổi mới, Tiến sĩ Thái Phụng Nê. Ông vừa được Nhà nước trao tặng Huân chương Hồ Chí Minh và nước Cộng hòa Pháp tặng Bắc đẩu bội tinh cấp hiệp sĩ (cấp cao quý, vinh dự nhất của Cộng hòa Pháp).

 

Tôi nghe mà lòng lâng lâng tự hào về những người con Phú Yên, về liệt sĩ Nguyễn Chụp, người chiến sĩ pháo binh đổ sấm sét giặc Pháp ở Him Lam, Hồm Cúm, về anh hùng Nguyễn Đắc Thạnh đưa con tàu Không số vào Vũng Rô, về nữ giáo sư, khoa học Phan Thanh Phượng đoạt giải thưởng khoa học Kô-va-lép-xkai-a, ngành Thú y Việt Nam…

 

Đứng trên đỉnh cao của Điện Biên Phủ, của Thủy điện Sơn La ở địa đầu Tổ quốc nhìn về quê hương núi Nhạn, Sông Đà của chúng ta mà lòng đầy tự hào về những giá trị cao cả muôn mặt của tổ tiên, ông bà, cha mẹ, anh chị chúng ta đã góp vào công cuộc chiến đấu anh hùng để bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ và sự sinh sôi phát triển của non sông đất nước và cũng trọn niềm tin gửi gắm vào các thế hệ nối tiếp của quê hương.

 

Tiến sĩ NGUYỄN XUÂN ĐÀM

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek