Thứ Năm, 28/11/2024 15:00 CH
Phú Yên, khí thiêng sông núi hun đúc - nơi sinh ra Tổng bí thư Trần Phú
Thứ Năm, 01/05/2014 09:00 SA

Phú Yên - một tỉnh thuộc duyên hải Nam Trung Bộ, là vùng đất giàu truyền thống yêu nước, đã sản sinh nhiều bậc hiền tài làm rạng danh non sông đất Việt qua các giai đoạn lịch sử. Trần Phú - vị Tổng bí thư đầu tiên của Đảng sinh ra trên vùng đất này, với câu nói nổi tiếng “Hãy giữ vững chí khí chiến đấu!”, từ lâu đã là niềm tự hào của nhiều thế hệ đảng viên và nhân dân Phú Yên.

an-tho2.jpg

Di tích quốc gia Thành An Thổ được đầu tư xây dựng khang trang, thu hút nhiều du khách đến tham quan - Ảnh: T.QUỚI

Phú Yên nằm giữa hai đèo cao hiểm trở trên hành trình xuyên Việt: đèo Cả, án ngữ phía nam và đèo Cù Mông, nằm phía bắc tỉnh. Sách Đại Nam nhất thống chí của Quốc sử quán triều Nguyễn ghi: Phía đông giáp biển, phía tây dựa núi, phía bắc giáp tỉnh Bình Định, có đèo Cù Mông hiểm trở, phía nam giáp tỉnh Khánh Hòa, có đèo Đại Lĩnh (đèo Cả - TG) cao dốc, núi cao thì có Đại Lĩnh và Thạch Bi, sông lớn thì có Đà Diễn (Đà Rằng - TG), ở thượng du có các đồn thủ Thạch Lĩnh và Phước Sơn để giữ vững biên phòng; ven biển thì có các tấn Xuân Đài, Phú Sơn, Đà Nông và Đà Diễn để trấn mặt biển. Địa thế tuy nhỏ, nhưng dân cư đông đúc, cũng là một vùng đất quan trọng vậy (1). Thế núi, thế sông hiểm trở và trọng yếu đã tạo nên vùng đất này không chỉ “Phú” và “Yên” mà trong mỗi giai đoạn hoặc thời khắc lịch sử nó cũng đảm nhận vai trò, vị trí quan trọng, ghi dấu ấn đậm nét trong dòng chảy lịch sử dân tộc.

Lật lại những trang sử cũ: Trong thời kỳ mở đất Phú Yên, Lương Văn Chánh - một vị tướng của Nguyễn Hoàng, đã có nhiều công lao trong việc quy dân, lập ấp, khai khẩn đất hoang. Công sức của ông sánh ngang những bậc công huân như Nguyễn Hữu Cảnh, Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Cư Trinh trong việc mở rộng lãnh thổ dưới triều Nguyễn. Nhờ công cuộc di dân, khẩn hoang của Lương Văn Chánh mà vùng đất từ Cù Mông đến đèo Cả xóm làng đã hình thành, cư dân “chia lập thôn ấp, ngày càng đông đúc” (2) và chẳng bao lâu sau, năm 1611 phủ Phú Yên được chính thức ra đời. Phú Yên là đơn vị hành chính cấp phủ, thuộc dinh Quảng Nam và trở thành vùng đất trấn giữ biên cương phía Nam của Đại Việt đến núi Thạch Bi. Đánh giá công lao của Lương Văn Chánh, sách Đại Nam liệt truyện của Quốc sử quán triều Nguyễn ghi: “Lương Văn Chánh là công thần hồi quốc sơ, khai thác đất đai, mở rộng biên giới, công lao rõ rệt” (3).

Ngoài vai trò là phên giậu bảo vệ biên cảnh đất nước, Phú Yên còn là bàn đạp để cha ông ta tiến về phía Nam từ năm 1611 đến năm 1698. Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn đã ghi lại: Tháng 9 năm Quý Tỵ (1653) vua nước Chiêm Thành là Bà Tấm quấy rối đất Phú Yên. Chúa sai cai cơ Hùng Lộc hầu làm Tổng binh và xá sai Minh Vũ làm tham mưu đem 3.000 quân đi đánh... nhân đêm qua đèo Hổ Dương núi Thạch Bi, ruổi thẳng đến trại Bà Tấm, phóng lửa đánh gấp, phá tan, đuổi dài đến sông Phan Lang, lấy đất từ phía đông sông ấy đến Phúc Yên đặt làm hai phủ Thái Khang và Diên Ninh, đặt dinh trấn thủ Thái Khang (4). Tiếp sau đó, năm 1693 vua Chiêm Thành là Bà Tranh lại làm phản, đem quân cướp phá phủ Diên Ninh. Lần này, chúa Nguyễn Phúc Chu cử cai cơ Nguyễn Hữu Kính đem quân đánh bại Chiêm Thành, bắt sống Bà Tranh, đổi làm đất Thuận Thành.

Ngoài ra, Phú Yên là nơi xuất phát của các cuộc tấn công vào thủy Chân Lạp trong các năm 1658, 1674, 1688 mở đầu quá trình di dân để xác lập chủ quyền người Việt trên vùng đất này. Trong số những người con Phú Yên vào khai phá vùng Nam Bộ phải kể đến bà Nguyễn Thị Rịa đã có công giúp chúa Nguyễn mở mang xứ Bà Rịa mà ngày nay tên tuổi của bà còn lưu lại trên vùng đất này. Đến năm 1698, bằng chuyến kinh dinh của Nguyễn Hữu Cảnh trên xứ Đồng Nai, dựng làm dinh Trấn Biên, thì lúc này Phú Yên đã hoàn thành xuất sắc vai trò là phên giậu của xứ Đàng Trong.

Trong công cuộc đấu tranh chống áp bức và ngoại xâm, Phú Yên luôn là vị trí chiến lược có vai trò vô cùng quan trọng. Nhiều người Phú Yên bằng tài năng của mình đã góp sức vào thắng lợi chung của phong trào cả nước. Trong phong trào Tây Sơn bùng nổ ở Bình Định năm 1771, Phú Yên với căn cứ Tây Sơn Trung đạo đã đóng góp lương thảo, voi, ngựa và cả đạo quân của nữ chúa Chàm Thị Hỏa ở miền tây Phú Yên ủng hộ Nguyễn Nhạc lật đổ ách thống trị của họ Nguyễn:

“Thạch Thành voi ngựa kéo ra

Eo Gió kéo xuống quân đà hội quân

Chúa Chàm Thị Hỏa chí nhân

Giúp ông Hai Nhạc định phần Phú Yên”.

Trong các lần tấn công đánh bại quân xâm lược Xiêm La ở phía nam và Mãn Thanh ở phía bắc, nhiều tướng lĩnh trong đoàn quân áo vải Tây Sơn là người Phú Yên tham gia ghi nhiều chiến công vang dội như Võ Văn Cao, Nguyễn Quang Huy, Lương Phụng Tường, Nguyễn Ký Chiêm, Nguyễn Thế Tử, Võ Văn Thành, Phạm Văn Điềm, Lương Văn Trực, Nguyễn Quang Sáng,... Đặc biệt, Phú Yên còn là nơi ghi dấu chiến công lừng lẫy của Nguyễn Huệ chỉ huy tiêu diệt 2 vạn quân của Tống Phúc Hiệp vào năm 1775, làm đảo ngược tình thế nguy ngập của Tây Sơn lúc này. Chiến công vang dội của Nguyễn Huệ lập nên khi mới tròn 23 tuổi, mở đầu cho sự nghiệp hiển hách của người anh hùng Quang Trung những năm sau đó.

Năm 1858, thực dân Pháp nổ súng xâm lược nước ta tại cửa biển Đà Nẵng, vị tướng lừng danh Phú Yên là Đào Trí được triều đình phái đem 2.000 quân cùng với Trần Hoằng và Nguyễn Tri Phương tổ chức nhân dân chống giặc, làm thất bại âm mưu đánh nhanh thắng nhanh của chúng. Về sau Đào Trí còn giúp vua Tự Đức ổn định tình hình đất nước tại các tỉnh phía bắc, tạo điều kiện cho triều đình dồn quân đối phó quân Pháp ở phía nam. Tài năng của ông được người đương thời ca tụng:

“Tài võ, trí, dũng tuyệt vời

Văn chương lại cũng là người uyên thâm

Song toàn chẳng kém trạng nguyên

Tướng quân Đào Trí lưu truyền thiên thu”.

Đóng góp vào phong trào Cần Vương bùng nổ năm 1885 trên phạm vi cả nước, những người con ưu tú của Phú Yên như Lê Thành Phương, Nguyễn Bá Sự đã lãnh đạo phong trào ở đây phát triển mạnh mẽ, trở thành trung tâm kháng chiến khu vực các tỉnh Nam Trung Kỳ. Nghĩa quân không chỉ lật đổ chính quyền tay sai thân Pháp ở Phú Yên mà còn hỗ trợ phong trào các tỉnh Khánh Hòa, Bình Thuận xóa bỏ chính quyền thân Pháp thiết lập chính quyền do nghĩa quân làm chủ. Nét nổi bật là phong trào Cần Vương ở Phú Yên tồn tại trong thời gian khá dài so với các tỉnh khác ở Nam Trung Kỳ. Phong trào các tỉnh Bình Định, Khánh Hòa, Bình Thuận chỉ tồn tại đến năm 1887 thì tan rã trước sự đàn áp của kẻ thù, còn ở Phú Yên cuộc chiến đấu kéo dài đến năm 1892 mới kết thúc. Sự tồn tại kéo dài của phong trào Cần Vương ở Phú Yên góp phần làm chậm quá trình “bình định” của thực dân Pháp, gây khó khăn cho chúng trong việc thiết lập chính quyền cai trị và triển khai chính sách khai thác ở Phú Yên và các tỉnh Nam Trung Kỳ. Thắng lợi của phong trào Cần Vương ở Phú Yên còn góp phần đập tan âm mưu của thực dân hiếu chiến Pháp muốn sáp nhập các tỉnh Nam Trung Kỳ (Bình - Phú - Khánh - Thuận) vào Nam Kỳ trực trị.

Kế tục truyền thống yêu nước, tinh thần đấu tranh bất khuất, nhân dân Phú Yên trong những năm đầu thế kỷ XX đã viết nên những trang sử sôi động, hào hùng. Cuộc khởi nghĩa Võ Trứ năm 1900 đánh dấu phong trào đấu tranh của nhân dân Phú Yên sau khi phong trào Cần Vương thất bại không hề tàn lụi, mà nhanh chóng được nhen nhóm từ rừng núi các huyện Đồng Xuân, Sơn Hòa lan rộng ra khắp tỉnh, mở đầu một giai đoạn đấu tranh mới với các hệ tư tưởng mới. Trong đội quân tấn công tỉnh lỵ Sông Cầu đêm 15/5/1900 có nhiều nhà sư tham gia nên chính quyền Pháp gọi là “giặc thầy chùa”.

Bên cạnh truyền thống đấu tranh yêu nước, Phú Yên còn là vùng đất sản sinh nhiều nhà văn hóa, tôn giáo nổi tiếng của xứ Đàng Trong. Trong dân gian lưu truyền câu ca dao nói về vùng “đất Phật” Phú Yên: “Tu Phật về Phú Yên, tu tiên về Bảy Núi” do vị thiền sư Liễu Quán (1667-1742) khai sáng. Liễu Quán quê ở làng Bạc Má, huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên, là người đã có công lao khai sơn nhiều ngôi chùa và truyền bá Phật giáo phái Lâm Tế ở miền Trung và miền Nam nước ta: “Thiền sư có thiên tư cao rộng, khí vũ siêu quần tu hành đắc đạo; thiền sư hoằng dương đạo pháp tế độ chúng sanh khắp nơi, môn đồ của thiền sư có 49 người thừa kế thuộc hàng đệ tử đắc đạo. Một vị thiền sư có môn đồ đông đảo như vậy xưa nay hiếm”(5). Ngoài ra, các vị thiền sư, hòa thượng đức cao đạo hạnh khác như thiền sư Hữu Đức (1812-1887), hòa thượng Hưng Từ (1911-1991), hòa thượng Hạnh Trụ (1904-1984), hòa thượng Thái Bình (1846-1924), hòa thượng Viên Quang (?-1990)... đã có nhiều đóng góp cho Phật giáo Việt Nam qua các thời kỳ, được nhân dân ca tụng.

Trải qua quá trình lịch sử, vùng đất Phú Yên đã tích tụ bao khí chất của thiên nhiên, con người để trở thành nơi không chỉ có những kiến tạo địa chất kỳ vĩ, với những danh thắng nổi tiếng của đất nước như gành Đá Đĩa, đầm Ô Loan, mà còn để lại những dấu ấn về văn hóa có giá trị với các công trình kiến trúc như Tháp Nhạn, chùa Đá Trắng, chùa Hội Tôn, nhà thờ Mằng Lăng, chùa Bảo Tịnh, đền thờ Lương Văn Chánh... từ bao đời trở thành những biểu tượng cho cuộc sống tâm linh của nhân dân trong khu vực Nam Trung Bộ và cả nước. Khí chất của vùng đất được kiến tạo ba bề là núi non, mặt hướng ra biển Đông tạo cho Phú Yên trở thành nơi hội tụ tinh anh của đất trời, khiến cho những phù thủy phương Bắc như Cao Biền muốn trấn yểm đã thất bại:

“Cao Biền táng tại Đồng Môn

Trên sơn, dưới thủy trời chôn Cao Biền”.

Nói đến Phú Yên không thể không nhắc đến ngọn núi thiêng Đá Bia hay còn gọi Thạch Bi Sơn. Với hình dáng độc đáo, núi Đá Bia còn có tên là “Thiên Nam đệ nhất trụ” (tức là cây trụ hùng vĩ nhất trời Nam), các nhà hàng hải gọi là ngón tay của Chúa (le doigt de Dieu) vì từ biển khơi nhìn vào, đỉnh núi giống như hình ngón tay chỉ lên trời. Theo tấm bia Chăm khắc dưới chân núi Nhạn Tháp thì núi Đá Bia có tên Phạn là Lingaparvatha (Linga đại sơn thần). Núi thiêng Đá Bia nằm trong dãy núi Đại Lãnh (đèo Cả) hùng vĩ được vua Minh Mạng sai khắc vào Tuyên Đỉnh trong hệ thống cửu đỉnh đặt trên sân Thái Miếu ở kinh đô Huế vào năm Bính Thân (1836). Đến năm Tự Đức thứ ba (1850) thì được đưa vào từ điển danh mục những nơi tôn kính để thờ. Núi Đá Bia cùng với sông lớn Đà Rằng là hai yếu tố làm cho Phú Yên trở thành vùng đất linh thiêng. Trong dân gian lưu truyền sấm ký về sự xuất hiện hiền tài:

“Bi Sơn sinh thánh chúa

Đà thủy xuất hiền thần”.

Nằm trên con đường di sản văn hóa đi qua, Phú Yên chứa đựng trong mình nhiều giá trị văn hóa của các tộc người được tích hợp suốt chiều dài lịch sử. Nổi bật và có giá trị nhất là bộ kèn đá và đàn đá Tuy An. Cặp kèn đá này là nhạc khí thời cổ đại bằng đá thuộc bộ hơi duy nhất phát hiện ở Việt Nam, có khả năng hòa tấu không chỉ với đàn đá mà còn với nhiều nhạc khí hiện đại khác. Bộ đàn đá gồm tám thanh được các chuyên gia đánh giá là bộ đàn đá có thang âm hoàn chỉnh nhất trong các bộ đàn đá đã được phát hiện ở nước ta. Hai cổ vật kèn đá và đàn đá là biểu hiện của sự tích tụ khí thiêng sông núi tạo nên giá trị bất biến trong thời cổ đại trên vùng đất Phú Yên.

Thế kỷ XX, dân tộc ta chứng kiến những sự kiện xảy ra dồn dập và tác động đến những thay đổi lớn của lịch sử đất nước. Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời lãnh đạo nhân dân ta làm nên Cách mạng Tháng Tám năm 1945 vĩ đại, đưa dân tộc thoát khỏi ách nô lệ lầm than hơn 80 năm của thực dân Pháp và tiếp tục lãnh đạo dân tộc ta viết nên những trang sử kỳ diệu trong hai cuộc chiến tranh thần thánh đánh bại hai đế quốc lớn là Pháp và Mỹ. Hòa trong dòng chảy của lịch sử dân tộc, vùng đất Phú Yên một lần nữa chứng kiến sự hội tụ của khí thiêng sông núi, hun đúc sản sinh ra một yếu nhân của lịch sử - cậu bé Trần Phú, sau này là vị Tổng bí thư đầu tiên của Đảng. Thời khắc lịch sử ấy, nhân dân khu vực thành An Thổ - trung tâm hành chính, lỵ sở tỉnh Phú Yên lúc bấy giờ vẫn còn nhớ như in vào ngày 1/5/1904, người con trai thứ bảy của vị Giáo thụ Trần Văn Phổ cất tiếng khóc chào đời tại đây. Với niềm hy vọng gởi gắm vào đứa con sau này sẽ là người bản lĩnh với trí tuệ hơn người và để kỷ niệm thời gian công tác ở Phú Yên nên cụ Trần Văn Phổ đã lấy chữ “Phú” để đặt tên cho con. Đến năm 1907, ông Trần Văn Phổ chuyển công tác ra Quảng Ngãi làm tri huyện ở Đức Phổ. Tại đây vào năm 1908, thực dân Pháp buộc ông phải đàn áp phong trào chống thuế của nông dân. Không để bàn tay của mình vấy máu đồng bào, ông đã thắt cổ tuẫn tiết trong đêm 18 rạng ngày 19/4/1908.

Thành An Thổ, nơi sinh Tổng bí thư Trần Phú là vùng đất có địa thế khá đặc biệt (6). Tại đây, dòng sông Ngân Sơn sau khi xuất phát từ dải Trường Sơn đổ về chia làm ba nhánh ôm lấy vùng thành An Thổ màu mỡ trước khi đổ ra biển Đông. Các ngọn núi như Sơn Chà, Amang, núi Đá Trắng che chắn ở ba hướng tây, bắc và đông, tạo nên dải đất tích tụ khí thiêng của cả vùng phía bắc tỉnh Phú Yên. Đây quả là vùng địa linh sinh nhân kiệt. Bố chánh Phú Yên là Đinh Nho Quang đã tấu trình lên vua Nguyễn khi xin đặt lỵ sở tại đây:

“Thần quan Phú Yên nhất tỉnh, sơn thủy chi thắng vô du Long Uyên” (tạm dịch: Tôi đã quan sát cả tỉnh Phú Yên, không có nơi nào đẹp bằng Long Uyên).

Có thể nói rằng, vùng đất Phú Yên với khung cảnh thiên nhiên độc đáo, hùng vĩ, con người Phú Yên giàu lòng yêu nước, đó là những điều kiện thuận lợi để khí thiêng sông núi hun đúc sản sinh nhiều bậc hiền tài, trong đó có Tổng bí thư Trần Phú. Kỷ niệm 110 năm ngày sinh đồng chí Trần Phú, mỗi người Phú Yên bên cạnh niềm tự hào còn quyết tâm ra sức xây dựng quê hương, khai thác mọi tiềm năng, thế mạnh để đưa Phú Yên trở thành tỉnh không những “yên” về an ninh quốc phòng, mà còn “phú” về kinh tế, xứng đáng là nơi sinh ra vị Tổng bí thư đầu tiên của Đảng. 

_____________

(1) Xem Quốc sử quán triều Nguyễn: Đại Nam nhất thống chí, Nxb. Thuận Thóa, Huế 1993, tr.5

(2,3) Quốc sử quán triều Nguyễn: Đại Nam liệt truyện, Nxb. Thuận Hóa, Huế, 1993, tr.89

(4) Xem Lê Quý Đôn: Phủ biên tạp lục, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1964, tr.48

(5) Nguyễn Đình Chúc: Lược sử Phật giáo, các chùa ở Phú Yên, Nxb. Thuận Hóa, Huế, 1999, tr.309

(6) Thành An Thổ nguyên lúc trước thuộc thôn Long Uyên, về sau tách ra làm hai thôn là Long Uyên và An Thổ. Địa danh Long Uyên theo kiến giải của các cụ cao tuổi ở khu vực này có nghĩa là vực rồng, chỉ về vùng đất địa linh nhân kiệt.

 

TS. ĐÀO NHẬT KIM

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek