Thứ Sáu, 20/09/2024 17:33 CH
Người Phú Yên chiến đấu ở Điện Biên
Thứ Tư, 07/05/2014 07:43 SA

Thanh niên xung phong và dân công hỏa tuyến trong chiến dịch Điện Biên Phủ vận chuyển lương thực ra mặt trận- Ảnh: TƯ LIỆU

Kỷ niệm 60 năm Ngày chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, chúng ta vô cùng tự hào về những người tham gia chiến đấu ở Điện Biên năm xưa đã làm nên chiến thắng Điện Biên lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu. Phú Yên, một tỉnh nằm cách xa Điện Biên hơn 1.800 cây số lại trong điều kiện chiến trường chia cắt nên việc đi lại vô cùng khó khăn. Muốn ra đến Việt Bắc phải đi bộ mất nửa năm, còn từ Việt Bắc lên Điện Biên cũng phải mất hàng tháng trời băng đèo lội suối. Cho nên ít ai ngờ trên chiến trường Điện Biên năm xưa có 3 người Phú Yên trực tiếp tham gia.

 

 1. Ông NGUYỄN CHẤN (người làng Phước Hậu, phường 9, TP Tuy Hòa)

 

Ông Nguyễn Chấn(1914-1985)

Ông sinh năm 1914 trong một gia đình giàu lòng yêu nước và sớm tham gia tổ chức Thanh niên cách mạng đồng chí hội do cụ Trần Chương, người làng Ninh Tịnh là thầy dạy học cũng là người dẫn ông đi vào con đường cách mạng. Đến năm 1931, ông được ông Phan Ngọc Bích - đảng viên Đảng Cộng Sản Việt Nam từ năm 1930 giới thiệu kết nạp vào Đảng hoạt động trong chi bộ của ông Trần Hào. Sau đó ông mất liên lạc vì ông Trần Hào bị bắt. Đến năm 1935, ông Trần Hào ra tù nối lại hoạt động, ông tham gia vào Ban Chấp hành Tỉnh ủy Phú Yên. Đến tháng 6/1936, ông được bầu chính thức vào Ban Chấp hành Tỉnh ủy Phú Yên hoạt động cho đến khi Nhật vào Đông Dương. Phong trào cách mạng bị đàn áp vô cùng ác liệt, một lần nữa ông mất liên lạc với Trung ương cho đến tháng 3/1945, Nhật đảo chính Pháp, một số cán bộ cách mạng từ nhà tù Buôn Ma Thuột đã về Phú Yên. Ông bắt liên lạc và tham gia vào việc chuẩn bị khởi nghĩa ở Phú Yên. Từ năm 1945, ông liên tục ở trong Tỉnh ủy Phú Yên và là một trong những Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên trong kháng chiến chống Pháp. Năm 1952, ông Nguyễn Chấn được Trung ương điều ra Bắc rồi được đi học ở Trung Quốc. Sau khi học xong, ông về Bộ GTVT làm cục phó rồi cục trưởng Cục Đường bộ. Năm 1954, ông được Bộ GTVT phân công tham gia vào việc tiếp tế chiến trường Điện Biên, chỉ huy các tuyến vận tải lương thực vũ khí từ đồng bằng Khu 3 qua Hòa Bình lên Điện Biên. Việc vận chuyển lương thực, thực phẩm vô cùng gian nan, từ hậu phương lên đến Điện Biên một dân công phải đi mất hàng tháng, mỗi người mang 25kg thì ăn dọc đường cả đi lẫn về mất 24kg chỉ còn 1kg cho bộ đội. Với số quân tham gia Điện Biên hàng vạn người thì lượng lương thực, đạn dược là vô cùng lớn. Lúc đầu, ta chủ trương đánh nhanh thắng nhanh để đỡ khâu hậu cần. Nhưng Điện Biên Phủ là một tập đoàn cứ điểm khổng lồ, dây thép gai, nhung nhúc những hầm hào, ụ súng chuẩn bị khạc lửa. Những con đường mới xuất hiện, trên đó hàng ngàn người, xe vận tải, xe tăng, xe ủi đất luôn luôn qua lại. Những trung tâm đề kháng có bom bi, mìn bao quanh, gồm mìn “cổ điển”, mìn “nhảy” sẵn sàng tiêu diệt những đợt xung phong của bộ binh khi họ vừa chạm tới hàng rào. Hơn thế, công binh địch đã chôn giấu bên sườn núi dựng đứng những thùng đựng 40 lít “na pan”, khi chảy ra sẽ thành những làn súng lửa biến những người tiến công thành bó đuốc sống. Những vị trí chủ yếu đều được trang bị súng có kính ngắm điện tử, có thể phát hiện kẻ địch đang tiến gần trong cả những đêm trời tối đen. Binh đoàn đồn trú vẫn tin rằng sức mạnh của con nhím Điện Biên Phủ cùng với sức mạnh không quân Pháp, những tàu sân bay Mỹ trên biển Đông sẽ nghiền nát quân chủ lực của Tướng Giáp. Vì vậy, chiến trường Điện Biên Phủ không thể đánh nhanh thắng nhanh mà phải chuyển sang đánh chắc thắng chắc. Với phương pháp vây, lấn, tấn, diệt tức thực hiện đào hào vây địch lại từng khu vực, từng mục tiêu lấn từng tấc đất rồi tấn công và tiêu diệt. Do đó chiến dịch phải kéo dài. Ta phải huy động của toàn dân tham gia mới bảo đảm tiếp tế cho chiến trường, ta tổ chức vận tải chuyển bằng mọi phương tiện: dân công, ngựa thồ, xe đạp thồ, bè mảng, ô tô cùng hàng triệu người tham gia vào công việc này. Cho nên mặt trận giao thông vận tải cực kỳ quan trọng. Các tướng lĩnh Pháp ở Đông Dương cũng như ở Điện Biên Phủ cho rằng Tướng Giáp sẽ không thể đánh kéo dài vì không đủ lương thực, đạn dược nên con nhím Điện Biên sẽ nghiền nát quân chủ lực của Tướng Giáp. Do đó chúng thách ta đánh Điện Biên. Thắng lợi ở Điện Biên, thế giới đánh giá việc tiếp tế cho chiến trường là một thành công lớn, là một kỳ tích.

 

 2. Đại tá UNG RĂNG (người làng Quy Hu, xã Hòa Trị, Phú Hòa)

 

Ông sinh trưởng trong một gia đình có truyền thống hiếu học, là một trong số ít người Phú Yên bước vào ngưỡng cửa đại học dưới thời Pháp thuộc. Ông đang học năm thứ 2, Trường cao đẳng Công chính Hà Nội thì Nhật đảo chính Pháp vào tháng 3/1945. Trường đóng cửa, ông về lại Phú Yên. Tổng khởi nghĩa 1945, ông tham gia Quân đội nhân dân Việt Nam, sau đó ông được điều ra Bắc tham gia ngành công binh của quân đội là Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 444, thuộc Trung đoàn Công binh 161 nằm trong đội hình Sư đoàn Công pháo 351. Ông tham gia chiến dịch Hòa Bình năm 1951, tham gia mở đường ô tô từ Yên Bái lên Nghĩa Lộ phục vụ cho chiến dịch giải phóng miền Tây Bắc vào năm 1952. Năm 1953, ông tham gia chiến dịch Thượng Lào. Cuối năm 1953, ông được lệnh tổ chức trinh sát đường tiếp vận Tây Bắc chuẩn bị cho chiến dịch Điện Biên. Ông đã tham gia suốt chiến dịch Điện Biên Phủ với cương vị là Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 444, 1 trong 3 tiểu đoàn mở đường thắng lợi ở Điện Biên. Ông tham gia mở đường Tuần Giáo vào Điện Biên, sau đó mở đường cho Trung đoàn Pháo binh hạng nặng 105 vừa mới thành lập ở Trung Quốc về tham gia chiến dịch. Khi có chủ trương đánh chắc thắng chắc, công binh phải mở thêm nhiều tuyến đường để đưa vào gần lòng chảo Điện Biên hơn. Công binh phải mở cả con đường sang phía tây lòng chảo Điện Biên và được giao cho Tiểu đoàn Công binh 444 của ông đảm nhiệm. Con đường phải qua nhiều đèo dốc và bãi trống nên vô cùng khó khăn, ông phải chống các dây leo cỏ dại để làm giàn ngụy trang cho pháo chui qua.

 

Đại tá Ung Răng (thứ hai từ phải sang) bên nóc hầm chỉ huy của tướng Đờ Cát tơ ri

Trong chiến thắng vĩ đại Điện Biên Phủ thì công binh của ta thời đó còn non trẻ với những dụng cụ thô sơ đã bảo đảm cho pháo binh áp sát Điện Biên nã những viên đạn cực kỳ chính xác, lập được kỳ tích mà những tên tướng lĩnh kỳ cựu của quân đội Pháp cũng không thể nào hình dung được. Sau khi hoàn thành xuất sắc công tác mở đường, bảo đảm cho xe pháo cơ động tiêu diệt tập đoàn cứ điểm, ông được điều về Cục Công binh. Năm 1975, ông lại được tăng cường cho chiến dịch Hồ Chí Minh mở đường đưa pháo 122 nòng dài vào tham gia chiến dịch. Sau khi đất nước giải phóng, ông được điều về làm Hiệu trưởng Trường Công binh ở Bình Dương, đào tạo nhiều lớp cán bộ trẻ để xây dựng ngành công binh hiện đại của QĐND Việt Nam.

 

Ông LÊ CÔNG HẬU (người làng Phước Hậu, phường 9, TP Tuy Hòa)

 

Ông Lê Công Hậu(1931-1963)

Ông sinh trưởng trong một gia đình nông dân giàu truyền thống cách mạng. Được rèn luyện trong môi trường lao động nên ông là một học sinh có sức khỏe hơn những học sinh cùng lứa. Tháng 8/1950, ông đang học năm thứ 3 (đệ tam) Trường trung học Lương Văn Chánh ở Đồng Mi, theo tiếng gọi của non sông “Xếp bút nghiên lên đường tranh đấu”, ông xung phong nhập ngũ. Nhờ sức khỏe tốt và tinh thần hăng say của tuổi trẻ, ông được chọn đi đào tạo sĩ quan ở Trường Lục quân Trần Quốc Tuấn, Liên khu 5 để chuẩn bị tổng phản công. Sau đó, ông lại tiếp tục được chọn đi Việt Bắc để đào tạo cán bộ cho một binh chủng mới. Hơn nửa năm trèo đèo lội suối, ông đã đến được Việt Bắc. Năm 1952, ông được gửi sang Trung Quốc để đào tạo sĩ quan pháo binh, một binh chủng mới hiện đại lúc bấy giờ. Ra trường, ông được phân công làm Đội trưởng chỉ huy 2 khẩu 105 trong số 24 khẩu 105 của Trung đoàn pháo 675 thuộc Sư đoàn 351, đơn vị hỏa lực mạnh nhất của QĐND Việt Nam thời bấy giờ. Để có những viên đạn chính xác nã vào đầu quân giặc, bộ đội ta phải trải qua thời kỳ huấn luyện cực kỳ gian khổ vì phải tiếp thu kỹ thuật vô cùng phức tạp. Ngoài trình độ văn hóa, việc chọn các pháo thủ cũng phải là những chiến sĩ có sức khỏe tốt (chân đồng vai sắt) còn phải có một tinh thần thép và cặp mắt tinh tường để ngắm thật chính xác, thao tác không nhầm lẫn dưới mưa bom bão đạn quanh mình.

 

Ra quân trận đầu, quân ta phải đưa những khẩu pháo nặng hàng tấn, vượt đèo cao suối sâu với một tinh thần thép:

 

“Dốc núi cao cao, lòng quyết tâm còn cao hơn núi,

Vực sâu thăm thẳm, vực nào sâu bằng chí căm thù…”.

 

Đưa pháo vào, kéo pháo ra rồi lại đưa pháo vào, để rồi trong lần nổ súng đầu tiên, pháo binh của ta đã khóa mồm pháo binh Pháp ở lòng chảo Điện Biên, buộc tên quan 5 Pirốt phải tự sát vì khoác lác “sẽ không có một hỏa điểm pháo binh nào của Tướng Giáp có thể nổ đến phát thứ 3 mà không bị pháo 155 hiện đại của Pirốt bịt miệng”. Sau khi Him Lam thất thủ, chứng kiến cảnh hoang tàn dưới làn đạn của pháo binh QĐND Việt Nam làm cho quân địch ở Him Lam phải rúng động, những tên còn sống sót đều phải giơ tay xin hàng. Đờ Cát cũng như quan 5 Pirốt biết chắc Điện Biên sẽ mất, Pirốt đã rút súng bắn vào đầu, còn Đờ Cát thì liên tiếp xin viện binh.

 

Chiến dịch Điện Biên Phủ thắng lợi, trung đội trưởng Lê Công Hậu được lên chức đại đội trưởng. Đến năm 1963, ông được điều về miền Nam với quân hàm đại úy, ông bị địch phục kích và hy sinh ngày 20/8/1963 tại chiến trường Đắk Lắk.

 

 

ĐẶNG CA

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek