Thứ Năm, 28/11/2024 12:55 CH
Qua miền Tây Bắc
Thứ Ba, 06/05/2014 07:35 SA

Đoàn tham quan cây đào Tô Hiệu tại nhà tù Sơn La - Ảnh: T.SƠN

Nhân kỷ niệm 60 năm Ngày chiến thắng Điện Biên Phủ, Trung tâm Giáo dục truyền thống và lịch sử Việt Nam thuộc Hội khoa học Tâm lý - Giáo dục Việt Nam đã tổ chức chuyến đi về nguồn - “Qua miền Tây Bắc” nhằm tôn vinh các giá trị truyền thống và lịch sử, tri ân các anh hùng liệt sĩ Điện Biên, tri ân Đại tướng Võ Nguyên Giáp, thăm và cảm ơn đồng chí đồng bào, giao lưu và chứng kiến các thành quả cách mạng tại các tỉnh Sơn La, Điện Biên.

 

Chuyến đi có đến 819 đại biểu là anh hùng lực lượng vũ trang, chiến sĩ Điện Biên, là cựu thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến, con em các liệt sĩ Điện Biên, các gia đình Bà mẹ Việt Nam anh hùng có công với nước của 26 tỉnh, thành phố trong cả nước tham gia.

 

BUỔI XUẤT QUÂN HÙNG TRÁNG

 

Với tất cả sự háo hức được về thăm lại chiến trường xưa, mặc dầu Hà Nội lạnh 150C, các đại biểu vẫn đến khách sạn Kim Liên rất sớm và đông đủ, có nhiều cụ ông cụ bà phải đến 80 - 85 tuổi, còn phần đông là 60-70 trở lên. Chúng tôi được phiên chế thành các đại đội. Với hàng danh dự 3 anh hùng quân đội, 4 chiến sĩ thi đua, 5 nữ dân công hỏa tuyến Điện Biên và đại diện các gia đình có công, trên ngực lấp lánh huân chương thẳng tắp, nghiêm trang dưới quân kỳ. Sau khi nghe quân lệnh của đoàn trưởng về chuyến đi, chúng tôi mỗi đại đội 45 chiến sĩ được lên một đại xa - đoàn quân xe đến 21 chiếc (gồm 18 xe thực binh, 1 xe trung tâm chỉ huy, 1 xe hậu cần y tế và 1 xe công an dẫn đường) ra quân giữa giờ cao điểm. Cờ nước phất phới tung bay, tiếng hát “Qua miền Tây Bắc, núi vút ngàn trùng xa”… vang lên, hùng dũng như cả một sư đoàn ra trận. Anh em lính già chúng tôi cố hát lên cho căng lồng ngực như tuổi 20 năm xưa. Vui náo nức và cũng rưng rưng bao ký ức dội về. Hà Nội sáng nay cũng gửi lòng theo chúng tôi lên với bà con Tây Bắc, với Điện Biên thân yêu!

 

Tác giả bên hầm chỉ huy Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ- Ảnh: T.SƠN

ĐƯỜNG LÊN TÂY BẮC QUANH CO

 

Những đại lộ, những cao ốc lùi dần về phía sau, đoàn xe rồng rắn đến Xuân Mai, rồi tránh không vào TP Hòa Bình mà theo quốc lộ 6 đi Sơn La. Sơn La núi khuất trong sương mù, núi chập chùng đèo dốc, khúc khuỷu quanh co. Hệ thống đường được xây dựng mới hiện đại, bóng loáng, có vạch sơn trắng chỉ đường, 2 làn xe ngược xuôi thoải mái, êm ru. Vách núi cao dựng đứng. Vực sâu thăm thẳm đã có trụ chắn an toàn. Mây trắng là là lưng đèo ta có cảm giác như xe chạy trên mây, lâu lâu có một tốp mấy anh chị công nhân trong bộ áo rét xanh bạc màu. Chỉ mấy ổ gà nhỏ xíu mà cũng được sửa vá cẩn thận. Đang núi đèo trùng vây, bỗng xuất hiện một khoảng trời sáng lóe, quang đãng, mấy nếp nhà sàn cùng với những vòng ruộng bậc thang tươi xanh như những vòng ngọc lấp lánh trên ngực cô gái vùng cao. Hỏi đây là đâu?

 

Là Yên Châu. Ôi là Yên Châu sao? Quê hương của bài hát mà tôi yêu thích: “Người Châu Yên em bắn máy bay”. Tôi nghe như tiếng reo vui: “Em bắn rơi máy bay Mỹ, một, hai, ba, chúng nó rơi nhiều nhiều”. Đúng là vòm trời Châu Yên như một cái lòng chảo, một mẻ chài vĩ đại mà dẫu có thần sấm, con ma Mỹ lọt vào đây cũng không thoát khỏi những tay súng của người Châu Yên anh hùng. Rồi Mai Châu, Mộc Châu. Tôi nhớ 30 năm về trước, nhà tôi lúc bấy giờ là Bí thư Đoàn trường cấp 3 Hoàn Kiếm đưa cả một chi đoàn học sinh đi thực tế hè ở Nông trường Mộc Châu. Một tháng lao động, học tập, nghỉ ngơi thật thú vị và đầy bổ ích. Sáng đi trồng cỏ, chiều ghi chép lịch sử địa phương, thầy và trò Hà Nội mới hiểu biết được cái vất vả cuộc sống chiến đấu, lao động của người công nhân trong những ngày đầu xây dựng nông trường và cái vị ngọt lành của cốc sữa bò tươi mà các cô chú công nhân thưởng cho các em trong phút nghỉ ngơi. Những kỷ niệm đẹp ấy theo mãi trong ký ức của con gái tôi và cả một lớp học sinh thời ấy.

 

Mộc Châu xưa mới chỉ là mấy trại bò sữa đơn sơ nay đã là một thị trấn to đẹp, khang trang. Khách sạn Công đoàn Mộc Châu có lẽ là nơi nghỉ chân hấp dẫn, thoải mái, ăn uống rẻ và ngon nhất trên con đường đi Tây Bắc hiện nay. Tôi bỗng nhớ câu thơ của Quang Dũng:

 

Nhớ ôi, Tây tiến cơm lên khói,

Mai Châu, mùa em thơm nếp xôi...

Trong nắm xôi đãi đoàn chúng tôi hôm nay có vị dẻo thơm của nắm xôi mà em gái Mộc Châu tiễn đưa người chiến sĩ Tây Tiến năm xưa!

 

Trên đồi A1- Ảnh: N.X.ĐÀM

VIẾNG CÁC ANH HÙNG LIỆT SĨ THANH NIÊN XUNG PHONG TẠI ĐÀI TƯỞNG NIỆM NGÃ BA CÒ NÒI

Càng lên cao, đường càng quanh co uốn lượn, thấp cao, dốc đèo.

 

Lệnh của ban chỉ huy là đoàn xe phải giữ cự ly, bám nhau, giữ vững đội hình. Thế mà sự cố vẫn xảy ra. Trước mắt chúng tôi là một ngọn núi dựng đứng và một ngã ba. Xe đại đội 12 băng băng cố bám theo xe 11. Song mỗi lúc một mất hút, mất hút. Đại đội trưởng, cơ trưởng điện đàm rối rít. Xe đã lạc đoàn đến 20km. Thế là xe phải quay đầu, “kéo pháo ra”. Lúc 15 giờ, chậm hơn lịch trình 40 phút, đoàn đã tập kết đầy đủ, nghiêm trang cùng với lãnh đạo Đảng, chính quyền, Ủy ban Mặt trận huyện Mai Sơn đặt vòng hoa, dâng hương tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ thanh niên xung phong hy sinh trong chiến dịch Điện Biên Phủ tại ngã ba Cò Nòi.

 

Một trong những nhân tố quyết định cho chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ là con đường hậu cần đảm bảo lương thực, súng đạn cho 5 đại đoàn quân chủ lực chiến đấu ở chiến trường. Với tinh thần “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng” Đảng ta đã huy động trên 260.000 lượt thanh niên xung phong, 21 vạn xe đạp thồ từ Thanh Hóa, khu 4, khu 3, Phú Thọ, Việt Bắc... và hàng ngàn con đường lớn nhỏ, đường 6, đường 32, đường 41,... đều phải băng qua ngã ba Cò Nòi để vào Điện Biên. Giặc Pháp quyết liệt đánh phá điên cuồng hòng cắt đứt con đường huyết mạch, có ngày chúng ném đến 300 quả bom tạ làm san phẳng, biến dạng ngã ba đèo. Nhưng “gan không núng, chí không sờn, sống bám đường, chết kiên cường dũng cảm” mạch máu hậu phương vẫn tiếp đến trái tim hồng chiến sĩ. Người ta tính, hễ 1kg gạo đến Điện Biên phải tiêu hao mất 24kg gạo trên đường vận tải.

 

Một viên đạn, một nắm cơm trên chiến trường đã trộn bùn non, chan mặn máu của bao chiến sĩ, đồng bào để bộ đội ta càng đánh càng thắng to.

 

Trước tượng đài uy nghiêm, lồng lộng chiều tím trời Tây Bắc, chúng tôi thắp nén hương lòng tưởng nhớ các anh các chị. Tấm gương của các anh các chị ở Cò Nòi - Điện Biên tiếp tục soi sáng những con đường thanh niên xung phong trong thời kỳ chống Mỹ - con đường ngã ba Đồng Lộc, Khe Giao, Trương Bồn, con đường Đắk Lắk - Kon Tum, con đường tàu không số Vũng Rô - nối dài đến những đoàn thuyền Cửu Long, Đồng Tháp của cô gái Sài Gòn đi tải đạn và họ đã gặp nhau giữa Sài Gòn đại thắng.

 

Tổ quốc khắc ghi tên anh chị vào bia đá

Bia đá khắc ghi nỗi nhớ thương thế hệ:

“Nước non nặng một lời thề

Chưa tan hết giặc chưa về quê hương”

Lời thề năm ấy còn vương

Khói hương cho gửi lời thương theo cùng

Trăm năm những trái tim hồng

Còn đây sống mãi trong lòng quê hương

Muôn đời một tấm gương trong!

Kính bái!

(Còn nữa)

Tiến sĩ NGUYỄN XUÂN ĐÀM

 

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek