Mãi đến hôm nay tôi mới tranh thủ gặp và chào mừng ông bà đại tá Phùng Văn Khầu. Đứng trên đồi E người chiến binh 85 tuổi giọng hùng hồn và pha lẫn rưng rưng: trận chiến đấu ác liệt diễn ra suốt một đêm, đến rạng sáng 5/4 Tiểu đoàn Sơn pháo 75 ly chúng tôi chiếm lĩnh được cứ điểm đồi E cắt ngang cánh đồng Mường Thanh, một điểm chốt hiểm yếu sẽ khống chế cả A1, C1, C2 quân địch phản kích điên cuồng, pháo Mường Thanh, pháo A1 cả bầy máy bay dội bão lửa - một quả bơm trúng ngay đội hình, 2 khẩu pháo và 11 chiến sĩ hy sinh, chỉ còn lại đồng chí đại đội trưởng bị thương, 1 liên lạc và tôi. Từng đợt, từng đợt xe tăng địch bò lên đồi định đè nát tôi - tôi hô “còn một khẩu, một người cũng đánh”. Hễ một chiếc tăng bò lên, một quả đạn tôi hất tung nó xuống. Không biết bao nhiêu đợt. Tôi cầm cự mãi đến chiều. Được tiếp viện, quân ta giữ vững được đồi E và sau triển khai chiếm được C1, C2 và đến trận cuối cùng A1...
Đến trung tâm cứ điểm Mường Thanh, ai cũng tranh thủ chụp một kiểu ảnh đứng trên nóc hầm Đờ-cát.
...Lúc ấy là 17 giờ 15, một cánh quân của Đại đoàn 312 ép sát sở chỉ huy tập đoàn, quân địch lô nhô cờ trắng ra hàng. Mệnh lệnh: “Xông vào hầm bắt sống Đờ-cát. Đại đội trưởng Tạ Quốc Luật, Bùi Văn Nhỏ và tôi lao vào hầm trung tâm. Nhưng chẳng biết thằng nào là thằng Đờ-cát. Thằng nào cũng râu ria xồm xoàn, mặt tái xanh, tái mét. Chúng tôi thấy một thằng ngồi ở bàn chỉ huy. Chắc là Đờ-cát rồi. Chúng tôi thét lớn: “Giờ tay lên” “Hô-la-manh”! Nó ngần ngừ. Tôi dí súng, hô tiếp “Hô-la-manh”! nó run rẩy, giơ 2 tay cả cây gậy chỉ huy nạm bạc. Nó đứng ỳ. Tôi lại thét: “Đứng vào hàng - mày là tù binh”.Thế là chúng tôi bắt được tướng Đờ-cát trong tiếng reo hò dậy đất.
Giọng đại tá Hoàng Đăng Vinh trầm xuống: “Tạ Quốc Luật đã qua đời năm ngoái. Rất tiếc hôm nay anh không có mặt cùng chúng ta ở đây!”.
Chiều nay, trời Mường Thanh nắng dịu - tượng đài chiến thắng hùng vĩ, lồng lộng in trên bầu trời xanh như vẫy gọi. Những người cao tuổi như chúng tôi phải gắng lắm và cũng được nhờ các bạn trẻ giúp đỡ nên mới trèo lên được hết 385 cấp cao vút đến bên hình tượng người chiến sĩ tay phất cao cờ Quyết chiến Quyết thắng, tay bế em bé cầm chiếc đèn ông sao vẫy chào. Không ai bảo ai, chúng tôi hát vang bài ca: “Giải phóng Điện Biên bộ đội ta tiến quân trở về thắng trận Điện Biên Phủ...”. Cánh đồng Mường Thanh xanh vời vợi, nhiều ngôi nhà cao tầng mới mọc lên, xen với bản làng những nếp nhà sàn ấm cúng. Thành phố trẻ lên đèn. Sao điện lẫn với sao trời lấp lánh, huyền diệu. Đêm Điện Biên thanh bình, ôm ấp những giấc mơ xanh và đang sinh sôi với hồn thiêng sông núi.
* * *
VỀ CỘI NGUỒN CHIẾN THẮNG RỪNG ĐẠI TƯỚNG - MƯỜNG PHĂNG
Chiều 19/3.
Đường từ trung tâm thành phố về Mường Phăng độ 20km. Đoàn đại xa 21 chiếc vẫn chạy được thông suốt. Nghe nói 5 năm trước đây vẫn còn đường bờ ruộng mấp mô, nhỏ xíu. Nhờ chương trình xây dựng nông thôn mới và chuẩn bị kỷ niệm 60 năm chiến thắng mà bộ mặt Mường Phăng có nhiều thay đổi. Bà con Mường Phăng cũng tề tựu tấp nập. Đây là lần đầu tiên có đoàn về thăm bà con đông đảo, từng bừng như thế.
Sau lễ dâng hương tưởng niệm, tri ân “vị Đại tướng của nhân dân”, “vị Đại tướng của hòa bình”, đoàn tặng quà cho lãnh đạo Đảng ủy, ủy ban, Mặt trận xã và các cụ ông cụ bà có nhiều công lao bảo vệ phục vụ Đại tướng và bộ chỉ huy chiến dịch năm xưa.
Trong bộ lễ phục dân tộc đủ sắc màu Mông, Thái, Khơ Nú, các cụ ông, cụ bà dẫn chúng tôi thăm sở chỉ huy, thăm rừng Đại tướng... giữa đồi cao, một chiếc lán nhỏ lợp lá rừng đơn sơ, một chiếc giường bằng vầu, một chiếc bàn nhỏ vừa đủ trải rộng tấm bản đồ chiến trận, bên cạnh là chiếc hầm tránh phi pháo, trong hầm cũng có một bàn nhỏ để làm việc khi cần, xê một tí có bàn rễ cây và mấy chiếc đôn thấp để ngồi uống trà. Nhưng chắc ít khi dùng đến.
Tất cả đều ẩn mình kín đáo dưới đại ngàn. Ở đây nơi làm việc của một trí tuệ quân sự thiên tài, một ý chí thép gang và một tâm hồn nhân ái bao la và cả phảng phất cái phong thái ung dung, tự tại của một nhà chân nho, của nhà văn hóa Phương Đông của vị Đại tướng Tổng tư lệnh của chúng ta. Nơi đây đã diễn ra những cuộc họp lịch sử của các vị tướng lĩnh chiến trường và những quyết định chiến lược cực kỳ sáng suốt, thông minh, độc lập, quyết đoán, tài ba lõi lạc, cái quyết định cội nguồn của chiến thắng Điện Biên. Nó khác hẳn với cái hầm chỉ huy của tên tướng xâm lược, nó rúc sâu dưới lòng đất, bao bọc cốt thép xi măng, với tối tân vũ khí và đầu óc hợm hĩnh, kiêu ngạo và đặc sệt tham tàn, cái định mệnh của sự thất bại ê chề.
Nghe đâu lần vô thăm 40 năm chiến thắng, Đại tướng nói vui: Hầm tướng bại trận lại được sửa sang hoành tráng để người ta du lịch xem chơi, còn hành dinh Đại tướng đại thắng thì cần nên xây một đập nước tưới cho đồng ruộng xanh tươi và cái trường cho trẻ nhỏ đi học.
Và đúng tròn 1 năm, hồ chứa nước Lọong Luông đã hoàn thành tưới cho 150ha lúa 2 vụ của 6 bản ở xã Mường Phăng và riêng gia đình Đại tướng xây tặng cho xã một ngôi trường đẹp.
Những dòng nước nhỏ trong vắt róc rách, chắt chiu từ những khe suối, những rễ cây của rừng Mường Phăng tưới mát những ô mạ bên cạnh hầm Đại tướng rồi tụ về hồ Lọong Luông. Những em bé áo quần chưa đẹp lắm, nhưng đã đủ ấm sau buổi học tung tăng tỏa về các mái nhà sàng e ấp tình thương...
Cụ Mùa A Sầu, 85 tuổi nói với tôi: Bà con trong 6 bản của xã Mường Phăng đang chuẩn bị đón Đại tướng về kỷ niệm 60 năm... Ai ngờ... Cả dân làng, cả rừng Mường Phăng buồn ngẩn ngơ như gà con mất mẹ...
Đại tướng trước sau, nặng giàu thủy chung tình nghĩa
Trải dặm đường dài - mặn, ngọt, đắng cay,
Đại tướng trồng mầm nhân, thu về quả đức
Ngôi sao khuê rạng rỡ muôn đời
Để lương tâm triệu người xích lại gần nhau!
Dẫu mai sau nước biển có dâng trào
Vẫn cao mãi ngàn năm Đảo Yến
Giữa đất trời hòa lời ru cùng biển
Nâng giấc thiên tài - Đại tướng của nhân dân
Cha già của con cháu Mường Phăng!
Chúng tôi lưu luyến mãi trước nhà văn hóa Mường Phăng dưới tán cây hoa ban cổ thụ. Hoa nở tưng bừng. Hoa ban màu trắng ngà phớt hồng bồng bềnh như vầng mây trời sà xuống thấp rồi cắt hình lên màu xanh đại ngàn. Trải dài theo những ô mạ non mơn mởn, uốn lượn những con đường nhỏ với những lùm hoa hồng dại đỏ rực bên bờ, chạy về những bản xa. Bình dị yên ả, ấm cúng và những nghĩ suy đêm Mường Phăng lịch sử.
(Còn nữa)
Tiến sĩ NGUYỄN XUÂN ĐÀM