Vào khoảng ngày 23/1/1954, đơn vị chúng tôi được điện của trên là phải tổ chức đánh sập cầu Sắt và cầu Xóm Bóng để cắt đứt đường giao thông từ Nha Trang tiếp tế cho chiến trường Phú Yên của chiến dịch Át-lăng. Nhận được lệnh, chúng tôi cử một trung đội bộ binh cộng với 2 tổ đặc công do đồng chí Ông Văn Bưu (lúc này là chỉ huy trưởng thay đồng chí Nguyễn Trọng Xuyên về quân khu) lên đường làm nhiệm vụ. sau 5 ngày trinh sát nắm tình hình, ngày 28 tháng Chạp năm Quý Tỵ, tức ngày 1/2/1954, bộ phận đánh cầu chia làm 2 bộ phận. Đánh cầu Xóm Bóng do đồng chí trung đội trưởng Khánh làm chỉ huy với 1 tổ đặc công và là bộ binh. Cách đánh dùng 2 đồng chí đặc công mag 10kg bộc phá từ thượng nguồn đội bèo và cỏ bơi đứng áp sát chân cầu, bí mật đem bộc phá đặt vào giữa 2 trụ cầu ở giữa sông, sau đó bơi ra cho nổ. Tổ bộ binh yểm trợ trên bờ. Đúng giờ, tổ đặc công phát hỏa nhưng bộc phá không nổ do ngấm nước ướt. Đơn vị đánh cầu Xóm Bóng không phá được cầu đành rút lui.
Tổ đánh cầu Sắt do đồng chí Ông Văn Bưu chỉ huy, đồng chí Nguyễn Xuân Tiên làm tổ trưởng đánh chiếm lô cốt đầu cầu. sau đó đặt bộc phá 10kg dưới mố cầu cho phát nổ. Tổ này hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Lô cốt đầu cầu bị đánh sập, nhịp cầu phía nam sau tiếng nổ kinh hoàng đã bị hất xuống sông. Mấy tên lê dương sống xót giơ tay đầu hàng. Sau chiến thắng, đồng chí Ông Văn Bưu ở lại tiếp tục điều tra các mục tiêu khác. Đồng chí Nguyễn Xuân Tiên cho dẫn tù binh về căn cứ và nghỉ để cưới vợ.
Khi đám tù binh về đến căn cứ 175, tôi xuống khai thác tình hình. Vì chúng chỉ là lính nên không cung cấp được gì nhiều, chúng chỉ cho biết là bọn lính lê dương cũng như lính ngụy tinh thần rất sợ đi Phú Yên và ra Bắc cho nên tìm mọi cách lẩn trốn. Thấy khai thác không được gì nhiều, nhưng thấy 3 tên lính người châu Phi da đen, mặt đứa nào đứa nấy đều rạch mỗi bên 3 rạch. Tôi thử hỏi: “Tại sao các anh lại rạch mặt?”. Lúc đầu chúng không dám nói nhưng sau thấy thái độ không có gì là ác ý, chúng bảo: “Ở nước chúng, con trai lớn lên mà không rạch mặt là không dũng cảm, con gái họ chê, không lấy được vợ”. Tôi cười bảo: “Thế các anh bây giờ có dũng cảm không?”, chúng mắc cỡ gục mặt không dám trả lời. Cùng với một bộ phận đánh cầu, một tổ khác do đồng chí Trần Mốc đại đội phó chỉ huy dẫn một tổ trinh sát sau gần 1 tháng bí mật tiếp cận căn cứ huấn luyện tân binh ở Suối Dầu với 2.000 tân binh, có 40 sĩ quan chỉ huy và sĩ quan huấn luyện tối tập trung ngủ trong một nhà ngói dài gần cổng doanh trại. Căn cứ rất rộng, được bảo vệ tới 5 lớp rào dây thép gai và rất nhiều dãy, nhà dài của tân binh. Sau khi lên bàn tôi chưa hiểu phương án tác chiến của đồng chí Mốc như thế nào, nhưng rất tin vào tính tỉ mỉ, chính xác của anh em trinh sát. Sau khi nghe các anh chỉ chọn đánh sập nhà chỉ huy diệt bọn sĩ quan để cho số tân binh có điều kiện trốn thoát. Sau khi nhất trí về phương án: đánh nhà máy đèn làm tắt điện để ta có điều kiện rút lui, diệt lô cốt đầu cầu để đảm bảo đường lui, mỗi tổ 2 đồng chí đặc công. Riêng nhà chỉ huy thì do đồng chí Mốc trực tiếp đảm nhiệm với 2 đồng chí đặc công dùng mìn thổi và 5 cân bộc phá đánh sập nhà chỉ huy. Phương án được thông qua nhưng đơn vị đi làm nhiệm vụ ở nhiều hướng nên thiếu 1 đặc công. Trước tình hình chưa biết chọn ai thì đồng chí Nguyễn Xuân Tiên vừa đánh cầu Sắt về xung phong đi chiến đấu tiếp. Tôi bảo: “Mày được phép về cưới vợ, ngày cưới gần rồi, mày đi sao được!”, đồng chí bảo “chiến thắng xong về cưới”, “vui duyên mới không quên nhiệm vụ” và nở một nụ cười rất tươi làm tôi vô cùng xúc động.
Để thực hiện kế hoạch, đơn vị phải gói 3 quả bộc phá, mỗi quả bộc phá cần 4-5cm dây cháy chậm, nhưng đơn vị chỉ có 10cm, nếu chờ ở Nha Trang đưa lên thì phải cả tháng nên đồng chí Tiên quyết định 2 quả kia mỗi quả 3,5cm, còn quả do đồng chí đánh nhà máy đèn chỉ có 3cm.
Trận đánh căn cứ huấn luyện của địch với 2.000 lính nhưng ta chỉ có 11 đồng chí, 7 đồng chí đặc cộng đảm nhiệm các mục tiêu chính: Nhà chỉ huy nhà máy điện, lô cốt đầu cầu, với 2 tổ gác. Ta tiếp cận bí mật thuận lợi, đặc công áp sát mục tiêu. Giờ phát hỏa đến. Một tiếng nổ kinh hoàng, điện phụt tắt, tiếp liền quả mìn thổi và quả bộc phá 5kg đã làm sập hoàn toàn nhà chỉ huy. Lô cốt đầu cầu nổ tung. Tổ đánh nhà máy đèn không chạy ra kịp, bị kho xăng dự trữ nổ tung và bốc cháy chụp luôn đồng chí Tiên và đồng chí Minh. Trận đánh kết thúc.
Ta đánh sập nhà máy chỉ huy với 40 sĩ quan vùi trong đống gạch. Nhà máy điện cháy. Lô cốt cầu bị đánh sập. Ta rút lui đúng kế hoạch nhưng 2 đồng chí Tiên và đồng chí Minh nằm lại không về đơn vị nữa. Đồng chí Mốc bị gạch đá đập vào lưng bị thương. Sau khi ta rút, thừa lúc chỉ huy bị diệt, hơn nửa số tân binh đã tranh thủ trốn trại. Trận đánh tuy có thiệt hại nhưng ta đã hoàn thành xuất sắc, góp phần phá tan kế hoạch bổ sung quân cho Át-lăng và chiến trường chính Điện Biên Phủ. Một thắng lợi về tinh thần nữa là ngày hôm sau, bọn địch ở Nha Trang vào nhìn cảnh đổ nát, các xác chết của chúng nằm ngổn ngang, còn 2 đồng chí của ta bị cháy thui, chúng vô cùng khâm phục tinh thần chiến đấu hy sinh anh dũng của bộ đội ta. Chúng chỉ vào xác của 2 đồng chí bảo “đã chiến đấu thì phải dũng cảm như 2 ông này!”, và sau đó chúng cho bà con mang 2 xác của đồng chí đem về chôn cất đàng hoàng. Sau này, mộ của 2 đồng chí được đưa về nghĩa trang Đồng Đế, Nha Trang.
Cũng trong thời gian này, chúng tôi thấy hàng ngày vào khoảng từ 7 giờ sáng đến trưa, thường xuyên có 5-6 máy bay trinh sát (Moral) của Pháp ở sân bay Nha Trang lên quần đảo ở vùng căn cứ 175 Hòn Giữ. Chúng bay rất thấp, chỉ ngang đọt cây, nhiều lúc thấy cả chiếc đồng hồ đeo tay của tên sĩ quan ngồi ở cửa máy bay. Hồi ấy, với sự hiểu biết hạn chế, chúng tôi nghĩ là súng trường, súng máy không thể bắn thủng máy bay nhưng ta bắn trúng thằng ngồi cửa thì nhất định nó chết nên khi anh em đề nghị “cho bắn mấy chiếc trinh sát lên quần đảo trên đầu, ghét lắm”. Tôi đồng ý và dặn anh em là khi bắn xong nhớ phân tán để tránh địch phát hiện dùng pháo bắn trả. Sau 2 ngày, được anh em báo có nổ súng, bắn máy bay hết 9 viên đạn và thấy máy bay hơi chao đảo rồi bay ra khỏi căn cứ. Tôi ghi vào sổ tác chiến chỉ mấy dòng như trên và cũng không báo cáo cho chỉ huy vì nghĩ chuyện bình thường. 1 tuần sau, đồng chí chính trị viên Lê Minh Đức: “Mấy bữa nay ta có bắn máy bay không?”, tôi báo cáo “có”, đồng chí bảo phải làm báo cáo về tỉnh gấp vì Bộ Tổng tư lệnh điện khen thưởng Huân chương Quân công hạng ba cho đơn vị Nam Khánh đã bắn rơi máy bay. Tôi rất bất ngờ, trận chống càn suốt 3 tháng, diệt hàng mấy trăm tên địch mà chỉ được khen thưởng Huân chương Chiến thắng hạng nhất. Sau này tôi mới biết giá trị đích thực là diệt máy bay địch là góp phần để quân ta đỡ tốn xuơng máu trên chiến trường Điện Biên và làm cho thằng địch có mắt cũng như mù vì dưới mặt đất không thể quan sát hết toàn bộ mặt trận Điện Biên.
Chiến công nối tiếp chiến công, từ đầu năm 1954 đến tháng 7/1954, không tháng nào đơn vị chúng tôi không hạ đồn. Một dãi từ Đồng Trăng, Đồng Giăng ra Phú Cốc xuống tứ thôn Đại Điền cho tới Đắc Lộc, đèo Rù Rì một vùng rộng lớn phía bắc Sông Cái được giải phóng. Nhân dân vô cùng phấn khởi đã làm cho địch không thể lấy nhân tài vật lực ở vùng Nam Khánh trực tiếp chi viện, để quân dân Phú Yên đập tan chiến dịch Át-lăng của địch góp phần đánh bại địch ở Điện Biên Phủ.
ĐẶNG CA