Phú Yên là hậu phương vũng chắc của chiến trường Khánh Hòa suốt 9 năm chống Pháp xâm lược. Người Phú Yên luôn được tăng viện cho Khánh Hòa. Tôi được vinh dự tăng cường cho chiến trường Nam Khánh sau khi tốt nghiệp Trường sĩ quan lục quân Trần Quốc Tuấn LK5. Đơn vị Nam Khánh hồi ấy gọi là Huyện Đại đội Nam Khánh gồm Huyện đội Vĩnh Khánh Cam Ranh và thị đội Nha Trang và đại đội chủ lực Đại đội 340 do đồng chí Nguyễn Trọng Xuyên (sau này là Thượng tướng Thứ trưởng Bộ Quốc phòng) làm chỉ huy trưởng, đồng chí Ông Văn Bưu (sau này là Tỉnh đội trưởng Phú Yên thời chống Mỹ) là chỉ huy phó, đồng chí Võ Hòa (sau này là chủ tịch Phú Khánh) là trung đội biệt động và thị đội trưởng TX Nha Trang và một số đồng chí khác. Tôi được phân công làm công tác văn thư tác chiến (trợ lý tham mưu bây giờ).
Trong chiến dịch Át-lăng thì Nha Trang, Khánh Hòa là nơi quân Pháp đặt Sở chỉ huy chiến dịch ở đường Yersin TX Nha Trang, nơi tập kết quân lính, căn cứ xuất phát, nơi tập trung phương tiện, khí tài, quân trang, vũ khí ở xung quanh Nha Trang, Ninh Hòa, Cam Ranh, Vạn Giã.
Là cán bộ tham mưu, tôi liên tục cập nhật số liệu về vũ khí, khí tài, quân trang, quân dụng, gạo, đạn cũng như quân, đổ về Nha Trang, Ninh Hòa để chuẩn bị cho chiến dịch Át-lăng do các cơ sở nội tuyến cũng như các địa phương báo cáo. Về quân, chúng tập trung hàng chục nghìn của các đơn vị G10, G100, quân lê dương thiện chiến cho đến đội quân chuẩn bị chiếm đóng vùng giải phóng của ta. Ngoài quân chủ lực, Pháp còn có các đơn vị quân ngụy mới thành lập như binh đoàn số 12, 21 và 41, liên đoàn sơn cước Tây Nguyên. Vũ khí đạn dược, gạo thóc, quân trang, quân dụng thì cứ con số nghìn tấn trở lên ùn kéo về tập kết ở các kho xung quanh Nha Trang, Ninh Hòa. Là người Phú Yên, tôi rất lo không biết các tin tức của mình tổng hợp, báo cáo lên trên có được thông báo cho đồng bào bà con Phú Yên mình biết để chuẩn bị đối phó hay không?
Trước ngày địch mở chiến dịch, đơn vị tôi nhận được một mệnh lệnh: “các đơn vị phía sau lưng địch (như đơn vị Nam Khánh của chúng tôi) phải thực hiện các việc sau:
1. Tổ chức các cơ sở nội tuyến nắm kế hoạch tác chiến của địch gồm quân số vũ khí lương thực tham gia chiến dịch của địch để kịp thời báo cáo lên trên.
2. Luồn sâu vào sau lưng địch phá các căn cứ hậu cần, các trung tâm huấn luyện của địch.
3. Phá giao thông cắt đứt, hạn chế làm chậm trễ việc tiếp tế cho chiến dịch.
4. Lợi dụng sự sơ hở của địch do việc tập trung chủ lực đánh ra vùng tự do Phú Yên, tiêu diệt các đồn bốt lẻ và nơi sơ hở của địch để mở rộng vùng giải phóng sau lưng địch.
Với các nhiệm vụ được giao, đơn vị Nam Khánh chúng tôi bố trí trinh sát đi các hướng nắm tình hình, nhất là vùng Nha Trang, Diên Khánh trước khi địch đánh ra Phú Yên, độ một tuần chúng tôi nhận được tin tức từ cơ sở báo: Ta có một cơ sở nội tuyến là một thiếu úy làm nhiệm vụ canh gác tại Sở chỉ huy chiến dịch Át-lăng đang đóng ở đường Yersin vào giờ nghỉ trưa. Sau khi nắm chắc và liên hệ được với nội tuyến, ta bố trí đóng giả sĩ quan ngụy cấp bậc trung úy do đồng chí Võ Hòa lúc ấy là Thị đội trưởng Nha Trang, là người Nha Trang thông thạo địa hình thành phố và biết được tiếng Pháp, có khả năng hoàn thành nhiệm vụ, nếu có những trục trặc cũng có khả năng xử trí. Theo kế hoạch, “trung úy” Hòa diện một bộ quân phục sĩ quan mới tinh ngồi uống nước ở quán phía trên cầu Đước, chiếc xe Jeep từ thành chạy xuống ghé vào quán, viên trung úy bước lên, xe chạy thẳng xuống đường Yersin trong giờ nghỉ trưa, viên thiếu úy gác ở sở chỉ huy ra đón, đưa vào phòng họp của sở chỉ huy.
Đúng như kế hoạch, khoảng 12 giờ trưa hôm đó, đồng chí Võ Hòa lọt được vào phòng họp của Sở chỉ huy chiến dịch Át-lăng. Tài liệu tác chiến địch để trong tủ bảo mật chỉ có tấm bản đồ tác chiến được tấm riđô che kín. Sau khi quan sát thấy không ai để ý, viên thiếu úy kéo riđô, tấm bản đồ kế hoạch tác chiến của chiến dịch Át-lăng rất rõ ràng, cụ thể: Chiến dịch mở màn với 3 hướng:
1. Từ biển đổ bộ vào Phú Câu đánh lên TX Tuy Hòa.
2. Từ đèo Cả theo đường một đánh ra Hòa Xuân phối hợp với cánh Tuy Hòa chiếm phía đông huyện Tuy Hòa.
3. Từ đồn Hai Riêng, Cheo Reo ở hướng tây đánh xuống Tuy Bình Củng Sơn.
Thời gian X… nhưng sau do nắm các nguồn tin khác biết X… là ngày 20 tháng giêng năm 1954.
Với sự nhạy bén, “trung uý” Hòa đã ghi vào bộ nhớ của mình và nhanh chóng rời sở chỉ huy với vài câu xã giao chúc nhau mạnh khỏe để bọn lính gác không để ý. 3 tiếng đồng hồ sau, thị đội trưởng Võ Hòa đã về đến căn cứ Đồng Bò. Và toàn bộ kế hoạch tác chiến của chiến dịch Át-lăng đã được điện về Bộ Tổng tham mưu và Bộ Tư lệnh QK5 (lúc này ở chiến khu Đồng Bò, bộ tăng cường một máy vô tuyến 15W). (Còn nữa)
ĐẶNG CA