Thứ Sáu, 20/09/2024 19:37 CH
Quân dân Phú Yên đánh bại chiến dịch Át-Lăng, chia lửa cùng chiến trường chính Điện Biên Phủ
Bài 10: Tiểu đoàn 365 anh hùng chia lửa cùng Điện Biên Phủ (Tiếp theo kỳ trước)
Thứ Hai, 28/04/2014 11:00 SA

Như vậy lúc này Plering có một lực lượng rất đông đủ các binh chủng của Binh đoàn 100 vừa hành quân đến. Đã 1 giờ sáng 21/3/1954. Một dấu hỏi đặt ra cho Trung đoàn trưởng Phan Hàm đánh hay không? Anh liền mời Thường vụ Đảng ủy trung đoàn họp nhưng chính ủy đi họp vắng nên chỉ còn có đồng chí Nam Khánh là Trưởng ban chính trị. 2 anh hội ý chớp nhoáng nhất trí là phải đánh, quyết đánh và quyết thắng. Quyết tâm đó được báo cáo về quân khu và được chấp nhận. Đúng 2 giờ 30 sáng 21/3/1954 các đơn vị báo cáo xong phương án. Trung đoàn trưởng kiểm tra lần cuối cùng và ra lệnh phát hỏa. Trên chục khẩu pháo thi nhau nhả đạn chính xác vào đồn giặc. Trọng liên ta bắn như mưa rào, quân của Binh đoàn 100 và đại đội lính Âu Phi của giặc nằm ngoài công sự bị hoảng loạn, hỏa lực trong đồn bị ta dập tắt ngay từ đầu nên chúng không bắn trả lại được, bộ đội ta đồng loạt dũng mãnh xung phong. Quân giặc chống cự yếu ớt, chết như rạ. Số địch còn sống sót vứt bỏ vũ khí chạy tán loạn. Ta làm chủ trận địa hoàn toàn, 4 giờ sáng, chỉ huy ra lệnh thu dọn chiến trường. Địch thừa nhận chúng bị chết 936 tên, 20 xe bị phá hủy, 200 xe cơ giới và pháo binh bị hư hỏng nặng. Binh đoàn 100 bắt ép dân công khiêng xác chết suốt ngày 22/3/1954.

 

mh140428.jpg
Các chiến sĩ Tiểu đoàn 365 họp mặt truyền thống - Ảnh: C.T.V

Sau chiến thắng Plering, Trung đoàn 803 được chuyển về phía đông. Cán bộ chiến sĩ rất mừng, Tiểu đoàn 365 được tách khỏi trung đoàn do trung đoàn phó Hà Vi Tùng, tiểu đoàn trưởng Phạm Đình Dư, chính trị viên Cao Thượng Lương chỉ huy cũng vừa đến Đồng Xuân. Dân công tiếp tế chưa kịp nên hết gạo. Bộ đội đói, đây là vùng dân cư thưa thớt, dân nghèo nhưng rất thương yêu bộ đội. Chính quyền, các đoàn thể đã vận động bà con ăn rau sắn thay cơm để dành hũ gạo cuối cùng của từng gia đình mình ủng hộ bộ đội. Từ chỗ đói kém, đoàn quân được cấp mỗi người 10 đến 20kg gạo và một bánh đường mang theo hành quân đánh giặc. Khi đến Suối Cối (giáp ranh 2 xã Xuân Phước và Xuân Quang) dừng lại nghỉ trưa. Đoàn cán bộ trinh sát chiến trường chuẩn bị tối 21/3 đánh vào La Hai thì cũng vừa lúc trinh sát báo cáo với trung đoàn phó Hà Vi Tùng, chính trị viên Cao Thượng Lương là phát hiện một tiểu đoàn địch vừa đến khu đất cao gần chợ Gò Sạn cách tiểu đoàn khoảng 5km, đang hướng về nơi trú quân của ta. Lúc này, bộ đội đang học chính trị. Đồng chí Hà Vi Tùng hội ý chớp nhoáng với chính trị viên Cao Thượng Lương ra lệnh chuẩn bị đánh địch theo phương án đã vạch. Để chặn đánh Tiểu đoàn ngự lâm quân số 2 (còn gọi là Hổ Xám, là một đơn vị thiện chiến chuyên làm nhiệm vụ bảo vệ Dinh Bảo Đại). Tiểu đoàn địch được trang bị mạnh, có không quân và pháo binh ở La Hai chi viện, chỉ huy Tiểu đoàn 365 động viên toàn tiểu đoàn quyết đánh và quyết thắng. Kế hoạch tác chiến bố trí Đại đội 211 chặn đầu, Đại đội 213 khóa đuôi và Đại đội 212 đánh lướt sườn vào đội hình địch. Đúng 13 giờ bọn đi đầu lọt gọn vào trận địa phục kích (đoàn cán bộ chuẩn bị chiến trường vừa về đến nơi lập tức chỉ huy đơn vị đồng loạt nổ súng), địch lợi dụng bờ suối chống cự quyết liệt. 

 

Quân ta tập trung các loại cối và trung liên bắn vào ổ đề kháng cuối cùng, Tiểu đoàn ngự lâm quân số 2 bị xóa sổ, chết 123 tên, 90 tên bị bắt sống, số còn lại vứt cả súng đạn và trang bị chạy trốn vào rừng. Ta thu 300 súng các loại, 8 máy vô tuyến điện. Đây là trận thắng lớn một chọi một. Bộ Tư lệnh liên khu tuyên dương công trạng của tiểu đoàn. Nhân dân phấn khởi, các đồng chí lãnh đạo Tỉnh ủy, Ủy ban kháng chiến hành chính Phú Yên đến tận nơi động viên khen ngợi. Chiến thắng Suối Cối còn ghi lại trong ca dao kháng chiến của Phú Yên.

 

Ai qua Suối Cối mà xem

Xác giặc chồng chất như nêm đầy đồng

Ai qua Suối Cối đã từng

Phú Yên anh dũng diệt phường xâm lăng.

 

Sau thắng lợi Suối Cối, đơn vị phấn khởi tiến về Tràn Kiên, Phú Hội nhưng địch rút chạy nên tiểu đoàn về phía đông để tiêu diệt cứ điểm Bàn Nham, Bàn Thạch do Tiểu đoàn Khinh quân ngụy số 506 chiếm giữ trên quốc lộ 1A thuộc xã Hòa Xuân.

 

Bàn Nham là khu A có sở chỉ huy của Tiểu đoàn ngụy 506 và 2 đại đội bộ binh chiếm giữ. Bàn Thạch là khu B do một đại đội địch chiếm giữ. Lúc này tiểu đoàn chỉ định Đại đội 211 và 212 đánh vào Bàn Nham khu A. Đại đội 213 và Đại đội 1 Tiểu đoàn 375 phối hợp đánh khu B. Đúng 1 giờ sáng 20/4/1954, ta đồng loạt nổ súng tấn công vào đồn địch. Chỉ trong vòng 45 phút, Đại đội 211 và 212, ta tiêu diệt gọn đồn Bàn Nham, khu B do mất yếu tố bất ngờ nên đồng chí Nao tiểu đoàn phó bị thương, đồng chí Lê Ngọc Bì thay thế. Tiểu đoàn thấy tình hình khó khăn nên điều động Đại đội 212 chi viện cho khu B. Trời sáng, tiểu đoàn trưởng Phan Đình Dư cho khu B dừng trận đánh.

 

Đại đội 211 và 212 diệt gọn cứ điểm Bàn Nham tiêu diệt 180 tên, tiểu đoàn trưởng 506 của địch bị tiêu diệt, tiểu đoàn phó bị bắt làm tù binh. Quân ta thu 100 súng các loại, trong đó có 1 súng cối 81 ly, 2 cối 60 ly, 1 đại liên, 70 tiểu liên, 20 súng trường, 1 máy vô tuyến điện và nhiều quân trang quân dụng cộng với tiền Đông Dương 1 tháng lương của toàn Tiểu đoàn 506 ngụy, giải thoát 60 cán bộ nhân dân bị chúng bắt giam ở đồn Bàn Nham. Ta thương vong 13 cán bộ chiến sĩ.

 

Sau trận đánh này, Tiểu đoàn 365 được nhà nước tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng nhất. Đồng chí Phan Văn Tiệp được bổ nhiệm làm tiểu đoàn phó Tiểu đoàn 365.

 

Sau thắng lợi Điện Biên Phủ, bọn địch ở Phú Yên rút nhiều điểm như Sông Cầu, Chí Thạnh và tập trung về TX Tuy Hòa (Bộ Chỉ huy Binh đoàn 10 và Tiểu đoàn 717). Sau đó địch đưa từ Nha Trang ra Tuy Hòa, Tiểu đoàn Ma Rốc. Phía Tây địch dùng Tiểu đoàn khinh quân ngụy 504 gồm 600 quân cố thủ ở đồn Tuy Bình. Đồn này có tháp canh quan sát phía nam sông Ba trên trục đường Củng Sơn đi Sông Hinh nối với đường 21.

 

Tiểu đoàn 365 cùng với trung đoàn hành quân vượt sông Ba vào vị trí tập kết. Trung đoàn bố trí Tiểu đoàn 365 chủ công, Tiểu đoàn 39 bao vây vòng ngoài, Tiểu đoàn 59 làm dự bị súng 24 giờ ngày 2/6/1954 lệnh của trung đoàn trưởng Phan Hàm nổ súng. Tiểu đoàn trợ chiến tập trung các loại pháo cối và đại liên bắn dồn dập vào đồn. Các mũi tấn công của tiểu đoàn 365 mở đột phá khẩu, cả tiểu đoàn xung phong dũng mãnh, làm chủ trận địa tiểu đoàn khinh quân ngụy 504 bị xóa sổ, đại bộ phận bị ta bắt làm tù binh. Quân ta thu toàn bộ súng đạn, quân trang quân dụng, đủ trang bị cho một tiểu đoàn. Trong số đó, có một trung đội xe bọc thép gồm 3 chiếc do trung úy Pháp chỉ huy bị ta bắt sống.

 

Chiến thắng Tuy Bình đã giải phóng toàn bộ cùng Củng Sơn. Trong trận này, nhiều gương dũng cảm như trung đội phó Phạm Đường được tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Nguyễn Hồng Nhị, Trần Hoàn được kết nạp vào Đảng trong trận địa, nhiều đơn vị và cá nhân được khen thưởng. (Còn nữa)

 

TRẦN THÀNH CHÍNH

Trưởng ban liên lạc cựu binh Tiểu đoàn 365 anh hùng 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek