Từng là “địa ngục trần gian”, Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu) vùng đất thiêng liêng của Tổ quốc chứa đựng nhiều chứng tích lịch sử hào hùng của dân tộc, hiện đang là tâm điểm thu hút du khách trong và ngoài nước. Với ưu thế biển, đảo và khí hậu nhiệt đới, Côn Đảo không chỉ có ý nghĩa về mặt lịch sử và giáo dục truyền thống yêu nước, mà còn là vùng đất giàu tiềm năng phát triển kinh tế biển và địa bàn chiến lược về an ninh biển, đảo.
Bài 1: Vùng đất thiêng của Tổ quốc
Nói đến Côn Đảo, không chỉ các thế hệ người dân Việt Nam mà cả nhân loại tiến bộ trên thế giới đều phải rùng mình trước những thủ đoạn dã man của thực dân và đế quốc. Trải qua hai cuộc chiến tranh thần thánh của dân tộc, các chiến sĩ cách mạng đã không tiếc máu xương, viết lên trang sử hào hùng ở nơi “địa ngục trần gian” này.
Tàu Côn Đảo 10 cập bến Đầm đưa khách đến Côn Đảo - Ảnh: N.TRƯỜNG
VÙNG ĐẤT KIÊN TRUNG, ĐẮC ĐỊA
Trong suốt 113 năm (1862-1975), hệ thống nhà tù Côn Đảo với những cái tên rợn người như biệt lập chuồng bò, chuồng cọp, hầm xay lúa, xà lim… đã giam cầm, tra tấn không biết bao chiến sĩ kiên trung của cách mạng, người Việt Nam yêu nước. Mặc dù không một tấc sắt trong tay, nhưng bằng ý chí kiên định, lòng yêu nước họ đã vượt qua sự tàn bạo của kẻ thù, hiên ngang đứng lên góp phần cùng quân và dân cả nước giành độc lập dân tộc. Trong cuộc chiến không cân sức ấy, gần hai vạn chiến sĩ cách mạng và đồng bào yêu nước đã vĩnh viễn nằm lại, yên nghỉ nơi Côn Đảo. Nghĩa trang Hàng Dương và các di tích khác là những chứng cứ tội ác man rợ của kẻ thù đối với dân tộc ta, nay là di tích lịch sử, đầy linh thiêng trong lòng người dân cả nước. Với ý chí kiên định, những người cộng sản kiên cường đã biến nhà tù thành “Trường học cách mạng”, đào tạo cho Đảng, cho cách mạng những cán bộ đầy bản lĩnh và tài năng. Qua chiến đấu và rèn luyện, nhiều đồng chí từng bị tù đày ở Côn Đảo, sau khi trở về giữ những cương vị chủ chốt của Đảng, Nhà nước ta. Các thế hệ Việt Nam hôm nay và mai sau luôn khắc ghi trong tâm khảm, trái tim mình về một “Côn Đảo kiên trung, bất khuất”, xem vùng đất này là biểu tượng anh hùng, bất khuất của dân tộc Việt Nam.
Tiếp nối những trang sử sáng ngời của những chiến sĩ cách mạng năm xưa, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Côn Đảo hôm nay đoàn kết một lòng, vượt qua khó khăn thách thức, từng bước khơi dậy tiềm năng, xây dựng cuộc sống mới, đưa Côn Đảo trở thành vùng đất phát triển đầy hứa hẹn trong tương lai.
Côn Đảo là quần đảo tiền tiêu nằm ở phía đông nam của Tổ quốc có diện tích khoảng 76km2, cách TP Vũng Tàu 97 hải lý (180km) và cách TP Hồ Chí Minh 239km. Côn Đảo gồm 16 hòn đảo lớn nhỏ, trong đó hòn Côn Lôn lớn có diện tích hơn 51km2, là đảo lớn nhất chiếm gần 2/3 tổng diện tích của cả quần đảo; đồng thời là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội của huyện Côn Đảo. Toàn huyện có gần 7.000 người. Theo người dân địa phương, đến Côn Đảo gần nhất là từ cửa sông Hậu (Hậu Giang) với 47 hải lý (khoảng 83km). Côn Đảo nằm trong khu vực châu Á gió mùa, chịu ảnh hưởng của khí hậu đại dương nên tương đối mát mẻ, dễ chịu quanh năm với hai mùa mưa, nắng. Hệ động thực vật phong phú, đặc trưng cho nhiều vùng khác nhau và nhiều loại gỗ, hải sản quý hiếm. Vùng đất này chủ yếu là cát trắng, vàng, feralit và đất trên đá mắc ma.
Năm 2005, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án phát triển kinh tế, xã hội huyện Côn Đảo đến năm 2020 với mục tiêu xây dựng địa phương này thành Khu kinh tế du lịch và dịch vụ chất lượng cao gắn với bảo tồn, tôn tạo khu di tích cách mạng đặc biệt của Việt Nam; đồng thời phát triển, nâng cao giá trị vườn Quốc gia Côn Đảo; xây dựng huyện xứng với vị trí tiền tiêu, góp phần tích cực trong quá trình mở cửa, hội nhập kinh tế quốc tế, bảo đảm quốc phòng, an ninh, gắn kết chặt chẽ với phát triển toàn diện của cả vùng phía nam của Tổ quốc.
Du khách tìm hiểu về Côn Đảo - Ảnh: N.TRƯỜNG
TIẾNG VỌNG VỀ TỪ BIỂN CẢ
Cũng như bao người may mắn được sinh ra và lớn lên khi nước nhà độc lập, tôi còn nhớ khi còn ngồi trong ghế nhà trường, được nghe các thầy cô giảng dạy về nhà tù Côn Đảo, qua những cái tên trại tù nghe ghê người như chuồng cọp, chuồng bò, trại Phú Hải, cầu Ma Thiên Lãnh, sở Lò Vôi, sở Muối…, mà bên trong là những căn phòng vô cùng chật hẹp được chúng thiết kế không khác gì chuồng nuôi nhốt gia súc ngột ngạt, nóng bức. Không chỉ vậy, tù nhân còn phải chịu chung dây xiềng xích dài hàng chục mét, trong tình trạng đói khát, hàng ngày bị áp bức, lao động khổ sai và bị tra tấn dã man mất nhân tính bằng những công cụ rùng rợn của kẻ thù.
Chị Võ Thị Sáu, một trong hàng ngàn chiến sĩ cộng sản bị địch bắt, tra tấn dã man và đưa ra Côn Đảo lén lút hành quyết. Chị là biểu tượng của người nữ chiến sĩ cộng sản kiên trung, bất khuất. Hoặc Nghĩa trang Hàng Dương, nơi mà chị Sáu cùng đồng chí, đồng đội yên nghỉ không chỉ ghi vào sử sách của dân tộc, mà còn in đậm trong tâm khảm, lòng biết ơn vô hạn của mỗi con người Việt, trong đó có thế hệ trẻ của chúng tôi ngày nay.
Có lẽ chính vì vậy mà nỗi niềm khát khao cháy bỏng trong tôi là được một lần đặt chân đến Côn Đảo để tận mắt chứng kiến những hình ảnh, kỳ tích của lịch sử về những con người với “ý chí thép”, từng hiện diện hiên ngang trên vùng đất thiêng liêng này.
Dịp kỷ niệm 38 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, ước nguyện của tôi trở thành hiện thực. Con tàu mang tên Côn Đảo 10 kéo một hồi còi dài rời cảng Cát Lở, TP Vũng Tàu, “chở nặng” lòng khát khao cháy bỏng của tôi, xé dòng biển xanh vươn ra biển Đông hướng về huyện đảo Côn Đảo lịch sử.
Tàu xuất bến, cũng là lúc mặt trời đang dần ẩn bóng sau dãy núi đằng Tây, để lại những tia nắng nhẹ cuối ngày sau bánh lái, thảm màu ửng hồng trên mặt biển xanh gợn sóng lăn tăn dạt hai bên mạn tàu. Khi đã ổn định vị trí, sắp xếp hành lý, tôi thảnh thơi dạo quanh moong tàu để tìm hiểu lịch trình và khả năng chịu đựng sóng gió vượt 180km biển cả trong đêm của con tàu, đồng thời thu thập một số thông tin ban đầu về mảnh đất mà mình sắp đặt chân tới. Rất may, tôi được anh Trần Ngọc Hoan, thuyền viên của tàu Côn Đảo 10 tận tình cho biết, tàu Côn Đảo 10 có sức chứa 140 giường, mỗi phòng có từ 6 đến 10 giường với tiện nghi khá đầy đủ. Trên tàu có căn tin nhỏ phục vụ các loại thức uống đóng chai, lon và một số thức ăn như mì tôm, các loại bánh snack hay trứng gà luộc… Vào mùa biển lặng (từ tháng 4 đến tháng 8), quý khách đi tàu ra Côn Đảo là một trải nghiệm hết sức thú vị trên biển vào ban đêm. Tuy nhiên, từ tháng 9 năm này đến tháng 3 năm sau, do biển động, sóng lớn nên việc đi tàu sẽ đầy thách thức nhất là đối với những hành khách thường bị say sóng.
Ngồi trước mũi tàu nhấp nhô theo từng cơn sóng trong màn đêm của trùng khơi, TP Vũng Tàu sau lưng hiện ra qua ánh điện phố đêm xa tít, mờ dần theo làn sóng biển. Trong trí tưởng tượng, tôi chợt liên tưởng đến hình ảnh của các chiến sĩ cộng sản bị địch bắt tù đày, trong tình trạng vai mang gông, tay chân xiềng xích, chịu mọi cực hình trên đường đi qua vùng biển này ra Côn Đảo. Càng nghĩ, tôi càng kính phục, tự hào về các chiến sĩ cách mạng hơn bao giờ hết. Dòng suy ngẫm chưa kịp dứt, một anh bạn đồng hành buột miệng tâm sự: Mình được đi trên con tàu lớn như hôm nay mà còn cảm thấy xa vời vợi thế này, huống chi các chiến sĩ cách mạng bị đày ra Côn Đảo. Trên đường đi, họ còn phải cam chịu những cực hình dã man của kẻ thù mất hết nhân tính, thì nỗi khổ ải, biết chừng nào!. Họ thật là vĩ đại. Lời anh bạn vừa dứt, cũng là lúc ánh bình minh đỏ rực dần hiện ra trên đỉnh Côn Lôn. Trước mũi tàu, cả đoàn chúng tôi đều có chung một cảm giác lạ mà sung sướng đến tột cùng. Tất cả đều hướng ánh mắt dõi về hướng “Bàn thờ” thiêng liêng của Tổ quốc - Côn Đảo kia rồi!
---------------------
Kỳ sau: Một lần đến “đảo thiêng”
PHƯƠNG NAM