Thứ Bảy, 05/10/2024 16:18 CH
Ở nơi “địa ngục trần gian”
Bài cuối: Con “trâu nước” hướng ra biển Đông
Thứ Bảy, 01/06/2013 14:30 CH

Theo các chuyên gia địa lý, toàn cảnh Côn Đảo giống như một con “trâu nước” khổng lồ, lưng quay về đất liền, chân hướng ra biển Đông; hai chân trước là mũi Cỏ Ống và Lò Vôi, còn mũi Cá Mập và Hòn Bà (Côn Lôn nhỏ) là hai chân sau. Côn Đảo được xem là địa bàn quan trọng gắn với sự phát triển của cả vùng phía nam Tổ quốc.

 

con-dao130601.jpg

Một cầu cảng đang được xây dựng ở trung tâm thị trấn Côn Đảo để đón tàu du lịch - Ảnh: N.TRƯỜNG

SỰ PHÁT TRIỂN VƯỢT BẬC

 

Theo UBND huyện Côn Đảo, giai đoạn 1992-1995, kinh tế của huyện có sự phát triển rõ nét với nhịp độ tăng trưởng GDP bình quân đạt 18,76%/năm. Trong đó, đánh bắt hải sản chiếm tỉ lệ đóng góp ngân sách ở mức khá cao. Nếu như năm 1992, sản lượng đánh bắt hải sản hơn 3.123 tấn, đạt doanh thu tiêu thụ sản phẩm 9.276 triệu đồng, thì đến năm 1995, tuy sản lượng đánh bắt chỉ đạt 3.163 tấn nhưng doanh thu khai thác và chế biến hải sản đạt hơn 14 tỉ đồng; kim ngạch xuất khẩu trong giai đoạn này đạt 83,2 triệu USD với mức tăng trưởng bình quân hàng năm là 23,3%.

 

Thời kỳ này, hoạt động giao dịch xuất nhập khẩu đã mở ra nhiều triển vọng mới trong liên doanh, liên kết với các công ty nước ngoài để đầu tư phát triển ngành khai thác, chế biến hải sản… Kinh tế dịch vụ cũng có tốc độ phát triển khá, chiếm tỉ trọng ngày càng lớn trong cơ cấu kinh tế của huyện. Trong đó tham quan du lịch và dịch vụ hậu cần nghề cá là nét đặc trưng nổi bật; riêng lĩnh vực du lịch có bước phát triển đáng kể, thể hiện qua lượng khách đến Côn Đảo tăng bình quân hàng năm 14,4%; công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp tăng trưởng nhanh và ổn định, đạt nhịp độ tăng bình quân 34,28%/năm... Đến cuối năm 1995, huyện Côn Đảo có hơn 2.000 dân (không tính lực lượng vũ trang), chỉ còn 30 hộ nghèo và có 24 hộ thoát nghèo vươn lên có mức sống ổn định.

 

Hiện nay, tình hình kinh tế - xã hội của huyện Côn Đảo có bước phát triển vượt bậc so với năm 1995. Đặc biệt là trong năm 2012, các chỉ tiêu kế hoạch đều đạt và vượt cao so với kế hoạch đề ra, như tổng thu ngân sách đạt hơn 251 tỉ đồng; thu nhập bình quân đầu người gần 62 triệu đồng/năm; giá trị sản xuất công nghiệp đạt hơn 108 tỉ đồng và ngư nghiệp đạt 30 tỉ đồng; tổng doanh thu thương mại - dịch vụ gần 870 tỉ đồng; doanh thu từ dịch vụ du lịch hơn 252 tỉ đồng. Trong du lịch, thu hút hơn 82.000 lượt khách tham quan, trong đó có 12.569 lượt khách quốc tế… Ngoài ra, các chỉ tiêu kế hoạch đều tăng mạnh so với năm 2011 và vượt xa so với năm 1995. Cũng trong năm 2012, tổng mức đầu tư phát triển toàn xã hội đạt hơn 312 tỉ đồng, trong đó đầu tư cho xây dựng cơ bản gần 160 tỉ đồng. Theo ông Lê Xá, Phó chủ tịch UBND huyện Côn Đảo, cơ cấu kinh tế của huyện chủ yếu là dịch vụ - du lịch (87,1%), còn lại là công nghiệp - xây dựng (7,7%) và nông nghiệp (5,2%). Năm 2013, ngoài thực hiện hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch đề ra, huyện Côn Đảo tập trung triển khai Đề án nhân dân tham gia đẩy mạnh phát triển du lịch; tăng cường quảng bá du lịch Côn Đảo trên các phương tiện thông tin đại chúng trong và ngoài nước; đồng thời đưa vào khai thác một số tuyến, điểm du lịch mới và tăng cường phối hợp xúc tiến, kêu gọi đầu tư sản phẩm vui chơi giải trí, du lịch chất lượng cao phục vụ du khách; tập trung bồi dưỡng nghề cho lực lượng lao động, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách, với mục tiêu đến năm 2015 có khoảng 80% lao động qua đào tạo…

 

con-dao-130601.jpg

Khu giam giữ tù chính trị biệt lập trong trại giam Phú Hải, luôn thu hút khách tham quan khi đến Côn Đảo - Ảnh: N.TRƯỜNG

PHẤN ĐẤU TRỞ THÀNH KHU KINH TẾ TẦM CỠ TRONG KHU VỰC

 

Để triển khai chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2020, Đảng bộ huyện Côn Đảo đã đề ra nhiều giải pháp chủ yếu, từng bước duy tu, bảo vệ, tôn tạo, nâng cấp các di tích lịch sử như Chi nhánh Bảo tàng lịch sử cách mạng Việt Nam; hình thành các phòng trưng bày các hiện vật, tranh ảnh, mô hình các nhà tù, khu tù điển hình, nơi giam giữ những chiến sĩ cách mạng trong cả nước qua các thời kỳ tại khuôn viên nhà tù Côn Đảo; bảo tồn, tôn tạo Nghĩa trang Hàng Dương và các di tích, chứng tích lịch sử cách mạng khác. Đẩy mạnh phát triển lợi thế du lịch biển, đảo chất lượng cao với những khu du lịch sinh thái đa dạng, hấp dẫn và khu du lịch văn hóa - di tích lịch sử; bảo tồn vườn quốc gia Côn Đảo; phát triển kết cấu hạ tầng, đặc biệt là kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển du lịch; xây dựng các tuyến du lịch giữa đảo với đất liền với các điểm du lịch trong nước và các nước trong khu vực. Tập trung phát triển các ngành công nghiệp chế biến hải sản cao cấp phục vụ du lịch và xuất khẩu, cơ khí sửa chữa tàu thuyền và phương tiện giao thông vận tải. Khai thác hải sản có giá trị xuất khẩu cao gắn với việc xây dựng cảng cá, khu neo đậu tàu thuyền; đa dạng hóa nông nghiệp với các sản phẩm tiêu biểu như chăn nuôi, trồng cây ăn trái, rau quả, hoa tươi đáp ứng nhu cầu tại chỗ và phục vụ khách du lịch. Trong thương mại - dịch vụ, huyện Côn Đảo đẩy mạnh thông thương trao đổi hàng hóa với nội địa; phát triển hệ thống chợ trung tâm, khu vực Bến Đầm và Cỏ Ống.

 

Về phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng, huyện Côn Đảo đang tập trung triển khai nâng cấp các tuyến giao thông đường bộ xuyên đảo; xây dựng đường bộ vòng quanh đảo, tuyến đường nối Cỏ Ống với Đầm Tre và xây mới, cải tạo hệ thống đường nội thị; nâng cấp cảng cá Bến Đầm và xây dựng cảng thương mại dịch vụ hàng hải, dịch vụ dầu khí tại khu vực này; đồng thời phát triển cảng du lịch tại vịnh Côn Sơn, các bến vận chuyển hành khách trên các đảo và hoàn thiện sân bay Cỏ Ống… Theo ông Lê Xá, Phó chủ tịch UBND huyện Côn Đảo, để thực hiện thành công chiến lược này, phải có tầm nhìn dài hạn, hướng tới hiện đại trong thế ổn định, bền vững có hiệu quả bằng những bước đi thích hợp, tạo thế đột phá ngay từ giai đoạn đầu trên cơ sở phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương.

 

BƯỚC ĐỆM, TẠO ĐÀ ĐỘT PHÁ

 

Một niềm vui lớn cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Côn Đảo là ngày 22/5/2013, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã ký quyết định về một số cơ chế, chính sách ưu đãi đối với địa bàn Côn Đảo. Đây là cơ chế, chính sách có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, quyết định sự phát triển, tạo đà để huyện Côn Đảo thực hiện thành công chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng đến năm 2020. Theo đó, về chế độ đãi ngộ, các cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang làm việc tại Côn Đảo được hưởng phụ cấp khu vực 0,7. UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu nghiên cứu nâng mức trợ cấp khó khăn, mở rộng các chế độ đãi ngộ cho cán bộ, công chức đến công tác tại Côn Đảo theo quy định của pháp luật. Bộ Y tế ưu tiên đầu tư mạng lưới y tế cho Côn Đảo; đồng thời giao một bệnh viện tuyến Trung ương có trách nhiệm đỡ đầu cho Bệnh viện Côn Đảo, hỗ trợ trang thiết bị y tế, luân phiên cử bác sĩ trực tiếp điều trị và hỗ trợ chuyên môn cho đội ngũ cán bộ y tế Côn Đảo.

 

Ngoài ra, các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài và các dự án đầu tư trong nước tại Côn Đảo được các cơ quan Nhà nước giải quyết nhanh các thủ tục đầu tư, kinh doanh và hỗ trợ trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh theo pháp luật về đầu tư, pháp luật về doanh nghiệp và pháp luật có liên quan; khuyến khích các nhà đầu tư trong nước và ngoài nước đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng tại Côn Đảo. Tất cả các dự án đầu tư vào Côn Đảo được hưởng các ưu đãi về: thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất áp dụng đối với dự án đầu tư tại địa bàn kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định của pháp luật. Đồng thời sẽ xây dựng, thành lập cửa hàng miễn thuế tại Côn Đảo để bán hàng miễn thuế cho khách du lịch là người nước ngoài, người Việt Nam mang hộ chiếu nước ngoài mỗi lần đến Côn Đảo với giá trị không quá 500.000 đồng/người/ngày.

 

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng chỉ đạo các bộ, ngành ưu tiên bố trí vốn từ ngân sách Trung ương, bao gồm cả nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), trái phiếu Chính phủ, chương trình biển Đông - hải đảo, tín dụng ưu đãi để đầu tư các dự án quan trọng trong lĩnh vực kết cấu hạ tầng giao thông, cấp thoát nước, điện và xử lý chất thải cho huyện Côn Đảo.

 

Chiều Côn Đảo, tiếng sóng biển rì rào vỗ dồn dập trên vách đá Côn Lôn, hòa trong tiếng búa thủy lực liên hồi của công trình cầu cảng nghe rộn lòng, quyến luyến du khách phương xa. Tạm biệt Côn Đảo, mỗi chúng tôi đều tin rằng, không bao lâu nữa, vùng đất thiêng liêng Côn Đảo sẽ khoác lên mình một tấm áo mới mang màu xanh của biển và đảo, xứng tầm đóng vai trò trung tâm gắn kết phát triển về kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng của cả vùng phía Nam Tổ quốc.

 

Theo chiến lược phát triển kinh tế - xã hội huyện Côn Đảo đến năm 2020, Côn Đảo trở thành khu kinh tế du lịch hiện đại, đặc sắc có tầm cỡ khu vực và quốc tế. Theo đó, huyện phấn đấu đạt quy mô dân số khoảng 50.000 người; thu nhập nội địa (GDP) bình quân đầu người từ 1.800-2.000 USD/năm; khách du lịch đến Côn Đảo dự kiến đạt từ 500.000-700.000 người/năm…

 

PHƯƠNG NAM

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Bài 3: Ngôi nhà chung của các dân tộc
Thứ Sáu, 31/05/2013 14:00 CH
Bài 2: Một lần đến “đảo thiêng”
Thứ Năm, 30/05/2013 14:00 CH
Bài 1: Vùng đất thiêng của Tổ quốc
Thứ Tư, 29/05/2013 14:00 CH
Chuyện về một nữ tù chính trị hy sinh
Thứ Bảy, 25/05/2013 14:00 CH
Chuyện nuôi tôm hùm lồng
Thứ Ba, 21/05/2013 08:00 SA
Về căn cứ Miền
Thứ Bảy, 18/05/2013 14:00 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek