Chủ Nhật, 24/11/2024 16:48 CH
Ở nơi “địa ngục trần gian”
Bài 3: Ngôi nhà chung của các dân tộc
Thứ Sáu, 31/05/2013 14:00 CH

Mặc dù cách xa đất liền 180km, đời sống còn có mặt khó khăn, song những người tình nguyện ra Côn Đảo sinh sống và làm việc đều có chung một quyết tâm phát huy truyền thống cách mạng, xây dựng huyện đảo ngày càng giàu mạnh.

 

condao130531.jpg

Những chủ nhân tương lai của Côn Đảo - Ảnh: N.TRƯỜNG

NHỮNG NGƯỜI BÁM ĐẢO

 

Theo UBND huyện Côn Đảo, tính đến cuối năm 2012 trên Côn Đảo hơn 6.700 người sinh sống và làm việc. Người dân địa phương cho hay, nơi đây gần như hội tụ đủ các dân tộc anh em trên mọi miền đất nước. Trước khi ra đảo lập nghiệp, tất cả đều xác định định cư lâu dài, bám đảo làm ăn sinh sống với hy vọng kinh tế gia đình ngày càng phát triển, góp phần nhỏ bé cho sự phát triển của vùng đất thiêng này.

 

Anh Trần Ngọc Hoan, quê ở tỉnh Nghệ An, thuyền viên tàu Côn Đảo 10, từng là lính hải quân đóng tại cảng Cam Ranh (Khánh Hòa) chia sẻ niềm vui: “Mình gắn bó với con tàu này đã được gần 5 năm. Cứ 2 ngày một chuyến, bám tàu lênh đênh trên biển đưa du khách, cư dân và vận chuyển hàng hóa ra vào Côn Đảo. Tuy công việc có vất vả, ngày đêm chống chọi những cơn giận dữ của biển cả, song cũng rất vinh dự và tự hào vì được đưa đón, giới thiệu cho du khách trong và ngoài nước về lịch sử vẻ vang của Côn Đảo. Một năm được nghỉ 15 ngày phép, mình tranh thủ về quê thăm vợ con rồi lại tiếp tục lên đường hướng về Côn Đảo làm nhiệm vụ, vì sự phát triển của huyện Côn Đảo trong tương lai”.

 

Quê ở Bến Tre, ra Côn Đảo lập nghiệp từ năm 1982, chàng thanh niên 18 tuổi Hà Văn Bạch nung nấu ý chí sẽ thành công trên vùng đất thiêng này. Theo anh Bạch, vào thời điểm những năm 80 của thế kỷ trước, trên đảo chỉ có khoảng 2.000 người. Anh Bạch giải bày: “Năm 1992, tôi lập gia đình và sinh được hai người con. Hiện đứa lớn đang học Trường đại học Tôn Đức Thắng ở TP Hồ Chí Minh, đứa nhỏ đang học lớp 3 Trường tiểu học Côn Đảo”. Tiệm vàng ngay trung tâm huyện của gia đình anh Bạch kinh doanh khá hiệu quả. Ngoài ra, hai vợ chồng còn mở thêm gian hàng bán quà lưu niệm đặc trưng của Côn Đảo; thu nhập bình quân của gia đình khoảng 300.000 đồng/ngày. Nhờ vậy mà kinh tế gia đình anh ngày càng khấm khá, có của ăn của để.

 

Không nhộn nhịp đánh bắt thủy sản quy mô lớn như ở Phú Yên, ngư dân Côn Đảo thường dùng tàu thuyền công suất vừa và nhỏ để đánh bắt ven bờ; trong đó có thúng nhựa được gắn máy và bánh lái chuyên đánh bắt hải sản các đảo xung quanh. Hành trình ra khơi của họ thường được bắt đầu từ 3g sáng hôm trước đến 13g hôm sau trở về. Để hỗ trợ nhau trên biển, mỗi nhóm đánh bắt có ít nhất 3 người đi trên 3 thúng. Các loài cá chủ yếu ở vùng biển này là đỏng, bạc má và cá mèo… được các ngư dân đánh bắt, bày bán ngay tại bờ biển hoặc bỏ sỉ cho các thương lái ở chợ Côn Đảo.

 

Đến Côn Đảo lập nghiệp từ năm 2005, hiện trú tại khu dân cư số 5, từ 12g, chị Nguyễn Thị Mỹ Liên (38 tuổi, quê ở Bến Tre) đứng đợi bên mép nước ngóng trông chồng đi thúng trở về. Trong chuyến đi này, chồng chị Liên đánh bắt được gần 20kg cá, bán được hơn 400.000 đồng, đủ để trang trải cuộc sống hàng ngày của hai vợ chồng và hai con nhỏ. Chị Liên cho biết: “Ngày đầu ra đảo có đôi chút bỡ ngỡ, giờ đã quen rồi, coi đây như quê hương thứ hai của mình vậy!. Nhất là khi vào đất liền lâu ngày, lòng lúc nào cũng nôn nao nhớ về Côn Đảo”. Chị Liên cho biết thêm, vợ chồng chị sắm cái thúng này hết 20 triệu đồng và xem đây như “cần câu cơm” nuôi cả nhà. Mùa biển động, cá xuất hiện nhiều hơn. Để tránh nguy hiểm, mọi người thường tổ chức đánh bắt theo nhóm, hỗ trợ nhau khi gặp sự cố không may.

 

GẶP NGƯỜI HỌ THÁI

 

Chuyện chỉ có hai người mang họ Thái sống và làm việc trên Côn Đảo hầu như cư dân đảo ai cũng biết, song điều khiến chúng tôi cảm thấy thú vị nhất là trong khoảng thời gian ngắn, lại may mắn gặp được cả hai. Mỗi người mỗi hoàn cảnh, công việc khác nhau nhưng họ vô cùng thân thiết, biết rõ về lai lịch của nhau. Người thứ nhất là chị Thái Thị Thủy (SN 1981, quê ở Nghệ An), hiện là biên tập viên, phóng viên Đài Truyền thanh - Truyền hình huyện Côn Đảo.

 

Chị Thủy tâm sự: “Tôi tốt nghiệp khoa Ngữ văn, Trường đại học Đà Lạt. Ra trường, tìm mãi không xin được việc làm, nên năm 2005 quyết định ra Côn Đảo lập nghiệp và công tác tại đài huyện cho đến nay. Xa quê, xa đất liền, song nhờ hai vợ chồng làm chung một đơn vị nên có phần thuận lợi hơn. Ngoài được hưởng chế độ ưu đãi với hệ số lương nhân đôi của Nhà nước, chúng tôi còn nhận được sự quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi của các cấp lãnh đạo và sự giúp đỡ, chia sẻ của anh em đồng nghiệp, nên hiện công việc chuyên môn và cuộc sống gia đình đã ổn định”. Trong lúc niềm nở tiếp chuyện, chị Thủy buột miệng: “Ở Côn Đảo, còn một người nữa mang họ Thái thôi đấy!”. Khi chúng tôi hỏi, tại sao chị khẳng định điều đó, chị Thủy giãi bày, tôi sống và làm việc tại đây đã gần 8 năm rồi, hầu như những người dân trên đảo này ai cũng biết. Hơn nữa, với mong muốn tìm ra người thứ 3, thứ 4 chung họ để những lúc rảnh rỗi cùng tâm sự, chia sẻ buồn vui nơi đảo xa… nhưng cũng chỉ có tôi và chị Nga bán trái cây ở chợ Côn Đảo là chung họ thôi.

 

Tưởng chừng câu chuyện hai người họ Thái đến đây chấm dứt vì chúng tôi không hề có ý định tìm người thứ hai kia. Thế nhưng khi qua chợ đêm Côn Đảo, thấy hàng quán bán buôn sung túc, chúng tôi ghé vào một quầy bán trái cây, chúng tôi thật sự ngỡ ngàng khi người phụ nữ bán hàng tự giới thiệu tên Thái Thị Thu Cúc mà người dân Côn Đảo quen gọi với cái tên “Nga trái cây” chính là người họ Thái thứ hai trên đảo như lời chị Thủy nói. Chị Nga cho biết, quê chị ở Cần Thơ, ra đảo từ năm 1998, chuyên bán trái cây phục vụ du khách viếng thăm Nghĩa trang Hàng Dương, từ khoảng 17g đến 22g, có lúc đến 2g sáng vẫn có người mua trái cây đi viếng. Chị Nga giãi bày, nghề bán trái cây cho thu nhập khoảng 200.000 đồng/ngày, không cao như những nghề khác, song cũng cảm thấy vui và hãnh diện, vì qua những người đi viếng nghĩa trang, mình được gián tiếp bày tỏ lòng thành kính, ghi ơn các anh hùng liệt sĩ, đặc biệt là cô Sáu. Nghe chị Nga chia sẻ mà chúng tôi cảm thấy mát lòng và mong sao qua những nén hương thành kính kia, người dân cả nước ngày ngày nhớ, hướng về Côn Đảo xa xôi!.

 

Bài cuối: Con “trâu nước” hướng ra biển Đông

 

PHƯƠNG NAM

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Bài 2: Một lần đến “đảo thiêng”
Thứ Năm, 30/05/2013 14:00 CH
Bài 1: Vùng đất thiêng của Tổ quốc
Thứ Tư, 29/05/2013 14:00 CH
Chuyện về một nữ tù chính trị hy sinh
Thứ Bảy, 25/05/2013 14:00 CH
Chuyện nuôi tôm hùm lồng
Thứ Ba, 21/05/2013 08:00 SA
Về căn cứ Miền
Thứ Bảy, 18/05/2013 14:00 CH
Nửa đêm viếng mộ Võ Thị Sáu
Thứ Bảy, 11/05/2013 14:00 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek