Trong những ngày tháng 5 lịch sử, chúng tôi - những người làm báo của Báo Phú Yên đã có dịp ra thăm Côn Đảo - nơi từng là địa ngục trần gian qua hơn 113 năm dưới thời thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, cùng chế độ tay sai Sài Gòn. Chúng tôi đã đến thắp hương tại nghĩa trang Hàng Dương và viếng mộ chị Võ Thị Sáu.
Đến với Côn Đảo, chúng ta đến với hệ thống nhà tù, nơi gắn liền với tội ác của bọn thực dân, đế quốc và ngụy quyền Sài Gòn; nghiêng mình trước vong linh của hơn 20.000 chiến sĩ cách mạng ở nghĩa trang Hàng Dương và thắp nén hương mộ cô Sáu (người dân Côn Đảo vẫn trìu mến gọi chị Võ Thị Sáu bằng cô).
Một bạn trẻ thắp hương tại mộ cô Sáu - Ảnh: N.HUY
“THÀNH PHỐ” CỦA NHỮNG ANH HÙNG TRONG ĐÊM
Trước khi đến Côn Đảo, bằng nhiều cách khác nhau, chúng tôi có thông tin và hình ảnh về nghĩa trang Hàng Dương. Tuy nhiên, khi đặt chân đến đây, mới thấy được sự linh thiêng, hùng vĩ về “ngôi nhà” của những anh hùng quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh. Khi màn đêm buông xuống, cũng là lúc nghĩa trang Hàng Dương khoác lên mình tấm áo choàng hiều màu sắc. Mỗi ngôi mộ của những người con của Tổ quốc bừng sáng lên ánh đèn được thiết kế để tồn tại vĩnh cửu (sử dụng bằng năng lượng mặt trời). Những con đường dẫn đến các khu A, B, C, D của nghĩa trang Hàng Dương rực sáng bởi những ánh đèn nê-ông. Với không gian rộng rãi và thoáng mát, nơi đây là điểm đến kính viếng của người dân tại Côn Đảo và khách du lịch trong và ngoài nước.
Theo lời kể của nhiều người dân sinh sống tại Côn Đảo, vào ngày rằm và mùng một hàng tháng, lượng du khách từ mọi miền đất nước đến với nghĩa trang Hàng Dương tăng đột biến. Họ đến để thắp hương và cầu nguyện cho những linh hồn đã khuất và để cảm nhận được sự thiêng liêng của một trong những khu di tích lịch sử đặc biệt của đất nước. Từ 23g trở đi, không khí tại nghĩa trang Hàng Dương nhộn nhịp hẳn lên. Đoàn chúng tôi đã chuẩn bị sẵn một bó hoa huệ tươi thắm từ đất liền; có thành viên trong đoàn còn mang theo gương, lược. Cầm trên tay những nén hương cháy nghi ngút, chúng tôi bày tỏ lòng biết ơn những hy sinh mà cô Sáu và các anh hùng đã ngã xuống để hàng triệu người cảm nhận được cuộc sống hòa bình, ấm no hôm nay. Những người lớn tuổi và cựu chiến binh thì bồi hồi xúc động nhớ lại những ngày lịch sử gian khó nhưng hào hùng. Nhiều người không cầm được nước mắt khi trên bia mộ là tên của những người đồng đội năm xưa cùng chiến hào với mình.
Theo ước tính từ 23g đến 3g sáng, có đến hàng trăm lượt người đến với nghĩa trang Hàng Dương. Không đợi phải nhắc nhở, ai cũng bước thật nhẹ, nói thật khẽ để hòa vào không khí tâm linh tại nơi an nghỉ của những người chiến sĩ cách mạng. Những hình ảnh ấy mãi đậm sâu trong tâm trí chúng tôi và những người đặt chân đến Côn Đảo và thành phố của những anh hùng về đêm.
HUYỀN THOẠI VỀ NGƯỜI CON GÁI ĐẤT ĐỎ
Bên trong nghĩa trang Hàng Dương, ngôi mộ của cô Sáu đẹp nhất. Khi tối đến, nơi đây cũng là khu vực nghi ngút khói nhang và nhiều người đến viếng. Cây dương già trước ngôi mộ của người con gái Đất Đỏ (hình ảnh quen thuộc trong sách, báo và phim ảnh ca ngợi về chị Võ Thị Sáu) không còn nữa. Nhưng bên những ngọn lửa đang cháy, nén hương đang tỏa khói, nhiều người đến viếng mộ cô Sáu có thể cảm nhận được thời khắc chị Võ Thị Sáu đi vào lịch sử dân tộc. Không một chút e sợ trước kẻ thù, trước lúc hy sinh chị vẫn hát bài Tiến quân ca hòa lẫn với tình yêu quê hương đất nước. Dáng hiên ngang và ngạo nghễ của chị đã khiến kẻ thù khiếp sợ. Chị Sáu hy sinh nhưng tinh thần và tâm hồn của chị mãi mãi bất diệt cùng non sông đất nước.
Theo nhiều người dân sống lâu năm tại Côn Đảo, cô Sáu rất linh thiêng. Những người đi biển ở Côn Đảo và các tỉnh lân cận trước khi rời bờ đều đến viếng mộ và thắp hương cho cô Sáu để cầu mong một mùa đánh bắt bội thu. Trước mộ cô Sáu có hai tấm bia, trong đó có tấm bia của thiếu tá ngụy quyền Sài Gòn Tăng Tư. Năm 1966, khi mới nhận nhiệm vụ tại Côn Đảo, để tỏ lòng thành kính và thừa nhận sự linh thiêng của cô Sáu, Tăng Tư đã gọi điện cho vợ đặt một tấm bia cẩm thạch tại Chợ Lớn mang ra Côn Đảo đặt trước mộ cô Sáu. Vết nứt trên tấm bia này là do tên Sước, tù quân phạm, trật tự trại 7, vì muốn lấy lòng chúa đảo Nguyễn Văn Vệ đã xung phong cầm búa đập phá tấm bia. Ít ngày sau đó, người ta thấy hắn chết cứng, lưng dính vào tảng đá. Không thể lý giải một cách khoa học, nhiều người bảo cô Sáu đã hiện về tiêu diệt những kẻ hỗn láo và ức hiếp dân lành. Và đó chỉ là một trong những huyền thoại về sự linh thiêng của cô Sáu.
Võ Thị Sáu, người anh hùng đã hy sinh khi tuổi còn thanh xuân. Khi sống chị đã chiến đấu gan dạ, làm khiếp sợ biết bao kẻ thù. Khi nằm xuống, linh hồn chị vẫn bảo vệ dân lành, phù hộ cho những người thành tâm và tiêu diệt cái ác, cái xấu.
Trời càng về khuya, dòng người đến viếng mộ cô Sáu càng đông. Bên cạnh những câu chuyện về sự linh thiêng, chúng tôi dễ dàng nhận thấy sự thành kính của những người đến viếng mộ cô Sáu. Giữa thế giới của người sống và người đã khuất theo cảm nhận của nhiều người là rất gần. Và đó là nét đặc biệt của nghĩa trang Hàng Dương và mộ cô Sáu.
Nghĩa trang Hàng Dương về đêm - Ảnh: N.HUY
MÃI LÀ TẤM GƯƠNG SÁNG
Rời nghĩa trang Hàng Dương, chúng tôi vẫn không thể quên cảm giác hồi hộp và nhập tâm khi thắp hương trước mộ cô Sáu giữa đêm khuya. Trong không khí linh thiêng ấy, chúng tôi chợt nhận thấy mình bé nhỏ, cần phải cố gắng học tập và làm việc nhiều hơn nữa, góp một phần công sức để xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp. Điều đáng mừng là có khá nhiều bạn trẻ, từ các vùng, miền của đất nước đã đến Côn Đảo để một lần đứng trước mộ cô Sáu. Có lẽ họ sẽ có cảm giác giống chúng tôi, để được một lần nhập tâm, sống vì lý tưởng của cách mạng và hoài bão xây dựng quê hương, đất nước của những người trẻ. Nhìn ánh mắt và sự kính cẩn của họ trước anh linh của cô Sáu chúng tôi nghĩ mình đã cảm nhận đúng về những người cùng thế hệ.
Trong gian khổ, người anh hùng Võ Thị Sáu vẫn một lòng kiên trung với Tổ quốc. Hình ảnh người con gái Đất Đỏ vẫn hát với sự vô tư, chính nghĩa khiến cho kẻ thù dù độc ác và lạnh lùng đến mấy cũng phải khiếp sợ như bám vào tâm trí của những người một lần đứng trước mộ cô Sáu. Nhiều người gọi đó là cách tốt nhất để khơi gợi lại lịch sử và lòng tự hào dân tộc. Với chúng tôi, một lần có mặt ở Côn Đảo, nghĩa trang Hàng Dương và mộ cô Sáu như một lần có mặt tại trường học cách mạng vượt thời đại của dân tộc Việt Nam. Hình ảnh cô Sáu và những người đã nằm lại nghĩa trang Hàng Dương sẽ là động lực, giúp thế hệ trẻ vững tin vào con đường đúng đắn mà Đảng và Bác Hồ đã chọn.
NHẬT HUY