Bài 1: Vùng đất thiêng của Tổ quốc
Sau 13 giờ lênh đênh trên biển đêm, tàu Côn Đảo 10 cập cảng Bến Đầm lúc 7g, đưa chúng tôi đón ngày mới trên đảo. Vội tách khỏi dòng người háo hức đặt chân lên “đảo thiêng”, xe đưa chúng tôi thong dong trên con đường nhựa phẳng lỳ, một bên là vách núi hùng vĩ, bên kia là biển cả mênh mông, hướng về trung tâm Côn Đảo.
Đường phố thị trấn Côn Đảo khang trang, sạch đẹp - Ảnh: N.TRƯỜNG
PHỐ ĐẢO YÊN BÌNH
Chưa từng gặp mà như quen biết đã lâu, vừa ôm vô lăng, anh lái xe vừa vui vẻ giới thiệu cho chúng tôi những nét đặc trưng của huyện đảo: “Côn Đảo có chính quyền một cấp, thông qua các cơ quan chức năng, trực tiếp đến 10 khu dân cư mà không có các cấp chính quyền xã, phường hay thị trấn. Người dân Côn Đảo rất hiền lành, hiếu khách và hết sức thân thiện. Đặc biệt là tình hình an ninh, chính trị luôn được đảm bảo. Nếu chẳng may bạn để quên mô tô ngoài đường cả đêm cũng không bị mất cắp. Hiện nay, Côn Đảo là điểm du lịch lý tưởng để du khách khám phá vẻ đẹp hoang sơ và tìm hiểu lịch sử về vùng đất, về biển và những cánh rừng nguyên sinh với hệ động, thực vật phong phú, đa dạng; đặc biệt là được tận hưởng bầu không khí trong lành, yên ả, chứ không ồn ào, tấp nập như các đô thị trong đất liền.
Đầu mùa hè, nhưng dọc bên bờ biển thuộc khu dân cư số 5, huyện Côn Đảo, không khí mát mẻ, ôn hòa. Bờ biển dài thoai thoải, bãi cát sạch, nước biển xanh biếc. Ven bờ, các nhà hàng, khách sạn phục vụ nghỉ dưỡng được xây dựng thông thoáng, đơn giản, tọa lạc những trên khu đất rộng, được phủ bóng mát bởi những rặng phi lao hàng chục năm tuổi. Nhiều khu nghỉ mát, còn có cả cây phong ba, mà theo người dân địa phương, cây có sức mạnh ngăn cản sóng, gió và cát, đặc biệt là trong mùa gió chướng. Đặc sản ở đây chủ yếu là hải sản, giá cả phải chăng chứ không đắt đỏ như ở các thành phố biển khác. Còn rau, củ, quả thường từ đất liền chở ra.
Đường phố Côn Đảo được xây dựng khá khang trang, rộng rãi. Ven đường là những hàng cây bằng lăng, bàng biển có tuổi thọ hàng trăm năm như chứng tích lịch sử hào hùng của Côn Đảo. Hầu hết các con đường trên đảo được mang tên các anh hùng liệt sĩ từng chiến đấu, hy sinh tại Côn Đảo. Phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân và khách thăm quan Côn Đảo, có 12 xe taxi dùng nhiên liệu sạch của Công ty cổ phần Dầu khí Vũng Tàu. Cuộc sống của người dân trên đảo chủ yếu dựa vào đánh bắt thủy sản và kinh doanh dịch vụ, sản xuất các sản phẩm lưu niệm, trang sức từ vỏ hải sản phục vụ du khách. Điều làm chúng tôi thích thú nhất là người dân nơi đây rất thân thiện mến khách; đặc biệt rất nhiệt tình, nhất là có khi ai đó muốn tìm hiểu về lịch sử và cuộc sống thường nhật ở Côn Đảo.
HỐ THẲM CỦA TỘI ÁC
Tận mắt nhìn những hình ảnh tái hiện cảnh giam cầm những người tù trong các căn buồng chật chội, nóng bức, tay chân xiềng xích, cổ mang gông, chúng tôi mới thấu hiểu sự kiên cường, lòng tin chiến thắng của người chiến sĩ cách mạng. Điều đó đã được chứng minh bằng hình ảnh tiêu biểu của người cộng sản, đồng chí Vũ Văn Hiếu: “Chết còn cởi áo trao nhau”, đã trở thành biểu tượng cao đẹp “Sống vì Đảng mà chết cũng không rời Đảng”. Hay lời tuyên bố dứt khoát của người thanh niên Lê Ngọc Hương, một gương tiêu biểu của người tù kháng chiến trong cuộc đấu tranh chống cúi đầu: “Cái đầu chúng tôi có thể rời khỏi cổ chứ kiên quyết không chịu cúi đầu”. Và hình tượng ung dung, hiên ngang ra pháp trường Côn Đảo, nhìn thẳng vào họng súng quân thù, tuyên bố hùng hồn: “Tôi không có tội! Chính bọn thực dân Pháp xâm lược mới là kẻ có tội” của chị Võ Thị Sáu, khiến kẻ thù phải khiếp sợ…
Tại Khám 6 thuộc Trại giam Phú Hải, nơi giam giữ khoảng 200 chiến sĩ cách mạng kiên cường và các sĩ phu yêu nước, trong đó có đồng chí Nguyễn Duy Trinh và các sĩ phu Phan Chu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Ngô Đức Kế… Thời Mỹ ngụy, đây được xem như phòng chết điển hình của nhà tù Côn Đảo. Trong phòng 6, chúng gông chân các chiến sĩ cách mạng thành hàng dài, trên người chỉ mặc độc chiếc quần đùi, cơ thể chỉ còn da bọc xương, ngồi, nằm ngổn ngang đủ mọi tư thế. Chưa hết, khi đến chuồng cọp thuộc Trại giam Phú Tường, chúng tôi mới thật sự sửng sốt khi phải tận mắt chứng kiến những cảnh tượng hãi hùng, man rợ nhất mà các chiến sĩ cộng sản phải chịu đựng hàng ngày trong thời gian bị giam cầm. Theo lời kể của anh Triệu Thanh Nhân, hướng dẫn viên du lịch huyện Côn Đảo, chuồng cọp có 120 buồng giam biệt lập và 60 buồng giam được xây bao quanh bằng tường đá cao khoảng 3m, không có mái che với thủ đoạn của địch là đưa tù nhân ra dầm mưa, dãi nắng. Chuồng cọp được thực dân Pháp xây dựng từ năm 1940, được trá hình với hai cửa ra vào nằm sâu trong Trại giam Phú Tường. Trước cửa, được ngụy trang bằng một vườn rau mà chúng từng rêu rao với danh nghĩa “cải thiện” bữa ăn cho tù nhân, nhưng thực tế là cả một âm mưu, thủ đoạn độc ác, tàn bào nhất hòng xoay chuyển ý chí sắt đá của chiến sĩ ta. Khoảng cách giữa chuồng cọp và một nhà giam khác, chúng đặt một cánh cửa sắt, thoạt nhìn như chưa từng bao giờ được mở, để thực hiện ý đồ không để một ai được biết đến khu biệt giam này. Để che mắt, chúng dùng thủ đoạn nham hiểm đến mức, sau khi những tù nhân bị tra tấn dã man đến chết đi sống lại, sẽ được đưa ra bằng các lối đi khác để sau khi tỉnh lại, họ không thể xác định được phương hướng tìm cách thoát thân, tố giác; đồng thời còn nhằm qua mắt các đoàn kiểm tra. Thủ đoạn độc ác của chúng chỉ được phát hiện khi 5 sinh viên tù nhân Côn Đảo đã hình dung, vẽ ra sơ đồ chuồng cọp bí mật này. Khi ra khỏi trại giam, những sinh viên này đã tới Hạ nghị viện của chính quyền Sài Gòn tố cáo tội ác đang diễn ra ở nhà tù Côn Đảo. Và một nhà báo Mỹ, người làm việc lâu năm tại Việt Nam thời bấy giờ, ông Don Luce đã đưa toàn bộ thông tin biết được về khu biệt giam bí mật này ra ánh sáng, lập tức nó đã gây sửng sốt cả nước Mỹ, làm chấn động dư luận cả thế giới.
NGHĨA TRANG TRONG LÒNG DÂN TỘC
Theo chân người hướng dẫn viên du lịch, chúng tôi đến Nghĩa trang Hàng Dương Côn Đảo khi mặt trời tháng 5 đứng bóng. Kính cẩn cúi đầu thắp nén hương thơm, chúng tôi dặn lòng ghi ơn công lao của các anh hùng, liệt sĩ đang yên nghỉ dưới những phần mộ đơn sơ nơi đây. Tại nghĩa trang này, trên từng nấm mộ được che bóng mát của những hàng dương, đều được cắm một nhánh hoa sen, phía trước là trụ bia với biểu tượng ngôi sao vàng 5 cánh trang trọng. Mộ nữ anh hùng Võ Thị Sáu nằm ở khu B trong tổng số 695 ngôi mộ, được xây dựng khang trang hơn, là tâm điểm thu hút mọi người đến viếng nghĩa trang. “Mộ cô Sáu rất linh thiêng. Mặc dù đã hy sinh, nhưng kẻ thù vẫn phải khiếp sợ vì tinh thần bất khuất, hiên ngang của cô khi đứng trước pháp trường. Mộ cô nằm ngay tại nghĩa trang này nhưng chẳng mấy tên địch dám đụng đến. Có lần, một tên lính đập vào tấm bia mộ, không hiểu sao sáng hôm sau người ta phát hiện hắn nằm chết co quắp tại một khu đất trống. Cô Sáu linh thiêng đến mức, vợ chồng một giám thị ở Côn Đảo thời đó còn lập cả bàn thờ cúng cô tại nhà riêng cho đến tận sau này…”, anh Triệu Thanh Nhân, hướng dẫn viên du lịch huyện Côn Đảo kể.
Trong khuôn viên rộng 19ha, dưới bóng những hàng dương trăm năm tuổi là phần mộ, nơi yên nghỉ của 1.913 người con yêu nước, trong đó chỉ có 713 phần mộ có tên tuổi, quê quán. Các phần mộ còn lại, do quá trình bị địch bắt tù đày, nhiều người tù chính trị giữ vững khí tiết đã khai tên tuổi, quê quán giả để qua mắt quân thù nên phần mộ không ghi tên tuổi. Nghĩa trang Hàng Dương Côn Đảo được khởi công xây dựng và tôn tạo từ tháng 12/1992, là một di tích lịch sử có giá trị tố cáo chế độ thực dân và đế quốc; đồng thời là nơi giáo dục truyền thống yêu nước cho các thế hệ hôm nay và mai sau.
Kỳ sau: Ngôi nhà chung của các dân tộc
PHƯƠNG NAM