Chủ Nhật, 24/11/2024 17:32 CH
Chuyện về một nữ tù chính trị hy sinh
Thứ Bảy, 25/05/2013 14:00 CH

Trong số hàng vạn chiến sĩ cách mạng nằm lại ở nghĩa trang Hàng Dương (huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), chúng tôi cũng lần tìm được mộ của liệt sĩ Trình Thị Thanh để thắp nén hương lòng với người con quê hương đất Phú. Theo dòng chữ ghi trên bia mộ, chúng tôi tìm gặp những người con của liệt sĩ. Ký ức hiện về với những câu chuyện đong đầy nước mắt.

 

hao130525.jpg

 Bác sĩ Tô Sơn Hảo kể lại ký ức tuổi thơ xa rời vòng tay mẹ - Ảnh: H.NAM

“MÁ CON BỊ BẮT RỒI CÁC CON ƠI!”

 

Một ngày giữa tháng 5, chúng tôi về huyện Đồng Xuân tìm gặp hai người con của liệt sĩ Trình Thị Thanh, sinh năm 1947, quê ở thôn Phước Nhuận, xã Xuân Quang 3, hy sinh năm 1973 tại Côn Đảo.

 

Ông Tô Ngọc Danh (50 tuổi), con đầu của liệt sĩ Trình Thị Thanh đang sinh sống tại xã Xuân Phước. Người con thứ hai là bác sĩ Tô Sơn Hảo (46 tuổi), Trưởng trạm Y tế xã Xuân Quang 2. “Hồi đó Hảo khoảng 5, 6 tuổi, chưa học lớp 1, còn tôi 10 tuổi. Ba thì bị bắt đi lính” - ông Danh trầm ngâm kể, nước mắt lưng tròng. Giữa đêm khuya, má vào chỗ hai anh em ông ngủ, vuốt ve âu yếm và nói nhỏ: “Chắc má đi luôn không về với các con được!” Rồi má bồng đứa con út còn ẵm ngửa trên tay, ra cửa. Tuổi nhỏ ham ngủ, ông Danh nghe vậy không để ý gì, ngủ vùi đến sáng. Mặt trời mọc, thức dậy không thấy má và em đâu, trưa cũng không thấy về. Hai anh em chia nhau qua nhà hàng xóm tìm, tìm hoài không gặp. Xế chiều, khi cả hai thấy bụng đói cồn cào thì bà nội vừa đến ngoài cửa ngõ. Để ngửa cái nón trước bậc thềm, bà chạy đến ôm hai đứa, nước mắt tuôn trào: “Má con bị bắt rồi các con ơi!”.

 

“Trước đó, gia đình tôi ở thôn Phước Nhuận nhưng rồi bị lính Triều Tiên đến “lùa” xuống thị trấn La Hai. Đến nơi mới chân ướt chân ráo thì má bị địch bắt. Ba tôi (ông Tô Ngọc Rạng - PV) lúc ấy đang đi lính nghe tin, bất bình phản đối, dùng súng tự mình bắn vào cánh tay trái bị thương. Địch ghép tội hủy hoại thân thể, bắt bỏ tù tận Buôn Ma Thuột” - ông Danh kể. Từ đó hai anh em côi cút ở với bà nội.

 

Tiếp đến là những ngày hai anh em Danh thay phiên mang cơm cho má. Địch bắt má nhốt ở đồn cảnh sát cách nhà khoảng 500m. Hôm nào Danh đem cơm là bữa đó má nhịn đói. Vì Danh vừa đến cổng, lính gác tát vào mặt thiếu điều muốn gãy cổ. Còn khi Hảo mang cơm đến, thấy nó còn nhỏ xíu, lính thấy tội nên cho vào nhưng không được gặp má. “Nghe tiếng em khóc mà đâu nhìn thấy mặt em. Khoảng tháng sau, chúng đưa má và đứa em đi, bặt tăm. Sau này, những ngày tháng đi tìm mộ má, tôi hình dung lại khoảnh khắc ấy vì đó là ấn tượng lớn nhất trong đời tôi. Anh hai Danh cũng nhớ y như vậy” - bác sĩ Hảo cho biết.

 

Ông Danh tiếp lời: Hồi còn sống, nội kể: Một thời gian sau, nghe tin địch giam má ở nhà lao Tuy Hòa, nội dắt Hảo vào thăm má. Đến nơi tưởng đâu chúng tha cho má bồng em về sum họp với gia đình, nào ngờ chúng trao em cho bà nội, đưa má đi đâu không ai biết.

 

Bồng đứa cháu nhỏ về, bà nội đặt tên Tô Ngọc Phượng. Cu Phượng lúc đó thiếu sữa mẹ ốm tong teo, 5 tuổi mà thân hình như cây chuối đẹt, bằng đứa mới lên 3. Sốt rét hoành hành, da xanh như tàu lá chuối.

 

liet-si130525.jpg

Viếng mộ liệt sĩ Trình Thị Thanh ở Côn Đảo - Ảnh: L.TRÂM

HÀNH TRÌNH TÌM MỘ

 

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất (30/4/1975), ông Hảo sống với ba (người cha tái hôn), ông Danh ở với chú, còn Phượng được bà nội chăm sóc. Phượng bệnh đau liên miên, mấy năm thì mất.

 

Nhà nghèo, ông Hảo vẫn cố gắng học. “Lúc đó có cơm nguội ăn sáng đi học là quý rồi, bình thường bụng đói dài dài” - bác sĩ Hảo nhớ lại. Và ông đã cố gắng học cho đến khi tốt nghiệp ngành y.

 

Lập gia đình, tích lũy ít tiền, ông Hảo quyết định đi tìm mộ má. Trong xóm có bà Trần Thị Xổm (người dân trong xóm quen gọi bà Sáu), từng bị địch giam cầm ở Côn Đảo cùng với má Hảo. Sau bao năm tháng dâu bể cuộc đời, từ Côn Đảo trở về, bà Sáu cặm cụi với mảnh vườn chuối, mít ngoài xóm Soi. Khi ông Hảo đến hỏi, bà Sáu kể: Má cháu chính tay bà chôn cất. Lúc đó bà Sáu đã già yếu, đôi mắt mờ đục, không thể đi ra Côn Đảo. Bà chỉ dẫn tỉ mỉ cho ông Hảo, rằng trên mộ bà đặt tảng đá to bằng hai bàn tay khắc tên má cháu.

 

Thời điểm đó, đói khát triền miên, lại bị tra tấn nên đôi tay yếu ớt, tê bại, trong đêm tối bà Sáu ráng khắc tên Trình Thị Thanh trên tảng đá đặt trên mộ với hy vọng một ngày nào đó có người tìm thấy. Xong việc khoảng 1g sáng, bà về đến nơi giam giữ.

 

Nghe bà Sáu kể vậy, ông Hảo muốn lập tức ra Côn Đảo tìm mộ má ngay nhưng hoàn cảnh và điều kiện hồi đó chưa cho phép. “Tôi làm nghề y, mỗi khi tiêm phòng trẻ sơ sinh, đứa trẻ khóc, người mẹ bồng con ru hời ru hỡi, tôi lại nhớ đến má mình quay quắt, nỗi nhớ thắt ruột gan” - bác sĩ Hảo tâm sự.

 

Năm 2004, ông Hảo ra Côn Đảo tìm mộ má. Mới lên tàu đã nghe nhiều người kể chuyện râm ran. Họ bàn tán, thán phục sự gan dạ của những người tù chính trị lúc ấy. Ông Hảo chưa hình dung Côn Đảo xa xôi như thế nào. Nhìn biển xanh vời vợi trước mắt, ông cầu nguyện lần này tìm được mộ má. Trong lúc ông đăm chiêu suy nghĩ thì có một phụ nữ lớn tuổi ngồi bên cạnh hỏi với giọng Quảng đặc sệt: Cháu ra Côn Đảo du lịch à? Ông Hảo trả lời: Cháu đi tìm mộ má. Người phụ nữ ấy hỏi: Má tên gì? Ông Hảo bèn kể đầu đuôi câu chuyện. Nghe xong, bà cụ gục đầu xuống. Lát sau, bà cụ nhìn ông Hảo bằng đôi mắt ngấn lệ, xoa đầu bảo: Cô là người bị giam cùng xà lim với má cháu. Mộ má cháu, cô vẫn còn nhớ. Từ ngày miền Nam giải phóng, đây là lần đầu tiên cô trở lại Côn Đảo. Thời gian đã lâu, chắc có nhiều thay đổi nhưng sẽ tìm được mộ thôi.

 

Đến Côn Đảo, người phụ nữ nói giọng Quảng dắt ông Hảo ra nghĩa trang Hàng Dương, đến cạnh hàng mộ 5 cô (5 liệt sĩ nữ) rồi lui lại phía sau. Mộ không tên, có tên xen lẫn, xếp thành những dãy dài. Ông Hảo nhớ lại lời bà Sáu kể, trên những ngôi mộ không tên ông dùng tay vốc từng nắm đất, bất ngờ gặp tảng đá nhỏ, rêu bám ken dày nhìn không thấy dòng chữ bà Sáu khắc. Ông Hảo mua bàn chải và 2 chai nước, vừa đổ nước rửa vừa tỉ mẩn cọ nhẹ, thấy có dấu ngoằn ngoèo. Tiếp tục cọ rửa, dần dần hiện ra tên Trình Thị Thanh. “Lúc đó tôi quỵ xuống, nước mắt tuôn chảy cầm không đặng. Người phụ nữ nói giọng Quảng cũng khóc” - ông Hảo kể đôi mắt đỏ hoe.

 

Tìm được mộ má, hai năm sau ông Hảo cùng anh hai Danh tạc bia mang ra đặt trước mộ. Sau đó cả ba cha con cùng ra Côn Đảo viếng mộ. Lần viếng mộ gần đây nhất là năm 2007.

 

Má nằm lại nơi Côn Đảo, trong đất liền xa xôi, ngày tết hay dịp 27/7, ông Hảo gọi điện nhờ hướng dẫn viên ngoài ấy thắp trước mộ má nén hương. “Biết là những ngày ấy nhiều đoàn đến tham quan thắp hương nhưng mình muốn tự lòng mình thành kính dâng hương. Cảm ơn đoàn nhà báo tỉnh Phú Yên đến viếng mộ má tôi” - bác sĩ Hảo nói, nước mắt lại dâng lên trong khóe mắt.

 

Ông Trình Văn Khai, Bí thư chi bộ thôn Phước Nhuận, em ruột liệt sĩ Trình Thị Thanh, cho hay: “Gia đình tôi có 4 chị em: chị Hai (liệt sĩ Trình Thị Thanh - PV), anh Ba là Trình Ngọc Tấn, tôi và em út là Trình Ngọc Cương. Cả ba anh em trai đều thoát ly, tham gia kháng chiến, còn chị Hai làm cơ sở cách mạng. Ở thôn Phước Nhuận lúc đó có một tên chiêu hồi khai báo nên địch bắt chị Hai tra trấn. Chị không khai, chúng đày ra Côn Đảo. Chị bị bắt tháng 9/1972, một năm sau thì hy sinh.

 

 

MẠNH HOÀI NAM

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Chuyện nuôi tôm hùm lồng
Thứ Ba, 21/05/2013 08:00 SA
Về căn cứ Miền
Thứ Bảy, 18/05/2013 14:00 CH
Nửa đêm viếng mộ Võ Thị Sáu
Thứ Bảy, 11/05/2013 14:00 CH
Lên Tây Nguyên uống cà phê đích thực
Thứ Bảy, 04/05/2013 08:00 SA
Chạm đến mây trời
Thứ Bảy, 13/04/2013 14:30 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek