Thứ Bảy, 05/10/2024 18:16 CH
Về căn cứ Miền
Thứ Bảy, 18/05/2013 14:00 CH

Cách đây 38 năm, ngày 8/4/1975, tại khu căn cứ Tà Thiết (xã Lộc Thành, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước), Bộ Chỉ huy chiến dịch Hồ Chí Minh được thành lập. Trong những ngày tháng tư lịch sử vừa qua, chúng tôi đã có dịp về thăm khu căn cứ cách mạng này - khu căn cứ cuối cùng của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vĩ đại của dân tộc ta.

 

Nha-tuong-Tra130518.jpg

Nhà làm việc của thượng tướng Trần Văn Trà - Ảnh: X.HIẾU

“ĐỊA CHỈ ĐỎ” DU LỊCH VỀ NGUỒN

 

Từ TP Hồ Chí Minh đi theo quốc lộ 13 khoảng 130km đến ngã ba Đồng Tâm (xã Lộc Thành, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước) rẽ trái đi tiếp khoảng 12km là đến khu căn cứ Tà Thiết - tên đầy đủ hiện nay là Khu căn cứ Quân ủy - Bộ Chỉ huy các lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam Việt Nam (hay còn gọi là Khu căn cứ Miền). Khu căn cứ có diện tích 1.200ha, nằm trong quần thể căn cứ các cơ quan lãnh đạo đầu não cách mạng miền Nam. Đây là một điểm tham quan chiến trường xưa hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước.

 

Đang giữa mùa nắng nóng, quốc lộ 13 nhiều đoạn hư hỏng, bong tróc, ô tô bị giằng xóc rất khó đi nhưng tất cả mọi người trong đoàn đều rất háo hức vì lần đầu được đến thăm nơi ở và làm việc của nhiều đồng chí nguyên là lãnh đạo chiến dịch, lãnh đạo Đảng và Nhà nước. Một điều khá thú vị khi chúng tôi vừa đặt chân đến đây là được thưởng thức loại trái cây đặc sản: xoài “mút”. Những cây xoài cổ thụ thân hai ba người ôm không xuể trái sai lúc lỉu, to chỉ cỡ quả trứng gà, phần lớn là hạt, chín rụng dày mặt đất, nhặt lên rửa sạch ăn (thật ra là mút) có vị ngọt thơm rất đặc biệt. Chính vì vậy mà người dân địa phương đặt tên cho nó là xoài “mút”. Theo họ, những cây xoài ở đây có hàng trăm năm tuổi, đã từng che bóng mát cho các đồng chí lãnh đạo cấp cao và cán bộ, chiến sĩ các lực lượng vũ trang nhân dân giải phóng miền Nam Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

 

Anh Phan Hữu Hiến, Phó giám đốc Bảo tàng tỉnh, cộng tác viên đặc biệt của Báo Bình Phước trực tiếp hướng dẫn chúng tôi tham quan, tìm hiểu về “địa chỉ đỏ” du lịch về nguồn đầy ý nghĩa này, cho biết: Ngày 7/4/1972, Lộc Ninh là huyện đầu tiên của miền Nam được giải phóng. Sau Hiệp định Pari, quân đội Mỹ rút về nước, tình hình giữa ta và Ngụy quyền Sài Gòn có sự chuyển động thuận lợi cho ta ở cả chiến trường miền Nam. Để phù hợp với tình hình mới, Trung ương Cục và Bộ Chỉ huy Miền quyết định dời căn cứ Quân ủy Miền từ sóc Con Trăng (Tây Ninh) về đóng tại Tà Thiết. Đầu tháng 3/1973, căn cứ Tà Thiết (căn cứ Bộ Chỉ huy Miền) bắt đầu được xây dựng. Đây cũng là căn cứ cuối cùng của cách mạng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta. Tại đây, dưới những tán cây lớn, xung quanh những rừng le đan chằng chịt là những công trình nhà làm việc của các đồng chí chỉ huy cao cấp trong Bộ Chỉ huy Miền: Chính ủy Phạm Hùng, Tư lệnh Trần Văn Trà, Phó tư lệnh kiêm Tham mưu trưởng Lê Đức Anh, Phó tư lệnh Nguyễn Thị Định...

 

NƠI PHÁT LỆNH TỔNG TIẾN CÔNG GIẢI PHÓNG SÀI GÒN

 

Sau ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước Khu căn cứ Miền được sửa chữa lại và khánh thành vào ngày 20/4/1995 gồm: Nhà trưng bày, nhà làm việc của thượng tướng Trần Văn Trà - Tư lệnh các lực lượng vũ trang nhân dân giải phóng miền Nam Việt Nam; Phó tư lệnh kiêm Tham mưu trưởng trung tướng Lê Đức Anh; Phó tư lệnh thiếu tướng Nguyễn Thị Định; bên cạnh đó là Bếp Hoàng Cầm, Nhà giao ban, Hầm chữ A, Hội trường của Quân ủy - Bộ Chỉ huy Miền nằm dưới lòng đất... Nhìn một cách tổng thể các hạng mục trong căn cứ đều được xây dựng theo lối nửa chìm nửa nổi, cột làm bằng cây rừng, mái lợp bằng lá trung quân - một loại lá rừng có đặc tính: bền, dai, lâu mục, có độ bén lửa thấp, tránh được hỏa hoạn- cách nhau từ 50 đến 200m. Các hạng mục đều nép mình dưới những tán cây lớn và những bụi le đan cài chằng chịt, rất phù hợp với hoàn cảnh chiến tranh lúc bấy giờ. Tại căn cứ này đã diễn ra nhiều sự kiện quan trọng của cách mạng miền Nam, lịch sử còn ghi lại: Ngày 20/7/1974, tại Hội nghị quân chính Miền, đồng chí Phạm Hùng, Bí thư Trung ương Cục miền Nam thay mặt Trung ương Đảng tuyên bố Quyết định thành lập Quân đoàn 4, gồm 2 sư đoàn bộ binh 7 và 9; các trung đoàn 24 pháo binh, 71 phòng không, 429 đặc công và 3 tiểu đoàn thông tin. Đặc biệt, trong mùa khô 1974-1975, Bộ Chỉ huy Miền với sự chỉ huy của Phó tư lệnh Lê Đức Anh, đã chỉ đạo chiến dịch Phước Long, giải phóng Bù Đăng, Đồng Xoài, tiến tới giải phóng TX Phước Long và toàn tỉnh Phước Long ngày 6/1/1975. “Chiến thắng Phước Long đã cung cấp thêm những luận cứ chiến lược quan trọng để Bộ Chính trị quyết định giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước vào mùa xuân 1975”- anh Phan Hữu Hiến nhấn mạnh. Cũng tại nơi đây, ngày 8/4/1975, Bộ Chỉ huy Chiến dịch giải phóng Sài Gòn - Gia Định được thành lập do đại tướng Văn Tiến Dũng làm Tư lệnh; đồng chí Phạm Hùng làm Chính ủy; các đồng chí Trần Văn Trà, Lê Ðức Anh, Lê Trọng Tấn, Ðinh Ðức Thiện làm Phó tư lệnh; đồng chí Lê Ngọc Hiền làm quyền Tham mưu trưởng chiến dịch. “Để có một tên gọi xứng tầm với chiến dịch lớn nhất, có ý nghĩa nhất, kết thúc 21 năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Bộ Chỉ huy Miền đề nghị Bộ Chính trị đổi tên Chiến dịch giải phóng Sài Gòn - Gia Định thành Chiến dịch Hồ Chí Minh và được Bộ Chính trị chấp thuận. Chiều 26/4/1975, lệnh tổng tiến công giải phóng Sài Gòn đã được quyết định và phát ra tại Hội trường của Quân ủy - Bộ Chỉ huy Miền”, anh Phan Hữu Hiến cho biết thêm. Và điều ngẫu nhiên trùng khớp khá thú vị là ngày chúng tôi có mặt tại căn cứ Quân ủy - Bộ Chỉ huy Miền là 26/4/2013, đúng vào thời điểm lịch sử cách đây vừa tròn 38 năm, lúc 17g ngày 26/4/1975, lệnh tổng tấn công giải phóng Sài Gòn đã được phát đi tại đây.

 

ĐA SẮC MÀU, GIÀU TIỀM NĂNG

 

Ngoài được tham quan di tích, được nghe các cán bộ bảo tàng của tỉnh Bình Phước giới thiệu, “tiết lộ” một số thông tin mới về những thời khắc có ý nghĩa đặc biệt của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, chúng tôi còn được chứng kiến cuộc sống bình dị của người dân địa phương và sự thay da, đổi thịt, phát triển đi lên của Bình Phước - một tỉnh miền Đông Nam Bộ nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam của đất nước, có 240km đường biên giới giáp với nước bạn Campuchia, là cửa ngỏ đồng thời là cầu nối của vùng với Tây Nguyên và Campuchia. “Thổ địa” Phan Văn Hiến cho biết, Bình Phước là nơi định cư và sinh sống của nhiều dân tộc khác nhau, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 17,9%, gồm Xtiêng, Hoa, Khmer, Nùng, Tày... Hàng năm tỉnh này tổ chức nhiều lễ hội truyền thống đặc sắc như: Liên hoan văn hóa các dân tộc thiểu số vào tháng 12 hàng năm; lễ hội Cầu mưa của người Xtiêng; lễ Bỏ mả, lễ hội Đâm trâu, lễ Mừng lúa mới của đồng bào Khmer... Dân số của Bình Phước hiện nay khoảng một triệu người, chủ yếu sống ở vùng nông thôn. Bình Phước có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển thành một tỉnh giàu có trong vùng. Trong đó, đất gieo trồng nông nghiệp

 

hơn 48.000ha; tổng sản lượng lương thực có hạt năm hàng năm đạt trên 65.000 nghìn tấn. Đàn trâu gần 16.000 con, đàn bò hơn 40.000 con, đàn heo hơn 224.000 con, đàn gia cầm gần 3,4 triệu con. Diện tích rừng được chăm sóc bảo vệ gần 27km2; diện tích rừng được khoanh nuôi tái sinh 115ha, rừng giao khoán bảo vệ 32.183ha. Về công nghiệp, Bình Phước có thế mạnh về khai thác mỏ, công nghiệp chế biến… Đến cuối năm 2012, toàn tỉnh có 430 doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh với tổng số vốn đăng ký 1.618,8 tỉ đồng. Hàng xuất khẩu chủ lực của Bình Phước là mủ cao su, nhân hạt điều, hàng nông sản, sản phẩm bằng gỗ, hàng may mặc và điện tử…

 

“Nói đến đấu tranh vũ trang, đến xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng thì không thể không nói đến vấn đề căn cứ địa cách mạng… Căn cứ địa là chỗ đứng chân của cách mạng, đồng thời là chỗ dựa để xây dựng và phát triển lực lượng vũ trang. Trên ý nghĩa đó, nó cũng là hậu phương của cách mạng”

Đại tướng VÕ NGUYÊN GIÁP

 

XUÂN HIẾU

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Nửa đêm viếng mộ Võ Thị Sáu
Thứ Bảy, 11/05/2013 14:00 CH
Lên Tây Nguyên uống cà phê đích thực
Thứ Bảy, 04/05/2013 08:00 SA
Chạm đến mây trời
Thứ Bảy, 13/04/2013 14:30 CH
Đi biển kiểu lưới rút Đàn 19
Thứ Bảy, 06/04/2013 08:06 SA
Hòa vào sóng nước Trường Sa…
Thứ Bảy, 23/03/2013 14:00 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek