Có hai điểm đến khác thường, thu hút những du khách tò mò mỗi khi họ dừng bước ở Đà Lạt. Đó là Crazy House - tòa nhà kỳ lạ tọa lạc trên khuôn viên gần 2.000m2 và Cung Tơ Chiều, quán cà phê nằm lặng lẽ trên một ngọn đồi trong lòng thành phố. Hai điểm đến trên được tạo lập bởi hai phụ nữ khác thường.
Một góc Crazy House - Nguồn D.T
KỲ LẠ CRAZYHOUSE
Tôi đến Crazy House lần đầu tiên cách đây hơn 10 năm. Tò mò, ngạc nhiên, thán phục và thích thú - đó là cảm giác khi lần đầu tiên bước lên những bậc thang mang hình dáng thân cây và tham quan những căn phòng kỳ dị, như thể nằm trong hang đá, trong lòng cây cổ thụ. Từ đó, mỗi lần lên Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng), tôi đều không cưỡng lại sức hút của “Ngôi nhà quái dị” - một công trình kiến trúc độc đáo mà kiến trúc sư - tiến sĩ Đặng Việt Nga đã kỳ công tạo lập trong suốt 20 năm, từ 1990 đến 2010.
Người Đà Lạt không ai là không biết Crazy House. Có người thích thú với lối kiến trúc phá cách, nói như tiến sĩ Đặng Việt Nga là “lập nên những hình khối tự do bằng những đường cong và các mặt phẳng tùy ý, không lệ thuộc vào những nguyên tắc kinh điển trong bố cục hình khối”, song cũng có người thấy tòa nhà này vô cùng kỳ dị. Nói gì thì nói, với kiến trúc có một không hai, Crazy House là ngôi nhà nổi tiếng, thu hút rất nhiều du khách trong, ngoài nước và đã có mặt trong tốp 10 ngôi nhà kỳ dị nhất thế giới.
Để tham quan công trình kiến trúc kỳ lạ ở số 3 Huỳnh Thúc Kháng, bạn phải mua vé trước một căn phòng có cửa sổ nhỏ xíu, thoạt nhìn đã thấy phảng phất nét kỳ bí. Thế rồi những lối đi ngoằn ngoèo mang dáng vẻ hoang sơ của rừng núi và cầu thang bằng sắt thép xi măng nhưng trông giống hệt thân cây đưa bạn đến với những căn phòng ấn tượng: phòng Quả bầu, phòng Chim trĩ, phòng Kanguru…
Bạn sẽ tròn mắt ngạc nhiên và có cảm giác mình đang ở trong rừng, bởi toàn bộ nội thất được “ngụy trang” rất khéo léo, đưa bạn trở về với thiên nhiên hoang dã. Cái tủ đựng quần áo chẳng khác gì cái cây to với lớp vỏ xù xì, còn chiếc giường tinh tươm trông như thể được cắt ra từ một thân cây. Mỗi căn phòng có một sắc màu riêng, có nét độc đáo riêng và chan hòa ánh sáng. Ấn tượng nhất có lẽ là phòng Quả bầu, với trần bằng kính trong suốt được thiết kế rất hài hòa với không gian chung. Qua đêm trong căn phòng này, nằm trên chiếc “giường cây”, du khách tha hồ ngắm sao trời lung linh và thả trí tưởng tượng của mình bay bổng.
Trong Crazy House, bên cạnh những tòa nhà như gốc cây, hang đá còn có một mái nhà rông, nơi kiến trúc sư Đặng Việt Nga lưu giữ những hình ảnh, kỷ vật của gia đình, trong đó có hình ảnh về người cha thân yêu đáng kính - cố Tổng bí thư Trường Chinh. Đây lại là một điều ngạc nhiên thú vị đối với những ai chưa từng biết về kiến trúc sư Đặng Việt Nga và chưa đặt chân đến Crazy House bao giờ.
Là con của một nhà lãnh đạo nổi tiếng, song người phụ nữ cá tính Đặng Việt Nga đã chọn cho mình con đường riêng. Sau khi lấy bằng tiến sĩ tại Liên Xô (cũ) năm 1972, kiến trúc sư Đặng Việt Nga về nước và công tác tại Viện Thiết kế kiến trúc. Năm 1983, bà chuyển vào sống tại Đà Lạt, làm việc ở một đơn vị thiết kế thuộc Sở Xây dựng. Dường như thành phố thơ mộng này đã truyền cảm hứng cho người phụ nữ cá tính, đam mê sáng tạo nên sau khi thiết kế nhiều công trình cho nhà nước, bà bắt tay vào thực hiện mơ ước của riêng mình. Và Crazy House dần dần tượng hình với biết bao mồ hôi công sức, sau khi chủ nhân của nó vượt qua nhiều chông gai. Kiến trúc sư Đặng Việt Nga chia sẻ trên trang web www.crazyhouse.vn: “Crazy House được xây dựng với nội dung chính là: trong lòng những gốc cây và phiến đá bị cưa cụt, con người vẫn có thể tạo nên những không gian ấm cúng, tiện nghi và thậm chí là cả những tòa lâu đài đầy vẻ huyền bí, hấp dẫn… Bằng tiếng nói của kiến trúc, tôi muốn đưa con người trở về với thiên nhiên, gần gũi và yêu mến nó chứ không phải tận dụng và hủy diệt nó”.
Cung Tơ Chiều ẩn mình trên đồi thông - Nguồn TNO
TIẾNG HÁT Ở CUNG TƠ CHIỀU
Nếu như Crazy House thu hút du khách bằng kiến trúc độc đáo, kỳ dị thì Cung Tơ Chiều - quán cà phê nhỏ giấu mình trên một ngọn đồi thông gây ấn tượng bởi giọng ca và tính cách “không giống ai” của người chủ quán.
Đêm Đà Lạt se se lạnh. Rảo bước lên đồi, dưới ánh sáng mỏng tang hắt ra từ dăm ngọn đèn nhỏ treo trên cành thông, ta nhìn thấy một quán cà phê giản dị với cái tên đầy chất nhạc. Trong ánh nến dịu dàng thắp sáng, mắt chạm vào một tấm biển với những dòng chữ hơi sốc, dù được viết một cách lịch sự: “Để giữ sự yên tĩnh của quán, xin quý khách vui lòng nói chuyện nhỏ hơn tiếng nhạc và không sử dụng điện thoại trong phòng. Thành thật cảm ơn”. Trời ạ, người ta vẫn nói: Khách hàng là thượng đế, nhưng không phải nơi đây, ở quán Cung Tơ Chiều!
Người ta truyền tai nhau rằng chủ quán cà phê này có giọng hát đặc biệt lắm, liêu trai lắm. Và chị chỉ hát khi có cảm xúc, chứ không phải khi khách yêu cầu. Muốn nghe chị hát, khách phải giữ yên lặng khi vào quán, không để cho những lời chuyện trò hoặc tiếng chuông điện thoại di động át đi những bản nhạc Trịnh đang rải nhẹ trong không gian ấm cúng này. Nếu khách làm ồn, chủ quán sẽ xuất hiện, nhẹ nhàng mời khách… ra khỏi quán. Và cũng đừng nghĩ đến chuyện chụp ảnh chủ nhân. Có vẻ như người phụ nữ tên Giang, chủ quán Cung Tơ Chiều không cần khách đến uống cà phê (dù giá nước uống ở đây phải nói là đắt), mà cần những người có thể chia sẻ niềm đam mê âm nhạc và biết trân trọng không gian của chị, giọng hát của chị.
Tắt điện thoại, khẽ khàng gọi nước uống, tôi thầm thì với những người đi cùng dăm ba câu để xóa tan cảm giác căng thẳng khi vừa bước vào quán. (Buồn cười chưa, đến quán cà phê mà lại có cảm giác căng thẳng, nhưng đó hoàn toàn là sự thật). Và chúng tôi vừa uống nước vừa chờ đợi. Chờ mãi rồi chủ quán cũng xuất hiện. Đó là một phụ nữ ăn mặc giản dị, tóc xõa ngang vai, gương mặt không trang điểm và khó đoán tuổi. Chị đến ngồi bên cửa sổ, thả ánh nhìn vào màn đêm. Chị cứ ngồi trầm tư như thế làm khách sốt ruột. Một người đi trong nhóm đến gần, nói với chị rằng chúng tôi đến đây từ sớm và nóng lòng muốn nghe tiếng hát của chị. Người phụ nữ lạ lùng rời mắt khỏi ô cửa sổ, nhẹ nhàng bảo chị đang… làm thơ, nếu khách làm được khổ thơ tiếp theo sau bốn câu thơ của chị thì chị sẽ hát. Trời ạ!
Trong nhóm chúng tôi, chẳng ai có khả năng ứng khẩu thành thơ. Đành giãi bày rằng chúng tôi từ Phú Yên đến, nghe tiếng Cung Tơ Chiều đã lâu nên tranh thủ tới đây với hy vọng được nghe tiếng hát của chị. Người phụ nữ lạ lùng bèn nhắc đến tên một nhà văn ở Phú Yên. Nhà văn đó nổi tiếng, tất nhiên chúng tôi biết. Thế là câu chuyện trở nên cởi mở, gần gũi hơn. Chị tìm thấy cảm xúc, bèn cầm cây đàn guitar, dạo nhạc và hát.
Tiếng guitar bập bùng. Người phụ nữ lạ lùng hát say sưa, không phải cho khán giả mà cho chính chị, cho những người có chung tình yêu và cảm xúc khi nghe những tình khúc của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Từ Ướt mi cho đến Dấu chân địa đàng, Một cõi đi về, Hạ trắng…, giọng hát của chị khàn, mộc mạc nhưng cuốn hút kỳ lạ. Tiếng hát như rút từ trong tim, từ thăm thẳm nỗi niềm cần chia sẻ, lúc thì liêu trai mê đắm, lúc đầy bão tố…
Mỗi khi kết thúc một bài hát, chị lại mỉm cười có phần bẽn lẽn. Khi đó trông chị thật nữ tính. Và chị mời khách cùng hát. Những tò mò, lạ lẫm và cả cảm giác khó chịu ban đầu đã được âm nhạc lấp đầy. Chủ và khách cùng hát, cùng chia sẻ cảm xúc trong tiếng guitar bập bùng, trong ánh nến mong manh và trong cái lạnh se se của đất trời Đà Lạt.
Người ta bảo Đà Lạt là đất của những con người khác thường. Chẳng biết điều đó có đúng không, riêng tôi luôn có ấn tượng đặc biệt mỗi khi đến Cung Tơ Chiều và Crazy House - nơi có hai phụ nữ quá đỗi khác thường.
NGỌC LAN