Thứ Ba, 26/11/2024 12:57 CH
26 học sinh lớp 6 (Trường THCS Trần Phú – Sông Hinh) đọc chưa thông, viết chưa thạo:
Nỗi đau của ngành giáo dục
Thứ Sáu, 24/11/2006 07:48 SA

LTS: “Chính xác là, trong số 26 học sinh này, có 12 em đọc chưa được viết chưa được, và có 14 em đọc chậm viết chậm, chứ không phải là cả 26 em không biết chữ, như tin trên Việt Nam net đã đưa vào ngày 19/11” – Bà Huỳnh Thị Thúy Diễm, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Trần Phú xác nhận như vậy vào ngày 21/11. Việc học sinh ở Trường THCS Trần Phú đọc chưa thông viết chưa thạo, được phóng viên Báo Phú Yên cùng phóng viên Đài Truyền thanh Sông Hinh, tình cờ phát hiện từ ngày 14/11. Phóng sự này xuất hiện chậm trên mặt báo (sau 20/11), vì chúng tôi không muốn làm giảm đi phần nào niềm vui của các thầy cô giáo và cán bộ công tác trong ngành giáo dục nhân dịp Ngày Nhà giáo Việt Nam. Thế nhưng, đây là một tồn tại đau lòng mà những ai quan tâm đến sự nghiệp trồng người đều không thể thờ ơ. Qua phóng sự này, chúng tôi kêu gọi bạn đọc, mà trước hết là những thầy cô giáo, tiếp tục thông tin cho chúng tôi (số đường dây nóng 842758) những tình trạng đau lòng tương tự, để hy vọng rằng, chúng ta cùng chung tay đưa các nạn nhân bé bỏng thoát ra khỏi căn bệnh thành tích đau xót, như trường hợp ở phóng sự này.

 

 

“Trường chúng tôi chỉ thu nhận học sinh là con em thuộc địa bàn thị trấn Hai Riêng. So với các trường trong huyện thì học sinh nơi này có phần thuận lợi. Do đó, nhà trường rất bất ngờ khi phát hiện 26 học sinh đọc chưa thông, viết chưa thạo” - Bà Huỳnh Thị Thúy Diễm, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Trần Phú (huyện Sông Hinh) đã kể như vậy với phóng viên Báo Phú Yên vào ngày 14/11.

 

061124-tap-viet.jpg
Giáo viên tập viết cho em Nay YSơn - Ảnh: Thúy Hằng

 

HỌC LỚP 6 NHƯNG PHẢI PHỤ ĐẠO KIẾN THỨC CƠ BẢN CỦA LỚP 1

 

So với các bạn ở khối lớp 6, Ha Ra Hờ Nhoan cao hơn hẳn. Nói tên cô bé, tất cả học sinh đều biết, nhưng không phải chỉ vì em cao lớn mà vì em chưa nhận biết hết 29 chữ cái – kiến thức mà học sinh lớp 1 đã thuộc nằm lòng.

 

Không đọc, viết được, khi vào lớp mặc cho cô giáo nói gì thì nói, cô bé cứ ngồi như “vịt nghe sấm”. Sợ em tủi thân với các bạn trong lớp, chúng tôi mời em ra ngoài để trò chuyện. Với 29 chữ cái trên tay, dù đã cố gắng để nhận biết nhưng Hờ Nhoan chỉ có thể đọc đúng được vài chữ như a, b, c, … Các chữ còn lại, cô bé lắc đầu rươm rướm nước mắt, lí nhí nói: “Em không biết”. Một học sinh khác tên Nay Y Sơn cũng chẳng khá hơn. Cho dù cô giáo đã ghi sẵn mẫu chữ trên bảng, Sơn chỉ việc viết lại cho giống, vậy mà em vẫn không viết lại được. Cậu bé mắc cỡ với bạn bè nên cứ cúi mặt.

 

Chuyện không biết đọc, không biết viết không chỉ xảy ra đối với học sinh dân tộc thiểu số, mà cả học sinh người Kinh cũng… phải ráp vần từng chữ một. Hai em Lê Anh Tú, Trần Thương Mãi, học sinh lớp 6A3, phải đánh vần từng âm tiết mới đọc được chữ.  Do đó, những giờ học trên lớp các em không thể nào ghi chép kịp những lời thầy cô giảng.  Đọc, viết khó khăn nên Tú và Mãi bế tắc luôn trong việc cộng, trừ, nhân, chia.

 

Tình trạng này không phải một, hai học sinh mà có đến 26 trường hợp như vậy nên Trường THCS Trần Phú đành phải “gom” 12 em vào lớp kém. Giờ học chính khóa, các đối tượng này vẫn đến lớp bình thường, học được chữ nào hay chữ ấy. Riêng ngày thứ bảy các em được nhà trường phụ đạo 2 tiết. Gọi là phụ đạo nhưng 2 tiết học này, chủ yếu giáo viên dạy lại những kiến thức cơ bản của lớp 1. Lúc đầu, một số học sinh mắc cỡ không chịu đi học, nhưng nhờ sự động viên nhiệt tình của giáo viên, hầu hết các em đều đến lớp. Sau gần một tháng học phụ đạo, một số học sinh đã có sự tiến bộ, nhưng để học được chương trình lớp 6 thì các em không thể. Cô giáo Nguyễn Thị Bé cho biết: “Mỗi giờ lên lớp, chúng tôi đặc biệt quan tâm đến các đối tượng học yếu, kém. Nhưng yếu kém đến mức đọc, viết không được thì giáo viên có cố gắng mấy cũng không thể giúp các em tiếp thu bài học được”.

 

14 em còn lại đọc chậm, viết chậm, tiếp thu kiến thức rất khó khăn, nhà trường tổ chức lớp phụ đạo môn Văn cho các em.

 

Trường THCS Trần Phú hiện có 1.225 học sinh (trong đó có 337 học sinh lớp 6) chia thành 32 lớp, trong khi phòng học chỉ có 16 nên không còn phòng trống nào để bố trí lớp cho các em. Hiện nhà trường chỉ có thể sắp xếp cho các em học vào thứ bảy. Bà Diễm nói: “Chỉ với thời gian 2 tiết/tuần, thì dù có phụ đạo hết năm học này các em cũng khó mà lấp lại đủ những kiến thức bị hỏng ngay từ bậc tiểu học. Điều mà chúng tôi mong muốn nhất là có thêm phòng học để tăng thời gian phụ đạo thường xuyên cho các em. Để dù có ở lại lớp 6 nhưng các em vẫn được củng cố những kiến thức cơ bản nhất”.

 

BỊ “ĐẨY” LÊN LỚP KHÔNG THƯƠNG TIẾC

 

26 học sinh lớp 6 không biết làm phép toán cơ bản, đọc chữ không chạy mà Trường THCS Trần Phú đang gặp phải, đều là con em ở thị trấn. Nơi mà hiệu quả chất lượng giáo dục được đánh giá cao nhất trong địa bàn huyện Sông Hinh. Do đó, khi được biết “sự cố” có người không thể tin nổi.

 

061124-co-tro.jpg
Cô giáo Nguyễn Thị Bé luyện tập đọc cho H'Nhi - Ảnh: Thúy Hằng

 

Những người có tâm huyết với bảng đen, phấn trắng đã nói với chúng tôi rằng: Tại nhà trường đặt các em không đúng chỗ. Có nghĩa là, thay vì trình độ các em chỉ ở mức tiểu học (còn chưa đạt) lại được đẩy lên lớp một cách không thương tiếc. Còn học sinh trong số ấy cũng không hiểu tại sao mình lại được lên lớp. H’Nhi, một học sinh lớp 6 đọc, viết chưa được, thành thật nói: “Em học dở lắm, 2 môn chính tả và bài tập toán lúc nào làm cũng sai, điểm toàn 3 – 4 mà không biết sao lại được lên lớp”. Còn H’Yên thì tội nghiệp hơn, em bảo: “Bạn đọc viết không được, bảng cửu chương cũng không thuộc nên em hay bị các bạn trong lớp chọc, xấu hổ lắm, chỉ muốn ở nhà chứ không muốn đến lớp”. Các em bị “hổng” kiến thức trên chủ yếu thuộc học sinh người dân tộc thiểu số nên các bậc cha mẹ hầu hết chẳng biết chẳng hay. Một phụ  huynh cho biết: “Tụi nó đến trường thì có nhà trường lo, vì dạy chữ là của thầy cô giáo, chứ chúng tôi thì chịu”.

 

Người trong và ngoài ngành giáo dục đều bảo rằng nhà trường đang tước đi quyền được ở lại lớp của học sinh. Quả đúng như thế, khi mà gần 100% học sinh đạt loại khá, giỏi ở bậc TH thì lấy đâu ra học sinh trung bình chứ đừng nói chi học sinh yếu để cho ở lại lớp.

 

Thực trạng này các cấp quản lý giáo dục có biết không? Thầy giáo Huỳnh Xuân Mận, Hiệu trưởng Trường TH số 1 Hai Riêng cho biết: “Mỗi một lớp học có tối thiểu 35 học sinh nên khó tránh khỏi chuyện không đồng đều về kết quả học tập, nhất là với học sinh là người dân tộc thiểu số. Thầy cô giáo và nhà trường đều biết rõ học lực của một số học sinh còn hạn chế, nhưng nếu “thẳng tay” cho các em ở lại lớp là ngay lập tức các em bỏ học”.

 

Học sinh không chịu đi học, giáo viên và nhà trường sẽ “lãnh đủ”. Họ phải đến tận nhà “năn nỉ” các em trở lại lớp, nếu không nhà trường sẽ không đạt các chỉ tiêu thi đua và làm cản trở hành trình phổ cập giáo dục. Chính vì những áp lực này nên giáo viên và các trường luôn phải coi trọng con số, tỷ lệ phần trăm dù biết rằng khả năng của học sinh là chưa đạt như vậy.

 

CHUYỆN KHÔNG CHỈ CỦA RIÊNG TRƯỜNG THCS TRẦN PHÚ

 

NỖI ĐAU CỦA CHÚNG TA

 

“Tuy chỉ là những trường hợp cá biệt mới được phát hiện ở huyện miền núi Sông Hinh, nhưng đây thực sự là thực trạng đang “ngầm” xảy ra ở các cấp học. Vì vậy tôi rất mong giáo viên, nhà trường cần thẳng thắn tự giác trong đánh giá tình hình giáo duc – đào tạo của trường mình. Đã đến lúc chúng ta cần phải chịu đau và đây là sự đau cần thiết để rồi sau đó chúng ta sẽ có sức lực đi xa hơn” (Ông Trần Văn Chương, Giám đốc Sở GD – ĐT Phú Yên).

Vì sao các trường phải làm thế? Thầy Mận bày tỏ: “Ngoài áp lực phân bổ chỉ tiêu thi đua hàng năm, các trường thuộc miền núi có học sinh dân tộc thiểu số còn chịu một áp lực “không dám” cho học sinh ở lại lớp. Nếu các em bỏ học ngay từ bậc tiểu học thì sẽ bị tái mù chữ và như thế rất dễ bị bọn xấu lợi dụng”. Đó là hệ quả của việc cuối năm các trường thường hay “nhẫn tâm” “đẩy” học sinh lên lớp.

 

Học sinh trung tâm huyện đã thế, thì liệu với học sinh thuộc vùng sâu vùng xa sẽ như thế nào? Câu trả lời này quả thực chỉ có những người làm thầy làm cô, lấy lương tâm, trách nhiệm của mình mà trả lời thì chính xác nhất. Bởi hơn ai hết chính họ là người dạy dỗ các em từng con chữ, phép tính đầu tiên. Nói như thế không có nghĩa là đổ lỗi cho giáo viên, nhà trường mà đã đến lúc các thầy cô giáo, nhất là các nhà quản lý giáo dục cần đặt các em học sinh đúng chỗ. Cần trả lại quyền được ở lại lớp  cho các em, đừng bắt các em lên lớp, khi chính các em cũng chưa đủ  khả năng và tự tin bước lên lớp trên. Hãy làm cho việc bình thường này trở lại hết sức bình thường, chứ  đừng khác thường như lâu nay. Ông Phan Phi Hùng, Phó Trưởng phòng Giáo dục huyện Sông Hinh bày tỏ: “Học sinh lớp 6 mà đọc không chạy chữ... đây quả là điều đáng buồn thể hiện sự chưa trung thực trong quá trình đánh giá, kiểm tra chất lượng giáo dục. Vì vậy, trước mắt ngành giáo dục huyện sẽ tạo điều kiện tốt nhất để những học sinh của Trường THCS Trần Phú được phụ đạo thường xuyên. Đồng thời tiến hành rà soát lại toàn bộ chất lượng đào tạo ở các cấp học, bậc học để tìm biện pháp giáo dục phù hợp cho từng đối tượng học sinh”.

 

Phóng sự của THUÝ HẰNG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Người phụ nữ vực dậy nghề đan đát
Thứ Hai, 20/11/2006 09:31 SA
Lặng lẽ trả ơn cho đời
Thứ Sáu, 17/11/2006 10:37 SA
Xóm đồng nát hiếu học
Chủ Nhật, 12/11/2006 09:59 SA
Đi mua sim đẹp!
Thứ Hai, 30/10/2006 14:32 CH
“Đi theo” người đẹp
Thứ Năm, 26/10/2006 09:29 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek