Dùng số điện thoại di động (ĐTDĐ) đẹp đang trở thành mốt, kéo theo đó là “cơn sốt số đẹp” trên thị trường. “Cơn sốt” này vẫn tiếp tục giữ nhiệt khi nhà cung cấp Mobi Phone và Viettel tung ra các đầu số mới.
TRÁNH SỐ XẤU!
Vào các cửa hàng dịch vụ viễn thông, muốn số sim đẹp cỡ nào cũng có
Phùng – bạn tôi, quyết định đổi số điện thoại đã dùng nhiều năm. Dẫu biết sẽ khá phiền phức, nào là ký lại hợp đồng, thông báo cho nhiều người quen số mới của mình, lại phải tốn tiền…, nhưng Phùng vẫn quyết định đổi số. Cậu ta kể: Một hôm, tôi gặp một người khách để bàn chuyện làm ăn. Trao đổi số điện thoại xong, người khách hỏi: “Ông có té xe lần nào chưa?”. Tôi giật mình đáp: “Một lần rồi. Sao ông biết?”. Ông khách cười bí hiểm. Thực ra lần té xe đó vừa có liên quan đến bia rượu, nhưng theo lời ông khách thì điện thoại của mình có “thất tử tử” (tức các số 744) và chính “thất tử tử” mới là “thủ phạm” làm mình té xe!
Thế là ngay hôm sau, Phùng tìm gặp tôi nhờ đi đổi “số đẹp”. Đến một cửa hàng ĐTDĐ, cô bán hàng đưa ra quyển sổ ghi số sim điện thoại. Cả hai liếc qua dãy số, không khó để lựa chọn một số sim mới không có “thất tử tử”. Phùng đóng tiền, ký hợp đồng, nộp một tờ photo giấy CMND và hộ khẩu, thế là có số điện thoại mới.
Từ hồi dùng số mới, Phùng chưa té xe lần nào, không biết nhờ số điện thoại hay vì bây giờ ít dám nhậu. Lúc trà dư tửu hậu, nhắc lại chuyện “thất tử tử”, Phùng vẫn gân cổ cãi: “Tôi không tin đâu. Nhưng đổi số cho vui vui vậy thôi”.
Anh Ân, nhân viên bán hàng cho một hãng nước giải khát, đang xài mạng Mobi. Thấy Viettel ra giá rẻ hơn, có khuyến mại và quảng cáo là vùng phủ sóng rộng, anh đi đổi số điện thoại rồi kể lại: “Cô bán hàng dịu dàng đưa cho tôi tờ danh sách photo số sim. Tôi chọn số điện thoại có bốn số cuối 1178 trùng với số xe gắn máy của mình. Không ngờ khi khoe số điện thoại mới, bạn bè lại bảo: “Thiếu gì số đẹp như số tiến lên, số gánh…, chọn chi số trùng mà “nhất nhất thất bát”?(!).
MUỐN “SỐ ĐẸP” PHẢI CHỊU “CHẶT ĐẸP”
Số điện thoại của tôi cũng bị mấy anh em đồng nghiệp liệt vào loại xấu, do có hai số cuối 37 (tam thất), vì thế tôi cũng thử đi tìm “số đẹp” cho mình. Dạo gần một buổi qua các đại lý kinh doanh ĐTDĐ ở TP Tuy Hoà mà chẳng tìm thấy “số đẹp” ù.
- Sao cửa hàng của mình không có số đẹp? – Tôi hỏi.
Anh chủ đại lý H.S trên đường Trần Hưng Đạo liền đáp:
- Muốn có “số đẹp” phải bỏ tiền mua, chứ đâu mà có!
Ngay sau đó, cô nhân viên bán hàng ngồi bên cạnh mở tủ lôi ra một danh sách in sẵn chừng 50 số đẹp: 1234, 4567, 1168, 6868, 3879… nhưng tôi tá hỏa khi thấy giá lên tới vài trăm ngàn, thậm chí vài triệu đồng/số. Thấy tôi phân vân, anh chủ tiệm “bật mí”: “Số đẹp” hiện chẳng có tiêu chuẩn nào. Ai cũng chỉ “nghe người ta nói”. Và họ nói lại rồi chọn theo.
Chơi “số đẹp” đang trở thành “mốt” của người sử dụng ĐTDĐ
Các cửa hàng thường ghi giá cao nhất cho số 168 “nhất lộc phát”, các số tứ quý (bốn số cuối trùng nhau), các số 6868, 6688 hay số tiến lên 5678, 2345… cũng được bán với giá cao. Giá cả thì vô chừng, được ghi sẵn trong danh sách, từ vài trăm ngàn đồng cho những số dễ nhớ đến 2 – 3 triệu đồng cho các số lộc – phát, tứ quý, thần tài… Một chủ cửa hàng bán ĐTDĐ trên đường Lê Lợi cho biết: “Các công ty giao sim cho đại lý, đại lý giao cửa hàng; cả hai đều giao nguyên block gồm một dãy số. Cửa hàng chọn ra những “số đẹp” bán giá cao hơn, còn các số khác bán bằng giá của công ty. Những số đẹp được lựa ra, đưa vào danh sách riêng và tùy theo “đẹp” đến đâu mà ra giá”.
Trong khi tôi đang còn dò dè chọn số thì có một khách hàng tên H đến hỏi mua sim “số đẹp”. Chị H cho biết, đã đi tìm cả ngày nhưng vẫn chưa tìm ra sim có bốn số cuối trùng với ngày và năm sinh của chồng là 1168 để tặng nhân dịp sinh nhật. Có người quen mách, chị bèn đến cửa hàng này. Thế là đại lý HS có thêm một con cá cắn câu khi bán số sim “nhất nhất lộc phát” với giá 1,5 triệu đồng. Cứ cái đà này, nếu Tú Xương sống lại, có khi ông sẽ viết “Phen này ông quyết đi buôn số”!
Theo đại diện Viettel Mobile tại Phú Yên, hiện nhà cung cấp này quy định mỗi cửa hàng, đại lý bán được 50 sim ĐTDĐ thì sẽ được nhà cung cấp trao cho một “số đẹp”. Còn các cửa hàng, đại lý trữ và kinh doanh “số đẹp” là từ lượng hàng trôi nổi trên thị trường, không kiểm soát được.
NÊN QUẢN LÝ “SỐ ĐẸP”
Do lượng “số đẹp” có hạn nên trên thị trường đã xuất hiện tình trạng mua, bán, đầu cơ. Những người đầu cơ dùng các mối quan hệ, hoặc tiền để mua lại các số đẹp từ nhà cung cấp dịch vụ hoặc khách hàng rồi quảng cáo rùm beng bán lại thu lãi vài triệu đồng. Anh T, chủ một cửa hàng tạp hoá ở Hoà Vinh, huyện Đông Hoà có số ĐTDĐ đẹp có đuôi tứ quý 7777 cho biết, đã mua lại số điện thoại này của một đại lý ĐTDĐ trên đường Nguyễn Huệ (TP Tuy Hòa) với giá 6,5 triệu đồng!
Nhu cầu sử dụng “số đẹp” ngày càng tăng và đã tạo nên cơn sốt trong thời gian vừa qua. Một số nhà cung cấp dịch vụ thông tin di động như Viettel, Mobi Phone đã tổ chức bán đấu giá các “số đẹp” để làm từ thiện, thực chất là để quảng bá thương hiệu sản phẩm của mình, vừa có lợi cho việc kinh doanh vừa kêu gọi ý thức vì cộng đồng. Các nhà cung cấp dịch vụ nên quan tâm, quản lý sao cho “số đẹp” không lọt đến tay những người đầu cơ trục lợi.
NGUYỄN QUANG