Thứ Ba, 01/10/2024 06:29 SA
Phản hồi từ bài báo: “26 học sinh lớp 6 (Trường THCS Trần Phú – Sông Hinh) đọc chưa thông, viết chưa thạo: NỖI ĐAU CỦA NGÀNH GIÁO DỤC”
Thạc sĩ Trần Văn Chương, Giám đốc Sở GD – ĐT Phú Yên: Giáo viên phải chịu trách nhiệm nếu không tự giác trong việc đánh giá đúng năng lực học sinh
Thứ Tư, 29/11/2006 07:49 SA

Ngày 27/11, trao đổi với phóng viên Báo Phú Yên Online Giám đốc Sở GD-ĐT Trần Văn Chương cho biết: Sau khi bài báo “26 học sinh lớp 6 (Trường THCS Trần Phú – Sông Hinh) đọc chưa thông, viết chưa thạo: NỖI ĐAU CỦA NGÀNH GIÁO DỤC” đăng trên báo Phú Yên Online, tôi nhận được rất nhiều ý kiến đóng góp, phản ánh của người dân  và giáo viên về vấn đề tiêu cực và bệnh thành tích trong ngành giáo dục thời gian qua. Đặc biệt, có một số trường thẳng thắn báo cáo tình trạng “có học sinh đọc không chạy chữ ở trường mình đang dạy”. Tuy không nhiều như ở Trường THCS Trần Phú, nhưng đây thực sự là vấn đề mà lâu nay các trường học chưa dám nói. Để xảy ra những trường hợp như trên, lỗi lớn nhất là do giáo viên và công tác quản lý của các trường dễ dãi, chưa làm hết trách nhiệm của mình.

 

*Thưa đồng chí, chuyện học sinh lớp 6 đọc không chạy chữ không phải là ít, vậy ngành GD – ĐT giải quyết  tình trạng này  như thế nào?

 

-Nếu muốn đánh giá định lượng thì phải điều tra, nhưng hiện nay chúng ta chưa có điều tra. Những thông tin về học sinh đọc chưa thông viết chưa thạo, chúng ta mới chỉ biết thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, nhưng đây thực sự là vấn đề của toàn ngành chứ không chỉ của một trường. Quả thật lâu nay, ngành Giáo dục – Đào tạo mới chỉ chú trọng đến việc bồi dưỡng, phát hiện học sinh giỏi, chưa chú trọng đến giáo dục học sinh cá biệt. Tôi rất đồng ý với cách làm phụ đạo học sinh yếu kém mà Trường THCS Trần Phú đang tiến hành hiện nay. Đây là cách duy nhất để củng cố kiến thức cho các em. Riêng đối với trường hợp 26 học sinh như báo đã nêu, cuối tuần này, Sở GD – ĐT sẽ làm việc với huyện Sông Hinh để bàn biện pháp tăng thời lượng phụ đạo cho các em. Có thể sẽ bố trí cho các em học thêm trong ngày chủ nhật và thời gian sau giờ học chính khóa.

 

061129-qua-canh-dong.jpg

Đừng để căn bệnh thành tích của người lớn làm ảnh hưởng đến tương lai của thế hệ học sinh hôm nay - Ảnh: Kim Tuấn

 

* Phụ đạo thực ra chỉ là giải pháp tình thế. Để giải quyết căn cơ tình trạng học sinh “ngồi nhầm” lớp, theo đồng chí, cần phải tiến hành các giải pháp gì?

 

-Trên cơ sở công văn “Yêu cầu giải quyết diện học sinh học lực yếu kém được cho lên lớp và xử lý hành vi giáo viên xúc phạm học sinh” ngày 17/11/2006 của Bộ GD – ĐT, ngay trong cuộc họp giao ban của ngành ngày 27/11 vừa rồi, chúng tôi đã chính thức triển khai vấn đề này. Cụ thể là ngay trong kỳ thi kiểm tra học kỳ 1 năm học 2006 – 2007, đề thi của các cấp học, bậc học sẽ được ra theo kiến thức chuẩn tối thiểu. Đề thi này do tổ chuyên môn và Ban giám hiệu các trường quyết định, bố trí công tác coi thi một cách khách quan. Đó là, giáo viên dạy lớp mình không được coi thi ở lớp mình phụ trách. Dựa vào kết quả kiểm tra học kỳ 1, các trường xem xét, phân loại trình độ học lực của từng học sinh. Những học sinh yếu kém sẽ được bố trí riêng để giáo viên và nhà trường tiến hành các biện pháp bồi dưỡng, phụ đạo thích hợp. Nếu trong quá trình phụ đạo, học sinh chưa hội đủ những yêu cầu kiến thức cần thiết thì nhà trường phải làm việc với phụ huynh để cho các em ở lại lớp và tiếp tục bồi dưỡng, phụ đạo cho các em.

 

PHÓ CHỦ TỊCH UBND TỈNH PHÚ YÊN LÊ KIM ANH:

 

Chuyện học sinh lớp 6 phải học lại chương trình lớp 1 đã xảy ra là rất đau lòng, nhưng không phải vì thế mà đổ lỗi hoặc quy trách nhiệm lẫn nhau. Điều quan trọng mà ngành Giáo dục cần làm hiện nay là yêu cầu từng trường, từng lớp tiến hành kiểm tra, phát hiện những học sinh yếu kém để củng cố kiến thức cho các em một cách nghiêm túc. Chúng ta sẵn sàng đưa học sinh cấp 2, cấp 3 trở lại học chương trình tiểu học nếu các em chưa hội đủ kiến thức. Nếu thành tích  là kết quả của việc làm dối, thì dù cho giáo viên và các trường có che đậy đến đâu cũng không lấp được “lỗ hổng” kiến thức mà các em cần có.

* “Nói thẳng, nói thật” là hết sức cần thiết trong cuộc vận động “Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục”. Nhưng để giáo viên và các đơn vị trường học tự giác, không làm dối trong việc rà soát, phát hiện những học sinh thuộc diện nói trên, ngành có những qui định gì, thưa đồng chí?

 

-Thực hiện cuộc vận động “Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục” nói chung, giải quyết diện học sinh học lực yếu kém được cho lên lớp nói riêng còn là cơ hội để ngành  giáo dục tổng kiểm kê lại chất lượng học tập của học sinh và năng lực giảng dạy của giáo viên. Quan điểm của Sở không phải chỉ dựa vào kết quả kiểm tra của học kỳ 1 năm học 2006 – 2007 mà đánh giá giáo viên một cách phiến diện. Nhưng qua quá trình kiểm tra, chỉ vì lý do chủ quan của giáo viên như giảng dạy không tận tâm, thiếu trách nhiệm trong việc giúp đỡ học sinh… thì giáo viên phải chịu trách nhiệm đối với bộ môn mình phụ trách. Trên cơ sở đó, ngành sẽ có những biện pháp xử lý phù hợp. Vì vậy, tôi yêu cầu giáo viên phải mạnh dạn trong việc tự đánh giá, cộng tác tích cực với cán bộ quản lý giáo dục các cấp, đánh giá đúng thực lực của học sinh mình.

 

“Gần đây, các phương tiện thông tin đại chúng đã đưa tin về hiện tượng một số học sinh đang học ở cấp trung học cơ sở nhưng thực tế học lực chưa đạt chuẩn kiến thức, kỹ năng của cấp tiểu học và hiện tượng một số giáo viên có hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm của học sinh xảy ra ở một số trường học. Để đánh giá đúng nguyên nhân và đề ra biện pháp giải quyết dứt điểm các hiện tượng tiêu cực này trong trường học, Bộ GD-ĐT yêu cầu các Sở GD-ĐT chỉ đạo các Phòng GD-ĐT và các trường học khẩn trương thực hiện một số công việc sau đây:

 

Tiến hành rà soát để phát hiện các trường hợp học sinh học lực yếu kém thực sự không đủ tiêu chuẩn nhưng vẫn được xét cho lên lớp trái quy định, dẫn đến tình trạng không thể theo kịp chương trình ở tất cả các trường học, kể cả những trường hợp đã được các phương tiện thông tin đại chúng đưa tin.

 

Qua rà soát, lập danh sách những học sinh thuộc diện nói trên, xác định mức độ yếu kém và nguyên nhân yếu kém đối với từng học sinh. Cần phân biệt những học sinh thuộc diện khuyết tật, tàn tật với các mức độ khác nhau, trong đó có những học sinh thiểu năng trí tuệ, đang học hòa nhập theo đề nghị của gia đình với những trường hợp học sinh được cho lên lớp do hiện tượng tiêu cực, do lơi lỏng trong quản lý chuyên môn hoặc do bệnh chạy theo thành tích trong cán bộ quản lý nhà trường, các giáo viên bộ môn, giáo viên chủ nhiệm lớp. Đối với những học sinh thuộc diện nói trên, cần thống nhất với gia đình để đề ra biện pháp giải quyết phù hợp với từng trường hợp, trong đó coi trọng biện pháp giúp học sinh nâng cao dần trình độ theo kịp chương trình đang học. Vào cuối năm học 2006-2007, cần phân loại những học sinh thuộc diện này để giải quyết theo quy định tại Quy chế đánh giá, xếp loại học sinh của cấp học”.

 

(Trích công văn Bộ Giáo dục - Đào tạo số: 13307/BGDĐT-GDTrH V/v: Yêu cầu giải quyết diện HS học lực yếu kém được cho lên lớp và xử lý hành vi GV xúc phạm HS)

 

THÚY HẰNG (Thực hiện)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek