Hiện mỗi ngày có hàng trăm người từ các nơi đổ về các cánh rừng phòng hộ sông Bàn Thạch để đốt than. Hàng trăm héc-ta cây rừng bị đốn hạ để đưa vào các hầm than. Trong khi đó, lực lượng chức năng không thể kiểm soát hết được.
Dân đốt than đưa “sản phẩm” về nhà – Ảnh: CTV |
TÔI ĐI ĐỐT THAN
Khó khăn lắm tôi mới thuyết phục được C và T, hai thanh niên ở thôn Xuân Mỹ, xã Hoà Mỹ Đông (huyện Tây Hòa) cho đi cùng vào khu vực núi Dốc Chùa để đốt than, song phải tuân thủ điều kiện: chỉ được mang theo một số loại thực phẩm cần thiết trong ngày, còn “đồ nghề” như máy ghi âm, chụp ảnh thì... cấm. 6 giờ sáng, chúng tôi bắt đầu cuộc hành trình lên rừng đốt than. Đến khu vực đường mòn vào cửa rừng suối Đá Đen, chúng tôi hòa vào một nhóm người khác mà C và T đã hẹn trước. Hành lý mọi người mang theo có rựa, cưa, đòn gánh, nước uống, một ít gạo, mì tôm... Đoàn của chúng tôi lúc này có cả thảy bảy người cười nói rôm rả dường như để quên đi cái mệt nhọc đang đè nặng trên đôi chân. Dọc đường đi, C nói: “Con đường này ít dốc và ngắn hơn so với các con đường khác. Do khai thác ở khu vực này ngày một khó khăn nên nhiều người chuyển đi theo ngả khác”. Tôi nhìn vào tay C chỉ, ở dốc núi bên kia cũng có một tốp người cũng đang lầm lũi vào rừng. Trời mỗi lúc mỗi kéo mây xám như chuẩn bị đổ mưa, con đường càng lúc khó đi, ghềnh đá khúc khuỷu, hai bên là dây leo chằng chịt, tiếng cười nói ít dần. Thấy tôi thấm mệt, T cười bảo: “Anh cố gắng đi thêm một đoạn nữa sẽ có trạm nghỉ chân, ở đó có khe suối, nước mát lắm...”.
Gần 30 phút sau, chúng tôi có mặt tại điểm dừng chân thứ nhất. Ở đó, có một tảng đá khá bằng phẳng, nằm lọt thỏm dưới hóc khe có cây leo che kín khá mát mẻ. Trong lúc ngồi nghỉ mệt tôi bắt chuyện với một thanh niên tên L.V.K, anh cho biết: “Học hết cấp 2, gia đình khó khăn tôi đành phải nghỉ để theo mấy anh trong xóm đi đốt than. Làm nghề này cực nhọc lắm, cả ngày quần quật trong rừng mới có một gánh than về nhà, nhưng nhiều lúc không lọt qua tai mắt mấy ông kiểm lâm. Nói thật với anh, không ai muốn làm cái nghề này cả, thu nhập chẳng thấm tháp gì so với sức lực mình bỏ ra. Một hầm than thu được nhiều nhất cũng chỉ được 5 gánh bán chừng 250.000 đồng, nhưng không làm thì lấy gì trang trải cho cuộc sống gia đình”.
Một giờ sau, chúng tôi có mặt tại điểm dừng chân thứ hai, ở đây đã xuất hiện một vài hầm đốt than đang bỏ dở.
- Sao không thu gom mà bỏ giữa chừng phí công như vậy? Tôi hỏi.
L.V.K cho biết: “Đó là những hầm than bị lực lượng bảo vệ rừng tiêu huỷ còn gì nữa đâu mà thu gom”. C phân trần: Trước kia tụi tui chỉ làm quanh quẩn gần cửa rừng, hai năm trở lại đây những khu vực này đã cạn kiệt và bị lực lượng bảo vệ rừng truy bắt dữ quá nên cực chẳng đã mới vào sâu như thế này”.
NHỮNG HẦM THAN NGỐN CÂY RỪNG
Sau gần hai giờ, chúng tôi đến nơi. Trước mắt tôi là cả một bãi “chiến trường” tan hoang, hầm thì đang âm ỉ cháy, hầm thì đang được tháo gỡ để thu gom, cả một khu rừng đang bị tàn phá. T dẫn tôi về lán trại của mình. Gọi là lán trại nhưng thực chất chỉ vài tấm lá rừng lèo tèo che cạnh một lùm cây, trong lán có một số xoong chảo, chén đũa ngổn ngang ở một góc. T giải thích: “Người nào cũng phải mang theo gạo, xoong chảo và một ít thức ăn nấu sẵn, cũng có một số người mang theo cơm. Thông thường làm than phải có hai người trở lên, cũng có một số người tự làm một mình, nhưng như thế thì thu nhập không được là bao”. Một hầm than, tuỳ lớn nhỏ, có thể thu được từ 2 đến 5 gánh than, mỗi gánh nặng từ 15 đến 30kg. Để có đủ lượng củi đốt một hầm than, phải đốn chặt hết một khoảng rừng tương đương 200m2 đất. Hầm than cũng được làm khá công phu, rộng khoảng 1,5 đến 3m, sâu khoảng 2,5m. Trước khi đốt, họ xếp một lớp củi khô, một ít than cũ phía dưới, kế tiếp là một lớp gỗ, một lớp lá cây. Cứ như thế đến khi nào hầm than đầy rồi đốt cháy và lấy đất bịt kín lại chỉ trừ lỗ thông hơi.
Lực lượng kiểm lâm tiêu hủy các hầm than – (Ảnh do Ban Quản lý rừng phòng hộ sông Bàn Thạch cung cấp) |
Một hầm than thường cháy từ 5 – 7 ngày, vì thế, muốn ngày nào cũng có than bán thì phải làm từ 3 – 5 hầm than “gối đầu”. Một hầm cháy hết phải có hầm khác bén lửa, cứ như thế luân phiên nên ngày nào họ cũng lên rừng đốn cây, đến chiều thì gánh than về. Không thể đếm xuể có bao nhiêu hầm than đang cháy. Tôi thắc mắc: “Thế Công an xã và Kiểm lâm không làm gì à?” C trả lời: “Có chứ! Cũng có một số bị bắt, nhưng thường thì “bỏ của chạy lấy người”. Chiều dần buông xuống, toán người lũ lượt oằn người gồng gánh than về. Cả vạt rừng u ám khói lửa…
KHÔNG THỂ KIỂM SOÁT HẾT ĐƯỢC
Hiện rừng phòng hộ sông Bàn Thạch nằm trên địa phận của ba huyện Tây Hòa, Đông Hòa và Vạn Ninh (Khánh Hòa) có 4.450 ha rừng, trong đó 4.200 ha rừng tự nhiên, còn lại là rừng trồng với địa bàn rộng. Muốn vào rừng có rất nhiều cửa, trong khi đó, ở mỗi trạm chốt gác chỉ có từ 4 – 5 cán bộ trực quản lý từ 2 – 3 xã, lực lượng kiểm lâm ở xã chỉ kiêm nhiệm nên công tác kiểm tra giám sát nhiều hạn chế, nên công tác bảo vệ rừng gặp rất nhiều khó khăn. Chính vì thế, tình trạng phá rừng đốt than ở khu vực rừng phòng hộ sông Bàn Thạch vẫn cứ diễn ra, nhất là ở khu vực giáp ranh với huyện Vạn Ninh. Khi đề cập đến tình trạng này, ông Võ Xuân Anh, nhân viên Trạm Quản lý bảo vệ rừng phòng hộ sông Bàn Thạch tại xã Hoà Mỹ Đông (Tây Hoà), một trong những “điểm nóng” về tình trạng khai thác gỗ và đốt than trái phép cho biết: Rất khó ngăn chặn vì có quá nhiều đường ra vào rừng. Chặn đường này họ đi đường khác”.
Theo số liệu thống kê của Ban Quản lý rừng phòng hộ sông Bàn Thạch, từ năm 2004 đến nay, đơn vị này phối hợp với Hạt Kiểm lâm huyện Đông Hoà, Tây Hoà và chính quyền các xã có rừng tuần tra, kiểm soát phát hiện tiêu huỷ trên 500 hầm than và thu giữ 30m3 gỗ xẻ các loại. Ông Nguyễn Trí Tài, Trưởng Ban quản lý rừng phòng hộ sông Bàn Thạch nói: “Công tác chống phá rừng ở đây triển khai thường xuyên, không chỉ phối hợp với UBND các xã trong khu vực tuyên truyền về công tác phòng chống phá rừng đến từng thôn, hộ gia đình; xây dựng các biển báo, panô, áp phích, tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh mà còn tổ chức đi tuần tra 2 lần/tuần để phát hiện và truy quét những đối tượng cố tình vi phạm. Thế nhưng, tình trạng phá rừng đốt than ở đây vẫn không thể chấm dứt”.
Phóng sự của NGUYỄN QUANG