Thứ Ba, 01/10/2024 06:30 SA
Lặng lẽ trả ơn cho đời
Thứ Sáu, 17/11/2006 10:37 SA

Mười mấy năm nay, chị tình nguyện làm “hộ lý” cho các bệnh nhân và những cụ già neo đơn. Chị chăm sóc họ ân cần, chu đáo như chăm sóc người thân trong gia đình, không ngại mùi hôi, không ngại dơ bẩn, không ngại cả những căn bệnh  đáng sợ như lao, AIDS...

 

Người phụ nữ đặc biệt ấy tên là Nguyễn Thị Lan, sống ở phường 2 TP Tuy Hòa.

 

SỰ CỢT ĐÙA CỦA SỐ PHẬN

 

Chị Lan là con thứ ba trong một gia đình nghèo có năm anh chị em ở Hoà Quang (huyện Phú Hoà, tỉnh Phú Yên). Khi chị vừa lên sáu thì cha bị mù đôi mắt. Cũng trong năm đó, mẹ chị bị tai biến liệt nửa người. Tai họa liên tiếp, đẩy cả gia đình vào Trại tế bần (sau là Cô nhi viện).

 

061117-chi-lan.jpg

Chị Lan chăm sóc một người già neo đơn trong phường

 

Người ta thường nói: Đi đến tận cùng cái khổ rồi cũng sẽ có ngày sung sướng. Chị Lan từ tấm bé đã chịu nhiều thua thiệt, lớn lên nhờ chén cơm cái chữ của các seur, lẽ ra phải nhận được những bù đắp của cuộc đời. Thế nhưng đến lúc lập gia đình, chị vẫn chịu nhiều cực khổ. Khi đứa con gái út chào đời  được mười bảy ngày, vì một mâu thuẫn nhỏ với chị em trong gia đình, chồng chị bỏ nhà đi biệt!

 

Một nách ba con, tiền bạc không có, cuộc sống của chị Lan là một chuỗi ngày nối tiếp ngày đầu tắt mặt tối tìm kiếm cái ăn. Cơ cực nhất là quãng thời gian từ 1977 đến 1979. Chị làm thuê làm mướn, sau đó chuyển qua bán hàng rong, bán cá, bán gạo... Ba giờ sáng đã ra khỏi nhà, có khi đến chín mười giờ đêm mới về, việc nhà chị giao cho đứa con gái đầu quán xuyến. Trưa, chị ăn khoai lang, sắn mì hay miếng bánh tráng cầm hơi. Suốt hai năm, chị chỉ có một bộ đồ lành lặn may bằng vải tám, màu đen. Ban ngày mặc, tối về thay bộ đồ rách rồi đem đi giặt, phơi để mai mặc tiếp. Mùa mưa, phơi tới sáng mà bộ đồ vẫn chưa rút  nước, đành vắt cho ráo bớt rồi mặc lại.

 

Người không có tiền thường ước ao nhiều. Chị Lan rưng rưng nhớ lại: "Hồi đó mình ước ao có tiền may một bộ đồ nữa để thay đổi, có tiền mua chiếc xe đạp cũ cũ để đỡ đôi chân". Có người đem cho một cái bao cát, chị cắt rồi cặm  cụi may thành cái áo. Món quà ấy, chị quý và nhớ  cho tới bây giờ...

 

CHÉN CƠM NGON VÀ MỘT LỜI HỨA

 

Bán gạo ở bến xe nội tỉnh, trưa trưa, chị Lan ngồi nghỉ dưới gốc cây, trước cửa một ngôi nhà khang trang. Bữa nọ, chị Ba chủ nhà hỏi chị:"Sao trưa không về ăn cơm?" "Nhà em xa, đi về nắng nôi. Em ở đây ăn cái gì tàm tạm cũng được". Được chủ nhà mời cơm, nhưng vì mặc cảm, chị Lan từ chối khéo:"Em ăn rồi". Chị Ba rầy: "Đừng nói xạo, trưa nào tao cũng thấy mày ăn mấy thứ tầm bậy tầm bạ gì đâu". Thì ra chị Ba đã hỏi thăm nên biết hoàn cảnh của chị Lan. Chị ấy động viên: "Phải ăn để có sức mà nuôi con. Đường còn dài lắm, em à."

 

Hôm ấy, chị Lan được ăn một bữa thịnh soạn có cá, có thịt. Người mẹ nghèo bưng chén cơm mà nước mắt trào ra, phần vì nghĩ tới ba đứa con với những bữa cơm chỉ có rau luộc chấm mắm, phần vì cảm động trước lòng tốt của một người dưng. Những buổi trưa sau đó, chị Lan không còn phải ăn khoai sắn cầm hơi. Chị đã nói với chị Ba như thế này: "Những bữa cơm mà chị cho em ăn không bao giờ em quên. Chắc em không trả được cho chị vì nhà chị khá giả, nhưng em hứa là khi nào làm ăn có thì em sẽ giúp đỡ những người khác. Đó là em trả ơn cho chị".

 

Sau bao năm vất vả, lặn lội tảo tần, cuối cùng rồi cuộc đời cũng mỉm cười với chị. Ba đứa con gái lớn khôn, học nghề rồi lập gia đình. Và chị Lan bắt đầu thực hiện lời hứa của mình.

           

LẶNG LẼ TRẢ ƠN ĐỜI

 

Ngày nào chị Lan cũng chia thời gian biểu của mình ra làm hai: buổi sáng lo việc nhà giúp con cháu, buổi chiều đến chăm sóc những cụ già neo đơn, đau ốm trong phường hoặc là đến bệnh viện làm “hộ lý” cho các bệnh nhân không có người thân ở bên cạnh.

 

Sáu năm về trước, từ huyện miền núi xa, một phụ nữ gầy và xanh rớt cùng đứa con trai đầu đầy chốc lở nhập viện với bệnh án khiến người khác giật mình: AIDS. Hay tin, chị Lan tới chăm sóc hai mẹ con; cả việc tắm rửa giặt giũ cho họ, chị cũng không ngại. Đến khi thằng bé mất, cũng một tay chị khâm liệm. Chị bảo bây giờ người dân đã hiểu hơn về căn bệnh thế kỷ và đã bớt kỳ thị phần nào. Trước kia, nghe đồn có một người nhiễm HIV ở huyện Tuy Hòa nhập viện, thiên hạ kéo đến, đứng từ  xa mà quan sát, vừa tò mò vừa sợ hãi. Chị Lan đã đến, an ủi động viên người bệnh. Sau khi bệnh nhân xuất viện, chị cùng bạn bè tìm đến nhà thăm. Hàng xóm thấy vậy ngạc nhiên lắm, hỏi không biết ổng bị Si-đa hay sao mà tới. Chị nói chính vì biết nên mới tới, bởi người bệnh cần nhất là sự cảm thông, giúp đỡ của gia đình và hàng xóm láng giềng...

           

 

Lúc đầu, những việc làm của chị Lan khiến người ta thấy lạ lắm, nghi ngờ lắm. Những ai biết chị là người Công giáo liền suy diễn rằng chị làm như vậy là để… truyền đạo. Kỳ thực, người phụ nữ rất mực ngoan đạo này chỉ muốn giúp những con người bất hạnh vơi bớt nỗi buồn đau, vơi bớt khó khăn, để họ thấy mình không đơn độc. Có lần, hay tin một chiếc xe gặp tai nạn, hơn bốn mươi hành khách bị thương, chị tất tả vào bệnh viện chăm sóc. Một nạn nhân nói rằng: "Lúc tỉnh lại, biết mình bị thương nặng, tiền bạc vốn liếng mất hết, tôi chỉ muốn chết cho xong. Nhưng rồi thấy chị chăm sóc chúng tôi như người ruột thịt, tôi lại muốn sống, chị à". Chính niềm tin vào cuộc đời, vào tình người của những con người đang trong cơn hoạn nạn đó đã cho chị Lan thêm sức mạnh.

 

Bây giờ, khá nhiều người đã hiểu và ủng hộ chị. "Mình có những người bạn tốt, họ tham gia và hỗ trợ cho mình - chị tâm sự với đôi mắt tràn ngập niềm vui - Các con cũng hết lòng ủng hộ. Tụi nó "cấp" xe máy, "cấp" cả tiền xăng để mình đi làm".

 

Ông Trần Khả Tuân - từng là khu trưởng phố 6 phường 2 - nhận xét: "Cô Lan là người nhiệt tình, sống rất hòa đồng và nhân hậu. Cô ấy thường xuyên chăm sóc những người già yếu neo đơn trong phường. Ở khu phố có một người như vậy cũng đỡ".

 

Gần mười lăm năm nay, chị Lan chưa có một ngày nghỉ ngơi. Căn bệnh tim cũng không quật ngã được người phụ nữ 55 tuổi này. Có đợt bị ho dai dẳng, chị nghĩ : Mình thường xuyên tiếp xúc với người bệnh lao, chắc là mắc bệnh rồi. Đi khám, hoá ra chỉ viêm họng. Chị tâm sự: “Nếu bị lao, mình cũng không ân hận”. Vì chị quan niệm rằng đã sinh ra trong cuộc đời này thì điều quan trọng nhất là sống sao cho có ích, chứ không phải sống được bao lâu.  Thấy người ta đau bệnh, người ta gặp khó khăn mà không giúp thì tối về làm sao mà ngủ được!

 

Tôi nhớ H. Hai-nơ đã viết:

                       

" Những con người cực tốt

 Trái tim thường hay đau"

 

Có lẽ chị Lan là một người như thế.

                                                           

LÂM VY

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Xóm đồng nát hiếu học
Chủ Nhật, 12/11/2006 09:59 SA
Đi mua sim đẹp!
Thứ Hai, 30/10/2006 14:32 CH
“Đi theo” người đẹp
Thứ Năm, 26/10/2006 09:29 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek