Mang theo tình yêu nghề đan đát, một phụ nữ đã vượt qua chặng đường đầy trắc trở, khó khăn để tìm ra hướng đi mới: Đan hàng thủ công mỹ nghệ từ cọng lá dừa. Chị say sưa truyền nghề cho nhiều người và mở rộng sản xuất nhằm vực dậy làng nghề ở thôn Vinh Ba (xã Hòa Đồng, huyện Tây Hòa). Người phụ nữ dám nghĩ dám làm, say mê sáng tạo và đầy nhiệt huyết ấy tên là Nguyễn Thị Thắm.
TÂM HUYẾT VỚI NGHỀ
Nghề đan đát được người dân Vinh Ba truyền từ đời này sang đời khác, song cũng không đưa họ thoát khỏi cảnh nghèo. Vì nghèo nên học mới tới lớp 7, chị Thắm buộc phải nghỉ để lo chuyện mưu sinh cùng gia đình. Như bao đứa trẻ ở Vinh Ba, chị biết đan lúc 7, 8 tuổi và gắn bó với nó hơn bất cứ công việc nào khác. Lớn lên, chị không chỉ làm ra sản phẩm mà còn “gom” hàng trong xóm rồi đi bán khắp các vùng trong và ngoài tỉnh. Đi đến đâu, hễ thấy có nghề đan đát là chị sấn vô học hỏi. Người ta không cho học thì chị xem lén, về tự mày mò. Người phụ nữ nhỏ nhắn này luôn muốn bứt phá để đổi đời. Chị nghĩ: “Nếu chỉ đan những mặt hàng truyền thống như vỉ bánh tráng, thúng, nia… thì sẽ “dậm chân tại chỗ” vì người ta ngày càng ít dùng hơn”.
Chị Thắm kiểm tra sản phẩm thủ công từ cọng lá dừa - Ảnh: Minh Nguyệt
Năm 2004, Sở Công nghiệp Phú Yên mở lớp đào tạo nghề đan giỏ, lẵng hoa bằng nứa tại HTX Hòa Đồng. Chị Thắm là học viên xuất sắc nhất. Không chỉ biết cách tạo ra nhiều mẫu mã mới, đẹp, chị Thắm còn tự đi chào hàng và bán được sản phẩm ra nhiều tỉnh.
Sau khóa học, vì nhiều lý do, chỉ còn ba hộ trụ lại với nghề. Lúc này, họ nhận ra: quá khó để tìm nứa nguyên liệu đạt chất lượng. Loại nứa này từ Thanh Hóa trở ra mới có. Chị Thắm đã “sục sạo” khắp các tỉnh lân cận nhưng vẫn không tìm được nguyên liệu…
TÌM HƯỚNG ĐI MỚI
Tình cờ, chị Thắm biết có thể đan giỏ, lẵng hoa bằng cọng lá dừa, loại nguyên liệu sẵn có ở địa phương, nhưng chẳng biết bắt đầu từ đâu. Chị đi vào TP HCM và mừng rơn khi thấy loại sản phẩm này được bày bán ở hầu hết các chợ. Tuy nhiên, người ta không muốn cho biết hàng từ đâu tới. Chị lân la làm quen rồi theo người đi lấy hàng hòng đến tận nơi sản xuất nhưng lại thất bại. “Thà cho vàng chứ không chỉ đàng đi buôn” - người xưa đã nói vậy.
Hết sạch tiền, ở nơi đất khách quê người, chị phải đi bán từng tờ vé số để kiếm cơm, cốt sao đạt được mục đích của mình. Bằng mọi cách, chị mày mò, nghiên cứu để làm cho bằng được. Ban đầu, sản phẩm của chị không đẹp bằng người ta, vì không qua công đoạn xử lý hóa chất. Thử đi thử lại nhiều lần, cuối cùng chị đã thành công! Người phụ nữ mê nghề đan đát vô cùng hạnh phúc khi ước mơ ấp ủ bấy lâu đã thành hiện thực.
Chị Thắm (ngoài cùng bên trái) truyền nghề cho phụ nữ địa phương - Ảnh: MINH NGUYỆT
Nhà chị Thắm ở cuối truông, nay nhộn nhịp đông vui với gần 30 thợ đan giỏ tặng quà, giỏ đựng trái cây, giỏ hoa… bằng cọng dừa. Từ ngoài sân bước vào nhà, đâu đâu cũng thấy lá dừa, cọng dừa và sản phẩm đã hoàn thành. Không khí lao động hoàn toàn đối lập với cái không gian buồn tẻ ngoài kia. Nhanh nhẹn, khéo léo trong từng động tác, chị Thắm liền tay liền miệng truyền nghề cho những người trong xóm. Hàng thủ công mỹ nghệ từ cọng dừa đang “hút” ở Khánh Hòa, Lâm Đồng, Bình Định, TP HCM. Ở các tỉnh phía Bắc và tại Phú Yên, mặt hàng này cũng đang được nhiều khách hàng ưa chuộng.
MỞ XƯỞNG SẢN XUẤT ĐỂ PHÁT TRIỂN
Vợ chồng chị Thắm anh Luận kiểm tra sản phẩm trước khi giao hàng - Ảnh: MINH NGUYỆT
Chị Thắm cho biết: “Nếu đủ vốn, tôi đã mở xưởng sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ gắn với sản phẩm của làng nghề truyền thống trong năm nay rồi”. Chị phỏng tính, để mở được xưởng thì phải có ít nhất 300 triệu đồng. Các thiết bị cần đầu tư là máy chuốt cọng dừa, máy phun dầu, máy cưa tre và máy bào. Xưởng sẽ sản xuất hàng tre đan truyền thống và hàng mỹ nghệ bằng cọng dừa. Chị nói với vẻ cương quyết: “Tôi nhất định phải mở xưởng!”.
Điều đáng mừng là ý tưởng về xưởng sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ của chị Nguyễn Thị Thắm đã nhận được sự ủng hộ của chính quyền địa phương. Chủ tịch UBND xã Hòa Đồng Mai Ne cho biết: “Chúng tôi sẽ tạo điều kiện về thủ tục, đất làm nhà xưởng để chị Thắm phát triển sản xuất. Chị có sự sáng tạo trong lao động và nắm bắt được nhu cầu của thị trường nên giúp được bà con địa phương có công ăn việc làm”.
“Thừa thắng xông lên”, chị Thắm tính mua một chiếc xe tải để chủ động chở hàng đi giao. Hiện nay, sản phẩm do cơ sở của chị sản xuất ra không đủ giao cho các nơi đặt hàng. Do vậy, chị chưa dám đi chào hàng, mở rộng điểm phân phối.
* *
*
Làn da rám nắng khiến chị Thắm già hơn tuổi 45 của mình. Nổi bật trên gương mặt chị là vầng trán rộng hiếm thấy ở phụ nữ và đôi mắt có ánh nhìn cương nghị. Đôi mắt ấy trìu mến khi chị nói về chồng - anh Trần Văn Luận - người luôn ủng hộ và tạo điều kiện cho chị thực hiện ước mơ của mình. Đôi mắt ấy rực sáng khi chị nói về tương lai của mặt hàng thủ công mỹ nghệ mà chị đang theo đuổi.
Phó Giám đốc Sở Công nghiệp Phú Yên Tô Thị Hòa: “Thật hiếm có người như chị Thắm: chịu khó, yêu nghề, lanh lợi và rất sáng dạ. Đây sẽ là hạt nhân vực dậy làng nghề truyền thống này để rồi nhân rộng. Sở Công nghiệp sẽ tiếp tục hỗ trợ kinh phí để cơ sở đào tạo thêm nhân lực, đáp ứng được yêu cầu của các đơn đặt hàng. Đồng thời, đơn vị còn giúp cho cơ sở trong việc đa dạng hóa sản phẩm làng nghề, tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có tại địa phương”.
BÍCH HÀ