Rót xong chén nước mời khách, ông Nguyễn Văn Dân, Bí thư chi bộ khóm 4, phường Phú Lâm (TP Tuy Hòa) nói: “Phần lớn phụ nữ ở đây làm nghề mua bán đồng nát. Cuộc sống bà con tuy còn nhiều khó khăn nhưng họ rất chú tâm vào chuyện học của lớp trẻ. Nhiều gia đình tuy nghèo nhưng có con là cử nhân, thạc sĩ đấy!”
Các điểm tập kết rác thường có rác đông những người mua đồng nát - Ảnh: K.Sa
VẤT VẢ ĐỜI MẸ
Muốn tìm gặp những người phụ nữ mua bán đồng nát thật khó! Chị Trần Thị Mận, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ khóm 4 cho biết: “Trừ những ngày mưa, còn bình thường họ đi suốt từ sáng sớm đến chiều tối mới về. Người đi các xã lân cận thì về trong ngày, còn tới những huyện xa hay các tỉnh khác thì ở lại đó 3-4 ngày, có khi cả tuần lễ”.
Khu phố 4 có 818 hộ, dân phần lớn sản xuất nông nghiệp. Nhưng đất ruộng không nhiều, bình quân một nhân khẩu 289,3m2. Vì thế, tranh thủ những ngày nông nhàn, chị em đi mua phế liệu để kiếm thiêm thu nhập. Gần 100 phụ nữ làm nghề này.
Mới hơn 5 giờ sáng, khóm 4 đã thức giấc bởi tiếng xe đạp cút kít lẫn tiếng người í ới. “Đội quân” mua bán đồng nát tỏa ra, người thì đi Tây Hòa, Đông Hòa, Phú Hòa, kẻ thì ra Chí Thạnh (Tuy An), xa hơn thì ra tít ngoài Vân Canh (Bình Định). Những phụ nữ đầu đội nón lá, mặc quần đen áo sậm màu, chở theo những chiếc bao tải ở poọc-pa-ga, khản cổ rao: “Ai nồi đồng, nhôm, sắt vụn… bán đây!”. Tài sản của họ chỉ là chiếc xe đạp cũ kỹ, với vốn liếng vài chục ngàn đồng. Mỗi ngày lặn lội trên quảng đường vài ba chục cây số. Hôm nào may mắn thì mua được chở về ngồn ngộn bao nylon, chai nhựa, giấy vụn, vỏ bia lon, nước ngọt, giấy báo…, về bán lại cho các vựa thu gom phế liệu. Những ngày “hên” thì kiếm được 30.000-50.000 đồng. Có hôm đạp xe đến rã rời đôi chân, rao mỏi miệng mà chẳng có ai kêu bán đành trở về tay không.
Chị Nguyễn Thị Phẻ, 49 tuổi, hơn 7 năm theo nghề ve chai, nói: “Nghề này buộc mình phải bán lưng cho trời, bán mặt cho rác. Người nào không cẩn thận rất dễ mắc bệnh do thường xuyên tiếp xúc với rác thải, hàng tỉ vi trùng ở bãi rác sẵn sàng tấn công cơ thể bất cứ lúc nào. Chưa kể những lúc bị đứt tay do đụng phải những mảnh sắt vụn hoen gỉ, phải tiêm ngừa. Nhiều khi không có tiền tiêm ngừa, lo không ngủ được. Còn chuyện lạc đường xảy ra như cơm bữa. Nhiều lúc nghĩ cũng buồn, vì nhiều người nhìn tụi tui với ánh mắt e dè. Nhất là mấy ông bảo vệ cơ quan, khách sạn, hễ thấy bóng dáng dân ve chai là họ đuổi thẳng cánh, cứ như tụi tui là quân trộm cắp vậy!”. Quệt những giọt mồ hôi trên gương mặt sạm nắng gió của mình, chị nói tiếp: “Tụi tui không có tiền mới theo nghề này, nhưng luôn nghĩ “đói cho sạch, rách cho thơm”. Những đồng tiền làm ra là lương thiện, bằng mồ hôi công sức và mình không phải xấu hổ về nó”.
ĐỔI ĐỜI CHO CON
Mấy năm nay, cứ 4 giờ sáng là hai vợ chồng ông Võ Đình Phùng và bà Nguyễn Thị Đào thức dậy. Họ tranh thủ ăn chén cơm lót dạ, khoác chiếc áo đẫm mùi hôi từ chiều hôm trước rồi bắt đầu công việc một ngày mới. Bà Đào nói: “Phải tranh thủ đi xa mới mua được hàng. Những nơi gần, người ta mua hết rồi”. Dù bước sang tuổi 50 nhưng trung bình mỗi ngày bà đạp xe gần 30 cây số để mua phế liệu. Còn ông Phùng thì đến đại lý nhận kem về bán. Không chỉ bán ở những khu vực lân cận, có hôm ông còn đạp xe ra tận ngoài Tuy An.
Trời chập choạng tối, vợ chồng ông Phùng mới trở về nhà. Mồ hôi đầm đìa lưng áo. Ông Phùng tâm sự: “Nhiều năm đi riết rồi quen, rồi không thấy nó quá nhọc nhằn như người ngoài nhìn vào. Tuy cực nhưng có ít tiền trang trải trong gia đình cũng đỡ. Ngày xưa ông bà mình bảo “con đông là phúc”. Năm đứa con lần lượt ra đời. Phúc đâu chưa thấy, chỉ thấy vợ chồng xoay xở chuyện cơm, áo, gạo tiền cho đàn con muốn “ná thở”. Những năm đó khổ “trần ai”, nhà không đủ gạo ăn. Con lại đang trong tuổi ăn tuổi lớn. Lúc đấy, người ta mướn gì tôi cũng làm, miễn là chân chính và có tiền”. Sau nhiều đêm gác tay lên trán nghĩ cách kiếm thêm thu nhập ngoài mấy sào ruộng khoán, vợ chồng ông quyết định, mỗi người một chiếc xe đạp, ông đi bán cà rem, còn bà thì đi mua ve chai, phế liệu. Cả hai “nghề” đều không cần nhiều vốn, chỉ cần sức khỏe và sự chịu khó, mà điều này thì vợ chồng ông có thừa. Vợ chồng ông tính: “Thời buổi này mà không biết chữ thì tội cho con mình quá. Đời mình đã khổ, nhưng không thể để tụi nhỏ đi theo cái vòng lẩn quẩn đó hoài”.
Từ những đồng tiền thấm đẫm mồ hôi của cha mẹ, con trai đầu của ông là anh Minh trở thành người có nhiều chữ nhất ở đây. Học xong đại học, anh học tiếp lên cao học. Hai đứa em của anh nối nhau vào đại học. Điều đáng nói là ở khóm 4, không chỉ có nhà ông Phùng mà nhiều gia đình nghèo khó khác cũng “thắt lưng buộc bụng” nuôi con ăn học. Bà Nguyễn Thị Phẻ và ông Nguyễn Văn Ngọc, chồng bán cà rem, vợ mua ve chai, nuôi 3 đứa con vào đại học. Bà Mai Thị Bích Ngọc, chồng mất sớm, bà lột hột đào nuôi 2 đứa con vào đại học… Khóm 4 bây giờ có trên 30 cử nhân. Họ làm đủ các ngành nghề: bác sĩ, kế toán, giáo viên, kiến trúc, xây dựng, giao thông vận tải, tin học…
Chị Mận lật sổ, thông báo: Năm nay thêm 18 em đậu đại học, thêm 18 gia đình đi vay tiền đóng học phí cho con. Những căn nhà nhỏ chật đầy gian khó của người dân khóm 4 tràn ngập niềm vui. Dù họ biết rằng phía trước là cả một chặng đường gian nan cần phải vượt qua trong hành trình vượt thoát số phận nghèo còn đang đeo đuổi…
NGỌC DUNG