Thứ Hai, 07/10/2024 03:33 SA
Thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được gìn giữ như thế nào? (Kỳ VII)
Thứ Bảy, 05/11/2011 17:25 CH

Thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được gìn giữ như thế nào? (Kỳ VII)

Để đảm bảo bí mật, hầu hết những cuộc tập luyện đều diễn ra vào ban đêm. Không biết bao nhiêu lần, chiếc Zin 157 đã lặng lẽ rời 75A khi thành phố vừa lên đèn để lao vào màn đêm đang trùm phủ lên những cánh đồng, làng mạc ở ngoại ô thành phố. Người lái xe vừa chạy xe, vừa quan sát, ghi nhận những đoạn đường và những chỗ khó đi. Nhiều đêm các đồng chí trong Ban Chỉ đạo đã thay nhau nằm trên thùng xe theo dõi, giám sát độ rung xóc của xe cũng như phát hiện kịp thời những đoạn đường cần phải sửa chữa.

Cứ như vậy, gần 3 tháng trời ròng rã, chiếc Zin 157 đã lăn bánh đi, về một cách kiên nhẫn 6, 7 tiếng đồng hồ trên một con đường quen thuộc. Ban đêm tập luyện, ban ngày rút kinh nghiệm. Những địa ranh, những lối rẽ, những đoạn đường dốc… đã in sâu vào trí nhớ không chỉ của người lái xe mà cả của các đồng chí trong Ban Chỉ đạo. Cùng với các chiến sĩ lái xe, các lực lượng làm nhiệm vụ bảo vệ cho cuộc di chuyển cũng bước vào những buổi luyện tập công phu. Thường vào các buổi chiều, Lữ đoàn 144 được cải trang rải quân dọc hai bên đường, để ban đêm khi chiếc xe Zin 157 xuất phát lên đường, họ đã có thể thông báo cho nhau biết xe đang ở vị trí nào, sắp tới vị trí nào. Những người đi tắm mình trong mưa lạnh, nhưng những người ở nhà cũng vất vả trong luyện tập. Từng động tác nhỏ nhất như khiêng linh cữu lên xe, xuống xe, khiêng bể thủy tinh, cách chuyển các bình hóa chất… đều phải tập đi tập lại căng thẳng. Tất cả đều phải hết sức thuần thục, tỉ mỉ. Chỉ một sơ suất, một va chạm khẽ đều có thể dẫn tới một hậu quả không lường trước được. Có lẽ việc luyện tập khó khăn nhất là khiêng chiếc bể thủy tinh lớn. Chiếc bể vừa to vừa trơn. Sau một vài buổi tập luyện các chiến sĩ đã nghĩ ra một cách: May băng tải luồn dưới đáy bể rồi quàng qua cổ người khiêng ở hai bên thành bể. Nếu lỡ tuột tay thì băng tải vẫn giữ được chiếc bể.

don-nhan-hoa.gif

Lễ đón nhận lẵng hoa của Ch tịch Tôn Đức Thắng tặng CBCS Bộ Tư lệnh Lăng.

Ngày 20/12/1969, cuộc họp giữa Ban Chỉ đạo và bộ phận giữ gìn thi hài Bác kéo dài quá nửa đêm. Ngay từ đầu hội nghị đã xác định quyết tâm dù khó khăn đến đâu cũng phải lãnh đạo, động viên các bộ phận thực hiện tốt nghị quyết của Quân ủy, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong đợt di chuyển sắp tới, đạt các yêu cầu: nhanh, gọn, đúng thời gian, bảo đảm bí mật và an toàn tuyệt đối.

Hội nghị cùng một lúc phải bàn triển khai tất cả các mặt công tác cụ thể: sắp xếp lại tổ chức, ai đi, ai ở, lên phương án hành quân, tổ chức nghi binh và triển khai công tác chính trị trong hành quân cũng như khi đến địa điểm mới. Tất cả mọi việc đã được rà xét, cân nhắc kỹ lưỡng như chuẩn bị cho một trận đánh quan trọng. Khi đồng chí Kinh Chi đứng lên kết luận hội nghị thì kim đồng hồ đã chỉ đúng 2g sáng.

Ngày hôm sau, 21/12, quyết tâm của hội nghị được phổ biến xuống từng bộ phận. Một cuộc chuẩn bị rất khẩn trương. Ai cũng hiểu kết quả của ba tháng trời rèn luyện vất vả sắp được thể hiện một cách cụ thể. Không khí bỗng lắng xuống, trang nghiêm khi mọi người bất chợt nghĩ đến Bác. Nỗi đau của những ngày lễ tang đột ngột trở lại. Lòng mọi người đều nhói lên khi nhận thấy sau khi qua đời, Bác vẫn không được yên nghỉ trọn vẹn. Chiến tranh vẫn chưa có dấu hiệu kết thúc và không biết Bác sẽ còn vất vả, gian khổ đến bao giờ?

2. Buổi sáng ngày 22/12, một bộ phận của tổ y tế đặc biệt được lệnh cùng với hai chuyên gia Liên Xô mang bể thủy tinh lên K84 trước để chuẩn bị. Các đơn vị của Lữ đoàn 144 bí mật rải quân dọc hai bên đường. Cứ 5 ki-lô-mét lại có một trạm trang bị máy thông tin liên lạc. Trước đó, các chiến sĩ cảnh vệ cũng đã liên hệ với công an địa phương, nắm tình hình ở các xóm trên trục đường hành quân. Tất cả đều được dự tính trước để bảo đảm tuyệt đối an toàn.

Đúng 23g ngày 23/12, đoàn xe đặc biệt được lệnh xuất phát. Các đồng chí trong Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương và Trung ương Cục miền Nam đã có mặt đông đủ ở 75A để tiễn Bác. Đêm đó trời lạnh. Gió mùa đông bắc tràn về thổi giật từng cơn trên các lùm cây dọc hai bên đường. Phía sau đoàn xe, Hà Nội với những ánh đèn vàng lùi xa dần, cho đến lúc chỉ còn là một quầng sáng mờ đục trên bầu trời thành phố. Đoàn xe lặng lẽ vượt qua một thị trấn, bò xuống cây cầu rồi vượt lên bờ đê. Đoàn xe đi vào một thị xã, lúc đó đã chìm trong giấc ngủ. Mặt đường chỉ còn lác đác một vài bóng người cắm cúi đạp xe và thỉnh thoảng một đoàn xe quân sự chạy ngược chiều, đèn pha quét sáng rực thành từng vòm sáng trên những lùm cây xà cừ ướt đẫm.

Dẫu sao, chặng đường vừa trải qua vẫn là một chặng đường đơn giản vì phần lớn mặt đường được rải nhựa. Nhưng đoạn đường tiếp theo cho đến đích là một thử thách không nhỏ đối với họ. Khi đoàn xe vừa ra khỏi rặng cây xà cừ của thị xã, đường nham nhở, đầy ổ gà, ổ trâu lần lượt hiện ra trước mắt. Các chiến sĩ cảnh vệ đang tay cuốc, tay xẻng san lấp khẩn trương để bảo đảm xe qua. Sau khi đoàn xe đi qua họ lại xóa hết mọi dấu vết của cuộc di chuyển đặc biệt.

Ngoài chiếc Zin 157 chở thi hài của Bác còn có bốn chiếc xe khác. Xe đi đầu là chiếc Gát 69A, xe bảo ôn bảo vệ phía trước, xe bảo ôn bảo vệ phía sau, cuối cùng là xe của các đồng chí trong Ban Chỉ đạo. Theo yêu cầu của các chuyên gia Liên Xô, để đề phòng những diễn biến bất trắc xảy ra dọc đường, tổ y tế phải chuẩn bị một cơ số thuốc dự bị đi cùng xe thi hài để khi cần có thể dừng lại làm thuốc bổ sung.

Đêm mùa đông, càng về khuya trời càng se lạnh. Gió bỗng nhiên tắt lặng và những vì sao hiện ra mờ nhạt sau những tảng mây xám ngắt. Con đường trườn qua những sườn đồi, bò xuống những thung lũng, băng qua các cây cầu vừa được sửa chữa gấp gáp. Không gian hoàn toàn yên tĩnh. Chỉ còn nghe tiếng máy nổ, tiếng bánh xe nghiến trên đường đầy sỏi đá sàn sạt. Mỗi lần qua một đoạn đường xấu, một ý nghĩ, một câu hỏi cùng một lúc vụt đến với mọi người: Liệu Bác có làm sao không?

Bác sĩ Nguyễn Gia Quyền được phân công ngồi cùng xe chở thi hài Bác. Trời bên ngoài đã lạnh, trong xe càng lạnh hơn bởi những khối nước đá xếp đầy trong xe và xung quanh linh cữu Bác thay cho máy điều hòa nhiệt độ.

Đồng chí Igo, chuyên gia Liên Xô cũng tình nguyện lên xe thi hài, ngồi cùng với bác sĩ Quyền. Trong xe có trang bị điện thoại giữa bác sĩ Quyền và đồng chí Kinh Chi ngồi bên buồng lái. Thỉnh thoảng đồng chí Kinh Chi lại hỏi: “Thế nào, vẫn yên ổn cả chứ?”, đồng chí Nguyễn Gia Quyền đặt cặp kính trên nắp linh cữu để kiểm tra độ rung xóc của xe. Mỗi lần đồng chí Kinh Chi hỏi, nhìn cặp kính vẫn nằm yên ở vị trí cũ, đồng chí Nguyễn Gia Quyền lần nào cũng trả lời ngắn gọn: “Báo cáo, không có chuyện gì xảy ra cả”.

Trời vừa hửng sáng thì chiếc xe cuối cùng trong đội hình hành quân của đoàn cũng mất hút trong cánh rừng của khu căn cứ. Đoàn xe đi vào con đường ngang qua một hố nước lớn bàng bạc sương mù để lên đồi. Hai bên đường, lau, sậy mọc đầy, quệt hai bên thành xe lạt sạt. Lúc đoàn xe tắt máy dừng lại đã thấy rất đông người đứng đón Bác trước ngôi nhà kính. Trong cùng một lúc, cả người mới đến và người ra đón đều đổ xô đến chiếc Zin chở thi hài Bác. Cánh cửa sau xe vừa mở, đồng chí Igo và đồng chí Nguyễn Gia Quyền bước xuống, khuôn mặt hai người tái nhợt nhưng không giấu được xúc động.

Đồng chí Phùng Thế Tài bước đến nắm lấy bàn tay to, lạnh giá của bác sĩ Igo và hỏi: “Đồng chí ngồi trong đó lạnh, nhưng yên ổn phải không?”. “Tốt, tốt”, đồng chí Igo trả lời. Mọi người cùng thở phào. Họ hiểu: Như vậy có nghĩa là không có gì xảy ra đối với thi hài Bác.

xay-dung.gif

Các đồng chí Quân ủy Trung ương tham gia xây dựng Lăng Bác- năm 1973.

Buổi sáng ngày 24/12, đến với khu căn cứ thật yên tĩnh nhưng cũng thật sôi động. Cuộc di chuyển hoàn toàn thắng lợi. Mọi người khẩn trương đưa thi hài Bác vào nhà kính, nhanh chóng làm mọi công việc chuyên môn kỹ thuật. Các bộ phận khác thì củng cố nơi ăn, ở mới. Ai cũng ngơ ngác trước vẻ đẹp kỳ lạ của khu rừng. Trước đây khi các chiến sĩ công binh phải chặt bỏ một số cây thông để xây nhà ở và đào công sự, Bác chỉ cho phép chặt những cây không thể để lại được, cây nào còn có thể giữ được thì phải giữ lại bằng mọi cách. Bởi thế, ngay giữa tiền sảnh của ngôi nhà lớn trước đây là nơi họp của Bộ Chính trị, mọi người còn thấy một cây thông lớn chui vượt qua trước hiên ngạo nghễ tỏa bóng xuống khu rừng. Điều này chứng tỏ Bác không chỉ yêu mà còn tôn trọng vẻ đẹp vốn có của thiên nhiên đến mức nào.

Có lẽ cũng cần phải nói thêm về tình hình dân cư ở xung quanh địa bàn đóng quân của đơn vị. Trước năm 1945, ở khu vực này có một cơ sở nhỏ của Quốc dân đảng. Trong chống Pháp trở thành vùng địch kìm kẹp có đồn bốt của lính Pháp. Cơ sở Đảng trong vùng yếu, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn, thiếu thốn. Trước khi di chuyển thi hài Bác lên, Cục Bảo vệ đã làm việc kỹ với các tổ chức Đảng, chính quyền ở địa phương. Do phải giữ bí mật nên cả tỉnh ủy, huyện ủy và nhân dân trong vùng không ai biết rằng, quê hương của họ đang được nhận một vinh dự lớn: Thay mặt cho cả nước gìn giữ thi hài Bác.

(Còn nữa)

Trích Ký sự “Giữ yên giấc ngủ của Người” NXB QĐND – 1990

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Nỗi đau của một gia đình
Thứ Bảy, 05/11/2011 18:00 CH
Hết thời xe máy Tàu
Thứ Bảy, 05/11/2011 14:00 CH
Một ngày với trẻ em Sapa
Thứ Hai, 31/10/2011 18:00 CH
Đời hát
Thứ Bảy, 29/10/2011 18:00 CH
Còn lại không chỉ là nỗi đau
Thứ Hai, 17/10/2011 14:00 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek