Thứ Ba, 26/11/2024 04:53 SA
Thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được gìn giữ như thế nào? (Kỳ VI)
Thứ Hai, 24/10/2011 12:00 CH

Suy tính mãi, cuối cùng kỹ sư Hoàng Quang Bá đã đề ra một phương án sử dụng nguồn nước giếng hiện có bằng chu trình tuần hoàn. Phương án được chuẩn y và được triển khai thực hiện.

Theo thiết kế, nước từ giếng được bơm lên bể chứa ở độ cao 65 mét rồi dẫn vào các máy điều hòa làm lạnh, xong nước không thải ra ngoài theo lẽ thường mà lại được chảy xuống một bể chứa khác gồm bốn ngăn theo nguyên tắc bình thông nhau để hạ nhiệt độ từ 350C xuống 270C. Sau đó nước từ bể chứa này lại được bơm lên chiếc bể ở độ cao 65 mét rồi tiếp tục dẫn vào máy. Hệ thống bơm cũng được lắp đặt tự động theo kiểu “du kích hóa” bằng phương pháp dùng phao nổi để đóng ngắt mạch điện cho máy hoạt động mỗi khi nước đầy hoặc vơi trong bể.

Với sáng kiến lắp đặt hệ thống nước tuần hoàn này, ở K9 không những đủ nước cho máy hoạt động mà còn bảo đảm nước cho cả đơn vị sinh hoạt, tiết kiệm được một số lượng vật tư, tài chính lớn cho Nhà nước.

nguyen-luong-bang.jpg

Đồng chí Nguyễn Lương Bằng, Phó Chủ tịch nước và đồng chí Trần Quốc Hoàn, Bộ trưởng Bộ Nội vụ, làm việc với chuyên gia Y tế Liên Xô sau khi Bác qua đời.

Một yếu tố khác cũng không kém phần quan trọng trong việc gìn giữ thi hài Bác là nguồn điện. Không có điện, máy móc không thể vận hành được. Trước đây, ở K9 có một trạm biến thế lấy từ nguồn điện quốc gia. Nhưng từ khi xảy ra cuộc chiến tranh phá hoại của không quân Mỹ, nhiều đoạn đường dây bị phá, trạm biến thế điện cũng bị hư hại nặng. Do đó, phương án cấp điện lúc này chủ yếu dùng nguồn điện từ máy phát diezel. Bộ phận kỹ thuật điện do kỹ sư Nguyễn Trung Thành phụ trách đã thiết kế lắp đặt ba cụm tổ máy, mỗi cụm có ba máy diezel theo thế chân vạc. Song song với việc lắp đặt ba cụm máy diezel, đường dây lưới điện quốc gia cũng được kịp thời khôi phục.

Để bảo đảm nguồn điện thường trực 24/24 giờ mỗi ngày, một hệ thống đóng và cắt nguồn điện dự phòng đã được thiết kế và thử nghiệm thay thế cho việc thao tác của con người. Hệ thống tự động này không những đảm bảo tự động đưa một trạm diezel vào hoạt động khi nguồn điện quốc gia bị mất mà còn có khả năng chọn trạm diezel thay thế nhau sau hai lần khởi động không được của máy diezel trực.

Bên cạnh trạm tự động, đóng ngắt điện, bộ phận kỹ thuật còn thiết kế, lắp đặt kèm theo một hệ thống tự động nạp ắc-quy, đảm bảo cho các bình ắc-quy luôn luôn ở trạng thái “no đủ”…

Trước ngày di chuyển thi hài Bác lên K9, đồng chí Lê Quang Đạo, Trưởng ban Chỉ đạo cùng với đồng chí Trần Bá Đặng đã trực tiếp kiểm tra thử nghiệm các sự cố. Kết quả thu được thật không ngờ, các tình huống giả định đều được xử lý với thời gian không đến một phút.

Giải quyết được nguồn điện cung cấp cho công trình, các cán bộ và công nhân kỹ thuật ngành điện còn thiết kế, lắp đặt một hệ thống điều khiển từ xa đối với các máy điều hòa nhiệt độ đặt ở buồng trung tâm. Bởi vì, nếu phải thao tác bằng tay, khả năng xử lý sẽ không kịp thời và mỗi lần ra vào tiếp xúc với các máy, sự ổn định nhiệt độ trong phòng đặt thi hài rất dễ bị phá vỡ đột ngột.

Lắp đặt xong các hệ thống tự động kể trên là một cố gắng lớn của các cán bộ và công nhân ngành điện. Nó chứng tỏ những khả năng tiềm tàng của người lính khi được phục vụ Bác. Họ luôn tâm niệm rằng, để giữ gìn thi hài Bác, trong mọi việc, mỗi người phải tìm ra những biện pháp tối ưu nhất, tốt nhất mà khả năng và điều kiện lúc đó có thể cho phép thực hiện được.

Ngày 15/12, công trình K9 hoàn thành những chi tiết cuối cùng, vượt mức thời hạn quy định 10 ngày. Để giữ bí mật, K9 được đổi thành K84. Gọi K84 là xuất phát từ một phép tính rất đơn giản: K75+K9 = K84. Từ đó về sau, không ai còn gọi khu đồi đó là K9 nữa.

Có lẽ trong những trang sử truyền thống vẻ vang của quân đội ta, chưa có trang nào ghi về nhiệm vụ khó khăn, phức tạp nhưng hết sức thiêng liêng của những cán bộ, chiến sĩ ngày đêm gìn giữ, bảo vệ thi hài của Bác. Đó là một đơn vị đặc biệt, làm một nhiệm vụ đặc biệt. Do vậy, chiến công của họ cũng hết sức đặc biệt, không giống chiến công của bất kỳ đơn vị nào ngoài chiến trường.

Hoàn thành xong công trình K84, 20 cán bộ, chiến sĩ của Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 259 công binh được lựa chọn ở lại quản lý, vận hành công trình. Đấy là một vinh dự, một phần thưởng lớn đối với họ. Ít ngày sau, khi Tiểu đoàn 2 công binh và các lực lượng phối thuộc khác rút đi, những người còn lại rạo rực chuẩn bị, họ chăm chút từng lối đi, từng gốc cây, khóm hoa và hồi hộp chờ đợi ngày được trở về Hà Nội đón Bác lên.

III.  Những nơi Bác yên nghỉ

1. Quyết định di chuyển thi hài Bác từ 75A lên K84 là một quyết định chính xác của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương. Nhưng di chuyển bằng cách nào, bằng phương tiện gì là điều Ban Chỉ đạo còn phải cân nhắc. Ở Liên Xô và Bulgaria, thi hài Lenin và Dimitrov thường xuyên nằm ở trạng thái tĩnh tại, nên bạn cũng không có kinh nghiệm trong lĩnh vực này. Hơn nữa, các yêu cầu trong công tác di chuyển được các chuyên gia Liên Xô đặt ra hết sức nghiêm ngặt. Ngoài lĩnh vực y  – sinh  – hóa, trong quá trình hành quân còn phải bảo đảm nhiệt độ, độ ẩm theo quy định. Thiếu hai yếu tố này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến việc gìn giữ thi hài. Ngoài ra, khi di chuyển phải tuyệt đối chống rung xóc. Trong khi đó, con đường di chuyển lại gập ghềnh, đầy ổ gà, nhiều đoạn đường, nhiều cây cầu bị hư hại nặng cần phải được sửa chữa.

Sau nhiều cuộc họp, Ban Chỉ đạo đã thận trọng cân nhắc cả ba phương án hành quân: đường không, đường thủy và đường bộ. Đường không có ưu điểm nhanh, an toàn, K84 lại sẵn có sân bay trực thăng nhưng không thể chống rung xóc vì độ rung của máy bay trực thăng rất lớn. Đường thủy có thể chống được rung xóc nhưng thời gian lại kéo dài quá, ảnh hưởng đến quy trình làm thuốc. Cuối cùng Ban Chỉ đạo quyết định chọn phương án đường bộ. Đường bộ có nhiều khó khăn, nhưng những khó khăn ấy có thể khắc phục được.

Sau khi đã xác định được phương án hành quân bằng đường bộ, Ban Chỉ đạo tập trung vào việc bàn cách khắc phục những hạn chế của phương án này. Thứ nhất, về bảo đảm nhiệt độ, độ ẩm, Ban Chỉ đạo quyết định dùng nước đá thay cho máy điều hòa nhiệt độ. Trước đây, khi đón Bác từ Phủ Chủ tịch về 75A và đưa Bác từ 75A ra Hội trường Ba Đình, tổ y tế đặc biệt cũng đã dùng nước đá và đã bảo đảm tốt nhiệt độ, độ ẩm. Dĩ nhiên hồi đó đường đi gần hơn nên vấn đề nhiệt độ, độ ẩm đặt ra không gay gắt như lần di chuyển này. Thứ hai là làm thế nào để chống rung xóc. Muốn chống rung xóc phải khắc phục hai yếu tố xe và đường. Sau những tính toán, cân nhắc, Ban Chỉ đạo quyết định chọn xe Zin 157. Loại xe này lớn và khỏe, có 3 cầu, độ xóc ít hơn các loại xe khác. Còn đường, Ban Chỉ đạo nhận định không thể dùng công nhân sửa chữa ồ ạt, như vậy dễ bị lộ bí mật. Nhưng không sửa chữa thì dù xe tốt đến đâu cũng không tránh được hiện tượng rung xóc. Không còn cách nào khác ngoài việc cho người đi khảo sát rồi giao cho Lữ đoàn 144 chuẩn bị phương án sửa chữa những đoạn đường và những cây cầu xấu nhất ngay trong đêm hành quân. Khi đoàn xe đặc biệt đi qua, lập tức phải xóa dấu vết để cầu và đường trở lại tình trạng vốn có của nó…

Sau cuộc họp của Ban Chỉ đạo, cán bộ, chiến sĩ và công nhân Xưởng 49, Bộ Tư lệnh Công binh được giao nhiệm vụ nghiên cứu, cải tạo lại chiếc xe Zin 157 theo yêu cầu của các chuyên gia Liên Xô và tổ y tế đặc biệt. Với tinh thần làm việc khẩn trương, chỉ sau ba tuần, chiếc xe Zin bình thường đã biến đổi hình dạng và khoác lên mình một màu áo mới xanh thẫm. Bên trong thiết kế hết sức gọn ghẽ, hợp lý. Các bộ phận máy, bệ, gầm, đặc biệt là bộ nhíp giảm xóc đã được cải tiến lại. Các cán bộ kỹ thuật còn tính toán cả lượng hơi bơm ở các bánh xe, sao cho xe vẫn có thể chạy nhanh nhưng lại giảm độ rung xóc ở mức thấp nhất.

Cùng với Xưởng 49 công binh, các cán bộ, chiến sĩ Bộ Tư lệnh Thông tin cũng được giao nhiệm vụ làm hai chiếc hòm lớn, một chiếc dùng để bảo quản thi hài Bác khi hành quân và một chiếc khác dùng để chứa bể thủy tinh.

Sau nhiều đợt ném bom của máy bay Mỹ, con đường lên K84 ngày ấy bị hư hại nặng. Do tính chất đặc biệt của cuộc di chuyển và do yêu cầu đặt ra rất khắt khe đối với người lái xe nên Ban Chỉ đạo đã quyết định phải tích cực tập luyện để tránh những sai sót, dù rất nhỏ có thể xảy ra khi bước vào cuộc di chuyển chính thức.

(Còn nữa)

Trích Ký sự “Giữ yên giấc ngủ của Người” NXB QĐND – 1990

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek