Thứ Ba, 26/11/2024 02:20 SA
Thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được gìn giữ như thế nào? (Kỳ VIII)
Thứ Năm, 24/11/2011 17:00 CH

Những ngày đầu ở K84 đã trôi qua trong những khó khăn, thiếu thốn tưởng như rất vô lý. Mọi người không ai được ra ngoài nên nguồn thực phẩm chủ yếu là ra rừng với thức ăn khô và từng bộ phận phải tự lo liệu lấy. Hầu hết các bộ phận: y tế, bảo vệ, công binh, thông tin, cục đối ngoại… anh em cán bộ, chiến sĩ từ nhiều đơn vị về, đơn vị cũ đã cắt quân số, nhưng đơn vị mới thì chưa được thành lập chính thức, do đó việc bảo đảm cung cấp lương thực, thực phẩm… gặp rất nhiều khó khăn.

 

Ngay cả trong các ngày tết Nguyên đán năm đó, đã sát tết rồi nhưng cán bộ, chiến sĩ ở đây vẫn chỉ có cơm độn ngô với canh rau rừng. Trước tình hình đó, tuy thời gian đã muộn nhưng đơn vị đã cố gắng cử người về các cơ quan cũ liên hệ xin được đảm bảo một phần tiêu chuẩn hương vị ngày tết cho anh em. Riêng với các đồng chí chuyên gia, những chiến sĩ quốc tế đã vượt hàng vạn dặm đến vùng rừng hẻo lánh này để đóng góp một phần chủ yếu vào việc gìn giữ thi hài Bác, đã được Cục Đối ngoại và đơn vị chăm sóc hết sức chu đáo.

 

Sau tết Nguyên đán, các bộ phận tích cực triển khai công tác tăng gia sản xuất để cải thiện bữa ăn cho bộ đội, nhiều vạt đất ven hồ nước dưới chân đồi đã được phát quang để trồng rau, trồng sắn. Những đàn gà đầu tiên đã xuất hiện. Cuộc sống dần dần thay đổi.

 

ba-dinh111124.jpg

E259B - Đoàn Ba Đình lực lượng trực tiếp thi công lắp đặt thiết bị công trình Lăng Bác

Ngày 16/2/1970, Bộ Tổng tham mưu công bố quyết định thành lập Đoàn 69, trực thuộc Bộ Tổng tham mưu do Trung tá Nguyễn Văn Hanh làm Chính ủy. Hôm ấy là một ngày đẹp trời. Những tia nắng mùa xuân chợt hửng lên ửng vàng trên các tán rừng. Dưới kia, dòng sông vẫn cuồn cuộn chảy. Từ đỉnh đồi nhìn xuống dòng sông sóng bạc như một lưỡi kiếm sắc. Tất cả cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị, những con người đã từ lâu gắn bó trong một nhiệm vụ thiêng liêng ngồi yên lặng lắng nghe đồng chí Nguyễn Văn Hanh đọc quyết định thành lập Đoàn. Kết thúc buổi lễ, mọi người đứng dậy, sát vai nhau với lời hô: “Trung thành vô hạn, vượt mọi khó khăn, quyết tâm gìn giữ tốt nhất thi hài Bác”.

 

Ít lâu sau, theo quyết định của Quân ủy Trung ương, Đảng ủy Đoàn 69 cũng thành lập. Các đồng chí Nguyễn Văn Hanh, Nguyễn Gia Quyền, Nguyễn Văn Mộc, Vũ Văn Quán, Đinh Viết Phụng được chỉ định vào Đảng ủy.

 

Chính ủy Nguyễn Văn Hanh trong những ngày đầy khó khăn ấy đã đóng góp một phần quan trọng trong nhiệm vụ xây dựng và củng cố đơn vị. Ban ngày anh xắn quần tham gia lao động với anh em, đêm về lại chong đèn suy nghĩ tìm ra những biện pháp tốt nhất để thực hiện nghị quyết của Đảng ủy: “Phải tự lực tự cường, không ỷ lại chờ trên, phát huy hết thế mạnh tại chỗ, tích cực tăng gia sản xuất, cải thiện đời sống cho bộ đội, từng bước xây dựng đơn vị trưởng thành về mọi mặt”.

 

Vừa làm nghiệp vụ vừa lao động sản xuất, tự túc một phần lương thực, thực phẩm dần dần trở thành một nếp sinh hoạt của cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị. Nhiều người dân trong vùng ngày ấy, mỗi khi đi qua đường thấy những chiến sĩ không mang quân hàm, quân hiệu, cặm cụi cày cuốc đã lầm tưởng nơi đây là một khu cải tạo những quân nhân bỏ ngũ. Vì thế, trong những lần tiếp xúc, các chiến sĩ phải im lặng, làm ngơ trước những lời trêu chọc bóng gió, đôi khi rất nặng nề của các cô gái. Điều này phần nào đã xác nhận sự thành công của công tác giữ gìn bí mật.

 

Ngay sau khi được thành lập, Đảng ủy Đoàn đã đề ra nghị quyết về công tác đảm bảo đời sống cho cán bộ, chiến sĩ. Nơi ăn, chỗ ở được củng cố. Những vạt đất trồng rau, trồng sắn, trồng lúa được mở rộng, không còn manh mún, nhỏ lẻ như trước. Ban Chỉ huy Đoàn còn tổ chức chăn nuôi bò, lợn. Ngoài chỉ tiêu rau xanh chia cho từng bộ phận, mỗi cán bộ, chiến sĩ trong Đoàn còn lần lượt thay nhau đi chăm sóc đàn bò. Các cán bộ chỉ huy Đoàn cũng dành mỗi tháng một ngày đi chăm sóc đàn bò với các chiến sĩ. Ngày 23/5/1970, một phái đoàn chuyên gia của Viện Thi hài Lenin sang Hà Nội. Một hội đồng khám nghiệm thi hài Bác gồm các chuyên gia Liên Xô và Việt Nam đã được thành lập. Sau khi tổ chức khám nghiệm ở K84, hội đồng đã kết luận: Qua 8 tháng đầu bảo vệ, gìn giữ thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh ở một nước khí hậu nhiệt đới, mặc dù phải di chuyển xa nhưng hình dáng bên ngoài và các bộ phận trên cơ thể Người vẫn được bảo tồn đầy đủ, phù hợp với hình thể lúc Người còn sống.

 

Hội đồng còn khẳng định, thi hài của Bác có đầy đủ điều kiện để giữ gìn lâu dài. Đây là một phần thưởng hết sức quý giá đối với những cán bộ trong tổ y tế và tất cả cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị. Họ giành được thắng lợi trong chặng đường đầu tiên, chặng đường này sẽ là một tiền đề quan trọng cho tất cả thế hệ mai sau, khi họ được giao nhiệm vụ gìn giữ thi hài Bác.

 

Ngày 22/8, đồng chí Vũ Văn Cần, Ủy viên Ban Chỉ đạo từ Hà Nội lên chỉ thị cho Ban Chỉ huy Đoàn chuẩn bị đón đoàn đại biểu của Trung ương và Quân ủy lên viếng Bác. Nhận được lệnh, các đồng chí chuyên gia và tổ y tế khẩn trương làm việc: làm thuốc, chỉnh hình, cải tạo đèn ở phòng viếng… công việc kéo dài tới 17 giờ. Mọi người hiểu rằng, chỉ một thay đổi nhỏ trên khuôn mặt quen thuộc của Bác cũng sẽ làm cho chúng ta đau lòng. Vì thế, các đồng chí chuyên gia và các cán bộ y tế đã chú ý tới từng chi tiết nhỏ nhất trên cơ thể của Bác.

 

Sáng ngày hôm sau, 23/8, tại buồng thi hài ở khu căn cứ đã diễn ra một lễ viếng giản dị và trang nghiêm. Các đồng chí Trung ương và Quân ủy do đồng chí Lê Duẩn dẫn đầu bồi hồi đứng trước linh cữu Bác. Mới đó mà đã một năm trời Bác đi xa. Một năm với biết bao nhiêu nỗi đau, nỗi nhớ! Giờ đây, đứng trước thi hài Bác, những người học trò, những người đồng chí trung thành của Bác đều bàng hoàng, không tin rằng Bác đã đi mãi mãi, đều ngỡ ngàng tưởng như Người còn đang trong giấc ngủ.

 

Sau lễ viếng, đồng chí Lê Duẩn đã gặp mặt thăm hỏi các đồng chí chuyên gia và Ban Chỉ huy Đoàn. Đồng chí nhận xét: Thi hài của Bác giữ gìn rất tốt như thi hài Lenin ở Moscow.

 

Xế trưa đoàn mới rời K84 trở về Hà Nội.

 

3. Cuối năm 1970, cuộc sống của những người chiến sĩ Đoàn 69  – “Đội cận vệ đỏ của Bác”  – như anh em thường gọi, dần dần đi vào ổn định. Khu rừng không chỉ có những cây thông, cây lim cổ thụ mà còn có những nương sắn, nương ngô, những ruộng lúa nước đang được thu hoạch. Những buổi chiều, sau một ngày làm việc căng thẳng trong phòng làm thuốc hoặc ngoài nương rẫy, cán bộ, chiến sĩ của Đoàn lại sôi nổi hoạt động thể thao quanh sân bóng và khi buổi tối đến, từng bộ phận lại tổ chức sinh hoạt, đọc báo, hoặc diễn đàn thanh niên hay biểu diễn văn nghệ… Nghị quyết của Đảng ủy Đoàn đã được cụ thể hóa trong từng việc làm, từng ý nghĩ của mỗi người. Ai cũng nghĩ rằng đơn vị sẽ ở đây, sẽ giữ gìn thi hài Bác tại khu đồi thơ mộng này cho đến ngày Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước thắng lợi hoàn toàn. Những phương án chuẩn bị cho một cuộc sống lâu dài ở khu căn cứ đã được Ban Chỉ huy Đoàn chuẩn bị và dự tính kỹ lưỡng. Nhưng một biến cố bất chợt đang xảy ra đã làm đảo lộn tất cả mọi sinh hoạt đang đi vào ổn định của Đoàn.

 

Đêm 20 rạng sáng ngày 21/11, tiếng máy bay trực thăng đột ngột vang lên trên bầu trời khu căn cứ. Từ trong nhà, mọi người cùng bật dậy, lao ra ngoài. Thấp thoáng sau những tán lá rừng, có nhiều chiếc trực thăng bật đèn hiệu nối đuôi nhau bay qua. Nhiều người tưởng không quân mình diễn tập. Nhưng chỉ một lát sau, khi nghe tiếng máy bay phản lực gầm rú, thì mọi người đều hiểu, có chuyện gì đó không bình thường đã xảy ra.

 

Ngày 24, Ban Chỉ huy Đoàn đã nhận được điện khẩn của đồng chí Phùng Thế Tài: “Trước đây các anh đổ nước vào thì bây giờ chuẩn bị múc nước ra”. Mặc dù nội dung bức điện chỉ ngắn gọn như vậy, nhưng Ban Chỉ huy Đoàn đã hiểu: Có lệnh chuẩn bị di chuyển thi hài Bác!

 

Ngày hôm sau, các đồng chí Phùng Thế Tài và Kinh Chi trực tiếp lên đơn vị phổ biến quyết định di chuyển thi hài Bác về Hà Nội. Lúc ấy mọi người mới được biết, cái hiện tượng “diễn tập của không quân” thực chất là đêm phiêu lưu của lực lượng biệt kích Mỹ, hòng giải thoát những tên giặc lái đã bị bắt ở một trại tù binh. Nhưng bọn biệt kích đã vồ hụt, sau một lúc sục sạo không thấy gì, trại tù binh trống rỗng, bọn chúng bỏ chuồn thẳng.

 

Sau biến cố trên, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương nhận định, khu đồi K84 tuy là một vị trí hẻo lánh, nhưng có nhiều đồi trọc, rất thuận lợi cho việc đổ bộ đường không của Mỹ. Hơn nữa, không quân Mỹ lại có khả năng trinh sát điện tử rất hiện đại, kết hợp với gián điệp nội địa, rất có thể chúng phát hiện ra khu vực này. Mặc dù xác định được rằng, một cuộc tập kích đổ bộ đường không như đã xảy ra ở Sơn Tây nếu diễn ra ở khu đồi K84, địch vẫn không thể cướp nổi thi hài Bác, nhưng sự đụng độ rất dễ gây ảnh hưởng lớn đến việc giữ gìn thi hài. Bởi vậy, Bộ Chính trị quyết định di chuyển Bác về lại Hà Nội. Ở Hà Nội, dù liều lĩnh đến mấy, không quân Mỹ cũng không thể tiến hành nổi một cuộc đổ bộ chớp nhoáng như đã diễn ra đêm 20/11.

 

Nhận lệnh di chuyển gấp, Đảng ủy và Ban Chỉ huy Đoàn họp và triển khai nhiệm vụ đến từng bộ phận, phân công người về, người ở. Bộ phận ở lại bảo quản cơ sở vật chất của khu căn cứ được giao cho đồng chí Vũ Văn Quán phụ trách.

 

Đêm mồng 3/12, cán bộ, chiến sĩ của Lữ đoàn 144 được lệnh rải quân bảo vệ tuyến đường hành quân. Trước đó hai ngày, các chuyên gia Liên Xô và một số cán bộ trong tổ y tế đặc biệt cũng lên đường trở về 75A chuẩn bị đón Bác.

 

22 giờ, đoàn xe đặc biệt lại lặng lẽ rời căn cứ. Đêm đó trời quang đãng, gió chạy lang thang trên những khu đồi trống trải. Ở những đoạn đường nhiều ổ gà và những cây cầu hỏng lại thấy thấp thoáng bóng các chiến sĩ cảnh vệ với cuốc, xẻng, quang, sọt. Khi đoàn xe chạy qua, họ im lặng đưa mắt nhìn theo như để đưa tiễn Bác rồi lại vội vã xóa sạch dấu vết của cuộc di chuyển. Do đã rút được kinh nghiệm sau lần di chuyển trước nên đợt di chuyển này mọi việc đã diễn ra hết sức nhanh gọn.

 

3g ngày 4/12, đoàn xe về tới Hà Nội. Thành phố đang chìm sâu trong giấc ngủ, những ngọn gió buốt như kim châm vào các khớp xương nhức nhối, mấy chiếc lá khô cuộn mình ngủ yên trên hè phố bị ngọn gió đánh thức dậy, chốc chốc lại trở mình xào xạc. Khi chiếc xe Zin vừa dừng lại trước công trình 75A, các chuyên gia Liên Xô lên kiểm tra ngay hai miếng gạc đắp hai bàn tay Bác. Hai miếng gạc vẫn nằm nguyên ở vị trí cũ. Mọi người thở phào. Như vậy có nghĩa là, trong quá trình hành quân, thi hài Bác đã được bảo vệ an toàn tuyệt đối.

 

Từ địa bàn rừng núi chuyển về thành phố, các chiến sĩ Đoàn 69 cũng như Ban Chỉ huy Đoàn đều rất yên tâm trong nhiệm vụ của mình. Ở thủ đô, đời sống sinh hoạt thuận lợi hơn. Công tác phục vụ bạn cũng đỡ vất vả, thiếu thốn. Nhưng cũng như ở K84 mọi người vẫn phải hết sức giữ bí mật. Ngay cả các đồng chí trong Ban Chỉ đạo hay chuyên gia, mỗi khi vào làm thuốc cho Bác đều phải ngồi trong xe bịt kín, thư từ của mọi người gửi về nhà đều phải để ngỏ. Sự đi lại hết sức hạn chế… Tuy vậy, không một người nào cảm thấy bức bối, khó chịu. Mọi người chấp hành các quy định nghiêm ngặt ấy một cách nghiêm túc, hoàn toàn tự nguyện, bởi họ hiểu rằng, sự hy sinh của họ là để phục vụ cho một nhiệm vụ cao cả. Họ không cảm thấy thiếu thốn bởi Bác luôn luôn ở bên cạnh họ, ở trong trái tim và tình cảm của họ.

 

(Còn nữa)

 

Trích Ký sự “Giữ yên giấc ngủ của Người” NXB QĐND – 1990

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Săn chình giống
Thứ Bảy, 19/11/2011 14:00 CH
Trả ơn cuộc đời
Thứ Sáu, 11/11/2011 18:00 CH
Nỗi đau của một gia đình
Thứ Bảy, 05/11/2011 18:00 CH
Hết thời xe máy Tàu
Thứ Bảy, 05/11/2011 14:00 CH
Một ngày với trẻ em Sapa
Thứ Hai, 31/10/2011 18:00 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek