Tôi không có nhiều cơ hội đến với Sapa (Lào Cai), để tự tin khẳng định rằng mình hiểu về vùng đất này, nhưng tôi có một cảm nhận - dù chỉ một lần đến đây, đó là chút nhói lòng khi thấy những đứa trẻ.
Trẻ ở Sapa địu em đi bán hàng lưu niệm cho du khách - Ảnh: T.LOAN
LẠC LÕNG GIỮA CUỘC SỐNG HIỆN ĐẠI
Nếu ví Sapa là bậc thềm của dãy Phanxipan hùng vĩ thì những đứa trẻ giống như những con rùa nhỏ loanh quanh ở bậc thềm này. Sự ví von của nhà văn Tô Hoài khiến tôi càng thấy đúng trong hoàn cảnh của những đứa trẻ ở Sapa bây giờ và chúng tôi tự hỏi: “Liệu chúng đã vượt qua khỏi con dốc ở đầu thị trấn chưa? Đã bao giờ chúng nhìn thấy những con đường nhựa phẳng lỳ, chạy dài tít tắp chứ không phải quanh co leo đồi núi như ở đây chưa? Hỏi về tự huyễn hoặc mình mà tin rằng: chả có đứa nào được như thế.
Sapa bây giờ rất hiện đại, chắc chắn là như vậy, bởi những du khách nước ngoài đến đây ngày càng nhiều, theo chân họ là những dịch vụ du lịch hiện đại, những nhà hàng, quán bar sang trọng. Một người bạn của tôi ở Lào Cai khẳng định chắc nịch rằng: “Cái gì ở Hà Nội có thì Sapa có”, tôi thấy rất đúng, bởi khi đến đây người ta chả phải lo nghĩ gì đến sự thiếu thốn, dù đang ở miền núi – nơi vốn được xem là chậm phát triển hơn miền xuôi rất nhiều... Vậy thì tại sao những đứa trẻ ở Sapa lại vẫn còi cọc và bươn chải sớm như vậy?
Sau một ngày đi theo các em, tôi cũng tự tìm ra câu trả lời cho mình. Cuộc sống hào nhoáng đó chỉ dành cho những khách du lịch mà thôi, còn với người Mông, Dao, Nùng phải vượt qua ngọn núi kia mới đích thực là thế giới của họ. Chính vì vậy, hằng ngày các em phải theo cha mẹ vượt núi xuống thị trấn, rồi cõng nhau “làm du lịch” khắp nơi. Bọn trẻ “làm du lịch” rất đơn giản. Chúng ngồi ở những bậc thang lên xuống, trên tay là những chiếc bùa yêu thêu hoa văn nhẹ nhàng, thấy khách thì mời mua, khách không mua thì tặng. Bùa yêu cơ mà, hơn nữa lại là tình yêu từ con trẻ, có ai từ chối điều đó đâu? Mà nhận rồi cũng chẳng mấy ai ngoảnh mặt làm ngơ được trước những khuôn mặt lấm lem, những đôi mắt trong veo...
Vậy đấy, ở đây rất nhiều trẻ em, chúng mời chào khách mua đồ suốt sáng và chiều. Chúng đi bán dạo những đồ lặt vặt cho khách và mời chào không ngớt, mua cho chúng rồi chúng vẫn mời mua nữa. Ngoài việc bán những món quà nho nhỏ cho khách, các em còn cho khách chụp ảnh để nhận tiền thù lao. Các bé trai thì mang khèn đi dạo, có người gọi thì chúng chơi một bài, rồi chụp hình với khách để lấy tiền boa… Cứ thế, chúng đi từng tốp 3 - 4 em lít nhít. Tốp em trai, tốp em gái có cả những em gái địu em nhỏ xíu đi theo. Trời rét cũng như trời nắng. Nhìn chúng vui vẻ vô tư mà thấy sao trẻ con ở đây thật là thiệt thòi. Cũng tuổi ấy, trẻ em ở thành phố được người lớn chăm lo từng li từng tí, chúng chỉ biết ăn, học, chơi và được chiều chuộng.
Trẻ sơ sinh cũng kiếm được tiền, các bà mẹ trẻ địu con xuống phố vô tư bày hàng ra hè bán, vạch áo ra cho con bú và với cách thức này các bà mẹ đắt hàng hơn. Đôi khi lại được tiền catse do khách chụp ảnh.
NHỮNG NGƯỜI VIỆT KHÔNG BIẾT TIẾNG KINH
... Nhưng lại nói tiếng Anh rất chuẩn và sõi. Tôi chưa từng tưởng tượng sẽ phải nói với một người Việt bằng... tay - chỉ bởi các em không hiểu tiếng Kinh. Chẳng trách ai được, có chăng là trách cái... mặt trái của nền công nghiệp không khói thôi và trách những người du lịch sao lại khéo léo đến mức khiến cả những đứa trẻ học theo được ngôn ngữ của họ, trong khi tiếng nói của dân tộc mình thì quên lãng.
Ở khu chợ cạnh nhà thờ, tôi hướng sự chú ý đến một cô bé tóc râu ngô lưa thưa, chạy theo hai du khách nước ngoài, miệng nói liên tục: “Buy for me” (mua cho tôi), câu nói tiếng Anh phát ra từ miệng một đứa trẻ Việt khiến hai du khách đó khá thích thú, họ dừng lại mua dây thổ cẩm và bùa yêu. Đợi cô bé đó bán xong hàng, tôi đến gần hỏi chuyện, thật may là Giàng Thẻo Mí nói được tiếng Kinh. Cô bé bẽn lẽn kể: “Chỉ nói được vài câu tiếng Anh và vài câu tiếng Việt để bán hàng thôi, còn lại không biết nói đâu”. Sau lưng Mí, đứa em nhỏ đã nghẹo đầu ngủ vì mệt mỏi, tôi hỏi vì sao không để em ở nhà, Mí trả lời rất hồn nhiên: “Mang nó đi mới được cho nhiều tiền”.
Không chỉ nói được tiếng Anh, trẻ em ở Sapa còn nói được tiếng Trung Quốc, Tây Ban Nha với những cách diễn đạt đơn giản. Đó là nhờ quá trình gặp gỡ và tiếp xúc với khách du lịch các nước đó ghé thăm.
Người Mông ở Sapa ghi âm tiếng nói của mình bằng chữ cái Latin - là cơ sở để họ có thể phát âm hay ghi lại tiếng Anh một cách dễ dàng,và đó là thế mạnh mà không phải dân tộc ít người nào cũng có. “Hai năm trước, ở Tả Phìn có hẳn một dự án tiếng Anh do những thầy cô giáo người Canada dạy, con mình cũng đi học”, Chẻo Mán Mẩn - một phụ nữ Dao ở đây chia sẻ. Nằm trong khuôn khổ dự án Hỗ trợ người dân tộc thiểu số làm du lịch, người dân ở đây được học tiếng Anh miễn phí, trong quá trình học được hỗ trợ ăn trưa. Mẩn lấy đó là một lý do để giải thích vì sao có nhiều trẻ em nói được tiếng Anh với ngữ nghĩa đơn giản.
Dưới những tán cây, vách núi, bờ suối ở Sapa, du khách nước ngoài lang thang thưởng ngoạn cảnh vật, những đứa trẻ mon men theo để bán hàng và đôi khi chúng trở thành ‘bạn đồng hành’ bất đắc dĩ với họ. Trong quá trình giao tiếp, nếu có phát âm sai thì được sửa lại cho đúng. Nhờ vậy mà trẻ em ở Sapa có vốn từ tiếng Anh phong phú và phát âm khá chuẩn. Điều này, tôi không hiểu nên mừng hay lo?
TỐ LOAN