Thứ Hai, 07/10/2024 05:37 SA
Một gia đình trầm mình dưới sông Bánh Lái:
Còn lại không chỉ là nỗi đau
Thứ Hai, 17/10/2011 14:00 CH

Sáng sớm, một người đi châm cá tình cờ nhìn thấy xác một bé gái nổi lên ở vực Lộn thuộc thôn Cảnh Phước (xã Hòa Tân Đông, huyện Đông Hòa) và hô hoán. Người đàn ông làm nghề chài lưới sống ở gần đó nghe thấy, cùng con trai vác sõng chạy tới, đưa xác em bé lên bờ. Trong buổi sáng ấy, những người chứng kiến đi từ bàng hoàng này đến bàng hoàng khác, khi tại vực Lộn nổi lên xác một phụ nữ rồi một người đàn ông. Đó chính là cha mẹ của em bé xấu số. Ba người trong một gia đình!

 

Anh-Kin-111017.jpg

Ông Lê Văn Kỉn, người đã cùng con trai đưa thi thể bé Nhi, chị Hà và anh Trỗi lên bờ, kể chuyện với phóng viên - Ảnh: M.NGUYỆT

Bi kịch nào đã khiến đôi vợ chồng trẻ kết thúc cuộc sống bằng cách trầm mình xuống vực cùng đứa con gái mới 4 tuổi?

 

“TRỞ VỀ” SAU GẦN BỐN NĂM CẮT LIÊN LẠC

 

Mặc cho cơn mưa tầm tã làm con đường đất trơn như xối mỡ trong đêm tối, những người bà con vẫn đến nhà ông Trần Ngọc Quang và bà Lương Thị Dưỡng ở xã Hòa Thành, huyện Đông Hòa để đốt nén hương cho anh Trần Văn Trỗi (SN 1981) và chị Nguyễn Thị Thu Hà (SN 1979) - đôi vợ chồng đã bỏ mạng tại vực Lộn cùng đứa con gái 4 tuổi Trần Thị Yến Nhi.

 

Nỗi đau mất con hằn trên gương mặt ông Quang, bà Dưỡng. Càng đau hơn khi gần bốn năm nay, anh Trỗi - con trai của ông bà - cắt đứt liên lạc với cha mẹ. Đôi vợ chồng già này thậm chí chưa biết mặt đứa cháu nội thứ hai, cho đến khi bi kịch xảy ra. “Vợ chồng tui cũng đâu có biết nhà nó. Sau khi tụi nó mất, tui ra phường 9, TP Tuy Hòa, hỏi thăm người ta mới tìm ra nhà, lấy quần áo về đốt cho nó” - ông Quang, cha anh Trỗi, xót xa kể lại.

 

Vợ chồng ông Quang, bà Dưỡng có ba người con trai, anh Trỗi là con giữa. Năm 2007, sau khi cưới vợ cho anh Trỗi, ông Quang đứng ra bảo lãnh để anh vào làm nhân viên thu tiền cước điện thoại ở Bưu điện huyện Đông Hòa. Vì công việc này liên quan trực tiếp đến tiền bạc nên ông Quang thường xuyên dặn dò con rằng tiền thu xong, phải nộp ngay cho đơn vị. Thế rồi ông phát hiện anh Trỗi không nghe lời. Lo lắng, ông bèn rút lại việc bảo lãnh và yêu cầu Bưu điện huyện Đông Hòa cắt hợp đồng với con. Sau đó, anh Trỗi làm nhân viên phát thư, báo, bưu phẩm và rất giận cha về việc đó.

 

Đến năm 2008, thêm một mâu thuẫn khiến tình cảm cha con sứt mẻ. Theo lời ông Quang, hai cha con bất đồng về một việc và anh Trỗi đã nặng lời với cha. Nghe con nói hỗn, ông Quang tức giận, đòi đánh. Anh Trỗi bỏ chạy và cắt đứt liên lạc với cha mẹ sau đó.

 

Trong câu chuyện rời rạc lẫn trong nước mắt, bà Dưỡng cho biết Trỗi thường về thăm nội và các chú. Nhà nội ở rất gần nhà cha mẹ, nhưng không bao giờ Trỗi ghé sang nhà thăm cha mẹ lấy một lần. “Hai cha con tình cờ gặp nhau ngoài đường, nó nhìn lảng đi chỗ khác”, người cha gần 60 tuổi chua chát kể.

 

Hơn 10g ngày 1/10, ông Quang, bà Dưỡng nhận được tin báo gia đình con trai gặp nạn ở xã Hòa Tân Đông. Cứ tưởng vợ chồng Trỗi bị tai nạn giao thông, cả nhà nháo nhác tìm kiếm. Rồi họ hay tin có một gia đình trẻ chết đuối trên sông Bánh Lái, đoạn chảy qua Hòa Tân Đông. Đến nơi, họ rụng rời khi thấy xác con trai, con dâu và cháu gái nằm trên bờ sông.

 

NGÀY ĐỊNH MỆNH Ở VỰC LỘN

 

Ông Lê Văn Kỉn ở thôn Cảnh Phước, xã Hòa Tân Đông là người đã cùng con trai Lê Văn Toàn đưa xác bé Nhi, chị Hà và anh Trỗi lên bờ, sau khi khỏa nước sông rửa sạch bùn bám trên thi thể họ. Ông nhớ lại một cách tường tận: “Hơn 6g ngày 1/10, tui đang ở nhà thì nghe hô hoán có xác người ở vực Lộn. Hai cha con lật đật vác sõng chạy qua, thấy xác một em bé nổi lên trên mặt nước. Lúc đó, ông Tám Lim (Huỳnh Văn Lim, một người chăn vịt ở xã này - PV) và một cậu đi châm cá đã có mặt ở đó. Tui hỏi ông Tám Lim điện báo cho công an xã chưa, ổng nói điện rồi. Nhưng tui vẫn lấy điện thoại ra, điện tiếp. Công an xã tới. Tui hỏi: Giờ làm sao, mấy anh công an? Họ nói trước mắt cứ vớt dùm lên. Hai cha con tui vớt xác em bé lên, thấy bùn bám đầy mặt nên khỏa nước rửa sạch rồi đưa lên bờ. Trên bờ, cách đó vài mét có một chiếc áo phụ nữ, màu đen, tui lấy áo đắp cho em bé. Từ trong túi áo, một viên kẹo mút rớt ra. Ai đó lấy bỏ lên trên mình em bé…”.

 

Nhận được tin báo, Công an huyện Đông Hòa nhanh chóng có mặt tại hiện trường. Dân ở khu vực xung quanh hay tin, ùn ùn kéo đến. Hơn 8g, ai nấy lại sửng sốt khi thấy xác một phụ nữ nổi lên. Cha con ông Kỉn tiếp tục đưa xác lên bờ. Và, trong khi bác sĩ pháp y đang khám nghiệm hai tử thi thì xác một người đàn ông nổi lên, lúc hơn 10g. “Người này khá nặng. Tôi nói: Có ai xuống phụ khiêng dùm lên bờ, nhưng không ai dám xuống hết. Rồi hai cha con tui cũng đưa được xác người đàn ông lên” - ông Kỉn kể.

 

Tại bờ sông phía nam, người ta thấy có một chiếc mô tô, hai mũ bảo hiểm, một mũ vải trẻ em, ba đôi dép và một túi vải màu hồng. Đó là những gì mà đôi vợ chồng trẻ và em bé xấu số để lại.

 

Thượng tá Võ Đức Chèn, Trưởng công an huyện Đông Hòa cho biết: “Kết quả điều tra ban đầu, anh Trần Văn Trỗi, chị Nguyễn Thị Thu Hà và bé Trần Thị Yến Nhi chết do ngạt nước”. Theo cơ quan chức năng, có thể do làm ăn thua lỗ, không trả được nợ nên vợ chồng anh Trỗi, chị Hà quẫn trí, tự kết liễu đời mình trong dòng nước xoáy ở khúc sông này, kéo theo đứa con gái mới 4 tuổi.

 

Trước đó, trưa ngày 30/9, ông Kỉn đi đánh cá ngang qua vực Lộn, thấy một người đàn ông (sau này mới biết chính là anh Trỗi) ngồi trên bờ, chiếc xe Future Neo màu xám để bên cạnh. Trong lùm cỏ lau, ông thoáng thấy một phụ nữ đang ngồi. “Tui bước lên bờ và hỏi: “Sư phụ” làm gì ở đây? Người đàn ông không trả lời. Tui quay đi, tự nhiên thấy rùng mình nên trở lại, hỏi gặng: “Sư phụ” làm gì ở đây? Người đàn ông nói: Trai gái đi chơi một chút. Vậy là tui xuống sõng, tiếp tục đi bắt cá” - ông Kỉn kể vậy.

 

Vực Lộn là tên một khúc cua của dòng sông Bánh Lái, nơi dòng nước từ thượng nguồn chảy về, gặp một doi đất xìa ra chắn lại nên dội trở ra. Ông Võ Hùng ở xã Hòa Tân Đông - người có 15 năm làm rẫy, làm ruộng cạnh khu vực này - nói rằng vực Lộn là nơi sâu nhất của sông Bánh Lái, đoạn chảy qua xã Hòa Tân Đông. Nơi này heo hút, lâu lâu mới có người đến câu. Trước đây, chưa có ai chết đuối ở vực Lộn. Cách đây 6-7 năm, có hai người bị sụp hố nước ở bến Xe - một cái bến nơi dòng sông Bánh Lái đi qua, cách đó không xa, xác trôi xuống và nổi lên ở vực này.

 

Chọn vực Lộn để trầm mình tự vẫn, dường như vợ chồng anh Trỗi chị Hà đã tính toán kỹ, để xác của cả ba người sẽ nổi lên ngay tại đây chứ không trôi đi đâu.

 

THỰC HƯ SỐ NỢ TIỀN TỈ VÀ SỐ PHẬN CỦA ĐỨA TRẺ MỒ CÔI, TẬT NGUYỀN

 

Cái chết của gia đình anh Trỗi ở một khúc sông heo hút cách nhà mấy chục cây số khiến người thân của họ bàng hoàng.

 

Theo những người láng giềng ở phường 9, TP Tuy Hòa, vợ chồng anh Trỗi sống với nhau rất vui vẻ, hòa đồng với bà con lối xóm, gần đây cũng không có biểu hiện gì bất thường. Còn theo lời kể của ông Trần Xí, chú ruột anh Trỗi, trước cái ngày định mệnh 1/10, ông đã sang nhà anh Trỗi chơi. Khác với sự vồn vã như mọi khi, anh Trỗi có vẻ căng thẳng, mệt mỏi và liên tục nghe điện thoại. “Nó nói với tui là cháu bấn quá chú ơi” - ông Xí nhớ lại. Nghe cháu nói vậy thì hay vậy, ông Xí cứ tưởng Trỗi làm việc nhiều đâm ra mệt mỏi nên không gặng hỏi thêm. Lúc đó, ông không thể nào ngờ cơ sự lại bi thảm như thế này.

 

Những người quen biết anh Trỗi, chị Hà cho rằng, vợ chồng họ tự vẫn là do nợ quá nhiều, số tiền lên đến hàng tỉ đồng. Còn ông Quang, cha anh Trỗi, nói: “Chuyện làm ăn của vợ chồng nó, tui đâu có biết. Nhưng từ khi tụi nó chết tới nay, tui chưa thấy ai tới nhà nói chuyện nợ nần”.

 

Được biết, chị Hà làm kế toán tại một hợp tác xã ở huyện Đông Hòa. Anh Trỗi - ngoài công việc đưa thư, báo, bưu phẩm ở Bưu điện huyện Đông Hòa - còn buôn bán sim, card điện thoại di động với số lượng lớn. Phải chăng từ công việc kinh doanh này mà dẫn đến nợ nần?

 

Trao đổi với phóng viên mới đây, lãnh đạo Công an huyện Đông Hòa cho biết: Theo điều tra ban đầu, ngày 30/9, có nhiều cuộc gọi đến anh Trỗi để đòi nợ. Sau khi vợ chồng và con gái anh chết, Công an huyện Đông Hòa nhận được một lá đơn trình báo do 6 người đứng tên, báo rằng anh Trỗi nợ họ gần 9 tỉ đồng. Đáng chú ý là có đến 5 người khai báo đã đưa tiền cho anh Trỗi trong ngày 29/9, người nhiều nhất giao cho anh gần 3,5 tỉ đồng! Cơ quan chức năng sẽ điều tra làm rõ những thông tin trên. Và nếu thông tin trong lá đơn trình báo kia là đúng sự thật, thì số tiền gần 9 tỉ đồng ấy đã đi đâu?

 

Điều đau lòng là vợ chồng anh Trỗi chết đi, để lại một đứa con gái bị bại não. 18 tháng tuổi, bé Trần Thị Yến Châu vẫn không thể tự nằm hay ngồi được, cũng không biết nói hay nhận thức được điều gì. Chăm sóc bé rất vất vả. Vợ chồng anh Trỗi đã thuê một phụ nữ ở phường 9 trông giữ cháu bé. Hiện tại, bé Yến Châu đang ở nhà người phụ nữ này. Bà Dưỡng - nội bé - than thở: “Vợ chồng tui già rồi, tui thì hay đau bệnh, làm sao mà nuôi nấng, chăm sóc cháu đây?”.

 

Người chết thì đã yên mồ mả. Nhưng nỗi đau và cả những day dứt trong lòng người sống thì còn lâu mới nguôi ngoai được. Mà không chỉ đau đớn, day dứt. Cái chết của vợ chồng anh Trỗi, nếu quả đúng là do bế tắc vì số tiền nợ hàng tỉ đồng, thì những người mà đôi vợ chồng trẻ này mắc nợ cũng sống dở chết dở. Điều quan trọng hơn cả là cô bé mồ côi, tật nguyền Yến Châu sẽ ra sao?

 

Nhiều khi, vì quẫn trí, người lớn chọn cách kết thúc cuộc đời mình mà không nghĩ đến những hệ lụy đối với người khác và tương lai, cuộc sống của đứa con do mình rứt ruột sinh ra!

 

PHƯƠNG TRÀ - MINH NGUYỆT

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek