Thứ Hai, 07/10/2024 03:26 SA
Đời hát
Thứ Bảy, 29/10/2011 18:00 CH

Thăng hoa với những cuộc đời, những phận người khác nhau dưới ánh đèn màu - niềm đam mê đó quá lớn. Bởi vậy, khi thời hoàng kim của cải lương đã lùi xa, những diễn viên ít được nhớ tên của đoàn cải lương ở một tỉnh nghèo như Phú Yên vẫn lênh đênh gắn đời mình vào sân khấu.

Nguyen11029.jpg

Nghệ sĩ Nguyên Hoàng Hạnh (bên phải) uy nghi trong vai quan thái thú, diễn cùng nghệ sĩ Hồng Trang trong một vở cải lương - Ảnh: P.TRÀ

THEO NGHIỆP

Phượng Yến là một trong hai đào chính của Đoàn cải lương Tây Đô. Cha từng là ông bầu Đoàn cải lương Hương Xuân ở Khánh Hòa, mẹ cũng duyên nợ với nghiệp diễn, Phượng Yến thừa hưởng từ họ năng khiếu và niềm đam mê nghệ thuật. Năm 16 tuổi, rụt rè bước lên sân khấu, Phượng Yến không ngờ nghiệp cầm ca rồi sẽ đặt mình trước muôn trùng khó khăn. Sau khi cha mẹ qua đời, đoàn Hương Xuân tan rã, cô con gái rượu của ông bầu đến với đoàn Tây Đô và gắn bó hơn 10 năm nay. Tại đây, Phượng Yến nên duyên vợ chồng với một nhạc công. Hai đứa trẻ ra đời, hạnh phúc đến cùng nỗi lo tụi nhỏ sao có thể theo đoàn rày đây mai đó. Và, với thù lao 40.000-50.000 đồng mỗi đêm diễn, làm sao trang trải cuộc sống, lo chuyện học hành cho con?

“Với tôi, sân khấu cải lương đã thành cái nghiệp, không bỏ được. Còn chồng tôi, dù rất yêu nghề nhưng đành chia tay với cây đờn, trở về Vạn Giã, Khánh Hòa theo thuyền đi biển, lo cho đứa con gái lớn đang học lớp 6; đứa nhỏ thì đi theo mẹ” - nữ diễn viên hơn 40 tuổi này tâm sự, giọng nhòa đi cùng những nỗi niềm.

Ngoài mẹ, thì những gì mà cô con gái mới tròn một tuổi của Phượng Yến nhìn thấy hằng ngày là gầm sân khấu, là một góc phòng nào đó của những ngôi nhà gần nơi đoàn dừng chân mà hai mẹ con xin tá túc qua đêm… Một tuổi, cô bé đã quen với những giấc ngủ có rất nhiều âm thanh, có cả tiếng bước chân lộp cộp không ngừng bên trên sàn sân khấu.

Người lớn tuổi nhất đoàn Tây Đô là nghệ sĩ Nguyên Hoàng Hạnh (tên thật là Nguyễn Hữu Hạnh), gốc ở Bình Thuận. Đời ông, có thể viết thành một vở cải lương và lấy được nước mắt của những khán giả dễ mủi lòng. Mồ côi cha mẹ từ nhỏ, cậu bé Hạnh được dì đón về nuôi và

lớn lên trong cảnh nghèo. “Tôi thấy cải lương rất hay, đưa cả cuộc đời, cả xã hội lên sân khấu” - Nguyên Hoàng Hạnh thổ lộ. Và ông - một người thiếu thốn tình thương, không biết mơ mộng - đã chọn cải lương để “làm đẹp cho mình, cho đời”.

Đêm đêm, diễn viên 63 tuổi chuyên đóng vai phụ này bước lên sân khấu, khóc cười cho cuộc đời các nhân vật, còn vợ ông soát vé, gác cổng, ban ngày thì làm chị nuôi.

Đêm diễn tan, bước xuống sân khấu, cởi bộ áo quan thái thú, ông hội đồng…, Nguyên Hoàng Hạnh trở lại là Nguyễn Hữu Hạnh, một người đi gần hết cuộc đời mà vẫn không nhà, không hộ khẩu. Vợ chồng ông cũng không có con. Bao năm qua, sân khấu đoàn Tây Đô là nhà của họ. “Vậy mà tôi vẫn thấy hạnh phúc. Chắc tại tôi không có nhu cầu gì cao sang hết. Chỉ cần được hát, hát cho tới cuối đời, vậy là vui” - ông thổ lộ với một nụ cười, nhưng người nghe thì rưng rưng.

Bua-com-chieu111029.jpg

Buổi cơm chiều đạm bạc của các nghệ sĩ, diễn viên Đoàn Tây Đô được dọn ra trước thềm trụ sở HTX Đồng Lãnh - nơi cho đoàn tá túc trong thời gian biểu diễn tại xã Hòa Quang Bắc (huyện Phú Hòa) - Ảnh: P.TRÀ

CẢI LƯƠNG Ở TỈNH, BÂY GIỜ…

Hơn một thập kỷ sau khi rất nhiều đoàn cải lương tan rã, thi thoảng, ở các vùng quê Phú Yên, những người còn nặng tình với câu vọng cổ, với tích cũ tuồng xưa lại thấy lòng mình rộn lên khi Đoàn cải lương Tây Đô, Hoa Biển của địa phương này về biểu diễn. Lọ mọ dắt cháu đến sân bãi HTX Đồng Lãnh (xã Hòa Quang Bắc, huyện Phú Hòa) để coi vở cải lương Trăng về bến hẹn, bà Nguyễn Thị Thảy (73 tuổi, ở Hòa Quang Bắc), móm mém kể: “Tui đi coi suốt bảy đêm. Già rồi, đi cho vui. Mà đoàn diễn cũng hay lắm!”.

Người lớn chỉ cần bỏ ra 10.000 đồng, còn trẻ em thì 5.000 đồng (nhiều khi giá vé giảm chỉ còn một nửa) là bước vào bên trong sân bãi để thỏa mãn niềm đam mê hoặc sự hiếu kỳ. Địa điểm biểu diễn của các đoàn thường là trụ sở UBND xã, thôn hoặc một nơi nào đó có khu đất trống; mỗi đêm diễn thu hút hơn 100 người xem. Nếu khán giả không tìm được chỗ gởi xe hoặc không muốn gởi xe thì cũng đừng băn khoăn. Cứ mua vé, rồi ung dung dắt cả xe đạp lẫn xe máy vào bên trong sân bãi. Sự tiện lợi này, chắc chắn là không thể nào tìm thấy tại các nhà hát khang trang ở thành thị.

Cũng như một số đoàn hát ngoài công lập, Tây Đô là đoàn cải lương của gia đình. Vợ chồng ông bầu (cũng là đào, kép chính) quê ở huyện Tuy An. Họ có hai con theo đoàn, người thì làm diễn viên, người chơi đờn; em vợ cũng là nhạc công. Ông bầu Nguyễn Minh Vũ kể rằng trước đây, ông hát cho các đoàn Hậu Giang, Đồng Nai, Sông Trà…; gia đình vợ cũng theo nghiệp đờn ca. Rồi tuổi tác xộc đến, giọng hát không còn ngọt, làn hơi không còn khỏe như trước. Thêm vào đó, thời hoàng kim của cải lương dần qua, các đoàn tan rã. “Tình cảnh khó khăn, tôi quyết định “lội ngược dòng nước”, thành lập đoàn Tây Đô vào năm 1997 để vừa góp phần gìn giữ cải lương, vừa duy trì hoạt động nghệ thuật của gia đình mình” - nghệ sĩ sinh năm 1952 này nói vậy.

Rong ruổi qua khắp các miền quê, từ Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi… đến Ninh Thuận, Bình Thuận rồi lên Đắk Nông, Đắk Lắk, Lâm Đồng, 24 con người, bao gồm diễn viên, nhạc công, hậu đài của đoàn Tây Đô coi sân khấu là nhà, coi những đêm diễn là cuộc sống. Trót theo nghiệp cầm ca rày đây mai đó, lâu lâu họ mới về thăm gia đình nên chỉ biết gởi nỗi nhớ nhà nhớ quê vào trong câu hát. Đêm đêm, sau khi sân khấu hạ màn, khán giả đã ai về nhà nấy, giường của các diễn viên, nhạc công, hậu đài… là sàn sân khấu; sao trên trời soi xuống thay cho ánh điện. Trưa, sau bữa cơm ở dưới gầm sân khấu - bữa cơm đạm bạc vì doanh thu đêm diễn thì ít oi mà giá cả thì tăng không ngừng, họ tìm bóng cây để cột võng ngả lưng. Mùa nắng là vậy, mùa mưa cực gấp trăm lần. Trong mùa mưa, giấc ngủ của họ đong đưa theo nhịp võng dưới gầm sân khấu. Tiếng võng chìm trong tiếng mưa, nghe còn buồn hơn bản Dạ cổ hoài lang! Mà, mùa mưa ở miền Trung thường kéo dài…

Người ta nói rằng nghệ sĩ như kiếp con tằm, cứ rút ruột nhả tơ. Với một số người, niềm đam mê nghệ thuật lớn đến độ họ chấp nhận đánh đổi những thứ hữu hình khác, trải cuộc sống của mình theo từng đêm diễn, lênh đênh khắp các miền quê. Như những nghệ sĩ, diễn viên mà khán giả chưa chắc đã nhớ tên này. Họ đã gắn đời mình với cải lương, âm thầm và nhọc nhằn gìn giữ cải lương.

Ông Phan Đình Phùng, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch Phú Yên:

“Hiện nay, các đoàn nghệ thuật ngoài công lập gặp rất nhiều khó khăn vì phải cạnh tranh với các loại hình nghệ thuật, vui chơi giải trí khác. Nếu không có sự phối hợp, giúp đỡ của cộng đồng xã hội - đặc biệt là ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch - các đoàn nghệ thuật ngoài công lập ngày càng đuối sức. Thời gian qua, ngành đã bố trí kinh phí hỗ trợ khi các đoàn nghệ thuật ngoài công lập biểu diễn phục vụ ở các xã vùng sâu vùng xa, vùng bãi ngang… theo Quyết định số 170/2003 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách ưu đãi hưởng thụ văn hóa, song mức hỗ trợ rất thấp, chỉ 3,5 triệu/suất. Chúng tôi đang suy nghĩ làm sao để có những hỗ trợ thỏa đáng hơn - kể cả từ kinh phí phát triển sự nghiệp văn hóa - và lồng ghép với các chương trình, tạo điều kiện cho các đoàn nghệ thuật ngoài công lập tham gia các hoạt động phục vụ đời sống tinh thần của nhân dân, đồng thời giúp họ khắc phục khó khăn”.

PHƯƠNG TRÀ - DUY THANH

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek