Thứ Hai, 07/10/2024 03:22 SA
Thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được gìn giữ như thế nào? (Kỳ III)
Thứ Ba, 20/09/2011 10:54 SA

Bước vào cải tạo, xây dựng công trình 75B, Tiểu đoàn 2 công binh có nhiều thuận lợi. Vì sau ngày địch ngừng ném bom, các cơ quan của Bộ Quốc phòng và cơ quan Dân, Chính, Đảng đã lần lượt trở về Hà Nội. Những vướng mắc về kỹ thuật, những khó khăn về vật tư, trang thiết bị được các cơ quan của Đảng, Nhà nước có liên quan quan tâm và sẵn sàng giúp đỡ vô điều kiện.

cham-soc110920.jpg

Một tổ bác sĩ chăm sóc thi hài Bác

Nhưng cũng như ở công trình 75A, vị trí thi công ở 75B rất chật hẹp, khó tập kết nguyên vật liệu, khó thi công ồ ạt trong cùng một thời gian và lại ở quá gần đường nên chỉ có thể tiến hành vào ban đêm để giữ bí mật. Gần sáng mọi công việc phải được thu dọn gọn ghẽ để ban ngày hội trường có thể dùng làm việc bình thường, phục vụ cho các hoạt động khác.

Trong những ngày đầy lo âu ấy, những dòng người cuồn cuộn đổ qua Quảng trường Ba Đình, không ai nghĩ rằng, bên trong cái vẻ yên tĩnh, trang nghiêm của Hội trường Ba Đình, nơi đã diễn ra những sự kiện lịch sử của đất nước, các chiến sĩ công binh đang âm thầm chuẩn bị cho cái ngày đau xót nhất của dân tộc. Họ đã làm việc hết sức mình, bởi họ nhận thức sâu sắc rằng, giai đoạn đầu- giai đoạn ở hội trường rất quan trọng. Nó sẽ là giai đoạn quyết định cho cả quá trình gìn giữ thi hài Bác về sau.

Để có những giải pháp tối ưu, hàng loạt các thí nghiệm trong công tác bảo đảm kỹ thuật đã được tiến hành. Cũng giống như ở buồng trung tâm của công trình 75A, trên bề mặt hòm tôn được gò để chạy thử máy, không chỉ có hiện tượng đọng sương mà hơi nước còn bốc lên, ngưng tụ, chảy thành dòng. Trước khó khăn này, các cán bộ kỹ thuật lại lao vào vật lộn với các đề án khắc phục. Cuối cùng, sau nhiều đêm mất ngủ, họ đã tìm ra biện pháp chạy máy điều hòa kết hợp với thông hơi dùng tốc độ gió, chấm dứt được tình trạng đọng sương, ngưng tụ nước. Chính kết quả này đã làm cơ sở cho lãnh đạo quyết định duy trì phương án cải tạo xây dựng công trình 75B và tiếp tục cho đặt các máy móc, thiết bị kỹ thuật như ở công trình 75A.

Cũng cần nói thêm rằng, năm 1967, Trung ương còn cử đồng chí Phùng Thế Tài sang Liên Xô, Bulgaria tìm hiểu về nghi thức Lễ Quốc tang. Đồng chí Phùng Thế Tài tìm hiểu tỉ mỉ cả việc tại sao khi mai táng lại dùng xe kéo pháo chở linh cữu mà không dùng các loại xe khác. Ở Liên Xô, bạn giải thích rằng, trước đây trong chiến tranh, Đại tướng Kutuzov chết, không có xe khác nên phải dùng xe kéo pháo chở linh cữu. Còn ở Bulgaria, bạn trả lời việc này tùy theo phong tục, tập quán của mỗi nước và không có một quy định chung nào cả. Đồng chí Nguyễn Lương Bằng sau khi nghe báo cáo, đã đề xuất ta nên dùng xe ngựa để tránh sự ồn ào. Lập tức đồng chí Đỗ Viết Kháng, Cục trưởng Cục Cảnh vệ được cử đi Mông Cổ mua ngựa. Nhưng khi diễn tập thử thì thấy không ổn, nên Trung ương quyết định dùng xe kéo pháo trong các dịp Lễ Quốc tang như ở Liên Xô và các nước châu Âu khác.

Hoàn thành hai công trình đặc biệt trong một thời gian ngắn, các chiến sĩ công binh Trung đoàn 259 đã biểu lộ tất cả tấm lòng của họ đối với Bác. Đứng trước những thành quả lao động do chính bàn tay mình tạo ra, họ không thấy thỏa mãn mà thấy lòng mình trống trải. Họ cố mong rằng, công trình làm chỉ để dự phòng, rằng Bác vẫn đang mạnh khỏe. Bác sẽ còn sống rất lâu với dân, với nước và công trình của họ, cái công trình mà họ đã dồn tất cả tâm lực để hoàn tất còn rất lâu, rất lâu nữa mới có thể dùng đến.

3. Trong khi các chiến sĩ công binh bước vào giai đoạn khởi công cải tạo, xây dựng công trình 75B thì ở 75A, tổ y tế đặc biệt cũng bắt tay vào công việc chuẩn bị trang thiết bị y tế. Một việc cấp bách cần làm ngay là phải đặt làm một chiếc bàn đá granito chuyên dụng để ướp giữ thi hài. Đây là một chiếc bàn đặc biệt. Khi còn học ở Liên Xô, anh em trong tổ y tế đã đo kích thước để khi về nước đặt làm. Sau khi nhận được mẫu vẽ, các công nhân ở Xí nghiệp đá An Dương đã làm được một chiếc bàn rất đẹp, y hệt chiếc bàn đặt ở trong phòng giải phẫu của Viện thi hài Lenin tại Moscow.

Khi tổ y tế đặc biệt về nước, bạn đã cấp cho ta ba bộ đồ đại phẫu thuật và một số dụng cụ đặc biệt chuyên dụng. Số dụng cụ này là một cái vốn ban đầu hết sức quý giá nhưng chưa đủ. Dưới danh nghĩa của Khoa Giải phẫu, Quân y viện 108, tổ y tế đã phân công người đi tìm thêm dụng cụ ở các kho, các cơ sở y tế, ở Bệnh viện Hữu nghị Việt- Xô, ở Cục Quân y, Tổng cục Hậu cần và đặt làm ở các xí nghiệp, các nghệ nhân, các kỹ sư của Trường đại học Bách khoa Hà Nội… Cuối cùng tất cả các dụng cụ chuyên dụng cho việc bảo quản thi hài như kim tiêm đặc biệt, ống thông chỉ platon, chỉ vàng bạch kim… đều đã được chuẩn bị chu đáo.

Đồng chí Nguyễn Lương Bằng, Trưởng ban Bảo vệ sức khỏe của Bác rất sốt ruột về công tác chuẩn bị của tổ y tế đặc biệt. Nhiều lần, đồng chí trực tiếp xuống kiểm tra hoặc gọi lên báo cáo. Trong một lần gặp mặt, đồng chí Nguyễn Lương Bằng đã chỉ thị:

- Phải tiến hành khẩn trương công tác thực nghiệm để Bộ Chính trị và Trung ương yên tâm.

- Trong lĩnh vực này phải hết sức chú ý khai thác những kinh nghiệm của cha ông ta.

Để tiến hành được các thí nghiệm theo phương pháp đã học, việc đầu tiên đối với tổ y tế là phải có tử thi. Đây là một vấn đề hết sức nan giải. Theo phong tục tập quán của người Việt Nam, không dễ gì có thể giữ lại được thi thể của những người quá cố một khi họ còn thân nhân.

Đã nhiều lần, các cán bộ của tổ y tế đặc biệt được cử đi các bệnh viện để xin tử thi nhưng đều trở về tay không. Sau khi xin ý kiến chỉ đạo của cấp trên, tổ quyết định đi tìm bằng được và một thời gian sau đó, tổ đã tìm được một số thi hài không còn thân nhân ở các bệnh viện.

Đồng chí Nguyễn Lương Bằng, Lê Văn Lương và đồng chí Phạm Ngọc Mậu, sau khi kiểm tra kết quả thực nghiệm đã hết sức hài lòng. Đồng chí Phạm Ngọc Mậu thay mặt Tổng cục Chính trị, quyết định cấp ngay cho tổ y tế 10 chiếc áo khoác Ba Lan để chống rét, một máy ảnh Đức có ống kính chụp gần và một số đồ dùng khác cho cá nhân và cho tập thể mà Tổng cục Chính trị có thể có được.

Với những kết quả bước đầu, tổ y tế đặc biệt đã khẳng định: Với khả năng của mình, họ có thể gìn giữ được thi hài của Bác trong giai đoạn đầu. Dĩ nhiên, phía trước họ còn là một con đường gian khổ, cần phải học tập, nghiên cứu nhiều hơn nữa và phải được sự giúp đỡ không điều kiện của bạn mới có thể gìn giữ được lâu dài thi hài Bác.

Cuối năm 1968, đồng chí Romacov, Viện phó Viện Thi hài Lenin sang kiểm tra, xem xét công việc chuẩn bị tại chỗ và kết quả thí nghiệm đã đánh giá cao cố gắng của tổ y tế. Thời gian này, sức khỏe của Bác yếu đi nhiều, mặc dù Người vẫn kiên nhẫn duy trì nếp sinh hoạt, tập luyện hàng ngày. Nhưng các bác sĩ đi với Bác hiểu rất rõ: Người đã phải hết sức cố gắng mới có thể duy trì được nếp sinh hoạt tập luyện ấy.

Tháng 3/1969, đề phòng mọi việc có thể xảy ra sớm hơn, hai đồng chí Nguyễn Gia Quyền và Vương Quốc Mỹ được cử sang Liên Xô thông báo kết quả thí nghiệm và quy trình kỹ thuật dự kiến tiến hành trong giai đoạn đầu, đề phòng bạn không sang kịp. Ngoài ra, đoàn còn được giao nhiệm vụ xin thêm dụng cụ chuyên môn, nghiên cứu thêm công tác bảo quản thi hài tại hội trường và cả khi chuyển vận. Đồng chí Vương Quốc Mỹ tìm hiểu sơ bộ về việc xây Lăng. Mọi việc được tiến hành gấp gáp và đã được bạn tạo mọi điều kiện thuận lợi giúp đỡ.

Có thể nhận thấy rất rõ rằng, bên ngoài sự tĩnh lặng, yên ả thường ngày của thủ đô là sự lo âu, căng thẳng của các đồng chí lãnh đạo, của các bộ phận được giao nhiệm vụ chuẩn bị cho những ngày đau thương, chắc chắn không lâu nữa sẽ xảy ra.

Đó là việc các chiến sĩ công binh đang cải tạo công trình 75B, các công nhân viên quốc phòng, Đội Cơ động 2 của Bộ Tư lệnh Công binh đang gấp rút hoàn thành chiếc hòm kính đặc biệt thay thế chiếc hòm kính cũ do Bộ Kiến trúc làm từ trước đã trải qua quá nhiều thí nghiệm…

Khi bắt tay vào việc làm chiếc hòm kính, các chiến sĩ Đội Cơ động 2 đã gặp một khó khăn tưởng chừng rất vô lý: Làm hòm kính nhưng lại không có kính. Kính làm hòm yêu cầu phải dày, trong suốt, không có gợn sóng. Đồng chí Trần Bá Đặng, Tư lệnh phó Binh chủng Công binh, người đã có mặt thường xuyên ở công trình 75A, 75B báo cáo lên trên, có ý kiến đề xuất lấy kính của quầy trưng bày ở cửa hàng bách hóa tổng hợp. Nhưng khi kiểm tra thì loại kính này mỏng, không đáp ứng được yêu cầu kỹ thuật. Giữa lúc đó anh em phát hiện ở gầm sân khấu Hội trường Ba Đình có một số tấm kính có thể sử dụng được. Đồng chí Trần Bá Đặng cho kiểm tra, kết quả thật không ngờ: kính tốt, đạt tiêu chuẩn, dùng được.

Làm xong hòm kính lại nảy ra một vấn đề khác: Đôi dép của Bác đặt ở đâu? Để trong hòm kính thì không ổn. Để bên ngoài càng không ổn. Thế là lại quyết định làm một hòm kính nhỏ để đôi dép. Các chiến sĩ Xưởng 49 quốc phòng đã thức trọn đêm để hoàn thành chiếc hòm kính nhỏ bé này.

Đó còn là việc Lữ đoàn 144 do đồng chí Vũ Ngạch làm Lữ trưởng được giao nhiệm vụ chọn 150 cán bộ, chiến sĩ triển khai tập luyện các nghi thức cho một lễ tang lớn.

Hàng ngày, khi thành phố vừa lên đèn, các chiến sĩ thuộc Lữ đoàn 144 lại lặng lẽ rời đơn vị, chia làm hai bộ phận tập kết tại Hội trường Ba Đình và Câu lạc bộ Quân đội. Tại đây, họ tập các động tác đứng tiêu binh danh dự, tập tiếp cận bảo vệ mục tiêu, khiêng linh cữu, đưa vòng hoa… sao cho thật thuần thục, không rối, không sai, theo các quy định hết sức nghiêm ngặt của Nghi lễ Quốc tang.

Công việc phải rèn đi, tập lại nhiều lần là động tác khiêng linh cữu. Với chiếc linh cữu đóng bằng gỗ Ngọc Am, một loại gỗ hiếm và quý, màu vàng chanh thơm ngát, nặng gần 200 ki-lô-gam. Bên trong còn chứa thêm hai bao tải gạo. Trên nắp của linh cữu để một bát nước đầy. 16 cán bộ, chiến sĩ phải khiêng linh cữu đi đúng điều lệnh, lên xuống bậc tam cấp thật nhịp nhàng, sao cho bát nước không bị tràn sánh ra ngoài.

Ngoài hai bộ phận luyện tập nói trên, Lữ đoàn 144 còn được giao nhiệm vụ lựa chọn một số cán bộ, chiến sĩ do Thượng úy Nguyễn Văn Mộc chỉ huy làm nhiệm vụ bảo vệ khu vực 75A và triển khai kế hoạch luyện tập phương án hành quân di chuyển từ Phủ Chủ tịch về 75A và ngược lại.

Đội hình xe tham gia luyện tập gồm 5 chiếc, trong đó có 2 xe Hồng thập tự (một chính thức, một dự bị) và 3 xe Gát hộ tống do các chiến sĩ Nguyễn Văn Hợp, Nguyễn Văn Nhít và Nguyễn Văn Thịnh lái.

Trong thời gian diễn tập, một số cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 144 được cải trang, mặc trang phục Cảnh sát giao thông, ém chốt ở các ngả đường mà đoàn xe sẽ đi qua. Tất cả mọi tình huống xấu nhất có thể xảy ra đều đã được lường tính để có kế hoạch xử trí.

Tuy chỉ là diễn tập, nhưng một bầu không khí trang nghiêm đã bao trùm trên nét mặt từng chiến sĩ. Những buổi tập, ngay cả trong giờ nghỉ rất ít tiếng cười, nói. Mọi người lặng lẽ đi, đứng, mồ hôi ướt đẫm trên lưng áo. Mặc dù không được phổ biến chi tiết, nhưng mọi người đều ngầm hiểu Bác đang mệt nặng và công việc họ đang làm là để chuẩn bị đón đợi cái ngày không thể không đến, đã, đang đến với toàn Đảng, toàn dân ta.

K84110919.jpg

Đưa thi hài Bác từ K84 về Lăng ngày 18/7/1975

4. Và cái ngày không ai mong đợi ấy đã đến. Lịch sử sẽ mãi mãi ghi nhớ buổi sáng ngày 2/9/1969, ngày dân tộc và đất nước từ giã một con người vĩ đại nhất. Con người mà ngay từ lúc sinh thời đã đi vào truyền thuyết, huyền thoại. Con người của tất cả mọi người.

Buổi sáng hôm ấy, trong căn nhà hầm giản dị cách nhà sàn của Bác không xa, trên chiếc giường gỗ đơn sơ, Bác nằm im thanh thản. Vây quanh phòng Bác là các bác sĩ, các chuyên gia và các đồng chí trong Bộ Chính trị. Trên nét mặt người nào cũng tràn ngập một nỗi lo buồn và khi đồng chí Vũ Kỳ ngồi ở phía đầu giường Bác ngừng quạt, gục xuống khóc nức nở thì cả căn phòng như lặng đi, chìm ngập trong một nỗi đau quá lớn. Trái tim của Bác đã ngừng đập. Tuy vậy, các bác sĩ vẫn gắng hết sức xoa bóp cho Bác, hy vọng- một niềm hy vọng mãnh liệt nhưng thật mong manh- trái tim của Bác sẽ đập trở lại. Nhưng một giờ sau, đồng chí Phạm Văn Đồng đau đớn ra hiệu cho các bác sĩ ngừng hô hấp nhân tạo để Bác được yên nghỉ.

Trước đó, vào những ngày cuối tháng 8, thấy bệnh tình của Bác mỗi ngày một nặng, Bộ Chính trị đã điện mời các chuyên gia Liên Xô sang và giao cho Quân ủy gấp rút thành lập một ban phụ trách theo dõi, điều hành việc gìn giữ thi hài Bác trong thời gian tang lễ, bao gồm các bộ phận đã tham gia các công việc chuẩn bị trước như y tế, công binh, Cục Bảo vệ và Lữ đoàn 144, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của các đồng chí Lê Quang Đạo, Phùng Thế Tài, Kinh Chi, Vũ Văn Cẩn.

Ngày 28/8, một phái đoàn y tế Liên Xô do Viện sĩ thông tấn, Giáo sư Debov làm trưởng đoàn đã đến Hà Nội. Vừa đặt chân xuống sân bay Gia Lâm, nhìn sắc trời mùa thu chói chang ánh nắng, nhìn những vạt cỏ cháy xém bên đường băng, các đồng chí chuyên gia đã tỏ ra lo lắng, với nhiệt độ quá cao ở Hà Nội mùa này, khó có thể gìn giữ được thi hài của Bác.

Vào những ngày này, không khí chuẩn bị tang lễ ở Hội trường Ba Đình diễn ra hết sức dồn dập. Hòm kính để thi hài và hệ thống điều hòa nhiệt độ đã được kiểm tra, đánh giá kỹ. Hệ thống chiếu sáng, hệ thống điều hòa nhiệt độ và độ ẩm… bảo đảm được nhiệt độ, độ ẩm ổn định trong hòm kính ở môi trường khí hậu nhiệt đới là một cố gắng rất lớn của các kỹ sư, cán bộ Bộ Tư lệnh Công binh. Đây là những yếu tố cơ bản quyết định trong việc bảo quản và giữ gìn thi hài Bác.

Liên tiếp trong 2 ngày 31/8 và mồng 1/9, sau khi Ban chỉ đạo thông báo kết quả thí nghiệm, vận hành máy móc, đoàn chuyên gia Liên Xô đã tiến hành kiểm tra xem xét tỉ mỉ từng thí nghiệm. Ở 75A và 75B, đoàn tỏ vẻ hài lòng. Kết quả đã vượt qua những lo lắng ban đầu của bạn.

11 giờ trưa ngày mồng 2/9, sau khi Bác yên nghỉ chưa đầy nửa giờ, một đoàn xe đặc biệt do đồng chí Kinh Chi chỉ huy được lệnh xuất phát từ công trình 75A. Đến trước cổng Phủ Chủ tịch, đoàn xe được lệnh dừng lại. Riêng chiếc xe Hồng thập tự mang biển số FH 1468 của Quân y viện 108 do chiến sĩ Nguyễn Văn Hợp lái được lệnh đi tiếp. Xe vừa đến trước ngôi nhà sàn của Bác đã thấy đồng chí Trần Quốc Hoàn từ căn nhà hầm bước ra đón. Đồng chí căn dặn “sự việc đã xảy ra rồi, các đồng chí cứ bình tĩnh làm cho thật tốt”. Đồng chí Nguyễn Gia Quyền cảm động thay mặt anh em hứa “sẽ biến đau thương thành trách nhiệm”.

Trong căn nhà hầm, các đồng chí trong Bộ Chính trị vẫn đứng lặng quanh phòng Bác, cạnh giường có một bó hoa huệ lớn. Các đồng chí trong tổ y tế bàng hoàng khi nhìn thấy Bác. Bác gầy và xanh. Mọi người vừa khóc vừa đến bên giường Bác. Đồng chí Phạm Văn Đồng vừa nói vừa ra hiệu: “Thôi, mọi người giãn ra cho chuyên môn làm nhiệm vụ”.

(Còn nữa)

Trích Ký sự Giữ yên giấc ngủ của Người NXB QĐND – 1990

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Lão nông và đại gia đình ngành y
Thứ Bảy, 17/09/2011 18:00 CH
Làm chơi, ăn thật
Thứ Bảy, 17/09/2011 14:00 CH
Múa lân - nghiệp chơi đầy đam mê
Chủ Nhật, 11/09/2011 18:00 CH
“Ăn bớt” thời gian
Thứ Bảy, 10/09/2011 14:00 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek