Thứ Tư, 02/10/2024 21:15 CH
Cuốc rừng tìm trầm bì
Bài 1: “Cuốc cỏ” hàng trăm hécta rừng già
Thứ Ba, 25/01/2011 14:00 CH

Nhiều năm trước những người đi địu (tìm trầm) từ các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Khánh Hòa và cả người dân Phú Yên đổ xô về đây tìm kỳ nam. Bây giờ kỳ nam không còn, người dân địa phương trở lại tìm trầm bì tạo ra từ cây dó gạch chôn vùi dưới lòng đất.

 

tram-1-110125.jpg
Rất đông người cuốc, bới tìm trầm. - Ảnh: P.NAM

 

Cây dó bầu sau một thời gian bị khai thác gần như đã bị diệt chủng. Riêng cây dó gạch, trước đây những người đi địu dùng rựa dạc (băm) vào thân cây tìm trầm sánh. Năm này qua năm khác, nhiều cây dó gạch không chịu nổi “sức ép” nên ngã chết rục. Khi bị chôn vùi dưới lá rừng, bản thân cây dó gạch đã có trầm cám bám ngoài da (bì), mặc dù vùi dưới lòng đất trầm cám vẫn “ăn” da, tích tụ trầm, gọi là trầm bì.

 

“CÔNG XƯỞNG” CỦA PHU TRẦM

 

Từ làng Chín Bếp (xã Phú Mỡ) băng qua suối Lạnh đi sâu vào khu rừng Chín Cụm (chín ngọn núi cao) đến dốc Bom (giáp ranh làng Mèo, tỉnh Gia Lai), chúng tôi đi gần 3 cây số mới đến được nơi cần đến. Giữa mênh mông rừng núi âm u, không có nơi nào không có dấu cuốc của phu trầm.

 

Trên đoạn đường ngắn khoảng 3 cây số từ Trạm quản lý và bảo vệ rừng Chín Bếp vào đến trại ông Đồng Đen (Phạm Thành Đồng), chúng tôi bắt gặp nhiều tốp phu trầm từ rừng sâu đi ra. Nhìn thấy gương mặt những người trúng trầm bỗng dưng tái nhợt vì tưởng chúng tôi là công an hoặc kiểm lâm giả dạng đi bắt, nên vừa khỏi cầu Suối Lạnh họ đã vội leo lên xe phóng đi mất hút.

 

tram-3-110125.jpg

Nhiều nhóm người vào rừng Suối Lạnh cuốc núi tìm trầm. - Ảnh: P.NAM

 

Tại trại ông Đồng Đen có đến hàng trăm chiếc xe gắn máy của phu trầm gởi giống như nhà xe công nhân của một công ty nào đó. Ông Phạm Thành Đồng (biệt danh Đồng Đen), được xem là “thổ địa” ở đây. Ông Đồng, cho biết: “Ở đây mới chỉ là bãi gởi xe đầu đường, còn đi sâu vào Chín Cụm, Dốc Bơm, trại Tôn thì có nhiều bãi gởi xe khác, mỗi bãi có hàng trăm chiếc như thế này”.

 

Sau một hồi dò xét tình hình, ông Đồng chấp nhận dẫn chúng tôi vào tận chỗ phu trầm đang cuốc đất tìm trầm. Trước khi lập kế hoạch cho chuyến “hành trình” vào rừng sâu, chúng tôi đã tìm hiểu kỹ công việc cuốc đất tìm trầm và được nhiều người cảnh báo, không được giới thiệu là phóng viên báo chí vì nếu giới thiệu vậy e rằng khó bảo toàn tính mạng.

 

Tại khu rừng Suối Lạnh, chúng tôi chứng kiến hàng trăm người dàn hàng ngang dưới bóng cây rừng già cuốc đất, bóp vỡ vụn những giề đất cuốc lên để moi tìm trầm bì. Họ làm việc hăng say giống như công nhân của nhà máy làm việc theo dây chuyền công nghiệp. Hàng trăm phu trầm chia thành nhiều tốp, mỗi tốp 5-7 người, có tốp đã cận ngày về vì hết lương thực, có tốp vừa đặt chân đến. Trong số này có người vừa “chân ướt, chân ráo” đi chuyến đầu tiên. Ông Huỳnh Thanh Tuấn, một phu trầm ở thôn Suối 1, xã Xuân Quang 1, huyện Đồng Xuân, giãi bày: “Vì cuộc sống phải mưu sinh thôi, nhưng vất vả lắm. Có lúc mải mê moi đất tìm trầm quên ăn cơm, khi bụng cồn cào thì gói cơm treo ở cành cây kiến tha gần hết phải ăn “ké” người bên cạnh”.

 

tram-2-110125.jpg

Bãi gởi xe của những người tìm trầm tại trại ông Đồng cạnh suối Lạnh.

 

“CUỐC CỎ” HÀNG TRĂM HÉCTA RỪNG

 

Ông Trương Đắc Ty, một phu trầm ở xã Xuân Quang 3 (Đồng Xuân), cho biết: “Cả khu rừng già rộng lớn, cuốc đi cuốc lại 2-3 lần, cuốc đến nỗi thục (xốp) đất luôn”. Rồi ông kể, nghề này có chuyện lạ, có người cuốc đi không phát hiện ra trầm nhưng người khác đến chỉ moi lát cuốc là hốt bạc. Chúng tôi đang tâm sự thì phía dưới chỗ ông Ty ngồi, có người hô: “Thằng Cu Em trúng hàng rồi!”. Chúng tôi vội đến đó xem, một miếng trầm bì to bằng ngón tay út, dài 5cm, xoắn tròn nhưng chỉ cần đụng tay vào là vỡ vụn, vì vậy, Cu Em sau khi nhặt lên, cẩn thận dùng túi nylon cuộn tròn, bật lửa hơ cho nylon chảy nhựa rồi từ từ ép kín vào. Cu Em hớn hở khoe: “Miếng này khoảng 1 dem, cầm chắc 20 triệu đồng. Chỗ này biết bao nhiêu người cuốc đi, cuốc lại nhưng không phát hiện, may thì nhờ thôi”. Cũng chính vì “rủi, may” như vậy, nên nhiều phu trầm không ngại moi móc mọi ngóc ngách từ kẽ đá đến hốc cây. Nhiều phu trầm cho biết, mới hôm qua khu rừng này có người trúng gần 200 trăm triệu đồng.

 

Với một đội ngũ phu trầm mỗi ngày dùng sức cuốc đất tìm trầm bì như vậy thì hàng ngàn héc ta rừng được phu trầm cuốc xốp đất. Cũng chính vì vậy, các loại cây gỗ quý như chò, sến, cứt sắt, gụ… có điều kiện phát triển tươi tốt nên cao hàng chục mét, thẳng đuột. Ông Đồn phân tích: “Từ suối Lạnh đi bộ nửa ngày đường nữa thì đến đường Trường Sơn, trước đây con đường này vận chuyển muối, lương thực của cách mạng từ Gia Lai về Phú Yên và ngược lại. Thời chiến tranh, Mỹ rải chất độc màu da cam nên rừng bị thiêu rụi. Từ sau ngày giải phóng đến nay rừng hồi sinh, nhờ đất tốt và sự “chăm sóc” rừng của phu trầm mà cây lớn nhanh”. Còn theo ông  Phạm Kỳ Sinh, nhân viên Trạm Quản lý và bảo vệ rừng Chín Bếp (thuộc Ban Quản lý rừng phòng hộ Đồng Xuân) thì nhờ đất lúc nào cũng tơi xốp mà hàng ngàn héc ta rừng phòng hộ đầu nguồn lớn nhanh. Chúng tôi đi kiểm tra hằng ngày, người tìm trầm chỉ cuốc sâu từ 1-2 nhát cuốc (30-40cm) nên không ảnh hưởng gì đến rễ cây mà ngược lại làm cho đất thoáng khí.

 

Bài 2: Đồi Trăm Tỉ

 

HOÀI NAM - PHƯƠNG NAM

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Người đàn bà mê… tiền
Thứ Sáu, 04/02/2011 15:00 CH
Cô giáo ở Trường Sa
Thứ Bảy, 22/01/2011 18:07 CH
Chuyện về bậc trưởng lão 104 tuổi
Thứ Bảy, 08/01/2011 18:00 CH
Khám phá “thủ đô” Trường Sa
Thứ Tư, 05/01/2011 16:30 CH
Tình người nơi đầu con sóng
Thứ Bảy, 25/12/2010 16:00 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek