Thứ Ba, 26/11/2024 22:46 CH
Cuốc núi tìm trầm ở rừng Suối Lạnh (Đồng Xuân):
Có làm xói lở rừng?
Thứ Năm, 10/02/2011 14:00 CH

Hàng nghìn người từ các nơi đổ về cuốc núi tìm trầm, hàng trăm hécta rừng bị lật tung, nhiều ngọn núi bị cạo trọc thực bì để lộ những cây đại thụ trơ gốc. Các ngành chức năng và đơn vị chủ rừng thì cho rằng, việc làm này vừa có lợi cho dân, lại “làm cỏ” tốt rừng.

 

tram1-110210.jpg
Nhiều gốc cây lớn đã ngã đổ. - Ảnh: P.NAM

 

“LÀM CỎ” RỪNG GIÀ

 

Theo chân anh Phạm Thành Đồng, người có gần 10 năm sinh sống tại rừng Suối Lạnh (xã Phú Mỡ, huyện Đồng Xuân), chúng tôi mất gần 2 giờ đồng hồ luồn lách trong rừng rậm mới đến chân đồi Xì Rô - địa điểm được xem là “ăn trầm” nhất khu vực này. Trước mắt chúng tôi, bên các sườn đồi, dưới tán rừng cổ thụ hàng trăm năm tuổi, hàng chục tốp người hăm hở, hì hục đào, cuốc, xới tung bề mặt hàng trăm ha rừng nguyên sinh. Nhiều diện tích bị bóc trắng thực bì, gần như không còn một ngọn cỏ, đến mức có thể trồng rau hoặc lúa rẫy ngay được. Vừa đi vừa chỉ tay lên đỉnh Xì Rô, anh Phạm Thành Đồng kể: “Khoảng 5 năm trở lại đây, rừng Suối Lạnh bỗng trở nên sôi động hẳn lên, nhiều người ở thôn Kỳ Lộ, xã Xuân Quang 1, huyện Đồng Xuân và ở các tỉnh Bình Định, Khánh Hòa đổ xô về đây dựng lán trại, đào bới tìm trầm. Có người nằm lại trong rừng cả tháng trời rồi thất vọng quay ra với hai tay trắng, nhưng cũng có người vừa mới “vào nghề” được đôi ba ngày lại trúng đậm. Tại khu rừng này, thời điểm gần tết có đến cả nghìn người ra vào tìm vận may”.

 

Ngược lên nửa sườn dốc, tiếng cuốc, xẻng, rìu, rựa khua vang cả một góc rừng, thỉnh thoảng lại văng vẳng tiếng í ới vọng lại từ xa. Hỏi ra mới biết, đây là tín hiệu báo có người vừa “trúng” đậm trầm kỳ. Theo những người có mặt tại đây, để có một khoảng đất cuốc trầm không khó khăn lắm, chỉ cần phát sạch tán cây con, dọn sạch thực bì là được. Có khi trầm ở sát mặt đất, nhưng cũng có khi nằm sâu dưới lòng đất, phải đào, moi tận gốc cây mới lấy được. Bình quân một người một ngày cuốc xới không dưới một sào đất. Theo quan sát của chúng tôi, hàng trăm hécta rừng già đã và đang tiếp tục bị lật tung bề mặt bởi những người tìm trầm. Nhiều cây gỗ lớn có đường kính từ 30-40cm bị lật gốc, ngã đổ, các cây có đường kính trên dưới 10cm bị phạt ngang, những cây trầm con chưa kịp hồi sinh bị vùi lấp, cắt ngọn… Cả cánh rừng rộng hàng nghìn hécta bị giày xéo tan hoang. Tiếp chuyện chúng tôi, một người trong nhóm cuốc trầm nói rằng họ làm việc này vì miếng cơm manh áo mà không hề ảnh hưởng đến rừng, thậm chí còn xới đất tơi xốp làm cho cây rừng phát triển. Những người có kinh nghiệm trong lĩnh vực trầm kỳ cho biết, giống cây dó gạch và dó bầu tại khu rừng này rất quý, vì cho kỳ nam và trầm bì có giá trị kinh tế cao. Hiện tại, giống dó bầu tự nhiên gần như không còn do hoạt động cuốc xới tìm trầm.

 

RỪNG CÓ BỊ BIẾN DẠNG?

 

Phần lớn diện tích rừng do Ban Quản lý rừng phòng hộ Đồng Xuân quản lý nằm ở địa bàn xã Phú Mỡ, với hơn 22.000ha, trong đó rừng phòng hộ chiếm gần 18.000ha. Ông Nguyễn Lộc, Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ Đồng Xuân cho biết, rừng Suối Lạnh thuộc tiểu khu 65, ngoài ranh giới ngành quản lý nên không thể kiểm soát. Hiện ở khu vực này có Công ty TNHH Cây xanh Phú Yên quản lý gần 200ha để trồng cây dó bầu.

 

tram2-110210.jpg

Một nhóm người cuốc núi tìm trầm tại một triền đồi rừng Suối Lạnh. - Ảnh: P.NAM

 

Trên thực tế, do thu nhập cao, có người trúng bạc tỉ nên tình trạng người dân đổ xô vào rừng cuốc núi tìm trầm diễn ra từ lâu và ngày càng trở nên “nóng” hơn. Theo những người cuốc trầm, chính vì không xác định chính xác địa điểm có trầm nên họ thường xuyên phải di chuyển, tìm kiếm. Đây cũng chính là nguyên nhân dẫn đến tốc độ cuốc xới rừng Suối Lạnh tìm trầm diễn ra chóng mặt, lôi cuốn những người “nghiện” trầm từ các nơi trong và ngoài tỉnh ồ ạt đổ về ngày một đông, tiếng xe máy ra vào, cuốc xẻng đào bới ầm ĩ, làm náo động cả khu rừng, nhưng hầu như không có các ngành chức năng và địa phương kiểm soát, quản lý. Ông Nguyễn Lộc, Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ Đồng Xuân cho rằng, tình trạng người dân vào rừng tìm trầm không ảnh hưởng gì lớn đến công tác bảo vệ rừng. Việc quản lý, bảo vệ gặp rất nhiều khó khăn vì diện tích quá lớn, trong khi đó lợi nhuận mà người dân thu được từ trầm là ngoài sức tưởng tượng, nên rất khó khăn trong kiểm soát, ngăn cản.

 

Theo quan sát của phóng viên, chỉ có duy nhất con đường vào rừng Suối Lạnh, cửa ngõ đã được treo biển “Vô phận sự cấm vào” của Trạm Quản lý và bảo vệ rừng Chín Bếp, thuộc Ban Quản lý rừng phòng hộ Đồng Xuân, nhưng không hề có tác dụng. Người, phương tiện ồ ạt tự do ra vào khai thác tài nguyên rừng. Điều đáng lo ngại là trầm thường xuất hiện nhiều ở sườn đồi có độ dốc lớn, vì vậy việc làm cỏ, dọn trắng thực bì là vô cùng nguy hiểm. Ai dám đảm bảo rừng, núi sẽ không bị xói lở, cây cối không bị ngã đổ, cuốn trôi khi có mưa lũ?. Đó là chưa nói đến việc ngăn nước lũ ở thượng nguồn về hạ lưu. Rừng Suối Lạnh có nhiều cây gỗ lớn thẳng đứng, có giá trị kinh tế cao như dầu, chò, sến, chành ngạnh… hàng chục năm tuổi. Việc hàng nghìn người từ các nơi đổ về cày xới, “dòm ngó” rừng, liệu tương lai có xảy ra nạn khai thác rừng trái phép, tình hình an ninh trật tự có được đảm bảo?...

 

ĐÃ XẢY RA NHIỀU VỤ PHÁ RỪNG

 

Mặc dù năm 2010, Ban Quản lý rừng phòng hộ Đồng Xuân đã có nhiều cố gắng trong công tác quản lý, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản, nhưng vẫn còn xảy ra nhiều vụ vi phạm Luật Bảo vệ và phát triển rừng. Cơ quan này cũng thừa nhận, công tác bảo vệ rừng ở từng địa bàn cụ thể như xã Xuân Quang 1, xã Phú Mỡ chưa được thường xuyên và đồng bộ theo sự chỉ đạo của tỉnh, ngành chuyên môn và địa phương nên tình trạng chặt phá, đốt rừng, khai thác rừng, lấn chiếm rừng trái phép vẫn còn xảy ra. Trong năm 2010 đã có 121 vụ vi phạm Luật Bảo vệ và phát triển rừng, diện tích thiệt hại hơn 165.000m2, chủ yếu xảy ra ở địa bàn hai xã Phú Mỡ và Xuân Quang 1. Số liệu thống kê của Ban Quản lý rừng phòng hộ Đồng Xuân cho thấy, trong năm 2010, đã có hơn 1.300 cây dầu rái và keo bị chặt phá. Đối tượng vi phạm phần lớn là người đồng bào dân tộc thiểu số đang sinh sống, sản xuất ven rừng. Cũng theo cơ quan này, nguyên nhân được người dân đưa ra là thiếu đất sản xuất, đời sống khó khăn và đó là rừng mà ông bà, cha mẹ họ từng canh tác… nên rất khó khăn trong xử lý.

 

tram3-110210.jpg

Nhiều gốc cây hàng chục năm tuổi bị bật gốc. - Ảnh: P.NAM

 

Để bảo vệ rừng, Ban Quản lý rừng phòng hộ Đồng Xuân tiếp tục tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, ngăn chặn tình trạng lấn chiếm, phá rừng làm nương rẫy, khai thác và đào bới gốc cây, tài nguyên rừng. Đơn vị đã triển khai nhiều cuộc họp với chính quyền địa phương, bàn biện pháp phối hợp giải quyết như tổ chức họp dân, yêu cầu từng hộ gia đình ký cam kết, thường xuyên cử lực lượng tuần tra, bám địa bàn, vận động, tuyên truyền Luật Bảo vệ và phát triển rừng đến từng hộ dân; đưa các hộ dân vi phạm ra trước cộng đồng dân cư để kiểm điểm, răn đe và bắt buộc trồng lại rừng. Tuy nhiên, hiện vẫn tồn tại nhiều vấn đề bất cập, khó khăn, trong đó phải nói đến sự thiếu tinh thần trách nhiệm của không ít tổ chức, cá nhân và ý thức tuân thủ pháp luật của người dân chưa cao. Ông Nguyễn Lộc, Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ Đồng Xuân cho biết, sẽ chủ động, thường xuyên phối hợp với chính quyền địa phương và ngành chức năng bàn biện pháp giải quyết, hạn chế đến mức thấp nhất các vụ vi phạm làm thiệt hại và ảnh hưởng đến rừng thuộc lâm phần quản lý, tăng cường an ninh trật tự tại khu vực rừng phía tây bắc xã Phú Mỡ.

 

PHƯƠNG NAM-HOÀI NAM

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Kỳ 1: Dân tộc Do Thái - người là ai?
Thứ Ba, 08/02/2011 18:09 CH
Ra Hòn Chùa…
Thứ Ba, 08/02/2011 11:01 SA
Làng tỉ phú tôm hùm Phú Yên ở Đầm Môn
Thứ Hai, 07/02/2011 19:03 CH
Tết đến Trường Sa
Thứ Hai, 07/02/2011 15:00 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek