Có một khu rừng mà phu trầm đã trúng đậm trầm và được đặt tên là đồi Trăm Tỉ. Trước đây khu rừng này rộng lớn, cây cao to và có cả những dây leo rậm rạp. Theo giới phu trầm, không phải ai cũng đổi đời nhờ trầm, bởi nhiều người phải “gánh” nợ do đi tìm trầm.
Cuốc đất tìm trầm bì. - Ảnh: H.NAM
“LUẬT RỪNG” VÀ NHỮNG CÁI AM
“Đồi Trăm Tỉ, trại Dây Lang” không xa lạ gì đối với các phu trầm, bởi chỉ có ăn ngủ ở trại Dây Lang và đi tìm trầm trên đồi Trăm Tỉ mới hốt bạc. Cách đây khoảng 3 năm, hàng ngàn người đổ xô về đây để tìm trầm bì và có người đã trúng đậm. Ông Nguyễn Văn Hùng, phu trầm ở thôn Suối Cối 1, xã Xuân Quang 1 (huyện Đồng Xuân) cho biết: “Có ngày đồi Trăm Tỉ người đi “đụng” đầu, nhiều đến nỗi cả khu rừng rộng gần 200 héc ta nhìn đâu vẫn thấy người”. Ranh giới mỗi người cuốc trong phạm vi khoảng 300m2. Theo “luật” rừng ở đồi Trăm Tỉ, phu trầm không tranh giành nhau khi thấy trầm. Núi rừng ở đây rất linh thiêng nên họ sợ nhất là lời nguyền rủa. Vì vậy trong lúc trà dư tửu hậu giữa rừng, nói gì thì phải kiêng cữ chửi thề, nguyền rủa nhau, nhất là khi trúng trầm thì không được cuốc thêm nhát cuốc nào, mà để cuốc chỗ đó về mua gà, vàng mã đến cúng. Cúng xong mới được tiếp tục cuốc. Còn những bạn trầm khi thấy cuốc đặt chỗ đó cũng không được tranh giành.
Trên đồi Trăm Tỉ, vắt rừng nhiều vô kể, phu trầm sợ nhất là loại vắt này. Ông Trần Văn Cường, một phu trầm lâu năm ngán ngẩm. “Vắt rừng đu trên lá cây bắt hơi người, chớp cánh bay xào xào. Loại này hút máu không kém gì đỉa đói. Trên đỉnh núi này có một loại cây lát nai lá bén như dao lam chỉ cần bước ngang chạm phải thì da thịt bị cứa chảy máu ròng rã”, ông Cường kể. Ngoài vắt hút máu, cây lát nai cứa đứt da, phu trầm còn phải chịu đựng những trận sốt rét rừng nên có người sau nhiều chuyến đi trầm về trở nên “thân tàn, ma dại”.
Đi giữa rừng sâu chúng tôi bắt gặp những cái am nghi ngút khói hương làm ai cũng nổi da gà. Các phu trầm kể vanh vách tên tuổi các am này: am ông Tèo, am ông Cư, am ông Minh… Đó là nơi thờ cúng những người đã bỏ mạng giữa chốn rừng thiêng nước độc vì trầm. Cách đây khoảng 3 tháng, ông Nguyễn Ngọc Cư ở thôn Kỳ Lộ, xã Xuân Quang 1 đang trưa ngồi ăn cơm thì bất ngờ một nhánh cây khô rơi xuống trúng đầu, ông Cư gục chết tại chỗ. Trước đó, ông Nguyễn Văn Minh quê ở thị trấn La Hai lấy vợ về thôn Kỳ Lộ, mặc dù có nghề thợ điện nhưng nghe nói có nhiều người trúng trầm nên quyết định thử vận may. Trong một lần dời trại, ông Minh bị trượt chân rớt xuống vực sâu chết…
Ở đây có một điều linh thiêng mà giới đi trầm ai cũng phải thuộc lòng, đó là cầu nguyện “bà cậu” (kẻ khuất mặt). Ông Chín Thanh, một phu trầm mới đi chuyến đầu tiên kể: “Hồi chiến tranh chống Pháp có một người phụ nữ hoạt động cách mạng, mang thai gần đến ngày sinh con bị địch bao vây kẹt ở rừng sâu. Khi cậu con trai vừa chào đời được vài ngày thì cả mẹ và con đều chết vì lạnh và đói trên khu rừng bằng phẳng. Người phụ nữ này tên Lệ Thu, nên người ta đặt tên khu rừng này là Lệ Thu và được giới đi trầm cầu nguyện “bà cậu” (tức là bà và cậu con trai).
ĐỔI ĐỜI CŨNG TRẦM, NGHÈO CŨNG TRẦM
Ở xã Xuân Quang 1 giáp ranh với xã Phú Mỡ (huyện Đồng Xuân), trong số hàng trăm người dân ở đây đi tìm trầm bì, có người đi đến bạc tóc mà vẫn không khá nổi. Ngược lại có người chỉ đi chuyến đầu tiên vừa băm xuống nhát cuốc lại kiếm được trên trăm triệu đồng. “Chưa thể thống kê chính xác có bao nhiêu người trúng trầm tại huyện miền núi này, vì trong một chuyến đi có người trúng vài chục triệu đến vài trăm triệu đồng, thậm chí có người “ôm” cả tiền tỉ. Chỉ cần nhìn vào hàng trăm hộ dân ở thôn Kỳ Lộ, xã Xuân Quang 1 này mới biết, gần 80% nhà có xe tay ga cũng từ trầm mà ra”, một cán bộ xã Xuân Quang 1 tiết lộ.
Lâu nay người dân thôn Kỳ Lộ sống nhờ vào cây mía và cây thuốc lá. Lúc rãnh rỗi thì lên rừng tìm trầm. Cách đây 3 năm, mỗi chuyến đi cả tháng trời, ai may mắn lắm cũng chỉ kiếm được vài chục triệu đồng là cùng, nhưng riêng năm 2010 nhiều người kiếm được tiền tỉ nhờ trầm bì. Ông Nguyễn Văn Tuân ở xã Xuân Quang 1 cho biết: “Hôm qua thằng Đại ở thôn Kỳ Lộ trúng cục trầm bằng cổ tay, “bèo” lắm cũng được trên 500 triệu đồng. Thời gian gần đây, từng tốp người đi tìm trầm, hết tốp này đến tốp khác ở Kỳ Lộ thay phiên nhau trúng trầm. Gần tết họ đua nhau mua xe tay ga đắt giá, như nhà ông Ba Can có đến 3 chiếc”.
Các phu trầm trúng trầm bì trên đồi Trăm Tỉ đến suối Lạnh khoe “hàng”. - Ảnh: H.NAM
Việc nhiều phu trầm chuyên nghiệp ở Kỳ Lộ trúng đậm trầm bì, làm những người có của ăn của để quanh vùng cũng theo dấu đi tìm trầm. Mới đây, ông Chín Thanh bán hàng tạp hóa cũng lên núi tìm trầm. Chuyến đi bảy người, nằm trên núi một tuần cố moi móc cũng chỉ bán được 1 triệu đồng. “Bà cậu chưa ngó tới nên trúng ít quá, làm sao chia cho đồng đều”, ông Chín Thanh phân bua.
Những người ở nơi khác cũng “ké” cái “hên” trúng trầm của người dân Kỳ Lộ. Ông Lê Xuân Lâm ở thôn Thạnh Đức, xã Xuân Quang 3 có đứa em gái lấy chồng về thôn Kỳ Lộ, nghe đồn trúng trầm cũng liền đi theo người em rể để tìm trầm. Chuyến đầu tiên mới hai ngày đã “ẵm” về 200 triệu đồng. Chuyến thứ hai ông Lâm đi quyết đi một mình được gần 300 triệu. Nhiều người khác ở thôn Thạnh Đức hay tin cũng túa lên núi cao tìm trầm. Khi chúng tôi đến suối Lạnh thì gặp tốp thợ trầm từ trong núi đi ra, trên tay ông Phạm Văn Thanh đang cầm cục “hàng”. Mấy người cùng đi thì trầm trồ: “Lượng trầm lớn thế này, giá “bèo” lắm cũng trên 600 triệu đồng”.
Tuy nhiên, việc đi tìm trầm không phải ai cũng trúng. Nhắc đến bà Hai Nhờ ở xã Xuân Quang 1 thì ai cũng thương cho hoàn cảnh của bà. Năm nay bà Hai Nhờ đã gần 70 tuổi, không biết bao nhiêu chuyến đi trầm nhưng rồi cũng “phủi” tay về không. Bà Hai Nhờ sinh được 2 người con, người lành lặn thì bị trúng gió chết đã lâu, còn đứa con tật nguyền sống lây lất với bà nay bệnh, mai đau. Thấy người ta “phất” lên nhờ trầm, bà cũng lên núi tìm trầm để có tiền về chữa bệnh cho con. Nhưng càng ráng bấy nhiêu thì càng thất vọng bấy nhiêu. “Vài chuyến đầu, mỗi chuyến kiếm vài trăm ngàn đủ trang trải cho chuyến đi mới, càng về sau thì không có đồng nào”, Bà Hai Nhờ buồn rầu nói.
Cạnh nhà bà Hai Nhờ có ông Võ Văn Hiệp, con bị bệnh hết nằm bệnh viện huyện lại chuyển đến bệnh viện thành phố. Ông bán hết đàn bò 5 con để có tiền chữa bệnh cho con. Hết tiền, không biết xoay sở thế nào ông quyết định lên núi tìm trầm. Mỗi chuyến đi ròng rã cả tháng trời, nhưng về không có đồng xu dính túi, lại còn thêm nợ bà con xung quanh. Còn ông Nguyễn Văn Nam ở thôn Suối Cối 1 (xã Xuân Quang 1) - người “ăn dầm, nằm dề” tìm trầm cho biết: “Tìm trầm đã trở thành nghề ở địa phương này từ lâu. Theo ông
Năm nay, ông Nam mới 26 tuổi nhưng đã có “thâm niên” gần 10 năm đi tìm trầm. Ông Nam không nhớ mình đã đi bao nhiêu chuyến, nhưng ông bảo nếu đi một mình lên núi La Hiên, Chín Cụm thì chắc cũng… bị lạc đường vì người tìm trầm phải tự mở lối mà đi, không theo đường mòn. “Trên đỉnh La Hiên, Hòn Nhọn, Chín Cụm chỉ thấy rừng với rừng, mây bao phủ nên hạn chế tầm nhìn, vì vậy khó xác định phương hướng. Tuy cả chục năm đi tìm trầm rồi, nhưng hàng đêm tôi vẫn rợn người khi nằm giữa rừng thiêng nước độc. Rồi tự trấn an, phải cố bởi ở nhà thì khó tìm đủ tiền để trang trải cho cuộc sống vốn khó khăn”, ông
Bài 3: “Chúa rừng” dốc sức nuôi trầm.
HOÀI NAM – PHƯƠNG