Xót xa trước cảnh “mỏ trầm” cạn kiệt và những cây dó gạch có nguy cơ bị xóa bỏ, ông Phạm Thành Đồng ở xã Xuân Quang 1 bỏ công bứng cây dó gạch còn sống sót đem về trồng với ý tưởng “nuôi” lại rừng trầm.
Nhiều cây dó gạch hơn 3 năm tuổi của ông Phạm Thành Đồng đang có dấu hiệu cho trầm - Ảnh: P.NAM |
GOM CỦA QUÝ RỪNG GIÀ
UBND tỉnh Phú Yên cấp giấy phép cho Công ty TNHH Cây Xanh (trụ sở đóng tại Khu công nghiệp An Phú, TP Tuy Hòa) trồng cây dó bầu ở khu rừng Suối Lạnh. Ông Phạm Thành Đồng được công ty này thuê bảo vệ khu vực trên. Tám năm qua, vợ chồng, con cái ông “đùm túm” lên đây, sống biệt lập giữa núi rừng để trông coi, chăm sóc cây dó bầu.
Nhiều năm sống ở vùng núi hoang sơ này và hiểu rất rõ công việc tìm trầm nên ông Đồng được những người khai thác trầm kỳ nể phục. Hàng ngày, chứng kiến cả nghìn lượt người từ các nơi đổ xô vào rừng Suối Lạnh cuốc núi, khiến cho những cây trầm con có nguy cơ chết, ông Đồng nuôi dưỡng ý tưởng “nuôi” lại rừng trầm. Công việc bắt đầu bằng việc mua lại cây dó con bị chặt, lật gốc từ những người đi cuốc trầm với giá 2.000 đồng/cây rồi đem về giâm, trồng ở gần lán trại và chăm sóc. Theo ông Đồng, để cây con sống và phát triển đã khó, công đoạn gieo ươm hạt nảy mầm càng khó hơn. Đặc điểm của dó bầu và dó gạch là phải tưới nước thường xuyên và có tán cây che phủ. Tận dụng nước của con suối Lạnh, ông tự thiết kế máy phát điện nhỏ để phục vụ sinh hoạt hằng ngày và lắp đặt đường ống, bơm nước tưới cho toàn bộ diện tích. Ông Đồng cho biết thêm, buổi đầu ông gặp rất nhiều khó khăn trong việc mua gom do điều kiện kinh tế khó khăn, còn những người đi “săn” trầm lại chẳng mặn mà gì với cái giá 2.000/cây. Ông cùng những người trong gia đình phải đi nhặt nhạnh từng cây con, cành nhánh cây dó trong những đống thực bì hỗn độn.
Ông Đồng kể: Khi phát hiện được cây dó, những người tìm trầm dùng rựa dạt (băm) vào thân cây lấy từng miếng dăm rồi dùng lửa đốt xem có bay mùi thơm chưa (có mùi thơm tức là trầm đã tích tụ). Những cây dó bầu ở vùng đất tốt, “sung sức”, đường kính bằng một vòng tay người ôm, nếu chưa tích tụ trầm thì họ vẫn băm để “vết thương” đó tạo trầm. Từng tốp người “săn” trầm “thử” như vậy năm này qua năm khác đến nỗi cây không còn nhựa sống, ngã chết rục. Cây dó bầu chưa tạo kỳ nam ngã rục, coi như xong. Còn với cây dó gạch, người ta cũng làm như vậy để tìm trầm sánh (từng miếng trầm bám sánh trong thân cây có màu đỏ quạch, có người gọi là hầu). Loại cây dó gạch này hình thành trầm sớm hơn, khoảng 10 năm đã có trầm cám bám.
Mấy năm qua, ông Đồng lặn lội khắp các cánh rừng ở gần đó, tìm bứng cây dó gạch đem về. Cây dó gạch loại to không còn, một ngày bỏ công đi khắp rừng cũng chỉ tìm được một vài cây con từ 3-5 năm tuổi. “Hai năm qua, tôi giâm được gần 50.000 cây. Nếu nhà nước đầu tư trồng dó gạch thì tôi có giống tại rừng” - ông Đồng cho biết.
Hàng chục nghìn cây dó được gieo ươm và giâm cành tại vườn ươm của ông Phạm Thành Đồng - Ảnh: P.NAM |
Ý TƯỞNG KHÓ THÀNH
Với diện tích rừng trầm và số lượng cây giống đang có, ông Phạm Thành Đồng tiếp tục động viên con cháu dành dụm số tiền thu được từ khai thác trầm, đầu tư mua gom, mở rộng diện tích trồng dó gạch và dó bầu. Theo ông Đồng, rừng trầm Suối Lạnh trải đều trên khoảng 2.000ha, tập trung chủ yếu ở đồi Trăm Tỉ. Do chất đất, khí hậu và đặc thù của khu rừng này, cây con phát triển rất nhanh. Cây trưởng thành cho trữ lượng, chất lượng trầm đạt tiêu chuẩn và có giá trị kinh tế cao, được nhiều người từ các địa phương trong nước đặt mua, kể cả cây giống. Tại rừng Suối Lạnh, Công ty TNHH Cây Xanh đã trồng được khoảng 15ha dó bầu và đang tiếp tục mở rộng diện tích trên phần đất được giao khoảng 200ha.
Theo những người sống lâu năm ở vùng đất hoang sơ này, trước đây, rừng Suối Lạnh là rừng giàu, bạt ngàn cây gỗ lớn và quý như sến, chò, dầu, đặc biệt là có dó bầu và dó gạch lâu năm. Trong chiến tranh, do Mỹ rải chất độc hóa học nên rừng bị lụi tàn, sau này mới hồi sinh. Để tái tạo, khôi phục, phát triển rừng trầm, các ngành chức năng và địa phương cần có chính sách đầu tư để trồng cây dó bầu và dó gạch, phát triển kinh tế, thay vì thả nổi để mọi người tự do ra vào khai thác trầm bừa bãi làm ảnh hưởng đến môi trường sinh thái.
Ông Nguyễn Lộc, Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ Đồng Xuân cho biết: “Hiện tại, cây dó lớn gần như đã bị tận diệt, chỉ còn lại cây con. Để khôi phục và phát triển rừng trầm không hề đơn giản, vì phải đầu tư kinh phí lớn, công tác bảo vệ, chăm sóc lại hết sức khó khăn, đòi hỏi phải có sự tham gia của cả cộng đồng và ý thức, tránh nhiệm trong việc gìn giữ rừng của nhân dân”.
PHƯƠNG