Thứ Tư, 27/11/2024 01:45 SA
Người đàn bà mê… tiền
Thứ Sáu, 04/02/2011 15:00 CH

Phú Yên nổi tiếng là vùng đất tiền  cổ. Nhưng người đam mê và sưu tập bài bản đầy đủ cả hai loại tiền giấy và tiền xu như chị Trần Thùy Nhiên thì khá hiếm.

 

tien-nguyen110215.jpg

Chị Trần Thùy Nhiên giới thiệu bộ sưu tập tiền xu triều Nguyễn  - Ảnh: K.CHI

 

Bước vào ngôi nhà của chị Nhiên ở phường 3 (TP Tuy Hòa), tôi ngỡ ngàng vì bộ sưu tập tiền xu và tiền giấy cổ, tín phiếu qua các thời kỳ được chị đặt ở phòng trưng bày rất đầy đủ, có hệ thống, đẹp và lạ mắt. Bộ sưu tập này có hầu hết các hiệu tiền của các triều đại phong kiến Việt Nam, bài trí theo 6 chủ đề trải dài theo lịch sử của Việt Nam. Bên cạnh đó còn có một số hiệu tiền nước ngoài.

 

NHỮNG ÐỒNG TIỀN QUÝ HIẾM

 

Chị Nhiên cho biết, bộ sưu tập của chị được trưng bày theo hệ thống, nguyên tắc bảo tàng. Khi bước vào phòng trưng bày, nhìn bên trái, khách sẽ thấy ngay bản đồ Phú Yên được ghép bằng 92 đồng tiền kim loại của Trung Quốc và Việt Nam, bắt đầu từ hiệu tiền “Khai nguyên thông bảo” đời nhà Đường (Trung Quốc) năm 621 đến hiệu tiền “Bảo Đại thông bảo” của triều Nguyễn (Việt Nam) năm 1945; ranh giới giữa các huyện, thị xã, thành phố và biển Đông được ghép bằng những vỏ ốc khai thác ở biển Phú Yên.

 

Từ trái qua phải của bộ sưu tập lần lượt là các loại tiền theo từng thời kỳ phát triển như: chủ đề tiền Trung Quốc với hơn 50 hiệu tiền từ “Khai nguyên thông bảo” (nhà Đường), cho đến “Hồng Vũ thông bảo” (nhà Minh) và “Thánh Tông thông bảo”, “Khang Hy thông bảo” (nhà Thanh)… Chủ đề tiền cổ Việt Nam từ thời Lý đến thời nhà Lê Trung Hưng với nhiều loại tiền của các nhà như: “Càn Phù nguyên bảo”, “Minh Đạo nguyên bảo”, “Trị Bình thông bảo”; triều Trần có “Nguyên Phong thông bảo”… rồi tiền nhà Hồ, Lê Sơ, Mạc, Lê Trung Hưng, thời Tây Sơn, các vua triều Nguyễn… với các hiệu tiền: “Minh Đức thông bảo”, “An Pháp nguyên bảo”, “Thái Bình thông bảo”, “Thái Đức thông bảo”, “Quang Trung thông bảo”… cũng được trưng bày.

 

Điều đặc biệt trong cách trưng bày bộ sưu tập của chị Nhiên là những đồng tiền thời Tây Sơn được sắp đặt giống một cây hoa. Chị cho biết: “Với thời Tây Sơn thì chỉ có 3 hiệu tiền, nhưng theo tìm hiểu lịch sử, thời này rực rỡ, tiền Việt Nam bắt đầu áp đảo thay thế tiền Trung Quốc. Chính vì thế, tôi trang trí tiền thời Tây Sơn giống cây hoa như muốn người xem biết rằng đây là thời kỳ nở hoa trong một giai đoạn lịch sử”. Với những đồng tiền triều Nguyễn, chị Nhiên lấy hình ảnh cổng điện Thái Hòa ở cố đô Huế để trưng bày những đồng tiền “Gia Long thông bảo”, “Minh Mạng thông bảo”, “Tự Đức thông bảo” cho đến đồng tiền xu đúc cuối cùng của triều đại phong kiến Việt Nam: đồng “Bảo Đại thông bảo”. Chị Nhiên nói: “Khi tìm hiểu, tôi mới biết tổng số các loại tiền đồng đúc dưới thời vua Nguyễn có mặt trên đất Phú Yên rất ít về số lượng. Thế nhưng nhờ may mắn mà tôi đã sưu tập tiền xu cổ triều Nguyễn khoảng 800 đồng của 8 niên hiệu, nhiều nhất là đời Minh Mạng. Điều đó giống như mình với tiền xu có một cơ duyên vậy”.

 

Bộ sưu tập của chị Nhiên còn có những tờ tiền giấy đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, được ấn hành năm 1946, có in hình Bác Hồ. Bên cạnh đó còn có các loại tín phiếu Trung Bộ, Nam Bộ giai đoạn 1948-1955; hệ thống tiền những năm xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc (1959-1978); hệ thống tiền của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam giai đoạn 1978-1985. Toàn bộ các hệ thống tiền tệ Việt Nam từ 1946 đến nay được chị Nhiên trưng bày trang trọng ngay giữa phòng trên nền cây hoa sen. Chị bộc bạch: “Tôi muốn bộ sưu tập chủ đề tiền thời Bác Hồ phải rất riêng, gắn liền với hoa sen nên đã nghĩ ra ý tưởng làm một hoa sen để tượng trưng cho đất nước mình”.

 

Trong bộ sưu tập của chị Nhiên, bên cạnh các loại tiền xu còn có mấy bộ tiền giấy mà chị rất quý như bộ ba tiền thời Pháp thuộc như tờ 5 bạc in hình con công, thiếu nữ. Và có cả một số loại tiền cổ các nước trên thế giới.

 

DÙNG TIỀN MUA TIỀN

 

Chị Nhiên cho biết chị đến với việc sưu tập tiền cổ rất tình cờ. Chị kể: “Tôi là cán bộ bảo tàng, làm trong nghề khoảng hơn 20 năm. Trong những năm 1996-1997, khi đi cơ sở, tôi phát hiện trong dân có rất nhiều tiền xu, có nhà có đến mấy bao tiền. Sau đó, được người dân ở huyện Tuy An cho một bụm tiền, tôi đem về nhà cất. Xem tiền, bỗng thấy thú vị với những thắc mắc như: tại sao đồng tiền thời này lại thay thế đồng tiền thời kia, những họa tiết và hoa văn lạ trên những đồng tiền này có ý nghĩa thế nào… Chính những thứ là lạ đó của đồng tiền đã khiến tôi mê sưu tập và nghiên cứu về tiền cổ, tiền tệ lúc nào không hay”.

 

Thế là suốt mấy năm qua, chị Nhiên bỏ công nghiên cứu về tiền. Có dịp là chị lặn lội đến các huyện, các điểm bán ve chai để dò hỏi, mua tiền xu và cả những đồ cổ khác nếu có. Chị kể: “Bộ sưu tập tiền thời Minh Mạng và một số tiền thời nhà Nguyễn đều mua được ở một điểm bán ve chai của huyện Đồng Xuân năm 2005. Lúc đó tôi đến điểm bán ve chai, hỏi xem có gì hay không. Thế là ông chủ đưa xem mấy bao tiền cổ, nhưng hầu hết đều gỉ sét và hoen ố, nên tôi phải ngồi hơn 2 tiếng đồng hồ mà chỉ lựa được chưa đầy 1kg tiền”.

 

Đến đầu năm 2010, khi vừa về hưu, chị Trần Thùy Nhiên tiến hành thực hiện phòng trưng bày các loại tiền xu và tiền giấy ở Phú Yên qua các thời kỳ ngay tại nhà. Hơn 3 tháng sau, phòng trưng bày của chị hoàn thành và thu hút nhiều người.

 

KIM CHI

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Cô giáo ở Trường Sa
Thứ Bảy, 22/01/2011 18:07 CH
Chuyện về bậc trưởng lão 104 tuổi
Thứ Bảy, 08/01/2011 18:00 CH
Khám phá “thủ đô” Trường Sa
Thứ Tư, 05/01/2011 16:30 CH
Tình người nơi đầu con sóng
Thứ Bảy, 25/12/2010 16:00 CH
Châu Âu ký sự
Thứ Bảy, 18/12/2010 19:00 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek