Thứ Tư, 02/10/2024 23:30 CH
Đất nước còn giặc, các con hãy đi đánh giặc
Thứ Tư, 05/01/2011 15:00 CH

Tôi lên huyện miền núi Sơn Hòa (tỉnh Phú Yên) để thăm Bà mẹ Việt Nam anh hùng Hồ Thị Đấy đúng vào dịp mẹ tròn 90 tuổi. Mẹ rất vui đón tôi như đón đứa con trong gia đình đi xa lâu ngày mới trở về. Hiện nay, mẹ đang sống với vợ chồng người con trai thứ 4 - Trần Văn Tịnh ở số nhà 167 đường Trần Phú, thị trấn Củng Sơn, huyện Sơn Hòa. Tuy tuổi đã cao, nhưng mẹ Hồ Thị Đấy vẫn còn khỏe mạnh, đi lại vững vàng, mắt sáng, tai tinh, nói năng lưu loát. Câu chuyện mẹ kể về cuộc đời mình khá tỉ mỉ, không hề nhầm lẫn hoặc sai sót những chi tiết nhỏ.

 

me110105.jpg

Bà mẹ Việt Nam anh hùng Hồ Thị Đấy.

Mẹ Hồ Thị Đấy sinh ra và lớn lên ở xã Sơn Phước huyện Sơn Hòa. Vùng đất khô cằn, đầy khổ cực này đã nuôi nấng, nâng bước mẹ lớn dần. Chưa đầy 10 tuổi, Đấy đã theo cha mẹ đi làm nương rẫy, 12 tuổi, Đấy đã thành thạo công việc nhà nông. Cô gái Hồ Thị Đấy càng lớn càng xinh đẹp, tính tình nết na, hiền dịu, nên bà con trong buôn làng ai cũng yêu mến. 15 tuổi, Đấy cao ráo khỏe mạnh và duyên dáng, nhiều chàng trai thường xuyên ngấp nghé trước cổng nhà, hoặc đón đường tán tỉnh khi thấy Đấy đi làm nương rẫy trở về nhà.

 

Hồi đó, có một chàng trai tên là Trần Song ở xã Sơn Bình, vóc người cao lớn, khỏe mạnh hiền hậu, đẹp trai, tuy ở hai xã khác nhau nhưng thỉnh thoảng, Hồ Thị Đấy vẫn gặp Trần Song lúc đi làm ruộng hoặc những đêm lễ hội của đồng bào dân tộc hoặc những ngày tết nhất. Dường như duyên số đã được ông trời định đoạt nên hai người yêu nhau tha thiết.

 

Tháng 1/1939, cả hai đều vừa tròn 18 tuổi và được hai bên gia đình đồng ý kết hôn. Họ sinh được 5 người con: Trần Xuân Bình, sinh năm 1940; Trần Thị Thúy Liễu, sinh năm 1948; Trần Văn An, sinh năm 1952, Trần Văn Tịnh sinh năm 1955 và Trần Thị Hương sinh năm 1960.

 

Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 ông Trần Song thoát ly tham gia hoạt động cách mạng ở địa phương, sau đó thì xung phong nhập ngũ vào quân đội. Trong một trận chống địch càn quét, Trần Song bị địch bắt và giam ở nhà tù Phú Đức (nay thuộc xã Đức Bình Tây, huyện Sông Hinh). Năm 1954, trong chiến dịch Át-lăng, bộ đội ta đánh chiếm đồn Đức Bình Tây và giải phóng tù nhân ở nhà tù Đức Bình Tây, Trần Song tiếp tục tham gia công tác cách mạng. Năm 1959 ông thoát ly ra vùng căn cứ cách mạng hoạt động trong những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước cho đến ngày tỉnh Phú Yên được giải phóng.

 

Chồng đi bộ đội, rồi thoát ly hoạt động cách mạng, ngoài công việc ở nhà như làm nương rẫy, ruộng vườn để có củ khoai, quả bắp nuôi sống cả nhà, mẹ Đấy còn chăm sóc dạy bảo một đàn con khôn lớn để rồi khi có đủ điều kiện mẹ lần lượt tiễn đưa các con lên đường ra mặt trận. Lần nào cũng vậy, mẹ chỉ nói có một câu: “Đất nước còn giặc, các con hãy đi đánh giặc”. Lời nói mộc mạc, giản dị của người mẹ chân lấm tay bùn ấy như một mệnh lệnh thúc giục các anh, các chị trong gia đình nối tiếp nhau ra tiền tuyến.

 

Anh Trần Xuân Bình, người anh cả trong gia đình xung phong nhập ngũ tháng 1/1960 lúc tròn 20 tuổi, vừa cưới vợ được vài tháng, được biên chế vào làm chiến sĩ bộ đội địa phương huyện Sơn Hòa. Là bộ đội địa phương của huyện nên thỉnh thoảng có dịp đi công tác, Bình được cấp trên cho phép ghé về nhà thăm mẹ và người vợ hiền vừa mới cưới. Bình chiến đấu rất dũng cảm nên từ một xạ thủ trung liên, anh được đề bạt làm tiểu đội trưởng hỏa lực. Trong trận chiến đấu đánh vào đồn lính ngụy ở Hòn Một, thôn Bắc Lý, xã Sơn Bình (nay là thị trấn Củng Sơn) ngày 6/6/1965, đại đội của anh do Đại đội trưởng Phạm Duy Giai (Ba Lệnh) chỉ huy đã tiêu diệt hoàn toàn bọn địch trong đồn. Trên đường rút về căn cứ tập kết, Trần Xuân Bình đi đầu đội hình đơn vị bị đạp phải mìn của địch gài trên đường nên đã anh dũng hy sinh.

 

Anh Trần Văn An thoát ly gia đình xung phong vào bộ đội tháng 1/1970 khi vừa tròn 18 tuổi. An được điều đồng về làm chiến sĩ bộ đội địa phương huyện Sơn Hòa. An luôn tâm niệm trong lòng: “Đây là đơn vị cũ của người anh ruột mình Trần Xuân Bình cách đây 10 năm, mình phải noi gương anh, phát huy truyền thống chiến đấu kiên cường dũng cảm của anh, không được một phút, một giây do dự, chùn bước…”.

 

Ngày 15/7/1972, Đại đội 2 bộ đội địa phương huyện Sơn Hòa phối hợp với lực lượng dân quân du kích các buôn làng thuộc xã Đức Bình Tây huyện Tây Nam (nay là huyện Sông Hinh) đánh tiêu diệt một đại đội bảo an địch, giải phóng ấp Mả Vôi buôn Dù. Trận chiến đấu ấy Trần Văn An ôm bộc phá lao lên đánh tan một ổ đại liên của địch đang cố thủ sau một cái ụ mối tạo điều kiện cho đơn vị ào ạt xung phong đánh chiếm cứ điểm cuối cùng. Và Trần Văn An đã anh dũng hy sinh sau khi hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

 

Chị Trần Thị Thúy Liễu là con gái cũng là cánh tay phải của mẹ trong gia đình. Liễu đắn đo mãi việc có nên thoát ly gia đình đi bộ đội hay không, vì mẹ ngày càng già yếu, bọn địch càn quét liên miên, gia đình phải liên tục sơ tán, Liễu ra đi, việc nhà ai đỡ đần giúp mẹ. Một hôm Liễu mạnh dạn tâm sự với mẹ:

 

- Mẹ ơi, cuộc chiến đấu giữa ta và địch ngày càng quyết liệt, chưa biết lúc nào mới kết thúc. Con muốn xung phong nhập ngũ để góp một phần công sức của mình vào cuộc chiến đấu này nhưng suy đi, nghĩ lại con thấy còn nhiều điều băn khoăn quá, nên con xin ý kiến của mẹ!

 

Mẹ Đấy tươi cười và cốc yêu vào đầu con gái, nói:

 

- Mẹ biết điều con còn băn khoăn đó rồi. Con lo cho cha già, mẹ yếu ở nhà không ai chăm sóc chớ gì? Mẹ đã từng nói: “Đất nước còn giặc, các con hãy đi đánh giặc!”. Nhà mình được trời đất phù hộ nên cha mẹ sinh được khá đông anh chị em. Các con đã lớn khôn, trưởng thành, đứa nào nhận thấy thoát ly đi làm cách mạng được thì cứ ra đi. Cha mẹ rất vui lòng. Phận con là con gái, con băn khoăn điều đó là chính đáng. Nhưng trong lúc đất nước đang rất cần người cầm súng đánh giặc, con phải ra đi là đúng rồi. Ở nhà cha mẹ còn có bà con hàng xóm. Với lại cha mẹ đều còn khỏe mạnh cả, còn đừng lo gì hết. Mẹ đồng ý để con lên đường…

 

Ngày 1/1/1968, Trần Thị Thúy Liễu xung phong nhập ngũ. Liễu được biên chế về làm lính hậu cần của Tỉnh đội Phú Yên. Sau đó Liễu được chọn đi học một lớp y tá. Tốt nghiệp lớp y tá, Liễu được phân công về công tác khu căn cứ Trạm xá Trúc Bạch (ở Sơn Định - Phước Tân). Do điều kiện thiên nhiên rừng thiêng nước độc và thường xuyên hứng chịu chất độc hóa học do máy bay địch rải xuống nên Liễu bị bệnh nặng và qua đời ngày 1/1/1975. Liễu được Nhà nước công nhận là liệt sĩ vì sự hy sinh, cống hiến đến hơi thở cuối cùng của người chiến sĩ quân đội nhân dân Việt Nam.

 

Mẹ Hồ Thị Đấy với đôi bàn tay gầy gò, xương xẩu, run run nắm lấy tay tôi xúc động nói:

 

- Đó là 3 đứa con của mẹ đẻ ra, nó đã ra đi mãi mãi. Nhưng còn một đứa con gái nữa cũng đã hy sinh rồi, nếu hôm nay mẹ không nói với con về sự hy sinh của nó thì nó sẽ rất tủi thân. Đó là Nguyễn Thị Xuân quê ở thôn Phú Khánh, xã Hòa Tân Tây là vợ của người con trai cả của mẹ là Trần Xuân Bình. Cưới hỏi nhau mới được vài tháng thì Bình xung phong đi bộ đội rồi chiến đấu hy sinh. Chồng mất rồi, nó vẫn ở lại nhà mẹ làm lụng siêng năng, chăm chỉ hết lòng chăm lo phụng dưỡng cha mẹ chồng và lo toan mọi công việc gia đình bên chồng. Thật là một đứa con dâu ngoan ngoãn, hiếu thảo. Tháng 9/1968, Xuân xung phong nhập ngũ. Được Ban Chỉ huy Huyện đội Tuy Hòa cho đi học một lớp y tá, ra trường về phục vụ ở Khu căn cứ cách mạng Bãi Xép. Trong chuyến đi công tác ra cửa khẩu mua thuốc men về phục vụ cơ quan, Xuân đạp phải mìn của địch gài trên đường đi nên đã hy sinh ngày 1/1/1969. Tội nghiệp cho nó vô cùng - Mẹ lại ôm mặt khóc nức nở…

 

Mẹ Hồ Thị Đấy được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng (Quyết định số 394-KT/CTN ngày 17/12/1994). Ban Chỉ huy quân sự Huyện đội Sơn Hòa là đơn vị nhận phụng dưỡng mẹ suốt đời. Các đồng chí lãnh đạo Huyện ủy và UBND huyện Sơn Hòa cho biết: Mẹ Hồ Thị Đấy là một người mẹ kiên cường bất khuất, yêu nước thiết tha, liên tục tiễn đưa những người thân trong gia đình mình ra trận. Ở nhà mẹ chịu thương, chịu khó làm ruộng, làm rẫy để nuôi gia đình và còn tham gia công tác phụ nữ kháng chiến ở địa phương. Mẹ sống có tình, có nghĩa, thương yêu, giúp đỡ mọi người xung quanh, gương mẫu chấp hành và động viên con cháu nghiêm túc chấp hành tốt mọi chủ trương, đường lối chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước. Mẹ luôn giáo dục con cháu là phải giữ gìn và phát huy truyền thống cách mạng của gia đình, của quê hương để hoàn thành tốt nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới.

 

Mẹ Hồ Thị Đấy thường tâm sự: “Không có sự hy sinh to lớn như vậy thì không thể có độc lập, tự do, không thể có ngày thống nhất Tổ quốc và hòa bình xây dựng đất nước như ngày hôm nay. Gia đình tui hy sinh 4 người con, nhưng thấm vào đâu so với gia đình mẹ Rành ở Củ Chi, mẹ Thứ ở Đà Nẵng đã hy sinh hàng chục người con trong cuộc kháng chiến ác liệt này”.

 

Truyện ký: TÔ PHƯƠNG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Tình người nơi đầu con sóng
Thứ Bảy, 25/12/2010 16:00 CH
Châu Âu ký sự
Thứ Bảy, 18/12/2010 19:00 CH
Người mẹ ở huyện Đất Đỏ
Thứ Bảy, 11/12/2010 15:20 CH
Nghị lực sống
Thứ Bảy, 04/12/2010 13:30 CH
Ra biển câu mực
Thứ Bảy, 27/11/2010 16:00 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek