“Trong ba cái tết tại Trường Sa, tết này chắc là vui hơn cả. Vì tôi vừa vinh dự đứng vào hàng ngũ của Đảng, được nhận nhiều quà tết từ đất liền và chuẩn bị có em bé”. Đó là tâm sự của cô giáo Bùi Thị Nhung ở thị trấn Trường Sa.
Cô giáo Nhung ở lớp học “5 trong 1” - Ảnh: A.BANG |
CỨ TƯỞNG CHUYỆN ĐÙA
Sau khi tốt nghiệp khoa Tiểu học Trường Cao đẳng Sư phạm Nha Trang, Bùi Thị Nhung xin về vùng núi Khánh Hòa dạy học, sau đó chuyển công tác về Trường tiểu học Suối Cát (huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa), còn chồng - anh Đặng Thanh Chương là công nhân Xí nghiệp cát trắng Cam Ranh. Hai vợ chồng có cô con gái xinh xắn tên Phương An, một mái nhà nhỏ, thu nhập đủ cho cuộc sống ở vùng quê. Và cuộc sống của cô giáo Nhung chắc sẽ cứ thế trôi đi, nếu không có một ngày tình cờ nghe chuyện đảo Trường Sa đang có nhiều trẻ em không biết chữ. Cô giáo Nhung kể: “Hay tin Trường Sa cần giáo viên, tôi đã lên gặp các chú lãnh đạo trên huyện để xin ra đây. Mới đầu các chú nói ở ngoài đó xa đất liền, điều kiện còn khó khăn, còn tôi lại có con nhỏ, lúc đó mới 3 tháng tuổi, liệu có chịu được không? Tôi nói: “Cháu là giáo viên nên ở đâu có các em học sinh cần giáo viên cháu cũng đến để dạy chữ cho các em. Vậy là các chú ấy đồng ý cho tôi đi”.
Khi được hỏi rằng anh Chương có phản ứng gì trước quyết định “lạ đời” của vợ, cô giáo Nhung cười: “Chồng tôi tưởng tôi nói đùa!”. Anh Chương nhớ lại: “Nghe vợ bảo đi ra đảo, ban đầu tôi cứ tưởng vợ đùa. Nhưng khi biết đây là ý định nghiêm túc, tôi cũng suy nghĩ rồi ủng hộ vì hiểu mong muốn của vợ. Lúc đó tôi nói vui, ở trong đất liền thì lương anh đủ nuôi em và con, còn ra đó thì em nuôi anh nhé!”. Bố mẹ hai bên, khi biết chuyện của đôi vợ chồng trẻ, cũng không ngăn cản nhiều, chỉ dặn mỗi câu: “Đã đi thì phải sống hết mình nơi quê hương mới”. Vậy là gia đình trẻ mang hành trang ra đảo.
“Thú thật, hồi đó tôi cũng trăn trở, lo lắng, hồi hộp... Tôi nghĩ ở đảo chắc chỉ có cát và san hô, nắng nóng chứ không nghĩ ở đây vẫn đầy màu xanh của cây, không gian rộng và rất đẹp, khác rất nhiều với sự tưởng tượng của tôi” - cô giáo Nhung nói. Câu chuyện giữa quá khứ, hiện tại cứ đan xen. Và tôi nhận ra một điều là cô giáo trẻ này không hề hối tiếc vì đã đi ra đảo.
NGƯỜI MẸ HIỀN Ở LỚP
Đến thị trấn Trường Sa, chúng tôi dự một lớp học thật đặc biệt, lớp học “5 trong 1” của cô giáo Nhung. Có lẽ, chỉ ở Trường Sa mới có lớp học đặc biệt như vậy. Cô giáo Nhung cùng lúc chủ nhiệm năm lớp “kiêm” hiệu trưởng. Cô như người mẹ của những đứa trẻ ở đảo. Vừa hướng dẫn các em học sinh lớp 4 làm bài tập, cô giáo - hiệu trưởng quay sang kiểm tra môn tập viết cho học sinh lớp 1, lớp 2, sau đó hướng dẫn các cháu mẫu giáo rèn chữ. Mỗi khi các em nhỏ bị anh chị “ăn hiếp”, cô giáo lại dỗ dành. Cứ thế, ba năm nay, vượt lên trên tất cả khó khăn, mỗi ngày hai buổi, cô giáo trẻ đều đặn lên lớp để gieo chữ cho những chủ nhân tương lai của đảo.
Các em bé học lớp mầm, lớp chồi, lớp 1, lớp 2, lớp 4; Tất cả học chung trong một phòng. Mặc dù học sinh không đông, nhưng chương trình, giáo án đều được thực hiện theo đúng quy định của Bộ Giáo dục - Đào tạo. Cô Nhung nói: “Học sinh trên đảo rất ham học, tiếp thu bài vở không thua kém học sinh ở đất liền. Kết quả cuối năm của các em đều đạt điểm khá, giỏi”.
Ở nơi đầu sóng ngọn gió, sự nghiệp giáo dục gặp muôn vàn khó khăn. Điều mà cô giáo Nhung mong mỏi nhất là ở Trường Sa có một trường tiểu học để các em học sinh được học hết cấp một trên đảo. Cô Nhung nói: “Nếu được học hết cấp một tại đảo, khi về đất liền, các em sẽ học tốt hơn, ít bỡ ngỡ hơn. Lâu nay, các em học sinh ở đảo chỉ được học đến lớp 4 thì về đất liền học tiếp”.
Cô giáo Nhung dỗ dành học trò nhỏ khi bị các anh chị học chung bắt nạt - Ảnh: A.BANG |
ĐÓN XUÂN MỚI, NIỀM VUI MỚI
Ngày mới ra đảo, cuộc sống, điều kiện sinh hoạt và công tác của cô giáo Bùi Thị Nhung gặp không ít khó khăn, bỡ ngỡ. Cơ sở vật chất tại Trường Sa còn thiếu thốn, thông tin liên lạc với đất liền còn cách trở… Tuy nhiên, bằng sự nhiệt tình của tuổi trẻ và tình yêu trong sáng dành cho học trò, cộng với sự quan tâm của các cấp chính quyền và nhân dân, cô giáo Bùi Thị Nhung đã vượt lên mọi khó khăn, thử thách, hoàn thành tốt nhiệm vụ. Cô tâm sự rằng muốn gắn bó lâu dài với huyện đảo này và làm được nhiều điều hơn nữa cho học sinh ở Trường Sa.
Những nỗ lực của cô Nhung đã được Đảng ủy, chính quyền thị trấn ghi nhận. Đầu tháng 1 vừa qua, Đảng ủy thị trấn Trường Sa đã nạp cô giáo Bùi Thị Nhung vào Đảng. Tại buổi lễ, nhận quyết định kết nạp Đảng, cô giáo 30 tuổi đã bật khóc, phát biểu: “Được đứng vào hàng ngũ của Đảng là một vinh dự, hạnh phúc của bản thân và gia đình. Tôi xin hứa sẽ cố gắng nhiều hơn nữa để luôn hoàn thành nhiệm vụ, xứng đáng với niềm tin của Đảng và cấp trên”.
Tháng 4 tới, gia đình nhỏ của cô giáo Nhung sẽ đón một thành viên mới. Bé trai chào đời sẽ nhân đôi niềm vui của đôi vợ chồng trẻ.
Ngày mới ở thị trấn Trường Sa thật yên bình. Xen lẫn tiếng sóng vỗ rì rào là tiếng học trò bi bô đánh vần, làm toán. Giữa biển khơi đầy nắng và gió, từ tình yêu thương và nhiệt huyết của cô giáo Bùi Thị Nhung, các học trò ở Trường Sa đang ra sức học tập. Cùng với những nỗ lực bảo vệ vùng biển, đảo, thềm lục địa của Tổ quốc của bộ đội Cụ Hồ, cô giáo Nhung cũng đang nỗ lực vì sự nghiệp trồng người trên đảo.
AN BANG