Thứ Tư, 02/10/2024 23:23 CH
Tháng năm, đến với Trường Sa thân yêu!
Kỳ II: Ngày và đêm trên đảo Trường Sa Lớn
Thứ Sáu, 23/05/2008 15:00 CH

Kỳ I: Nhật ký hải trình

 

Cảm giác nôn nao, háo hức đến với một phần Tổ quốc thiêng liêng như thôi thúc tôi cùng nhiều thành viên trong đoàn lần lượt thức dậy từ 4 giờ sáng để lên boong tàu ngồi chờ giây phút được nhìn thấy đảo. Bình minh, bất chợt những con cá heo tung mình uốn lượn trên mặt biển như chào đón những người khách của biển cả.

 

080523-dao-tsa-lon.jpg

Một góc đảo Trường Sa Lớn

 

Rồi loa tàu phát ra thông báo: “Toàn tàu chú ý, chú ý toàn tàu, đảo Trường Sa Lớn – nơi mà lính hải quân gọi là “Thủ đô” của quần đảo Trường Sa, đang dần hiện ra trước mặt chúng ta”... Rồi đảo Trường Sa Lớn nổi lên như một pháo đài sừng sững kiên trung giữa biển Đông. Khi con tàu hú lên ba hồi còi dài chào đảo và cập bến, mọi người cùng nhau lên đảo. Tàu ra đồng nghĩa với việc mang đến cho đảo một luồng sinh khí mới, những cái bắt tay ghì siết, những lời thăm hỏi, động viên, trao quà cho cán bộ, quân dân, và lời ca tiếng hát vang lên sôi nổi…  Ôi, Trường Sa, một phần thiêng liêng của Tổ quốc ta, vậy là tôi đã đến, đã sống trọn vẹn một ngày đêm trên đất mẹ giữa trùng khơi!

 

XANH NGÁT Ở “THỦ ĐÔ” TRƯỜNG SA

 

Ở Trường Sa Lớn, tôi ngỡ ngàng và ấn tượng trước một màu xanh bao trùm cả đảo. Màu xanh non, mát dịu ấy của đảo nổi bật hẳn lên trên nền xanh thẫm của biển cả bao la. Chính trị viên, trung tá Mai Văn Thuyết cho tôi biết, nếu như từ buổi sơ khai đảo với những mỏm đá san hô nhấp nhô và sau ngày giải phóng, đảo Trường Sa Lớn chỉ là một “đảo nhỏ quá, nói một câu đã hết” với bãi cát, vụn san hô, lơ thơ vài vạt cây cối, phơi mình trong nắng gió, thì bây giờ lớp san hô đã dần giấu mặt trong chút đất ít ỏi gom góp qua những tháng năm dài, nhường chỗ cho một vùng cây xanh đã “phủ xanh” khắp đảo. “Đặc sản” của đảo là những cây phong ba, bão táp, bàng vuông. Cây phong ba là cây dũng mãnh nhất của đảo, “chúa” của các loài cây về sức chống chọi với khí hậu khắc nghiệt, gió muối, giông bão của đảo xa; mùa này cây phong ba đâm những chùm lá non đầy lông măng trắng mơ màng trong nắng. Những cây bàng vuông trông điệu đà ưỡn thân ra đón gió; những cây tra cồng kềnh... Nhiều nhất là cây bão táp được trồng thành từng bụi ở xung quanh đảo với những chiếc lá như lá cây hoa sứ, nhưng mỏng hơn và to gấp nhiều lần.

 

Trong bóng mát cây xanh, dưới chân bia chủ quyền trên đảo, Đảo trưởng Trường Sa Lớn có cái tên nghe rất biển cả: Nguyễn Đại Dương, cấp bậc thượng tá, tâm sự, ngoài trồng cây xanh, các chiến sĩ đã trồng nhiều loại rau xanh như mồng tơi, cải, rau muống, chăn nuôi các loại gia súc, gia cầm… tương đối đảm bảo cung ứng tại chỗ. Vào mùa nắng, biển lặng, trung bình mỗi cán bộ, chiến sĩ tăng gia được gần 15kg rau, còn mùa biển động lượng rau cũng được phân nửa mùa nắng. Ở đây, xương rồng cũng ăn được, có thể nấu lẩu ăn khá ngon. Đó là giống xương rồng Mexico mà một đồng chí lãnh đạo cấp cao của nước ta trong lần ra thăm đã tặng cho cán bộ, chiến sĩ  của đảo. Cơ sở vật chất, hạ tầng trên đảo ngày càng được củng cố, cơ bản đáp ứng nhu cầu phòng thủ và phục vụ sinh hoạt của quân và dân. Ở đảo cũng đã liên lạc được bằng sóng điện thoại di động nên khoảng cách giữa đảo với đất liền như “níu” lại rất gần nhau!... “Để có được những thành quả trên, không ít mồ hôi, nước mắt và cả xương máu của biết bao người con nước Việt đã đổ xuống nơi đây để gìn giữ và xây dựng quần đảo này!” – “Đảo trưởng” Nguyễn Đại Dương bộc bạch.

 

Trường Sa Lớn ở vị trí 08038’25’’ vĩ độ Bắc, 1110 55’00’’ kinh độ Đông - nơi đã từng in dấu ấn của những đoàn tàu không số trên con đường huyền thoại Hồ Chí Minh trên biển ngày nào, chi viện vũ khí trang bị cho chiến trường miền Nam, chia lửa với miền Nam, bây giờ trở thành “Thủ đô” của quần đảo Trường Sa “mạnh về phòng thủ, xanh đẹp về cảnh quan môi trường”, là điểm dừng chân lý tưởng cho các con tàu vượt qua “quần đảo bão tố”!...

 

080523-trung-lien.jpg

Các chiến sĩ đảo Trường Sa Lớn đang canh gác bảo vệ lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc  – Ảnh: N.LƯU

 

ĐÊM TRỌN TÌNH VỚI LÍNH ĐẢO

 

Sau bữa cơm chiều với lính đảo, bóng đêm lan dần trên mặt biển rồi bao phủ khắp đảo. Đêm giữa biển trùng khơi, mọi thứ đều trở nên kỳ bí, nhưng không khí trên đảo như vỡ ra, bởi chương trình văn nghệ với những cung bậc âm thanh vang xa và lời ca tiếng hát át cả tiếng sóng. Bên cột mốc chủ quyền dưới lá cờ Tổ quốc bay phần phật, bên vòng vây của lính đảo, tôi nghe binh nhất Trịnh Minh Tâm (quê ở Cam Ranh, Khánh Hòa) gào to câu thơ của nhà thơ Trần Đăng Khoa: “Nào hát lên cho đêm tối biết/ Rằng tình yêu sáng trong ngực ta đây/ Ta đứng vững trên đảo xa sóng gió/ Tổ quốc Việt Nam bắt đầu ở nơi này…”. Không sân khấu, không phông màn, không ánh đèn rực rỡ, các nữ văn công của Đoàn quân chủng Hải quân đã nắm lấy bàn tay các chiến sĩ và hát say sưa, hát thật hết mình, thật nồng nàn, như chứa đựng cả tâm tình của người đất liền với đảo xa. Khi đón nhận những cành hoa bàng vuông, hoa ốc biển, hoa cải… từ tay các chiến sĩ, ca sĩ Nhật Huyền cay cay đôi mắt, ngâm nga mấy dòng thơ tặng lính đảo: “Có một mùa hoa cải/ Nắng vàng trong mê mải/ Có một người con gái/ Đợi anh chưa lấy chồng”… Tôi bắt gặp sự háo hức trên từng khuôn mặt và niềm vui ngời lên trong ánh mắt của những lính đảo. Trung úy Trần Quốc Lưu (quê ở Quảng Bình) tâm sự: “Đêm văn nghệ với “Những giai điệu ngang tàng như gió biển/ Những lời ca toàn nhớ với thương thôi…” là món quà đầy ý nghĩa của các nghệ sĩ gửi tặng quân và dân trên đảo. Những lời ca tiếng hát ấy như món ăn tinh thần tạo động lực cho lính đảo vượt qua muôn ngàn khó khăn để bảo vệ lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc giữa biển Đông…”

 

Đảo xa về khuya càng lạnh, gió thổi khô cả người. Biển mênh mông không một điểm sáng, duy nhất tiếng sóng biển vẫn đều đặn, vẫn ì ầm một nhịp điệu muôn thuở không bao giờ tắt. Ngồi dưới những gốc cây bàng vuông với ánh đèn pin, tôi cùng nhà báo Nguyễn Xuân Thủy (Báo Phòng không Không quân – nguyên là lính chiến đấu ở đảo Trường Sa Lớn trong 2 năm 2000 - 2001) nghe tâm tình của binh nhất Nguyễn Văn Hùng, Nguyễn Khắc Long; trung sĩ Nguyễn Ngọc Hưng; thượng sĩ Nguyễn Bá Dục… Chuyện quê nhà, chuyện ruộng đồng, chuyện biển, chuyện trực chiến trên đảo… như  ùa về cùng đồng đội. Đêm ở biển dường như ngắn lại. Phân đội trưởng chiến đấu cụm 3, trung úy Trần Hùng Cường (28 tuổi, ở Nam Định) bộc bạch: “Biển là nhà, đảo là quê hương - người lính ở đảo cùng đồng cam cộng khổ vượt lên khó khăn để bảo vệ biên cương Tổ quốc, với bao nhiêu kỷ niệm tình đồng chí, đồng đội khó quên. Vào tháng 7/2008 tới đây, em sẽ được vào đất liền, chắc em sẽ nhớ đảo lắm các anh ạ!...”. Thượng sĩ Nguyễn Bá Dục liền đọc tặng người đồng đội bài thơ “Tiễn bạn về đất liền” (Bài này không biết tác giả là ai, nhưng rất nhiều lính đảo đều thuộc lòng và nhà báo Xuân Thủy đã trích nhiều đoạn trong tiểu thuyết của mình: Biển xanh màu lá mạ – PV):

 

Mai bạn về đất liền xa xôi

Chỉ còn đảo với người giữ đảo

Bao năm tháng nắng mưa và giông bão

Những kỷ niệm buồn vui như áng mây trôi

Bạn để lại cho tôi chiếc áo bạc màu

Đôi giày cũ in vết mòn trên cát

Cây đàn gỗ một thời học hát

Quên sao trời mọc qua lúc hoàng hôn…

Rồi sau này sẽ có lúc cô đơn

Ấy là lúc khi bạn buồn nhớ đảo

Bãi san hô tiếng chân người lạo chạo

Đêm tuần tra sao rụng cuối chân trời…

Sắc biển chiều  nay sao tím đến xa vời

Và gió nữa cứ thổi hồi da diết

Sống ở đảo hai ba năm mới biết

Lúc mềm lòng biển cũng ít gào hơn…

Biết bạn buồn đôi mắt đậu hoàng hôn

Lo đồng đội ngày đêm cùng sóng nước

Ba mươi tuổi chưa một lần hẹn ước

Trọn tình yêu với đảo với mây trời

Mai bạn về rồi sẽ đến lượt tôi

Rồi sẽ có những chiều nay như thế

Sóng vẫn thế và biển trời vẫn thế

Như tình người lính đảo chẳng hề phai”

 

Trời đã chuyển về sáng, sương buông lạnh giá, khí lạnh luồn qua những tán bàng vuông, luồn vào lần áo… Vậy mà chúng tôi vẫn thấy những người lính đảo thay nhau đứng gác. Họ là binh nhất Trần Văn Chính; hạ sĩ Đỗ Đăng Tuấn… với tuổi đời mới mười chín đôi mươi, phải sống xa nhà và luôn đối mặt với thời tiết khắc nghiệt trên đảo, nhưng ý chí vững vàng như cây phong ba, luôn ngày đêm cầm chắc tay súng bảo vệ Trường Sa, bảo vệ lá chắn, “phên giậu” của đất nước ở nơi đầu sóng ngọn gió. Sức bền bỉ, kiên trì của những người lính đảo cũng chính là sức dẻo dai, chịu đựng của con người Việt Nam qua bao thăng trầm của lịch sử…

 

Cả đảo đã sống một đêm trọn vẹn với đất mẹ giữa trùng khơi!

 

NGUYÊN LƯU

 

KỲ III: HOA THIÊNG TRÔI TRÊN BIỂN ĐẢO PHAN VINH

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Tháng Năm, đến với Trường Sa thân yêu!
Thứ Năm, 22/05/2008 16:05 CH
31 năm tìm danh hiệu liệt sĩ cho cha
Thứ Tư, 21/05/2008 15:00 CH
Lạc Sanh - Gần mà xa...
Thứ Tư, 14/05/2008 10:00 SA
Kí ức ở Chung Cheong Buk – do
Chủ Nhật, 11/05/2008 15:47 CH
DK1 - Ngôi nhà giữa trùng dương
Thứ Sáu, 09/05/2008 15:00 CH
Nào mình cùng lên xe buýt
Thứ Tư, 07/05/2008 18:00 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek