Thứ Ba, 26/11/2024 15:33 CH
Tháng Năm, đến với Trường Sa thân yêu!
KỲ III:Hoa thiêng trôi trên biển đảo Phan Vinh
Thứ Hai, 26/05/2008 15:42 CH

KỲ I:  Nhật ký hải trình

Kỳ II: Ngày và đêm trên đảo Trường Sa Lớn

 

Đúng vào dịp kỷ niệm 30 năm thành lập Lữ đoàn Trường Sa, 54 năm ngày chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, con tàu HQ 996 đã đến vùng biển đảo mang tên người anh hùng liệt sĩ Nguyễn Phan Vinh, Thuyền trưởng tàu không số, đã anh dũng hy sinh trên con đường huyền thoại - Đường mòn Hồ Chí Minh trên biển. Một lễ viếng đặc biệt đã diễn ra giữa biển khơi để tưởng nhớ các anh hùng đã hy sinh trên vùng biển này...

 

 

080526-THA-HOA.jpg

Thả vòng hoa tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh ở Trường Sa

 

HOA THIÊNG TRÔI TRÊN BIỂN

 

Sau hải trình 4 ngày đêm trên biển, hôm nay là ngày đẹp trời nhất. Mới 6 giờ 30 phút sáng, nắng đã ngập tràn biển khơi. Bầu trời như được đẩy lên cao, xanh thẳm, vời vợi, biển bỗng trở nên dịu dàng, hiền hòa và thân thiện đến kỳ lạ. Mọi người đều lên boong tàu. Sau khi tàu thả neo cách đảo Phan Vinh vài hải lý, loa phát ra thông báo: “Toàn tàu chú ý, chú ý toàn tàu! Lực lượng Quân chủng Hải quân trên tàu chuẩn bị tổ chức một lễ viếng đặc biệt giữa biển khơi…”. Rồi các cán bộ, chiến sĩ cùng thủy thủ đoàn đều trang nghiêm trong quân phục đứng thành hàng dọc theo boong tàu. Thiếu tướng, chuẩn đô đốc Nguyễn Cộng Hòa,  Phó Chính ủy Quân chủng Hải quân, đọc diễn văn tưởng nhớ những người con ưu tú đã mãi mãi nằm lại với biển khơi để gìn giữ trọn vẹn vùng lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc.

 

Cách đây 20 năm, ngày 14/3/1988, trận chiến quyết liệt, quả cảm của cán bộ chiến sĩ Lữ đoàn 146 - Trường Sa anh hùng với hải quân Trung Quốc đã diễn ra trên vùng biển này. Trong lúc bộ đội Trung đoàn 83 công binh của ta đang làm nhiệm vụ vận tải, xây dựng các công trình bảo vệ đảo Len Đao, Cô Lin, Gạc Ma, hải quân Trung Quốc đã bất ngờ tấn công, bắn chìm ba tàu vận tải của hải quân Việt Nam và sau đó Trung Quốc chiếm giữ 6 đảo nhỏ trong một vùng từng nằm dưới sự quản lý của Việt Nam. Trong cuộc chiến đấu hào hùng để bảo vệ đảo năm ấy, 74 người con của đất nước đã anh dũng hy sinh. Nỗi đau lớn nhất của những người lính đảo là có ít nhất 64 chiến sĩ đã hòa mình vào đại dương bao la, mãi mãi không thể tìm thấy xác họ. Các con tàu 505, 604, 605 (Lữ đoàn 125) đã đi vào huyền thoại của Hải quân Vùng 4… Thế hệ những người lính đảo hôm nay luôn học tập và noi theo tấm gương của các anh hùng, như liệt sĩ Trần Đức Thông (Lữ đoàn 146), Trần Văn Phương (Chỉ huy trưởng đảo Gạc Ma), Vũ Phi Trừ (thuyền trưởng tàu HQ 605),…

 

Khi thiếu tướng, chuẩn đô đốc Nguyễn Cộng Hòa nhắc đến câu nói của liệt sĩ Trần Văn Phương: “Không được lùi bước trước quân thù, phải để máu mình tô thắm lá cờ Tổ quốc và truyền thống vinh quang của quân chủng”…, trên boong tàu, ai cũng lắng lòng, thành kính trước sự gan dạ, hy sinh cao cả của đảo trưởng Gạc Ma ngày nào! Chị Trần Thị Thúy Hằng – cán bộ trẻ ở Tỉnh Đoàn Sóc Trăng nghẹn giọng: “Có đi như thế này, tôi mới hiểu được sâu sắc truyền thống đấu tranh anh dũng của ông cha ta để bảo vệ lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc. Có đến với lính đảo, có chứng kiến lễ viếng giữa trùng khơi, tôi mới cảm thấy giá trị của những năm tháng tuổi trẻ. Và chắc hẳn từ đây trong suy nghĩ của tôi sẽ thay đổi rất nhiều, chứ không sống khép mình nơi phố xá chật hẹp, nhìn cuộc đời chật hẹp mà cứ nghĩ mình đang sống trong biển lớn…”.

 

Trên boong tàu, từng nén hương được thắp lên chuyền tay nhau từ những đồng đội để thả xuống biển lặng. Chiếc vòng hoa đủ màu sắc duy nhất được trân trọng thả nhẹ nhàng xuống biển. Sóng như nhẹ hơn, nâng niu vòng hoa trôi bồng bềnh về phía biển mặt trời! Bất chợt ở phía xa cách tàu vài trăm mét, xuất hiện đàn cá heo cứ lượn lờ trên mặt nước như muốn bảo vệ vòng hoa thiêng tưởng niệm hương hồn các anh hùng đã hy sinh trên vùng biển này...

 

VỮNG VÀNG TAY SÚNG Ở ĐẢO MANG TÊN NGƯỜI ANH HÙNG

 

Sau lễ viếng đặc biệt, từng tốp người xuống những con thuyền nhỏ để vào đảo Phan Vinh (Điểm A). Đảo Phan Vinh trước đây còn có tên là đảo Hòn Sập, nằm ở vị trí 0805846’’ vĩ độ Bắc, 1140 4130’’ kinh độ Đông. Tôi zoom ống kính máy ảnh từ xa và thấy đảo nằm trên một nền san hô hình vành khuyên dài khoảng 5 hải lý theo hướng Đông Bắc, ở phía Tây có một xác tàu đắm nhô cao trên mặt nước biển. Trong khi thuyền vào đảo, nhiều chiến sĩ ra tận cầu cảng hồ hởi đón khách, mừng rỡ nhận quà, nhận thư nhà, người thân…, thì ở từng góc đảo, nơi những cây phong ba cao xâm xấp mặt người, một số chiến sĩ vẫn thầm lặng tuần tra canh giữ biển đảo. Thiếu úy Cao Đăng Hưu, khẩu đội trưởng 12 ly 7, bộc bạch: “Niềm vui của mỗi người lính được nhân lên mỗi khi được gặp “người đất liền” ra thăm đảo, nhưng vì nhiệm vụ, người lính phải đứng gác ở nơi “tiền tiêu” này”. Đảo trưởng Phan Vinh, thiếu tá Phạm Văn Hiến cho biết, cán bộ, chiến sĩ đảo Phan Vinh rất vinh dự, tự hào khi được sống và chiến đấu trên đảo mang tên anh hùng liệt sĩ Nguyễn Phan Vinh. Ở đây, máy bay và tàu thuyền của đối phương vẫn thường xuyên xâm phạm và tiến hành trinh sát các đảo của ta, vậy nên trong bất cứ hoàn cảnh nào, lính đảo luôn phải sát cánh bên nhau vững vàng tay súng để bảo vệ vùng biển trời của Tổ quốc.

 

KỲ IV: CHUYỆN Ở HAI ĐẢO CHÌM

 

GẶP ĐỒNG HƯƠNG GIỮA ĐẢO XA

 

080526-chien-si-Quan1.jpg

Đoàn Phú Yên thăm hỏi chiến sĩ Quân, quê Phú Yên, đang làm nhiệm vụ tại đảo Phan Vinh   – Ảnh: N.LƯU

Gần trưa ở đảo Phan Vinh, tôi trao món quà nhỏ của Tòa soạn Báo Phú Yên cho nhóm các chiến sĩ trẻ Nguyễn Anh Tiệp, Lê Xuân Thứ, Nguyễn Văn Hân… Trung sĩ Thứ tươi cười nói lời cảm ơn những tấm lòng ở hậu phương, rồi Thứ đọc cho tôi nghe mấy câu thơ do mình sáng tác với tâm trạng nhớ nhà da diết: “…Đảo xa có thiếu gì đâu/Chỉ thiếu tiếng mẹ ví dầu… ầu ơ!/Thèm nghe tiếng gọi trẻ thơ/Bố ơi cô Tấm trong mơ hiện về/Nằm nghe sóng vỗ bốn bề/ Lòng tha thiết nhớ con đê làng mình…”. Chợt một giọng rất “xứ nẫu” hỏi to: “Anh có phải là người Phú Yên không? “Vâng” – Tôi trả lời. “Em cũng ở quê Phú Yên đây, gặp người đồng hương rồi, vui quá!”. Tôi bất ngờ nhìn người lính trẻ mang quân hàm trung sĩ, với gương mặt chai sạm nắng gió, nụ cười bẽn lẽn như con gái. Qua chuyện trò thân mật, người lính tự giới thiệu tên là Biện Văn Quân, 23 tuổi, ở khu phố 10, thị trấn Hai Riêng, huyện Sông Hinh. Quân cho hay: “Công tác ở đảo dù vất vả bao nhiêu cũng cố gắng hoàn thành nhiệm vụ, nhưng em nhớ nhà nhiều lắm. Mấy tháng nay, em nhận được nhiều thư từ bạn bè, song không nhận được lá thư nào của gia đình, người yêu…”. Thế rồi Quân tranh thủ thời gian ngắn ngồi vào bàn vội vã viết lá thư gửi đoàn Phú Yên mang về chuyển giùm cho người yêu ở huyện Sông Hinh.

 

Thế nhưng không kịp thời gian, bởi loa đảo thông báo mọi người ra thuyền để tiếp tục cuộc hải trình đến với các đảo trên quần đảo Trường Sa. Vậy là đành tạm biệt người đồng hương, tạm biệt những người lính luôn vững vàng tay súng ở đảo mang tên người anh hùng Phan Vinh!

 

NGUYÊN LƯU

 

 

 

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Tháng Năm, đến với Trường Sa thân yêu!
Thứ Năm, 22/05/2008 16:05 CH
31 năm tìm danh hiệu liệt sĩ cho cha
Thứ Tư, 21/05/2008 15:00 CH
Lạc Sanh - Gần mà xa...
Thứ Tư, 14/05/2008 10:00 SA
Kí ức ở Chung Cheong Buk – do
Chủ Nhật, 11/05/2008 15:47 CH
DK1 - Ngôi nhà giữa trùng dương
Thứ Sáu, 09/05/2008 15:00 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek