Thứ Tư, 02/10/2024 23:33 CH
Tháng Năm, đến với Trường Sa thân yêu!
Thứ Năm, 22/05/2008 16:05 CH

Trường Sa! Đó là tiếng gọi thiêng liêng của hàng triệu trái tim luôn hướng về phía biển đảo. Nơi ấy có những chiến sĩ “Đứng canh ngày canh đêm/Ngoài xa vời hải đảo.../Mặc nắng mưa gió bão/Cây súng chú chắc tay/Quân thù mà ló mặt/Biển lớn sẽ vùi thây” để gìn giữ biên cương của Tổ quốc. Những ngày tháng 5, nhân kỷ niệm 33 năm ngày giải phóng miền Nam và giải phóng Trường Sa, 30 năm thành lập Lữ đoàn Trường Sa, chúng tôi cùng đoàn công tác Bộ tư lệnh Hải quân và các tỉnh thành phố trong cả nước do thiếu tướng, Chuẩn đô đốc Nguyễn Cộng Hòa - Phó Chính ủy Quân chủng Hải quân dẫn đầu, lên tàu HQ 996 từ bến cảng Ba Son (TP Hồ Chí Minh) vượt sóng gió trùng khơi để đến thăm, động viên quân và dân trên huyện đảo Trường Sa (Khánh Hòa) và thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc.

 

080522-dao-tsa-lon2.jpg
Phóng viên Nguyên Lưu ở Trường Sa
KỲ I:  Nhật ký hải trình

 

Cảng Ba Son, ngày… tháng 5 năm 2008

 

Buổi sáng ở cảng Ba Son, trời gió nhẹ và mưa rả rích. Không hiểu sao cứ mỗi lần tôi lên tàu ra khơi, dù đang mùa nắng nóng, cơn mưa lại bất chợt ập đến! Thế mới biết, “Mưa rơi gió thổi bao giờ thiếu!”. Tôi bỗng nhớ đến bài hát “Rhythm of the rain” – Vũ khúc của mưa. Những âm điệu dạt dào tình cảm như vang lên trên boong tàu: Hạt mưa, hạt mưa… mưa rơi… mưa rơi… Đúng 10 giờ sáng, con tàu HQ 996 hú ba hồi còi dài rồi vươn mình chuyển động rời cảng Ba Son hướng về phía biển. Và mặc cho mưa rơi, tôi bắt gặp những chiến sĩ Quân chủng hải quân đã dàn hàng ngang trên bến cảng giơ cao những cánh tay vẫy chào con tàu, vẫy chào những người đang chộn rộn, nôn nao, háo hức đến quần đảo Trường Sa thân yêu…

 

ẤN TƯỢNG VƯỢT SÔNG SÀI GÒN!

 

Tàu chạy. Thiếu tá, thuyền trưởng tàu HQ 996 Lê Hải Sơn nói với tôi: “Đa số các chuyến tàu ra Trường Sa đều xuất phát từ cảng Cam Ranh (Khánh Hòa). Chuyến này các anh may mắn được lên tàu từ cảng Ba Son để có thời gian 6 tiếng đồng hồ đi… du lịch trên sông Sài Gòn”. Lúc này tàu chạy chỉ 4 hải lý/giờ, nghĩa là mỗi giờ tàu chỉ “nhích” được khoảng 7,2km. Một tốc độ quá chậm. Nhưng bù lại, mọi người có dịp lên boong tàu để tận hưởng gió mát lâng lâng say đắm, để thưởng ngoạn cảnh hữu tình trên sông, để tận mắt chứng kiến một thành phố sôi động, phồn hoa bên sông Sài Gòn, với những địa danh, công trình, di tích, thắng cảnh…!

 

080522-tau-HQ996.jpg

Tàu HQ-996 chuẩn bị nhổ neo vượt sông Sài Gòn ra thăm Trường Sa -  N.LƯU

 

Tôi phóng tầm nhìn về phía sông xa xa, ở đó có những vạt lục bình dập dềnh theo từng con sóng trên mặt sông sủi bọt; ở đó có quá nhiều tàu bè qua lại, có cả những con tàu cánh ngầm “bay” vun vút trên mặt nước; ở đó có những chuyến phà Thủ Thiêm qua sông; ở đó có các cảng container mới, hiện đại như cụm cảng Phước Hiệp, cảng Cát Lái; ở đó có những con người đang mưu sinh bằng nghề lái thuyền đưa khách tham quan dòng sông… Gần bến Nhà Rồng bên sông, những tòa cao ốc mọc lên san sát, xe cộ tấp nập. Gần cảng Nhà Bè nước chảy làm đôi, những nhà máy công nghiệp đồ sộ đang hoạt động ầm ào… Như nặng tình với đất, trước khi hợp lưu vào ngã ba sông Đồng Nai-Nhà Bè, sông Sài Gòn uốn thắt nhiều đoạn và kéo dài thêm đôi bờ, nhờ vậy, Sài Gòn-TP Hồ Chí Minh có được những “bán đảo” đẹp như Thanh Đa, Thủ Thiêm, Thảo Điền,... Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam Lê Đức Cường – người lớn tuổi nhất trên tàu, hồ hởi nói: “Sống đến tuổi gần thất thập cổ lai hi, tôi mới được đi Trường Sa và rất hạnh phúc được dịp ngắm nhìn con sông Sài Gòn dài, rộng và thơ mộng! Sài Gòn là một thành phố bến sông, có đi dọc dài theo sông, theo bến Chương Dương-bến Hàm Tử và Trần Vân Kiều… mới thấy hết được cái hồn của đô thị này”.   

 

Trên boong tàu, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Phú Yên Vũ Văn Thoại vừa quan sát bốn bề sông nước, vừa giở trang giấy lưu bút những dòng nhật ký đầy cảm xúc: “Tâm trạng của mình thay đổi theo từng nhịp đi của con tàu, đoạn hơn 6 tiếng đồng hồ dọc theo sông Sài Gòn, bắt đầu từ cảng Ba Son – nơi Bác Tôn Đức Thắng đã từng là công nhân ở đây. 6 tiếng đồng hồ trên sông cái gì cũng lạ lẫm, cũng hùng vĩ, cũng hối hả, khẩn trương, với bao nhiêu cảng, bao nhiêu cẩu hàng hóa, bao nhiêu tàu lớn tàu bé, có cả tàu quốc tế nối đuôi nhau đợi hàng. Hàng trăm container được chuyển lên chuyển xuống rầm rập. Qua hết “đoạn sông công nghiệp hóa” là cả một vùng cây ăn trái, cây tràm, cây đước, cây dừa nước… xanh đến tận cùng và cũng thanh bình đến tận cùng. Thế mới biết đất nước mình đẹp và đáng yêu như thế nào. Gần đến đoạn phải chia tay giữa sông với biển là cả một vùng tràm đước mênh mông…!”.

 

080522-dao-tsa.jpg

Đoàn Công tác tỉnh Phú Yên đến thăm và tặng quà trị giá 30 triệu đồng cho quân và dân trên đảo Trường Sa Lớn

 

Và cũng ở ngay trên boong tàu, ông Huỳnh Ngọc Sanh, nguyên đại tá, trưởng phòng chính trị Tỉnh đội Phú Yên, hiện là Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh, thành viên của đoàn, chỉ tay về phía rất xa và nói: “Đó là chiến khu rừng Sác, một thời là căn cứ của vùng Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định, một thời làm cho Mỹ Ngụy phải thất điên bát đảo. Các trận đánh ở cầu Thị Nghè, cầu Bông, cầu Kiệu.. (9/1945) trên sông Sài Gòn đã đi vào lịch sử TP Hồ Chí Minh,…”. Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Phú Yên Vũ Văn Thoại lại vội ghi vào nhật ký: “… Thế mới biết con người Việt Nam, con người Nam Bộ yêu nước và kiên trung đến như thế nào. Chính bây giờ nhiều đồng chí còn sống qua chiến tranh trở lại con sông Sài Gòn – nơi mà họ đã từng trải qua năm tháng rắn rít, muỗi mồng, nước ngập, khói lửa đạn bom…, họ cũng sẽ không ngờ rằng họ có thể làm được cái điều gan dạ ấy, lạ lùng ấy…”. Tôi chợt nhớ nhà văn, nhà báo Vĩnh Quyền khi kể về người thầy của ông, đã nói: Du khảo địa lý cho ta thấy được, sờ nắn được lịch sử, cho ta tình yêu nước rất cụ thể”…

 

Tàu vượt qua sông Sài Gòn, qua cửa biển (phao số 0) ở phía Bãi Trước Vũng Tàu với tọa độ 1004712’’ vĩ độ Bắc, 107004900’’ kinh độ Đông, rồi vươn ra biển rộng bao la đến với Trường Sa. Nhiều người trên boong tàu đã bật thốt lên: Đã kết thúc “tour du lịch” trên sông Sài Gòn thật tuyệt vời! Tạm biệt đất liền.

 

080522-vn.jpg

Đoàn Phú Yên hát vang bài hát: “Bài ca Phú Yên” trên boong tàu HQ-996 -  N.LƯU

'

“BIỂN HÁT” TRÊN BOONG TÀU

 

Con tàu HQ 996 chạy trên biển với tốc độ bình quân 9 hải lý/giờ. Hoàng hôn bắt đầu buông trên mặt biển. Biển xanh màu ngọc bích đã chuyển sang dát vàng và không gian bao la của biển dần như thu hẹp lại. Đêm, biển khơi hun hút, thăm thẳm, không ranh giới, không bến bờ. Và dưới màn đêm đầy sao, giữa tiếng sóng nhỏ rì rào vừa dịu dàng, vừa pha lẫn chút tâm trạng, tôi cảm thấy đêm ở biển có một cái gì quyến rũ rất kỳ lạ, khó tả. Ngay đêm đầu tiên ấy trên biển, một chương trình “dạ hội” giao lưu văn nghệ giữa đoàn công tác và các chiến sĩ hải quân đã diễn ra ở ngay trên boong tàu HQ 996.

 

Đại tá Phạm Huy Tú, Trưởng phòng Dân vận - Quân chủng Hải quân, nói với chúng tôi: “Hải trình đến với Quần đảo Trường Sa còn dài, do vậy, đêm nay chúng ta cùng hát, cùng vui với các chiến sĩ hải quân tàu HQ 996. Bởi họ là “linh hồn” của chuyến đi Trường Sa, lo cho con tàu vượt sóng an toàn, lo từng bữa ăn cho các đoàn khách ở trên tàu, rồi vận chuyển quà, lương thực, các nhu yếu phẩm khác cho quân và dân ở các đảo Trường Sa...”. Sau tiết mục đầu tiên “Hát mãi khúc quân hành” (Diệp Minh Tuyền), Thiếu tướng, Chuẩn đô đốc Nguyễn Cộng Hòa - Phó Chính ủy Quân chủng Hải quân, đã hát vang bài ca “Tình ca mặt trời”. Mọi người trên boong tàu như say đắm theo giai điệu bài ca mượt mà và giọng ca cũng mượt mà: “Có chiếc thuyền trong sương trắng, bồng bềnh như cánh chim…”. Các nữ văn công của Đoàn quân chủng Hải quân, các đoàn Sóc Trăng, Hải Dương, Quảng Ngãi, Phú Yên… đã hát say sưa những bài ca “Khúc hát sông quê”, “Thuyền và biển”, “Lời thương ta ngỏ cho nhau”, “Vùng trời bình yên”, “Gần lắm Trường Sa”… Tiếng hát lúc trầm, lúc bổng, du dương, lan tỏa theo nhịp sóng vỗ mênh mang…

 

“… Không xa đâu Trường Sa ơi…!”. Vâng, không xa đâu Trường Sa ơi..., giai điệu và ca từ ngọt ngào sâu lắng ấy, như đang “kéo” mọi người đến thật gần với Trường Sa!

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
31 năm tìm danh hiệu liệt sĩ cho cha
Thứ Tư, 21/05/2008 15:00 CH
Lạc Sanh - Gần mà xa...
Thứ Tư, 14/05/2008 10:00 SA
Kí ức ở Chung Cheong Buk – do
Chủ Nhật, 11/05/2008 15:47 CH
DK1 - Ngôi nhà giữa trùng dương
Thứ Sáu, 09/05/2008 15:00 CH
Nào mình cùng lên xe buýt
Thứ Tư, 07/05/2008 18:00 CH
Nhà sáng chế không bằng cấp
Thứ Ba, 06/05/2008 10:30 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek