Thứ Tư, 02/10/2024 21:22 CH
Tháng Năm, đến với Trường Sa thân yêu!
Kỳ IV: Chuyện ở hai đảo chìm
Thứ Ba, 27/05/2008 15:28 CH

KỲ I:  Nhật ký hải trình

Kỳ II: Ngày và đêm trên đảo Trường Sa Lớn

KỲ III:Hoa thiêng trôi trên biển đảo Phan Vinh

 

Mười, mười lăm năm trước, đọc tập truyện ký “Đảo chìm” của nhà thơ Trần Đăng Khoa, tôi thật sự cảm phục, xúc động trước sức chịu đựng mọi gian khổ và sự hy sinh cao cả của người lính Trường Sa. Bây giờ, vượt hải trình gần 500 hải lý đến hai đảo chìm Đá Tây, Tiên Nữ, tôi được gặp gỡ những người lính đảo hôm nay. Nối tiếp truyền thống cha anh, vượt lên nhiều khó khăn, thiếu thốn, họ cầm chắc tay súng bảo vệ lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc.

 

 

080527-tang-qua.jpg

Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Phú Yên Vũ Văn Thoại và Chủ tịch Hội LHPN Phú Yên Cao Thị Hòa An tặng quà cho chiến sĩ đảo Đá Tây

 

“NƯỚC LÀ VÀNG”

 

8 giờ 30, tàu HQ 996 lại neo giữa biển khơi. Mọi người trên boong reo lên: Đảo chìm Đá Tây kia kìa! Nhìn từ xa, bãi san hô nơi đảo có hình quả trám, ở giữa có hồ vành khuyên. Rồi những con thuyền nhỏ mỏng manh lại đưa đoàn khách vào đảo. Khi thuyền mới cập đảo Đá Tây, những chậu nước mưa trong vắt, những chiếc khăn mặt đã được những người lính cẩn thận đem ra đặt ở gần cầu cảng. Chính trị viên, đại úy Hoàng Văn Luật vừa bắt tay vừa hồ hởi mời khách đến những chậu nước để rửa mặt. Mọi người có cảm giác khoan khoái khi vốc từng vốc nước ngọt mát lạnh để xóa đi cái nóng ngột ngạt cùng hơi nước mặn bám vào mặt. Khi vào đảo, tình cờ đến bên các “tét”, bồn chứa nước, tôi bắt gặp dòng chữ: “Nước là vàng”. Tôi chợt hiểu ra rằng, người ở đảo muốn đem những gì quý hiếm nhất trên đảo để mời những người khách từ đất liền ra! Lúc này tôi mới thấy quý biết bao dòng nước ngọt giữa trùng khơi. Chợt nhớ nhà thơ Trần Đăng Khoa đã từng ra Trường Sa viết tập truyện ký “Đảo chìm”, kể lại: “Khi ấy, hàng ngày, lính tắm bằng nước mặn, thậm chí khi khan hiếm phải nấu cơm bằng một phần nước mặn nên hạt cơm cứ sậm sật, nấu thế nào cũng không chín, bẻ ra vẫn còn nguyên lõi gạo. Tiết kiệm đến mức, nhiều anh phải cạo trọc đầu để đỡ tốn nước tắm…”. Chuẩn úy Dư Anh Sơn ở đảo Đá Tây, tâm sự: “Nước mặn con ăn ngày ba bữa/Chờ mãi ông trời chẳng mưa cho/Đồng đội nhường nhau ca nước cuối/Nhường nhau ca nước bỗng nên thừa”. Đó là khoảng thời gian mười, mười lăm năm về trước, khi tôi mới đặt chân ra đảo. Còn bây giờ, nước trên đảo cũng đã khá hơn nhờ được tích trữ qua trần nhà, “tét” trong những tháng mùa mưa. Vào mùa nắng gió khô khốc, tuy phải dùng tiết kiệm hơn nhưng cũng không thiếu nước đến nỗi lính đảo… cạo trọc đầu như trước đây”.

 

Thiếu tướng, Chuẩn đô đốc Nguyễn Cộng Hòa, Phó chính ủy Quân chủng Hải quân nói với chúng tôi: “Nếu ở Trường Sa giờ có tới 7 giếng nước ngọt, tắm giặt thoải mái, thì tại đảo chìm, nước là vàng, nước là thuốc phải tiết kiệm từng giọt, không những để sống mà còn để chiến đấu. Mặc dù thiếu nước, nhưng ở đảo chìm phải luôn tích nước dự trữ chiến đấu. Và chỉ đảo trưởng mới có quyền mở khóa những thùng nước dự trữ ấy để phục vụ chiến đấu”. Ở đảo chìm Đá Tây, vào mùa nắng, mỗi ngày tiêu chuẩn của một người lính đảo chỉ có 15 lít nước để đánh răng, rửa mặt, tắm giặt… Đại úy Nguyễn Xuân Triệu, đảo trưởng Đá Tây cho biết, có khi nước khan hiếm thì mỗi người lính chỉ sử dụng 5 lít/ngày. Khi ấy lính đi tắm biển xong, dùng một chiếc khăn khô lau sạch nước biển, sau đó lại dùng một chiếc khăn ướt thấm nước ngọt lau đi lau lại. Nước sau khi dùng xong được đổ vào một cái thùng để tưới rau, nhờ vậy những vạt rau muống, cải, mồng tơi, có cả những cây rau thơm, lá mơ... cứ đua nhau vươn lên giữa nắng gió Trường Sa.

 

“Nước là vàng”. Và người lính ở đảo chìm thường phải trông trời, trông mây, trông mưa để… “từng đôi chân băng qua chiến hào, thoáng giây ngập ngừng, đón dòng nước ngọt”. “Dẫu chẳng có mưa chúng tôi vẫn sinh tồn trên đảo” để ngày đêm bảo vệ đảo nơi đầu sóng ngọn gió” – Đảo trưởng Đá Tây Nguyễn Xuân Triệu lạc quan cười.

 

080527-TIEN-NU5.jpg

Chiến sĩ đảo Tiên Nữ luôn trong tư thế bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc

 

LÃNG MẠN ĐẢO CHÌM TIÊN NỮ

 

Sáng tinh mơ ở giữa đại dương bao la, trời trong xanh, không khí trong lành, từng làn gió mát mơn man da thịt. Biển bình yên, từng đàn cá chuồn nổi hứng vọt lên khỏi mặt nước bay như chim… “Toàn tàu chú ý, chú ý toàn tàu, chúng ta đang có mặt ở vùng biển đảo Tiên Nữ. Tàu chuẩn bị thả neo để chạy thuyền vào đảo” – Loa tàu lại vang lên. Cũng giống như đảo chìm Đá Tây, đảo Tiên Nữ với ngôi nhà lâu bền gồm 8 cạnh được xây dựng trên một thềm san hô chết, dải san hô kéo dài ra xa bao quanh đảo. Nếu nhìn từ hướng tây bắc, đảo giống như con cá ngóc đầu giữa biển, nhưng giai thoại về hòn đảo này lại gắn liền với một mỹ nhân. Có nàng tiên giáng trần tắm trên biển. Do cảnh quá đẹp, tiên nữ mải mê tắm biển cho đến khi mặt trời mọc lúc nào không biết, nên không thể về trời được. Và nàng đã hóa thân thành san hô để tôn lên hòn đảo ở biển cực đông nam của đất Việt. Khi tàu thuyền đánh cá gặp mưa bão, tiên nữ thường hay xuất hiện để giúp ngư dân vượt qua giông tố. Cái tên đảo Tiên Nữ được lưu truyền từ đấy.

 

Khi thuyền nhỏ vừa cập đảo, các chiến sĩ đã ùa ra tiếp đón người đất liền, đặc biệt là các nữ văn công Trường Nghệ thuật Quân chủng Hải quân. Tôi nghe nhiều chiến sĩ trẻ vội vã hỏi có thư từ quê nhà không? Thượng úy, chính trị viên Nguyễn Tất Thắng nói: “Đây là đảo xa đất liền nhất, rất ít tàu thuyền đến. Vậy nên người lính đảo luôn chờ mong những lá thư, những gói quà, một bao thuốc lá, một sợi dây đàn hay quyển nhạc, một giọng nói con gái…”. Thiếu úy Lê Văn Sáng chưa nhận được thư ở quê nhà Nghệ An, nhưng rất vui vì được gặp người đồng hương rất dễ thương, đó là ca sĩ Phan Ánh Phượng. Sáng liền bảo ca sĩ Ánh Phượng hát bài gì về quê hương Nghệ An để vơi đi nỗi nhớ nhà, nhớ vợ con, làng xóm… Và khi Ánh Phượng cất cao giọng hát bài “Neo đậu bến quê” của nhạc sĩ An Thuyên, thì Sáng rưng rưng nước mắt… Tôi mới ra đảo được vài ngày đã thấy nhớ đất liền kinh khủng, còn người lính ở đây phải xa nhà cả năm trời thì nỗi nhớ quê càng da diết biết dường nào!  

 

Thượng úy Cao Hồng Hải, Đảo trưởng Tiên Nữ, cho biết: Giống như các đảo chìm khác ở quần đảo Trường Sa, đảo Tiên Nữ với không gian chật hẹp cũng thiếu nước ngọt, rau xanh. Nhưng đảo đã tiết kiệm nước, tận dụng 41 khoảng trống nhỏ để trồng rau cải thiện bữa ăn. Đảo đã trang bị đàn ghita, tivi, đầu đĩa hát karaoke, máy tập thể dục đa năng… để các chiến sĩ khắc phục những thiếu thốn về tinh thần, không ngừng rèn luyện sức khỏe, rèn luyện ý chí, kỹ thuật, chiến thuật, sẵn sàng chiến đấu cao, chiến đấu thắng lợi trong mọi tình huống để giữ đảo mãi mãi hiên ngang đứng vững nơi cực đông của Tổ quốc.

 

Phó Tổng Biên tập Báo Công an nhân dân, đại tá Phạm Văn Miên đã ghi vào sổ lưu niệm đảo Tiên Nữ: “Đến với đảo Tiên Nữ, chúng tôi chẳng thấy các nàng Tiên Nữ đâu, chỉ thấy các anh là những người lính hải quân và cán bộ hàng hải – các anh chính là những “tiên nữ” làm đẹp cho đảo này. Trước sự khắc nghiệt của thời tiết, của biển cả, sắt thép, có thể bị rỉ sét, bê tông có thể bị phá hủy nhưng ý chí người chiến sĩ giữ đảo không bao giờ lung lay”…

 

Gần trưa, biển quanh đảo Tiên Nữ quá đẹp, quá êm ả và trong xanh, nhiều người trong đoàn đến thăm đảo cùng vài người lính đã nhảy ùm xuống biển vùng vẫy cho thỏa sức. Nhà báo Xuân Thủy vừa phả nước vào mặt vừa bộc bạch: “Được tắm ở biển đảo Tiên Nữ, tôi như tận hưởng được cảm giác thênh thang, thư thái. Ở đây là biển cả bao la, là thiên nhiên phóng khoáng, là những con người thật giản dị.”

 

Hôm ấy quả là một ngày khó quên ở đảo Tiên Nữ – đảo nằm ở cực đông của Tổ quốc.

 

KỲ CUỐI:

SÓNG GIÓ AN BANG, NHÀ DÀN QUẾ ĐƯỜNG

 

NGUYÊN LƯU

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
31 năm tìm danh hiệu liệt sĩ cho cha
Thứ Tư, 21/05/2008 15:00 CH
Lạc Sanh - Gần mà xa...
Thứ Tư, 14/05/2008 10:00 SA
Kí ức ở Chung Cheong Buk – do
Chủ Nhật, 11/05/2008 15:47 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek