Trong thời gian gần đây, xe buýt đã trở thành phương tiện công cộng phổ biến, thuận lợi, giúp người dân tiết kiệm chi phí trong đi lại. Tuy nhiên, nếu có dịp đi xe buýt một lần, nhiều người sẽ có cảm giác giống như tôi...
Trên xe buýt. - Ảnh: N.HUY |
“DÀI CỔ” ĐỢI “BUÝT”
Nghe lời một người bạn vốn là “khách ruột” của các chuyến xe buýt mỗi khi về thăm nhà trong dịp cuối tuần, tôi chọn loại phương tiện công cộng này để đi thăm một người bà con ở xã Hoà Mỹ Đông (huyện Tây Hòa). Theo sự “tư vấn” của người bạn, sau khi sắp xếp xong công việc, vào lúc 9g20, tôi đã có mặt tại một trạm xe buýt trên đường Lê Lợi (TP Tuy Hòa) để kịp bắt chuyến chạy tuyến Tuy Hòa - Phú Nhiêu lúc 9g30. Nói là trạm cho “oai”, chứ thực ra nơi ấy chỉ là một cây cột sắt có gắn thêm tấm bảng màu xanh ghi vài dòng chữ chú thích lộ trình hoạt động của dịch vụ xe buýt. Nhìn lên “trạm” không thấy ghi lộ trình tuyến Tuy Hòa – Phú Nhiêu, tôi hơi chột dạ, lo mình đứng nhầm chỗ. Thấy tôi bối rối, một cụ ông trấn an: “Chắc tại công ty quên chưa sửa lại thôi, chứ ông cũng thường xuyên đi tuyến xe này, cháu à!”.
Chúng tôi đợi đến hơn 40 phút vẫn chưa thấy bóng dáng chiếc xe buýt nào đến. Một số người không đủ kiên nhẫn đứng đợi dưới cái nắng hè gay gắt, đã bỏ về hoặc bắt xe ôm đi. Riêng tôi và ông cụ vẫn đợi. Rồi chiếc xe buýt màu vàng mang dòng chữ Công ty Cổ phần Phương
Chiếc xe buýt chạy đến đường Trần Phú, nơi đang rất có nhiều sinh viên của Trường Đại học Phú Yên và Cao đẳng Nghề Phú Yên đang đứng đợi. Thấy có xe, các bạn mừng ra mặt. Bạn Trương Phú Quý, học viên lớp Điện, Trường Cao đẳng Nghề Phú Yên cho biết: “Em và các bạn đã quá quen với cảnh chờ đợi “buýt” rồi. Nhưng vì giá cước xe buýt khá rẻ so với các phương tiện khác, nên đó là sự lựa chọn đi lại của chúng em”.
CHUYỆN LẠ TRÊN XE
Tuy các tuyến xe buýt đã hoạt động được một thời gian dài, nhưng vẫn còn một bộ phận dân chúng chưa quen với lộ trình hoạt động của loại xe này. Do đó, trong hành trình hơn 1 giờ đồng hồ trên xe, tôi có dịp tận mắt chứng kiến nhiều chuyện… kỳ cục xảy ra! Khi xe chạy qua đoạn xã Hòa Thành (huyện Đông Hòa)ø, một phụ nữ tuổi trung niên ngồi ở hàng ghế sau tôi bỗng nhiên đứng bật dậy, yêu cầu tài xế dừng xe gấp, khiến cho các hành khách cùng đi không khỏi giật mình. Sau đó, mới biết người phụ nữ này đã bị “bé cái nhầm” vì tuyến mà bà cần đi là Tuy Hòa – Hòa Xuân, chứ không phải Tuy Hòa – Phú Nhiêu! Chị Đặng Thị Lương Vân, nhân viên bán vé trên xe buýt, người thường xuyên gặp tình huống này, cho biết: “Nhiều người vì quá vội vàng hoặc không nhìn thấy tấm bảng ghi tên tuyến đường hoạt động trước đầu xe nên đã có sự nhầm lẫn như vậy. Trong những trường hợp này, chúng tôi không thể trả tiền lại cho bà con vì vé đã xé rồi”. Điều “đau khổ” là những khách hàng vì chút sơ suất vừa mất tiền đi xe buýt, vừa phải tốn tiền đón phương tiện khác để đi tiếp đến nơi cần đến!
Một “chuyện lạ” khác là theo quy định, “buýt” chỉ vận tải người, không chở hàng hóa cồng kềnh và gia súc, gia cầm… Thế nhưng, các tiểu thương và những người mua gánh bán bưng vẫn là những “khách quen” của xe buýt, có lẽ vì tiện lợi và giá rẻ. Trên chuyến xe của tôi từ TP Tuy Hòa về Phú Nhiêu, có những tiểu thương mang “hành lý” khá cồng kềnh, nào quang gánh, nào xoong nồi cỡ bự... Thậm chí các loại gia cầm sống như gàø vịt cũng được đưa lên “buýt”, tạo ra những “hương vị” rất khó chịu cho hành khách đi cùng. Chị Vân phân bua: “Có nhiều hành khách cứ nghĩ xe buýt như xe khách nên vô tư mang đủ thứ lên xe. Chúng tôi đề nghị bà con hạn chế, nhưng cũng rất khó khăn vì người ta đi buôn bán ở chợ thì phải mang theo đồ này đồ kia, mình không chở thì...”
Hoạt động của xe buýt không những giúp ích rất nhiều cho người dân trong việc đi lại, mà còn thể hiện sự văn minh. Vì vậy, đơn vị kinh doanh loại hình vận tải công cộng này cần phải thực hiện đúng giờ, đúng lộ trình, phục vụ nhã nhặn lịch sự. Hành khách của xe buýt cũng phải hiểu đây là phương tiện công cộng, hành xử phải văn minh, tránh gây ra những phiền phức không đáng có cho những người cùng đi trên xe…
NHẬT HUY