30 năm trước, hàng chục người dân ở thị trấn Phú Lâm, huyện Tuy Hòa (cũ) “ly hương” lên vùng núi rừng thuộc xã Sơn Thành Đông, huyện Tây Hòa lập nên làng Lạc Sanh (còn gọi là làng “thị trấn” bởi dân cư toàn là dân Phú Lâm). Nhưng sau 30 năm “bám trụ”, vì dự án vùng kinh tế mới (KTM) Lạc Sanh không triển khai như kế hoạch ban đầu, khiến đời sống người dân nơi đây gặp nhiều khó khăn.
Ngôi trường tiểu học tại Lạc Sanh đã bỏ hoang trên 20 năm - Ảnh: N.LƯU |
Những chiếc xe bục bịch chở sắn đã băm nát nhiều con đường đất núi ở xã Sơn Thành Đông. Phải mất gần nửa giờ đồng hồ, chúng tôi mới vượt qua đoạn đường “đau khổ” với cây cầu gỗ tạm bợ bắc qua suối Bà, với vô số ổ gà, hầm hố đọng bùn nhão nhoẹt, trơn trượt để đến được làng “thị trấn” Lạc Sanh, nằm chỉ cách trung tâm xã Sơn Thành Đông và ĐT645 khoảng 5km! Sau vài cơn mưa đầu mùa, không khí ở Lạc Sanh mát mẻ, trong lành, chim chóc tụ về hót líu lo; hàng ngàn con bướm xanh xanh màu nõn chuối bay rợp cả lối đi; những đám bắp, sắn chạy thẳng lên đồi, những rừng cây bạch đàn, keo lá tràm, dầu gió… xanh mướt trong nắng ban mai. Nhưng trước mặt, dưới những tán rừng cây trồng tốt tươi ấy ẩn hiện những ngôi nhà tranh vách liếp quá cũ kỹ...
CHUYỆN NHỮNG NGƯỜI ĐẦU TIÊN
Bên căn nhà nhỏ mái tranh, vách tường vá chằm vá đụp bằng nhựa, cây rừng, dừng phên liếp…, tôi gặp một thiếu phụ đang lom khom bóc tách vỏ từng đụt măng rừng. Hỏi chuyện, chị cho biết tên là Thúy, họ Nguyễn, năm nay 34 tuổi. Chị lập gia đình, không có một tấc đất sản xuất, đành phải làm thuê ở đồi “Đại Hàn” nằm cách làng 2,5km. Mỗi buổi trưa trở về, chị tranh thủ hái măng rừng để bán kiếm thêm tiền. Chị Thúy là con gái út trong gia đình họ Nguyễn có 10 anh chị em vẫn kiên trì “bám trụ” sinh sống ở làng “thị trấn” Lạc Sanh.
Chị Thúy kể, năm 1978, khi chính quyền thị trấn Phú Lâm triển khai cuộc vận động các hộ dân nghèo, đông con đi vùng KTM Lạc Sanh, gia đình chị đã tiên phong. Ông Nguyễn Trung, cha chị Thúy, đã dìu dắt vợ và 10 người con lên xây dựng cuộc sống mới ở khu định cư KTM Lạc Sanh. Ông Trung cũng như bao người dân khác kỳ vọng sẽ được chính quyền hỗ trợ kinh phí tái định cư, được hưởng lợi từ các công trình phúc lợi của dự án KTM Lạc Sanh. Thế nhưng...
Theo lời chị Thúy, lúc đó, đường sá đi lại cách trở, chỉ duy nhất một ngôi trường tiểu học được xây dựng, nhưng học sinh ít quá, thế là giáo viên không dạy, trường bỏ hoang. Nhiều con cái của làng Lạc Sanh đành chịu mù chữ và 10 người con ông Trung với những cái tên rất mỹ miều như Sương, Tuyết, Ngọc, Thủy, Thúy… chưa một lần được cắp sách đến trường! “Thương đàn con chịu nhiều thiệt thòi, cha tôi đã vắt kiệt sức làm nương rẫy để lo cái ăn, đồng thời tích lũy vốn để đưa gia đình trở về quê cũ. Nhưng số phận thật trớ trêu, chỉ sau 5 năm ở Lạc Sanh, cha tôi bị bệnh sốt rét nặng và qua đời. Một người anh trong gia đình tôi cũng bệnh chết. Cha mất, mẹ hay đau yếu, từ đó, 10 anh chị em tôi phải đùm bọc nhau sống ở núi rừng Lạc Sanh với bữa đói bữa no. Năm tháng đi qua, mỗi người lớn lên rồi đều lập gia đình và bươn chải kiếm sống, xây dựng nhà ở riêng…” – Chị Thúy bộc bạch.
Trong số 10 hộ gia đình họ Nguyễn ở Lạc Sanh, tình cảnh của hộ gia đình chị Nguyễn Thị Nhớ (56 tuổi) khó khăn nhất. Là người chị cả trong gia đình họ Nguyễn, chị Nhớ như con chim đầu đàn luôn lo lắng, động viên đàn em vượt qua gian khó. Sau khi lập gia đình, chị cùng chồng quanh năm còng lưng trên núi vẫn không đủ lo cho 6 đứa con ăn học. Rồi bỗng nhiên tai ương ập đến gia đình chị, một đứa con bị bệnh sốt rét chết; sau đó chồng chị, anh Nguyễn Ngọc Cẩn bị tai biến nằm liệt tại chỗ cho đến nay. Rồi mưa lũ năm 2007 đã làm căn nhà chị Nhớ đổ sập... Không có tiền dựng lại nhà, gia đình chị phải đi ở nhờ nhà chị Trần Thị Thủy. Bây giờ, ngoài làm 4 sào sắn, ngày ngày chị Nhớ đi hái măng rừng được 3 – 5kg, bán với giá 5.000 - 6.000 đồng/kg, không đủ đắp đổi qua ngày…
Ngày ngày chị Nguyễn Thị Nhớ đi hái măng rừng về bán nuôi chồng bệnh và con ăn học - Ảnh: N.LƯU |
SỐNG XÃ NÀY, KHAI SINH Ở XÃ KHÁC
Dù sống trong cảnh đói nghèo, giao thông đi lại cách trở, nhưng những hộ dân ở Lạc Sanh vẫn cố gắng dành dụm tiền đưa con về quê nội, ngoại, hay người thân ở xã Sơn Thành để cho con ăn học. Thế nhưng con cái họ không được các trường nhận vào học, bởi không có hôï khẩu thường trú, không có giấy khai sanh! Sự thật phũ phàng là, sau một thời gian bỏ rơi dự án vùng KTM Lạc Sanh, chính quyền thị trấn Phú Lâm bàn giao cho Lâm trường Tháng Tám (nay thuộc Ban Quản lý Rừng phòng hộ Sông Con) quản lý đất đai và người dân ở Lạc Sanh. Nhưng, lâm trường này chỉ đầu tư khai thác tận lực nguồn tài nguyên đất dồi dào ở đây để trồng cây lâm nghiệp, bỏ mặc hàng chục hộ dân tự bơi… trong rừng! Người dân Lạc Sanh đành phải tiếp tục sống trong cảnh... không có chính quyền, bởi chính quyền xã Sơn Thành và thị trấn Phú Lâm (cũ) đều không quản lý, đều từ chối làm hộ khẩu và ký giấy khai sanh cho con em ở Lạc Sanh!
Chị Nguyễn Thị Nhớ bức xúc cho biết: “Không thể khoanh tay nhìn con cái thất học như cha mẹ chúng, người dân ở Lạc Sanh đành lặn lội đi “gõ cửa” các xã khác trong huyện Tuy Hòa (cũ) để nhờ ký giùm giấy khai sanh cho con được đi học. Ai “chạy” được giấy khai sanh cho con ở đâu thì cứ chạy. Tuy nhiên, đa số các xã đều từ chối ký giấy bởi sai nguyên tắc quản lý Nhà nước về hộ tịch, hộ khẩu. Riêng các anh lãnh đạo UBND xã Hòa Thành đã thương tình ký giúp hàng loạt giấy khai sanh cho con cháu gia đình họ Nguyễn và một số hộ dân khác ở Lạc Sanh!”. Định cư ở xã này lại vất vả đi đến xã khác “xin” làm giấy khai sanh cho con được nhập học - Chuyện cười ra nước mắt này đã tồn tại trong suốt hơn 20 năm qua. Hệ quả là, con cái ở Lạc Sanh đều làm giấy khai sanh chậm, nhập học chậm hơn so với tuổi quy định; nhiều hộ nghèo không có điều kiện đi xa làm sổ hộ khẩu, làm giấy khai sanh đành bỏ con mù chữ…
Ngôi nhà tạm bợ của bà Dương Thị Thư - Ảnh: N.Lưu |
VỀ ĐÂU LÀNG “THỊ TRẤN”?
Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Thành Đông Nguyễn Thị Thanh Quý: “Trước đây, làng Lạc Sanh thuộc thôn Thành Thắng, xã Sơn Thành (cũ) chỉ với danh nghĩa thôi, chứ xã không quản lý! Sau khi tách xã Sơn Thành vào giữa năm 2005, UBND xã Sơn Thành Đông đã sát nhập làng Lạc Sanh vào thôn Bình Thắng để quản lý, làm hộ khẩu, giấy khai sanh, hỗ trợ cứu đói được 2 hộ dân... Tuy nhiên, làng Lạc Sanh nằm cách xa và tách biệt với thôn Bình Thắng nên rất khó quản lý. Hiện đời sống của bà con rất khó khăn, theo tôi, đã đến lúc cần phải đầu tư một khu tái định cư mới nằm gần trung tâm xã để di dời dân khỏi vùng KTM Lạc Sanh để họ được an cư lạc nghiệp lâu dài”!
Sau 30 năm thành lập KTM Lạc Sanh, cơ sở hạ tầng ở đây hầu như không có gì, giao thông đi lại cách trở. Làng “thị trấn” này nằm kẹt ở giữa suối Bà và sông Chống Gậy, nên vào mùa mưa lũ thì “nội bất xuất, ngoại bất nhập”. Cuộc sống của đa số hộ gia đình đều thiếu ăn quanh năm vì đông con, thiên tai mất mùa. Hơn nữa, bà con đang thiếu đất sản xuất do đã chuyển nhượng đất cho người dân ở xã Sơn Thành (cũ) để lấy tiền trang trả nợ nần và chữa bệnh sốt rét (Trước đây, bệnh sốt rét hoành hành trên đất núi Lạc Sanh và nhiều người đã chết vì mắc phải căn bệnh này – PV). Hiện 100% hộ dân ở đây đều ở nhà tranh, vách liếp mưa dột, gió lùa. Bà Dương Thị Thư (56 tuổi), ở trong căn nhà tạm bợ, trống hoác than thở: “Cuộc sống ở đây quá khó khăn, nhiều hộ dân lần lượt ra đi tìm kế sinh nhai ở nơi khác. Chỉ tính riêng mấy năm gần đây đã có 6 - 7 hộ rời khỏi làng. Bây giờ, ở Lạc Sanh chỉ còn khoảng 16 hộ! Còn tui lớn tuổi rồi, đành sống bám nơi này mà thôi...”
Không biết năm 1978 ai đã cho phép thực hiện “Dự án di dân vùng KTM Lạc Sanh”, nhưng không triển khai xây dựng các công trình phúc lợi phục vụ dân sinh, để rồi những người dân tiên phong đi theo “tiếng gọi” của dự án này phải chịu nhiều cay đắng, thiệt thòi, đói nghèo đến cùng cực như vậy! Mong chính quyền và các ngành chức năng sớm khắc phục hậu quả của dự án KTM “đem con bỏ chợ” này.
LƯU PHONG