Trong thư gửi một số Bộ trưởng của Việt Nam, ông Martin Rama - Chuyên gia Kinh tế trưởng của WB bày tỏ quan ngại đối với đề xuất gần đây của EVN về việc phối hợp với một số doanh nghiệp nhà nước khác thành lập Đơn vị mua buôn duy nhất cho ngành điện theo mô hình công ty cổ phần hoạt động vì mục đích lợi nhuận.
Ông Martin Rama
Theo tin từ Ngân hàng Thế giới (WB), ông Martin Rama, Chuyên gia Kinh tế trưởng của WB vừa có thư gửi tới Bộ trưởng các Bộ: Công nghiệp, Kế hoạch Đầu tư và Tài chính trao đổi về vấn đề cơ cấu và sở hữu đối với mô hình Đơn vị mua buôn duy nhất cho thị trường phát điện cạnh tranh tại Việt Nam dự kiến bắt đầu vận hành vào đầu năm 2009.
Ông Martin Rama bày tỏ những quan ngại đối với đề xuất gần đây của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) về việc phối hợp với một số doanh nghiệp nhà nước khác thành lập Đơn vị mua buôn duy nhất cho ngành điện theo mô hình công ty cổ phần hoạt động vì mục đích lợi nhuận.
Theo ông Martin Rama, trong giai đoạn hiện nay, một điều rất quan trọng là không để lệch hướng mục tiêu của việc cải cách trong việc xây dựng Đơn vị mua buôn duy nhất. Những mục tiêu này bao gồm việc phát triển thị trường điện, đảm bảo an toàn cung cấp điện, thu hút đầu tư vào nguồn điện, giảm áp lực về giá điện, giảm gánh nặng của Nhà nước về cung cấp tài chính cho ngành điện. Một đơn vị mua buôn duy nhất có thiết kế, cơ cấu, và cơ chế sở hữu phù hợp là điều cốt lõi để đạt được những mục tiêu này.
Đơn vị mua buôn duy nhất là đơn vị mua bán tập trung, đóng vai trò đại diện cho Nhà nước, mua điện từ các nhà máy phát điện với tư cách đại diện cho người sử dụng, trong trường hợp này là các công ty phân phối điện và các khách hàng lớn. Mô hình này được lựa chọn cho Việt
Ông Martin Rama cho rằng, có hai lý do để tin rằng một Đơn vị mua buôn duy nhất hoạt động vì lợi nhuận do các công ty có sở hữu hoặc điều hành các nhà máy phát điện là điều không nên. Lý do thứ nhất là điều này tạo một sự xung đột lớn về quyền lợi. Các công ty này sẽ có quyền lợi qua việc bán điện do sở hữu nguồn điện và cả khi mua điện do việc sở hữu Đơn vị mua buôn duy nhất. Lý do thứ hai để tin rằng đề xuất của EVN đáng phải được xem xét lại đó là việc đề xuất Đơn vị mua buôn duy nhất là một đơn vị hoạt động vì lợi nhuận, độc lập so với các dịch vụ khác như điều hành hệ thống và thị trường, và các dịch vụ truyền tải. Điều này chắc chắn sẽ dẫn đến trùng lặp một vài chức năng như phối hợp điều độ, dẫn đến việc tăng chi phí…
Ông Martin Rama nhấn mạnh: “Nếu xét tất cả những điểm nêu trên thì khả năng giảm giá điện cho khách hàng sẽ không trở thành hiện thực”. Chuyên gia Kinh tế trưởng của WB phân tích, các nước khi thành lập đơn vị mua duy nhất đã rất nỗ lực nhằm giảm thiểu xung đột về lợi ích thông qua tách biệt sở hữu về nguồn điện và các chức năng độc quyền tự nhiên, bao gồm cả Đơn vị mua duy nhất. Trên thực tế, quyết định của Thủ tướng Chính phủ về lộ trình thiết lập thị trường điện đã nễu rõ “Những nhà máy điện thuộc sở hữu của EVN sẽ được tách thành các nhà máy điện độc lập (không có lợi ích kinh tế chung với đơn vị mua duy nhất, các công ty truyền tải và đơn vị điều hành thị trường) dưới dạng các công ty nhà nước hoặc công ty cổ phần”.
Chính vì thế, ông Martin Rama kiến nghị nhập Đơn vị mua duy nhất với công ty truyền tải và đơn vị điều hành hệ thống và thị trường. Một đơn vị như vậy cần phải tách rời và không có quan hệ về mặt sở hữu với các nhà máy phát điện. Theo ông, đây là một giải pháp thực tiễn để có thể tránh được những nguy cơ trên và đáp ứng được những yêu cầu của lộ trình.
Trong thư gửi các Bộ trưởng, ông Martin Rama cũng gửi kèm một báo cáo của Ngân hàng Thế giới về kinh nghiệm quốc tế đối với đơn vị mua duy nhất. Báo cáo này đã đề cập đến những bài học kinh nghiệm của một số nước trên thế giới về vấn đề này. WB cũng đang chuẩn bị một báo cáo ngắn đề cập một cách cụ thể hơn về những vấn đề đã nêu trong đề xuất của EVN và hy vọng sẽ cung cấp báo cáo này cho Chính phủ Việt Nam trong vòng vài tuần tới.
Theo VOV