Năm 2000, Ban định canh định cư huyện Sông Hinh đầu tư hơn 2,3 tỉ đồng từ nguồn vốn chương trình 135 dành các xã đặc biệt khó khăn để triển khai dự án san ủi mặt bằng đồng ruộng, xây dựng trạm bơm điện buôn Đức tại xã EaTrol (huyện Sông Hinh). Dự án đưa vào sử dụng từ năm 2004, nhưng đến nay vẫn chưa thật sự phát huy hiệu quả.
MỚI TƯỚI ĐƯỢC MỘT VỤ THÌ TRẠM BƠM BỊ… SỰ CỐ
Nguồn nước suối EaTrol chỉ đủ cung cấp cho một máy bơm. |
Theo thiết kế, trạm bơm điện buôn Đức sẽ tưới cho 84 ha lúa. Tuy nhiên, thực tế triển khai dự án chỉ tưới cho hơn 55 ha lúa. Năm 2004, trạm bơm buôn Đức đưa vào sử dụng. Cũng vào năm này, huyện Sông Hinh tiến hành chia ruộng cho người dân. Ông Huỳnh Tấn Sỹ, cán bộ quy hoạch của Ban định canh định cư huyện Sông Hinh cho biết: “Sau khi san ủi mặt bằng hoàn chỉnh, huyện đã tiến hành đo đạt, cắm mốc chia ruộng cho bà con. Trong đợt này có 70 hộ nhận ruộng, chiếm 85% diện tích đã san ủi. Diện tích còn lại chưa chia được vì một số chủ đất cũ đòi lại đất. Huyện hỗ trợ giống, phân bón để bà con sản xuất ngay vụ đầu, nhưng năng suất thấp do chân ruộng mới”.
Ma Dút ở buôn Thu được huyện chia cho 6 sào (mỗi sào 1000m2) đất ruộng. Vụ đầu, mỗi sào ruộng Ma Dút chỉ thu được 4 bao, mỗi bao 50kg. Ma Dút, nói: “Năng suất thấp là phải, vì nước vào ruộng buổi sáng thì buổi chiều đã khô. Các chân ruộng ở đây thường xuyên thiếu nước”. Trước đây, Ma Dút phụ trách trạm bơm điện buôn Đức và điều phối nguồn nước tưới đến các chân ruộng. Ma Dút cho biết thêm: “Trạm bơm điện hoạt động được một vụ thì gặp sự cố. Vì vậy trong hai năm 2005 và 2006, rất nhiều diện tích bỏ hoang do không có nước tưới. Hơn nữa, nước ở suối EaTrol vào mùa khô không đủ nước cung cấp cho trạm bơm nên không thể sản xuất được”.
HƠN MỘT NỬA DIỆN TÍCH KHÔNG ĐỦ NƯỚC TƯỚI
Đồng ruộng bỏ hoang nhiều năm nay. |
Sau khi sản xuất được vụ đầu, Ban định canh định cư huyện Sông Hinh bàn giao việc quản lý trạm bơm điện buôn Đức cho đội thủy nông huyện (trực thuộc Phòng Kinh tế huyện Sông Hinh) quản lý, khai thác. Đến ngày 22/2/2007, việc quản lý khai thác công trình này tiếp tục bàn giao lại cho Trạm khuyến nông huyện Sông Hinh. Ông Thái Hòa Bình, người phụ trách trực tiếp trạm bơm, cho biết: “Hiện nay, cánh đồng buôn Đức đang sản xuất vụ hè thu, nhưng cũng chỉ có 22 ha đủ nước tưới. Diện tích còn lại không sản xuất được là do hệ thống kênh mương chưa đến các chân ruộng cần tưới. Một số diện tích đã san ủi chưa chia cho dân. Một số diện tích đã chia cho dân nhưng bị chủ cũ đất đòi lại”.
Theo phản ánh của người dân, toàn bộ diện tích 22 ha lúa vụ hè thu năm nay liên tục bị thiếu nước. Ma Tam, cán bộ xã EaTrol nói: “Chúng tôi đang lo lắng sẽ thiếu nước vào thời điểm cây lúa trổ bông. Vì tưới luân phiên như hiện nay thì phải mất 4 ngày mới có nước quay trở lại chân ruộng. Trong khi, nước vào ruộng vài giờ đã khô cạn, chân ruộng không còn một giọt nước cho chim uống”. Giải thích về tình trạng thiếu nước ở cánh đồng này, ông Bình phân tích: “Mặt bằng đồng ruộng san ủi trên vùng đất sạn ruồi nên khả năng tích nước ở các chân ruộng rất kém. Để chân ruộng giữ nước, người dân cần phải đầu tư cải tạo đất, nhưng họ lại thiếu tiền. Kế hoạch tưới luân phiên là hợp lý, nếu như cho nước chảy khắp các cánh đồng thì sẽ không ép được nước lên những chân ruộng cao. Hiện nay, trạm bơm chỉ chạy một máy, nếu chạy hai máy sẽ đủ nước tưới cho 22 ha, nhưng dòng chảy suối EaTrol không đủ nước cung cấp cho 2 máy hoạt động”. Theo ông Bình, để toàn bộ diện tích hơn 55 ha đã san ủi thành đồng ruộng được trồng lúa nước, trước tiên huyện nên đầu tư đập dâng tích nước cho trạm bơm và xây dựng hệ thống kênh tưới đến từng chân ruộng. Đồng thời, huyện cần đẩy mạnh công tác khuyến nông.
Việc hàng chục ha “nằm” chờ nước mấy năm liền là lãng phí, trong khi người dân cần đất để sản xuất. Hơn nữa, công suất nhà máy (3 máy) chỉ hoạt động 1/3 so với thiết kế cũng là lãng phí. Huyện Sông Hinh cần sớm đầu tư để toàn bộ diện tích đồng ruộng được sản xuất lúa nước, phát huy hiệu quả của dự án”.
ĐỨC THÔNG – NGUYÊN LƯU