Thứ Bảy, 28/09/2024 22:37 CH
Chủ tịch Hồ Chí Minh với Cách mạng tháng Mười
Thứ Hai, 05/11/2007 11:17 SA

071105-lenin.jpgChủ tịch Hồ Chí Minh biết về Cách mạng tháng Mười lúc ở Paris (bấy giờ Người lấy tên Nguyễn Ái Quốc). Cách mạng tháng Mười cùng với “Sơ thảo luận cương về các vấn đề dân tộc và thuộc địa” của Lê-nin mà Người đã được đọc vào tháng 7/1920 đã đến với Người như một ánh sáng kỳ diệu, nâng cao về chất tất cả hiểu biết và tình cảm cách mạng mà Người hằng nung nấu. Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, Cách mạng tháng Mười gắn với Lê-nin và chủ nghĩa Mác – Lê-nin. Từ khi tiếp xúc với lý tưởng Cách mạng tháng Mười, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có nhiều bài viết, bài nói đề cập đến nhiều khía cạnh: diễn biến của Cách mạng tháng Mười, tính chất, ý nghĩa, ảnh hưởng, bài học đối với cách mạng thế giới và cách mạng Việt Nam v.v… Tính từ bài Đông Dương (viết năm 1921) đến bài “Trả lời phỏng vấn phóng viên báo Nhân đạo” (Pháp) ngày 15/7/1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có gần 50 lần trực tiếp phát biểu ý kiến của mình về Cách mạng tháng Mười.

 

Nếu Lê-nin khẳng định: “Cách mạng tháng Mười là cái mốc mở đầu thời đại mới trong lịch sử nhân loại”, thì ở giác độ một chiến sĩ đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân, giải phóng dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhìn thấy “Cách mạng tháng Mười đã chặt đứt xiềng xích của chủ nghĩa đế quốc, phá tan cơ sở của nó, và giáng cho nó một đòn trí mạng.

 

Cách mạng tháng Mười như tiếng sét đã đánh thức nhân dân châu Á, mở ra trước mắt họ thời đại cách mạng chống đế quốc, thời đại giải phóng dân tộc”.

 

Cách mạng tháng Mười là một trong những tiền đề để Chủ tịch Hồ Chí Minh tìm ra con đường cứu nước đúng đắn. Trong bài giảng cho lớp cán bộ tiền bối của Đảng ta (sau này được tập hợp trong ấn phẩm Đường Cách mệnh), Người khẳng định: “Trong thế giới bây giờ chỉ có cách mạng Nga là thành công và thành công đến nơi, nghĩa là dân chúng được hưởng tự do, bình đẳng, hạnh phúc thực sự. Cách mạng Nga đã đuổi được vua, tư bản, địa chủ rồi, lại còn ra sức giúp cho công nông các nước và dân bị áp bức các thuộc địa làm cách mệnh để đạp đổ tất cả đế quốc chủ nghĩa và tư bản chủ nghĩa trong thế giới”.

 

Xác định con đường cứu nước đúng đắn cho nhân dân ta là đóng góp to lớn đầu tiên của Chủ tịch Hồ Chí Minh với dân tộc, giải quyết sự khủng hoảng về đường lối của phong trào yêu nước chống Pháp vào đầu thế kỷ XX. Con đường cứu nước, giải phóng dân tộc Việt Nam theo lý tưởng Cách mạng tháng Mười mà Hồ Chí Minh đã lựa chọn không phải chỉ có ý nghĩa quyết định sự thắng lợi của cách mạng Việt Nam, mà còn có ý nghĩa cho nhiều dân tộc khác, như Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã viết trong tác phẩm “Góp phần tìm hiểu tư tưởng Hồ Chí Minh” như sau: “Trong khi chối từ con đường đau khổ của chủ nghĩa tư bản, họ có thể nghiên cứu tìm thấy trong Tư tưởng xã hội chủ nghĩa của Hồ Chí Minh một hướng đi thích hợp cho sự lựa chọn của mình”. Thực tế là, từ sau Cách mạng tháng Mười, thế giới có nhiều biến đổi sâu sắc, mà sự ra đời của các nước xã hội chủ nghĩa, các nước độc lập dân tộc, và cuộc đấu tranh tiến tới một thế giới hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội là đặc trưng của thời đại.

 

Những bài học lớn của Cách mạng tháng Mười như việc thực hiện được liên minh công nông và mặt trận dân tộc thống nhất rộng rãi, việc dùng bạo lực cách mạng chống bạo lực phản cách mạng giành chính quyền và bảo vệ chính quyền, về việc kết hợp lòng yêu nước với tinh thần quốc tế vô sản v.v… đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh học tập và vận dụng một cách sáng tạo vào cách mạng nước ta, cách mạng ở một nước thuộc địa, nửa phong kiến, giải phóng dân tộc và đi lên chủ nghĩa xã hội.

 

Kỷ niệm lần thứ 90 Cách mạng tháng Mười, nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh về Cách mạng tháng Mười, về con đường mà vị lãnh tụ vĩ đại và Đảng ta đã lựa chọn trong gần một thế kỷ qua, từ những thắng lợi trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, và 20 năm đổi mới, mỗi người chúng ta càng thêm tự hào, tin tưởng tiếp tục con đường mà 90 năm trước Lê-nin và Cách mạng tháng Mười đã mở ra, nỗ lực góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân ta phấn đấu đạt nhiều thắng lợi lớn hơn nữa trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN, thực hiện mục tiêu: dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.  

 

BẰNG TÍN

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek