Cách đây 90 năm, ngày 7/11/1917, giai cấp công nhân, nhân dân lao động Nga, dưới sự lãnh đạo của Đảng Bôn-sê-vích Nga do V.I.Lê-nin đứng đầu, tiến hành thắng lợi Cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng Mười, khai phá con đường cho nhân loại đi tới tương lai, mở ra thời đại lịch sử mới - thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội trên phạm vi toàn thế giới.
Bản chất và giá trị nhân văn của Cách mạng Tháng Mười là ở chỗ, đó là cuộc cách mạng đưa nhân dân lao động lên làm chủ; lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại, giai cấp công nhân và nhân dân lao động, những người bị áp bức, bóc lột đã vươn lên làm chủ, giành chính quyền về tay mình, đứng ra tổ chức, cai quản và xây dựng xã hội mới. Khí thế hào hùng của Cách mạng Tháng Mười là khí thế hào hùng của tinh thần cách mạng quật khởi của công nông và binh lính, của các tầng lớp nhân dân lao động Nga, quyết đứng lên phá bỏ mọi áp bức, bóc lột, giành chính quyền về tay mình. Sự phát triển tất nhiên của cuộc cách mạng như thế là quyền lực chính trị-xã hội thuộc về nhân dân lao động. “Dân là chủ” đối với giai cấp công nhân và nhân dân lao động Nga mới thực sự có ý nghĩa từ đây và trở thành mệnh đề có sức hấp dẫn, nguồn cổ vũ lớn lao đối với nhân loại tiến bộ trên con đường đấu tranh nhằm xoá bỏ mọi áp bức, bóc lột, bất công, vì tự do, hạnh phúc của mình.
Thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười và những cống hiến của V.I.Lê-nin trong hoạt động lý luận và thực tiễn đã giải quyết một loạt vấn đề lý luận mới của cách mạng vô sản trong thời đại mới. Đó là các vấn đề về cách mạng vô sản ở một nước thuộc địa, phải lấy công nông làm nòng cốt, do Đảng của giai cấp công nhân lãnh đạo; vấn đề về xây dựng Đảng kiểu mới của giai cấp công nhân; vấn đề lực lượng và phương pháp tiến hành cách mạng vô sản; vấn đề xây dựng nhà nước chuyên chính vô sản, bảo đảm quyền lực thuộc về nhân dân; vấn đề phát huy quyền làm chủ của nhân dân lao động trong xây dựng, bảo vệ chính quyền và chế độ xã hội mới...
Gần tám thập kỷ qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác; sự nghiệp đổi mới đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa của nhân dân ta tiếp tục phát triển, đạt được những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử trên tất cả các lĩnh vực. Theo tư tưởng của Cách mạng Tháng Mười, Đảng ta luôn phấn đấu bảo đảm và không ngừng phát huy quyền làm chủ của nhân dân, coi đó là yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, là sự nối tiếp những thành quả của Cách mạng Tháng Mười và của Cách mạng Tháng Tám, là đòi hỏi từ trong sâu xa bản chất của chính các cuộc cách mạng này đối với chúng ta hiện nay. Đại hội X của Đảng Cộng sản Việt
Lý tưởng của Cách mạng Tháng Mười và yêu cầu của sự nghiệp đổi mới đòi hỏi Đảng, Nhà nước ta phải tôn trọng và phát huy hơn nữa quyền làm chủ của nhân dân; phải đẩy mạnh “Xây dựng một xã hội dân chủ, trong đó cán bộ, đảng viên và công chức phải thực sự là công bộc của nhân dân”. Phát huy quyền làm chủ không phải là câu khẩu hiệu mà là một hành động cách mạng; không phải là lý thuyết mà là cuộc sống hiện thực. Mọi biểu hiện vi phạm dân chủ, dân chủ hình thức, lợi dụng dân chủ phục vụ cho ý đồ cá nhân đều là trái với bản chất của chế độ dân chủ trong xã hội ta, đều là sự phản bội lý tưởng cao đẹp của Cách mạng Tháng Mười.
Tình trạng quan liêu, tham nhũng, hách dịch, cửa quyền, ức hiếp nhân dân ở một bộ phận cán bộ, đảng viên trong xã hội ta hiện nay cần phải kiên quyết đấu tranh khắc phục, loại trừ. Sự phát triển của tệ tham nhũng và sự kém hiệu quả trong đấu tranh chống tệ nạn này là một nguyên nhân quan trọng làm suy giảm lòng tin của quần chúng nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, vào bản chất tốt đẹp của chế độ mới. Đảng ta nhấn mạnh: “Tích cực phòng ngừa và kiên quyết chống tham nhũng, lãng phí là đòi hỏi bức xúc của xã hội, là quyết tâm chính trị của Đảng ta, nhằm xây dựng một bộ máy lãnh đạo và quản lý trong sạch, vững mạnh, khắc phục một trong những nguy cơ lớn đe doạ sự sống còn của chế độ ta”.
Đã đến lúc chúng ta cần phải “Xử lý kiên quyết, kịp thời, công khai những người tham nhũng, bất kể ở chức vụ nào, đương chức hay đã nghỉ hưu”. Đẩy mạnh hơn nữa cải cách hành chính, xây dựng bộ máy nhà nước trong sạch, vững mạnh, thực hiện tốt cơ chế bảo đảm quyền làm chủ, “làm cho bộ máy của chúng ta trong sạch đến tột mức” và vận hành vì chúng ta, vì hạnh phúc của nhân dân lao động, như V.I.Lê-nin đã từng dạy.
Nhân dân lao động cảm nhận quyền làm chủ của mình một cách rất cụ thể, sinh động không chỉ bằng chủ trương, chính sách, mà điều quan trọng là ở đời sống hiện thực của chính họ. Mọi quyền lợi của họ đều được tôn trọng, bảo đảm; công sức lao động của họ không bị ai ăn chặn, họ được sống tự do, hạnh phúc, được làm giàu trong một xã hội công bằng, dân chủ và văn minh. Nguyện vọng chính đáng đó của nhân dân cũng là mục tiêu phấn đấu của Đảng Cộng sản Việt Nam, thể hiện sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh về con người và giải phóng con người, phản ánh bản chất tốt đẹp của chế độ xã hội chủ nghĩa theo lý tưởng của Cách mạng Tháng Mười.
PGS,TS NGUYỄN MẠNH HƯỞNG