Thứ Hai, 14/10/2024 21:23 CH
Những người giữ biển đảo giữa phong ba:
Kỳ 1: Giữa muôn trùng sóng gió
Thứ Bảy, 12/03/2016 17:29 CH

Lên đường nhập ngũ ở tuổi đôi mươi, những người con Phú Yên nhận lệnh ra Trường Sa và sẵn lòng hy sinh để bảo vệ biển đảo, bảo vệ đất nước. Trong trận Gạc Ma, hai chiến sĩ quê Phú Yên vĩnh viễn nằm lại trong lòng biển thẳm, hòa máu đỏ cùng đồng đội dựng cột mốc chủ quyền. Những người trở về đã sống trọn tình trọn nghĩa, thắp sáng niềm tự hào lính Trường Sa.

 

Kỳ 1: Giữa muôn trùng sóng gió

 

“Anh em chúng tôi xác định: Đã mặc áo lính thì phải hy sinh để bảo vệ đảo, bảo vệ đất nước; phải giữ đảo cho tương lai con cháu sau này”, cựu chiến binh Trường Sa Nguyễn Hùng Lâm ở phường 3 (TP Tuy Hòa) nói rất giản dị.

 

Cựu chiến binh Trường Sa Đinh Văn Thế kể về ca phẫu thuật cắt ruột thừa trên đảo Trường Sa Lớn (ảnh trái) và tấm ảnh lính đảo Sinh Tồn chụp ảnh lưu niệm (ảnh phải)

 

LÍNH ĐẢO KHÁT MƯA

 

Theo anh Đào Thái Thi, thành viên Ban Liên lạc Cựu chiến binh Trường Sa tại Phú Yên, chỉ tính trong thập niên 1980, Phú Yên có gần 700 cựu chiến binh Trường Sa. Ban Liên lạc đã kết nối khoảng 300 anh em ở các nơi trong tỉnh, họp mặt vào ngày 14/3 hàng năm.

Nhắc đến quãng thời gian làm nhiệm vụ thiêng liêng trên quần đảo Trường Sa vào thập niên 1980, nhiều cựu chiến binh không khỏi cay mắt. Ký ức về những tháng năm thiếu thốn từ vật chất cho đến tinh thần nhưng cũng vô cùng ý nghĩa lại hiện rõ mồn một.

 

Hơn 3 năm chắc tay súng cùng đồng đội bảo vệ đảo Sinh Tồn, pháo thủ Nguyễn Hùng Lâm có những trải nghiệm khó quên mà mỗi khi nhắc lại, giọng anh chùng xuống vì xúc động. “Mùa nắng có cái khổ của mùa nắng; mùa mưa có nỗi cực của mùa mưa. Nước thiếu triền miên trong mùa nắng, mỗi người lính được phát một lít nước dùng trong một ngày. Vì vậy, muốn tắm thì mình phải xuống biển tắm nước mặn trước, sau đó lấy khăn nhúng vô nước ngọt, lau người. Quần áo thì một tuần giặt một lần; nước giặt xong được tận dụng để tưới rau. Còn muốn giặt mùng màn, phải đợi tới… mùa mưa. Lính cũ đã quen với việc dè xẻn nước để dùng, còn lính mới chẳng biết làm sao với số nước ít ỏi đó”, anh Lâm kể.

 

Nước ngọt trên đảo được dành dụm, tích trữ từ nước mưa, cho nên những cơn mưa đối với lính đảo là vô cùng quý giá. Anh Nguyễn Hồng Trung, người đã làm nhiệm vụ trên đảo Nam Yết suốt 27 tháng, nhớ lại: “Khi mùa mưa sắp đến, anh em xây hồ chứa nước để dùng. Cơn mưa đầu mùa kéo dài 6, 7 tiếng đồng hồ, hạt nào hạt nấy to như viên sỏi”. Khi hồ chứa đầy nước, lính đảo xách nước chuyển đến nơi khác, để dành. Công việc đơn giản này cũng trở thành kỷ niệm. “Xách nước trong mưa vẫn phải mặc áo, vì hạt mưa to, xoáy vào da rất đau”, anh Trung kể.

 

Mùa mưa có nước ngọt, song những cơn bão cứ rập rình. Trong thời gian làm nhiệm vụ trên đảo Sinh Tồn, anh Lâm đã chứng kiến nhiều cơn bão quét qua hòn đảo. Anh kể: “Ngoài đảo trống trơn, đâu có gì che chắn. Doanh trại lúc đó là nhà lắp ghép, trụ bằng sắt, chung quanh dừng bồ cót. Mỗi lần bão quét qua, doanh trại sập. Bão tan, anh em mỗi người một tay dựng lại”.

 

Cựu chiến binh Trường Sa thắp nén hương tưởng niệm 64 liệt sĩ hy sinh ở Gạc Ma để thả ra cửa sông Đà Nông - Ảnh: N.LƯU

 

CA MỔ KHÔNG THỂ NÀO QUÊN

 

 Làm nhiệm vụ trên đảo Trường Sa Lớn trong 37 tháng, anh lính pháo binh Đinh Văn Thế (ở phường 9, TP Tuy Hòa) có một kỷ niệm không thể nào quên về lần phẫu thuật vào tháng 3/1988. Anh kể: “Tôi bị đau bụng và xây xẩm, đến trạm xá khám mới biết viêm ruột thừa, phải mổ. Vấn đề là lúc đó trạm xá không có thuốc gây mê, gây tê. Đồng đội xúm lại, một người đè trên ngực, bốn người giữ tay chân tôi để bác sĩ chuẩn bị mổ “chay”. Tôi vừa đau vừa sợ, quẫy đạp và bung dậy, bỏ chạy. Anh em chạy theo “bắt” lại, cột chặt tay chân tôi vô chân bàn để cho bác sĩ mổ cắt ruột thừa”.

 

Ai cũng có thể hình dung nếu không có thuốc gây mê, gây tê thì bệnh nhân sẽ trải qua cảm giác đau đớn như thế nào khi phẫu thuật. Nhưng trong tình thế đó, không còn cách nào khác! Nếu không phẫu thuật kịp thời, ruột thừa có thể vỡ và dẫn đến nhiễm trùng, nguy hiểm tính mạng. Sau khi trải qua ca mổ nhớ đời, anh Thế không bao giờ quên ơn bác sĩ quân y Trần Văn Phụng - người đã dùng dao… lam, tiệt trùng trong nồi nước sôi quân dụng để mổ cắt ruột thừa cho anh, dưới ánh sáng của đèn quan sát pháo 37mm!

 

Có một sự cố xảy ra khi bác sĩ Trần Văn Phụng đang phẫu thuật cho anh Thế, mà cựu bệnh nhân này không còn nhận biết được trong giây phút đó: Đang mổ thì đột nhiên đèn tắt ngấm. Bác sĩ Phụng phải nhờ chỉ huy đơn vị huy động gần 20 cây đèn pin, rọi vào để tiếp tục ca mổ. Vị bác sĩ quê ở Hưng Yên nói rằng rất may là khi đèn tắt, các mạch máu đã được kẹp xong, nếu không bệnh nhân sẽ gặp nguy hiểm vì mất máu.

 

Anh Đinh Văn Thế là người đầu tiên được phẫu thuật cắt ruột thừa trên đảo Trường Sa Lớn. Và đó cũng là ca mổ ruột thừa đầu tiên trong cuộc đời làm nghề của bác sĩ Trần Văn Phụng, ngay trong ngày đầu tiên ông đặt chân lên hòn đảo này. Ca phẫu thuật đó trở thành kỷ niệm không thể nào quên trong 4 năm ông làm bác sĩ của lính đảo, và càng không thể quên đối với cựu bệnh nhân Đinh Văn Thế. Có lẽ vì vậy mà dù đã phục viên và gắn bó với Trạm Y tế xã Mễ Trì (TP Hà Nội), bác sĩ Trần Văn Phụng vẫn nhớ người lính pháo binh trên đảo năm nào. “Thỉnh thoảng bác sĩ Phụng vẫn gọi điện hỏi thăm, tôi rất cảm động”, anh Thế chia sẻ.

 

“SỐNG THÌ CÙNG GIỮ ĐẢO”

 

Làm nhiệm vụ giữa bốn bề là biển, cách đất liền hàng trăm hải lý, trong điều kiện khó khăn, thiếu thốn trăm bề song những người lính Trường Sa ngày ấy vẫn lạc quan và tìm cho mình niềm vui nho nhỏ sau giờ trực chiến. Anh Nguyễn Hùng Lâm kể: “Mùa nắng, sau giờ trực chiến, anh em đi câu, thả lưới bắt cá để cải thiện bữa ăn. Nhớ nhất là những mùa trăng. Anh em cắt ống vỏ đạn DZK để pha trà, nấu đậu xanh đem xuống giao thông hào. Ba, bốn người ngồi bên nhau chuyện trò”.

 

Trên đảo chưa có điện. Đơn vị dùng máy nổ phát điện, ưu tiên cho nhiệm vụ thông tin liên lạc. Lính đảo cắt lon sữa bò, lon thịt hộp làm thân đèn, lấy vải vụn làm tim đèn, thắp lên. Và họ làm bạn với ánh trăng trong những đêm trực chiến cũng như lúc ngồi bên nhau dưới giao thông hào, chia sẻ nỗi nhớ gia đình, nỗi nhớ đất liền xa hun hút.

 

Theo anh Nguyễn Hùng Lâm, trong một năm thường có 3 chuyến tàu ra đảo: chuyến thứ nhất chở hàng ra đảo vào tháng 4, tháng 5; chuyến thứ hai ra đảo dịp 2/9; chuyến thứ ba mang quà tết. Thư đi thư về qua những chuyến tàu đó. Anh Lâm kể: “Mỗi khi tàu ra đảo, anh lính nào chưa nhận được thư người yêu, nhìn mặt là biết liền. Gương mặt ảnh sầu héo. Để bạn không chạnh lòng, anh em xúm lại động viên: Chắc cô nàng ở nhà bận lo công việc, không có thời gian viết thư. Thư của mình, nếu riêng tư thì không đọc, còn không liền đọc cho anh em trong đơn vị cùng nghe”.

 

Ngày đêm canh giữ đảo giữa đại dương xa hút đất liền, những người lính Trường Sa có phút giây nào nghĩ đến cái chết và chùn bước? Cựu chiến binh Lê Thành Sương ở xã Bình Ngọc (TP Tuy Hòa), người có hơn 3 năm làm nhiệm vụ trên đảo Trường Sa Lớn, mỉm cười: “Nhiệm vụ của chúng tôi là giữ đảo, cho dù có bất cứ chuyện gì xảy ra!”. Còn cựu chiến binh Nguyễn Hùng Lâm nói rất giản dị: “Nếu ở trên rừng thì còn có chỗ trú ẩn khi xảy ra chiến sự, chớ ngoài đảo chung quanh là biển, trú ẩn ở đâu? Anh em chúng tôi xác định: Sống thì cùng giữ đảo, và đã mặc áo lính thì phải hy sinh để bảo vệ đảo, bảo vệ đất nước; phải giữ đảo cho tương lai con cháu sau này”.

 

Kỳ 2: Dùng máu dựng cột mốc chủ quyền

 

Ký sự dự thi của PHƯƠNG TRÀ

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Đi qua Hố Ếch
Thứ Năm, 03/03/2016 14:00 CH
Lão ngư can trường với đại dương
Thứ Bảy, 27/02/2016 08:30 SA
Ma Tin hiến đất xây trường
Thứ Sáu, 19/02/2016 09:53 SA
Một trinh sát nhiệt huyết với nghề
Thứ Bảy, 30/01/2016 10:00 SA
Bài cuối: Nỗ lực đi tìm tri thức
Thứ Bảy, 09/01/2016 13:00 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek