Thứ Hai, 14/10/2024 23:28 CH
Băng qua “bóng tối” cuộc đời
Bài cuối: Nỗ lực đi tìm tri thức
Thứ Bảy, 09/01/2016 13:00 CH

Nguyễn Khắc Thạo cùng mẹ vui với thành tích học tập - Ảnh: V.HOÀNG

“Có hề gì khi không có đôi chân/ Lòng tôi vẫn luôn dạt dào cảm nhận/ Dù đôi mắt là bóng đêm tĩnh lặng/ Có hề gì, khi ánh nắng đầy tim…” (trang Facebook của Mầm xanh hy vọng). Mơ ước được vào đại học thành hiện thực với những chàng trai tật nguyền để rồi giờ đây họ là những cử nhân, kỹ sư… Đam mê và nỗ lực không ngừng, Dũng, Y Cư, Thạo từng ngày khẳng định mình là người khuyết tật hữu ích.

 

XUA BÓNG TỐI BẰNG NIỀM TIN

 

Qua điện thoại, tôi hẹn gặp Nguyễn Khắc Thạo (SN 1995). Em chỉ đoạn đường đến nhà mình nơi vùng kinh tế mới Nguyên Cam, xã Sơn Nguyên (huyện Sơn Hòa) rồi bảo rằng em sẽ mặc áo trắng và đứng trước đường để chờ tôi. Nghe tiếng xe dừng trước ngõ, Thạo đón khách bằng nụ cười thân thiện, song ánh mắt của em nhìn tôi không trực diện. Tôi chợt lặng người xen lẫn niềm xót xa.

 

Buổi chiều trong ngôi nhà mái ngói mát mẻ nằm giữa đồi mía, cậu bé bị bong võng mạc bẩm sinh và mẹ em tiếp chuyện chúng tôi trong sự cởi mở chân tình. Thạo bảo: “Em nhìn vào vật nào cũng chỉ thấy được chừng 5cm chiều cao. Có nghĩa là khi áp sát sách, vở vào mắt, em chỉ thấy được vài dòng chữ, và cũng chỉ nhìn được một mắt, mắt còn lại coi như bỏ. Cũng bởi dị tật về mắt mà việc đi đứng của em rất khó khăn. Từ nhỏ đến giờ em bị té nhiều lần, nhất là khi trời chập choạng tối”.

 

Sự khiếm khuyết ấy không làm mất đi niềm tin và sự nỗ lực trong Thạo. Bởi vậy, từ khi học mẫu giáo đến năm lên 12, em luôn là học sinh giỏi của trường, đạt học sinh giỏi cấp tỉnh lớp 9 môn Hóa. Trong những năm học cấp 3 ở Trường THPT Phan Bội Châu tại thị trấn Củng Sơn, mỗi ngày em vượt hơn 10 cây số để đến trường. Thạo cho biết, vì ba mẹ bận bịu với việc mưu sinh nên phần lớn em nhờ bạn bè chở bằng xe đạp. Trong lớp, em được ngồi đầu bàn nhưng cũng chỉ nhìn thấy thầy cô mờ nhạt, còn nhìn lên bảng thì chẳng thấy gì cả. Nghe những gì giáo viên giảng, em ghi chép và hỏi thêm bạn bè.

 

Thạo không có điều kiện để học thêm, kể cả năm học cuối cấp. Song thật bất ngờ khi thi tốt nghiệp THPT, em đạt điểm cao nhất trường. Mẹ Thạo, bà Phan Thị Phượng xúc động nói: “Lúc con đi xem điểm về, tôi có hỏi trường con ai điểm cao nhất thì nó nói: “Con đó mẹ à, đạt 49 điểm”. Tôi bất ngờ đến bật khóc khi con trai khuyết tật của mình đạt thủ khoa, trong tổng số hơn 450 học sinh khối 12 của trường năm ấy”. Mẹ em nghẹn ngào nói tiếp: “Hồi Thạo được mười mấy tháng, tôi đưa con vào bệnh viện ở TP Hồ Chí Minh nhưng bác sĩ không dám mổ. Họ bảo là nếu mổ vào thì mù luôn, không còn thấy đường đi. Tôi hoảng quá, đành đưa con về nhà”.

 

Tiếp đến khi thi vào đại học, Thạo chọn thi vào các trường ở TP Hồ Chí Minh bởi người anh trai của Thạo cũng đang học ở đó, có thể giúp đỡ em. Thạo thi hai trường đều đỗ cả hai và em quyết định chọn Trường đại học Ngân hàng. Vậy là từ việc chỉ quanh quẩn bên những con đường nhỏ nơi phố núi, Thạo đã “cất cánh” bay cao vào tận thành phố đông đúc để tiếp tục sự học của mình.

 

Khuôn mặt sáng, hiền hậu, lại ăn nói nhỏ nhẹ, Thạo thổ lộ: “Em học có khi ở tầng 5, lúc lại ở tầng 10, đi lại rất khó khăn. Mọi sinh hoạt ở trong đó bất tiện, nhưng em luôn tự nhủ mình phải cố gắng. Đôi khi em thấy nản vì khó khăn về nhìn, vả lại lên đại học, nhiều thầy cô giảng nhanh, đòi hỏi về nhà phải nghiên cứu kỹ bài”. Vượt qua tất cả, hai năm học qua, Thạo đạt điểm số trung bình đáng khích lệ, trên 7.0, xếp loại khá. Cậu sinh viên năm thứ ba này đang rất tự tin trên con đường học vấn. Tuy chưa biết tương lai sẽ như thế nào, song hiện Thạo vẫn luôn cầu tiến bằng cách cố gắng học ngành mình ưa thích. Em bảo, so với nhiều người khiếm thị khác, em vẫn còn cơ may để nhìn ánh sáng của cuộc đời.

 

Cao Việt Dũng (trái) trao đổi với người khuyết tật tại địa phương để tìm cách giúp họ phát triển kinh tế - Ảnh: V.HOÀNG

 

 CỬ NHÂN KPÁ Y CƯ

Cách đây mấy tháng, người dân thôn Kiến Thiết, xã Ea Chà Rang (huyện Sơn Hòa) bầu lại trưởng thôn với điều kiện người đảm nhận phải tốt nghiệp THPT. Và KPá Y Cư đã đảm nhận nhiệm vụ này. Năm ngoái, ở tuổi 28, anh tốt nghiệp đại học ngành Quản trị kinh doanh. Điều này rất đáng ghi nhận đối với người thanh niên khuyết tật.

 

Năm 2004, đang học lớp 11, Y Cư bị tê nhức, sau đó một năm thì bị liệt nằm một chỗ do chứng viêm đa dây thần kinh. Gia đình đưa Y Cư đi điều trị tại Bệnh viện Đa khoa huyện Sơn Hòa và một số thầy thuốc tư. Nghe ai bảo cách gì, thì Mí Cư, mẹ Y Cư đều áp dụng theo với mong muốn con mau khỏi bệnh. Hết uống thuốc nam rồi đến dùng thuốc bắc, qua một thời gian, cơ thể Y Cư phục hồi dần nhưng chân thì rất yếu, đi đứng khó khăn. Đến năm 2007, Y Cư có thể đi lại được và tiếp tục xuống thị trấn Củng Sơn, cách nhà 15 cây số để học bổ túc lớp 11.

 

Sau khi tốt nghiệp THPT, Y Cư thi vào đại học, ngành Quản trị kinh doanh tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên Phú Yên ở TP Tuy Hòa. Và đến tháng 3/2014, anh tốt nghiệp khóa học. Hành trình vượt hơn 120 cây số đi - về mỗi ngày để tìm đến tri thức của Y Cư mới nghe qua thật khó tin. Y Cư bảo: “4 giờ sáng em dậy, nấu cơm ăn rồi cùng với một người bạn đi xe máy hơn 60 cây số để đến trường, chiều tan học lại trở về nhà. Hôm nào thời tiết xấu thì tụi em ở trọ lại gần trường. Thường những khi trái gió trở trời, cơ thể em đau nhức cả đêm, không đi đứng được”.

 

Chi phí cho việc học của Y Cư cũng tốn kém nhiều. Qua 9 kỳ đi học, ngoài tiền bố mẹ hỗ trợ, Y Cư phải vay 20 triệu đồng để tiếp tục học. Y Cư bảo, cố gắng học xong đã là một quá trình đầy vất vả, nhưng khó nhất vẫn là có được một việc làm ổn định tại địa phương. “Em đã gửi đơn xin việc lên UBND xã Ea Chà Rang với mong ước được làm việc văn phòng nhưng chờ mãi không có suất. Mấy tháng nay em đảm nhận vai trò Trưởng thôn Kiến Thiết và đang cố gắng làm tốt nhiệm vụ”.

 

CHẮP CÁNH

 

Vượt qua nhiều trở ngại, Cao Việt Dũng ở xã Hòa An (huyện Phú Hòa) tốt nghiệp đại học ngành Công nghệ thông tin với tấm bằng khá trước sự xúc động và khâm phục của gia đình, người thân. Ra trường, Dũng ở lại TP Hồ Chí Minh hợp tác làm việc với một công ty tư nhân, công việc chính là lập trình. Dũng thích môi trường làm việc ở đó nhưng rồi anh nghĩ: Mình khuyết tật, khó mà bám trụ lâu dài khi xa gia đình. Năm 2012, Dũng về lại Phú Yên.

 

Về quê, điểm đến mà anh thích nhất là các tổ chức xã hội, cứu trợ. Dũng ước mơ có một công việc phù hợp với sức khỏe, trình độ học vấn và đặc biệt muốn tạo điều kiện giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn hơn. Hiện Dũng đã có việc làm tại Hội Người khuyết tật xã Hòa An. Ngoài giờ làm, Dũng thích những hoạt động từ thiện đem niềm vui đến cho mọi người. Anh đã vài lần tham gia Chương trình Đom đóm thắp sáng tương lai Phú Yên cùng nhóm thanh niên thiện nguyện để giúp trẻ em hiếu học có hoàn cảnh không may mắn. Dũng đang ấp ủ nguyện vọng thực hiện hai phần việc: Thành lập cơ sở sản xuất xe lăn điện (4 bánh) mà anh đã thiết kế, đồng thời mở đại lý bán vé số để tạo việc làm cho người khuyết tật. Theo Dũng, chi phí sản xuất và giá thành một chiếc xe lăn do anh thiết kế chỉ bằng 1/5 giá thị trường. Anh mong có nhà tài trợ để giúp anh thực hiện nguyện vọng này.

 

Đứng ngoài “cộng đồng” người khuyết tật, chúng ta thường nghĩ họ khó hòa nhập với xã hội hiện đại. Tôi cũng đã từng nghĩ như vậy, nhưng nay thì đã có cái nhìn khác. Họ tật nguyền nhưng có thể tự tin bước về phía trước bằng đôi chân không lành lặn. Và hơn thế, họ còn dang tay dìu những người đồng cảnh ngộ, những người khốn khó cùng vào đời. Hầu hết người khuyết tật đều biết yêu thương con người, chăm chỉ lao động và sống lương thiện. Đó là biểu hiện ý chí, là nghị lực sống bền bỉ không ngừng khi họ được yêu thương, được động viên khích lệ từ gia đình và xã hội.

 

Ở đó, tôi còn nhận ra rằng người khuyết tật chỉ có thể thành công khi luôn có ước mơ, khát vọng sống, có niềm tin trong quá trình hành động và sáng tạo. Khi bản thân họ nỗ lực không ngừng thì xã hội nhìn vào khả năng chứ không phải là sự khiếm khuyết của họ.

 

Để được hòa nhập, tham gia bình đẳng vào mọi lĩnh vực, người khuyết tật phải vượt qua biết bao rào cản… Một sự giúp đỡ về vật chất hay tinh thần sẽ là cơ hội để người khuyết tật phát triển năng lực sẵn có, từ đó trở thành những lao động tốt, những tài năng sáng tạo. Và họ sẽ giúp lại cho những người đồng cảnh ngộ, góp phần cùng cộng đồng phát triển xã hội. Ví như, dưới sự tác động của Chương trình Phát triển toàn diện cho người khuyết tật ở Phú Yên trong 9 năm qua tại 9 xã, đã có hơn 400 người khuyết tật vượt qua những trở ngại cá nhân, phát triển kinh tế, vươn lên hòa nhập cộng đồng, tăng niềm vui sống.

 

Ông Hồ Sỹ Quảng, Trưởng đại diện Ủy ban Y tế Hà Lan - Việt Nam tại miền Trung

 

THU THỦY - TUYẾT DIỆU

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek